Việc gọi 30/4 là “Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” thực sự có nhiều vấn đề – cả về pháp lý, lịch sử lẫn tính nhân văn.

lamhyy765

Xàm 0 Lít
Về mặt pháp lý, ngày 30/4/1975 là thời điểm quân đội của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tiền thân là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) tiến vào Sài Gòn, lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, đó chỉ đánh dấu sự sụp đổ của một chính thể – không phải là sự thống nhất quốc gia. Phải gần một năm sau, ngày 25/4/1976, kỳ họp Quốc hội mới chính thức hợp nhất hai nhà nước – Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như ngày nay.

Nói cách khác, 30/4 không phải là ngày thống nhất đất nước. Nếu muốn kỷ niệm ngày thống nhất, ngày 25/4 mới là ngày chính xác. Và nếu tính thêm biến cố Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 – một phần lãnh thổ bị mất – thì gọi 30/4 là giải phóng “hoàn toàn” hay thống nhất “toàn vẹn lãnh thổ” cần được cân nhắc lại một cách nghiêm túc.

“Thống nhất đất nước” – nếu có – cũng mới dừng ở mức lãnh thổ (và đó là nếu bỏ qua việc Hoàng Sa đã bị mất). Về mặt xã hội, tâm lý, văn hóa, nhận thức... cho đến tận hôm nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự liền một khối. Những đường ranh Bắc – Nam vẫn tồn tại, âm ỉ và dai dẳng. Gọi “thống nhất” như thể thực trạng ấy không tồn tại chẳng khác nào tự dối mình.

Còn với "giải phóng", từ này là một gán nhãn chính trị mang tính đơn phương. Nó mặc định rằng toàn bộ dân chúng miền Nam trước 1975 sống trong áp bức, nô dịch – và rằng chế độ Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn bất chính. Nhưng từ năm 1973, Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam, và bản chất cuộc chiến không còn là "kháng chiến chống Mỹ" nữa mà là người Việt đánh người Việt. Như bất kỳ xã hội nào, miền Nam cũng bao gồm những người ủng hộ, người phản đối, và đa số chỉ mong sống yên ổn. Gán nhãn "giải phóng" cho toàn bộ miền Nam là xóa nhòa thực tại đa dạng, biến lịch sử thành câu chuyện một chiều, loại bỏ tiếng nói của những người sống trong nó.

30/4 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhưng đó không phải một cái kết trọn vẹn. Đó là khởi đầu cho một chương bi kịch mới – khi người Việt đàn áp người Việt, vết thương dân tộc được khâu lại bằng vũ lực thay vì đối thoại. Hàng triệu người vượt biên vì bị chế độ mới chèn ép, hàng trăm nghìn cái chết trên biển, hàng loạt trại cải tạo, hận thù kéo dài nhiều thập kỷ – tất cả không thể được xóa sạch bằng vài khẩu hiệu thắng trận.

Trong bài "Gia tài của mẹ", cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết:
“...1000 năm đô hộ giặc Tàu,
100 năm đô hộ giặc Tây,
20 năm nội chiến từng ngày,
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn…”

Chỉ một đoạn ca từ, nhưng đủ gói trọn cảm thức lịch sử của ông: kết thúc nội chiến chưa từng là chiến thắng.

Bởi sau “chiến thắng” là hàng loạt chiến dịch "cải tạo" quy mô lớn: cải tạo công thương nghiệp tư nhân; công chức, quân đội biên chế VNCH; đánh tư sản, đổi tiền, đốt sách, tiêu hủy di sản chế độ cũ… Người dân miền Nam thì “tái định cư" còn của cải của họ thì “được quốc hữu hóa”. Phong trào vượt biên sau 1975 nếu xét về độ nghiêm trọng có lẽ chỉ những người đã thực sự trải qua mới lột tả được hết. Miền Nam được thống nhất bằng cách Bắc hóa. Đất nước bước vào cuộc chạy đua lên "thiên đường xã hội chủ nghĩa" – bằng xe đạp cũ và gạo mục. Chủ nghĩa lý tưởng cao đẹp va chạm nảy lửa với thực tế kinh tế đói nghèo, dẫn tới những màn "xé rào" kinh điển: Khoán chui, bù giá vào lương, xé quy hoạch như xé giấy. Để rồi cuối cùng những người như ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh trở thành "anh hùng không chính thức" khi dám liều mình phá vỡ cơ chế bao cấp chết ngạt.

Bản thân việc kỷ niệm 30/4 cũng chứa nghịch lý. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Có những sự kiện, khi nhắc lại, có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Một sự kiện thực sự “giải phóng toàn dân” không thể sinh ra một vết thương tập thể kéo dài như vậy. Khi hàng triệu người cảm thấy mất quê hương ngay trong lòng quê hương mình, đó không phải là chiến thắng trọn vẹn.

Phần cuối bài viết này sẽ đưa ra một vài quan điểm mà tôi thường bắt gặp trong các "thảo luận" về chủ đề này. Đáng buồn là chúng lại rất phổ biến với mọi người, bao gồm cả người thân của tôi.

1. “Chế độ miền Nam trước 1975 là tay sai, bán nước, nên giải phóng là chính nghĩa.”
Một phán xét đạo đức gán nhãn toàn bộ một chế độ là “tay sai” hay “bán nước” là cách nhìn cực đoan, phiến diện và thiếu tư duy phân tích. Một quốc gia là tập hợp của hàng triệu người với các hoàn cảnh, động cơ và lựa chọn khác nhau. Không thể vơ đũa cả nắm. Ngay cả các tài liệu chính thống cũng thừa nhận có rất nhiều tầng lớp nhân dân miền Nam yêu nước, chỉ khác biệt về quan điểm chính trị hoặc lựa chọn chiến lược sinh tồn. Lịch sử không chỉ là cuộc chiến giữa thiện và ác, ta và địch, trắng và đen mà là vô vàn sự đan xen của những lựa chọn.

2. “Nếu không có 30/4, đất nước sẽ mãi chia cắt không thể thống nhất.”
Thống nhất bằng bạo lực là một dạng thống nhất, nhưng nó kéo theo một loạt hệ quả: di cư, vượt biên, thù hận, trấn áp bất đồng, và tan vỡ niềm tin dân tộc. Một sự thống nhất mà nhân dân không cùng vui mừng, mà nhiều người phải trốn chạy, im lặng ra đi, thì liệu có nên được gọi là "thống nhất" theo nghĩa đầy đủ? Hay nó đơn giản là sự áp đặt ý chí của “Bên thắng cuộc” lên bên còn lại?

3. “30/4 chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho đất nước.”
Hòa bình không phải chỉ là làm lặng đi tiếng súng. Hòa bình đòi hỏi tự do, công bằng và sự phát triển bền vững. Sau 1975, Việt Nam tiếp tục chiến tranh biên giới khốc liệt với Trung Quốc, chiến tranh Tây Nam với Khmer Đỏ, trải qua thảm cảnh hàng triệu người vượt biên, sống trong những thập kỷ bao cấp đói nghèo thiếu thốn. Hòa bình – nếu có – chỉ là một lát cắt của hiện thực, không phải toàn bộ sự thật.

Sau cùng, nếu lịch sử được viết cho thế hệ tương lai, ta phải đủ can đảm để nói sự thật, đủ kiên nhẫn để chữa lành, đủ khiêm nhường để thừa nhận rằng chúng ta đã từng, và vẫn đang sống cùng những vết thương chưa kịp đặt tên. Không có chiến thắng nào là trọn vẹn khi một phần nhân dân vẫn cảm thấy mình đã mất nước ngay trong lòng quê hương. Đó mới là bài học đắt giá mà ngày 30/4 cần để lại – thay vì những bài ca thắng trận vốn chỉ làm vết thương khó lành hơn. Vì suy cho cùng, hòa hợp dân tộc không đến từ sự lãng quên hay ngạo nghễ, mà từ chấp nhận rằng cùng một sự kiện, con người có thể vui, buồn, mất mát hay im lặng theo nhiều cách, và tất cả đều hợp lệ.
 
Top