Việt Nam chia ba mũi tìm kiếm khi mùi tử khí 'đậm đặc' ở trung tâm động đất Myanmar

Đội cứu nạn, cứu hộ cùng chó nghiệp vụ của Việt Nam đã tới Myanmar sáng 31/3

Nguồn hình ảnh,Website Xây dựng chính sách
Chụp lại hình ảnh,Đội cứu nạn, cứu hộ cùng chó nghiệp vụ của Việt Nam đã tới Myanmar sáng 31/3
6 giờ trước
Lực lượng cứu hộ gồm 106 người thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã tới Thủ đô Naypyidaw của Myanmar vào khoảng 3h sáng 31/3, chuẩn bị hỗ trợ công tác cứu trợ sau khi trận động đất cường độ 7,7 tàn phá hai thành phố Mandalay và Sagaing ba ngày trước đó.
Việt Nam cũng cung cấp đồ cứu trợ và viện trợ 300.000 USD nhằm giúp Myanmar khắc phục hậu quả sau trận động đất, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Theo chính quyền quân sự Myanmar, ít nhất 1.700 người đã chết và khoảng 3.400 người bị thương, tính tới sáng 31/3. Gần 300 người khác vẫn mất tích.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Myanmar nói với truyền thông Việt Nam sáng 31/3 rằng đoàn sẽ làm việc với ủy ban điều phối của Myanmar để thống nhất cách thức tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
"Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi xác định tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát giống như tìm kiếm người thân của mình. Đây là tình cảm, trách nhiệm, của đất nước ta, dân tộc ta, quân đội ta", ông Tỵ nói trong một hội nghị do Bộ Quốc phòng tổ chức một ngày trước chuyến đi.
Dự kiến đoàn sẽ hành quân tới Mandalay, cách thủ đô Naypyidaw khoảng 200km, nơi nhiều nạn nhân vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Ngay sau khi đến Mandalay, lực lượng cứu hộ của Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, tổ chức các lực lượng trinh sát thực địa để bắt tay tìm kiếm các nạn nhân, theo ông Tỵ.
Đoàn bộ đội Việt Nam sẽ chia làm ba mũi đi theo ba hướng tìm kiếm.
Đội cứu nạn, cứu hộ cùng chó nghiệp vụ của Việt Nam đã tới Myanmar rạng sáng 31/3

Nguồn hình ảnh,Website Xây dựng chính sách
Chụp lại hình ảnh,Đội cứu nạn, cứu hộ cùng chó nghiệp vụ của Việt Nam đã tới Myanmar rạng sáng 31/3
Đoàn cứu hộ Việt Nam cùng chó nghiệp vụ trước khi lên đường tới Myanmar

Nguồn hình ảnh,Website Xây dựng chính sách
Chụp lại hình ảnh,Đoàn cứu hộ Việt Nam cùng chó nghiệp vụ trước khi lên đường tới Myanmar
Đội cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an đã tới Myanmar.

Nguồn hình ảnh,Website Xây dựng chính sách
Chụp lại hình ảnh,Đội cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an đã tới Myanmar
Đoàn cứu hộ của Bộ Công an cũng đã tới Naypyidaw vào khoảng cùng thời điểm với đoàn của quân đội.
Trước khi chia tay đoàn tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến đề nghị đoàn công tác của bộ phải "giúp bạn như giúp mình", coi "thiệt hại của bạn như thiệt hại của mình".
Các nhóm cứu hộ và viện trợ nước ngoài đã bắt đầu đến Myanmar hai ngày sau trận động đất cường độ 7,7 diễn ra hôm thứ Sáu 28/3, sau khi chính quyền quân sự đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ hiếm hoi, theo CNN.
Trung Quốc là nước đầu tiên đưa đội cứu trợ tới Yangon vào hôm 29/3, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, khi Bắc Kinh cam kết viện trợ nhân đạo 13,8 triệu đô la.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã tới Myanmar hôm 30/3 với 118 nhân sự

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã tới Naypyidaw hôm 30/3 với 118 nhân sự
Đội cứu hộ gồm 37 nhân viên y tế Trung Quốc tới Myanmar hôm 29/3

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Đội cứu hộ của Trung Quốc tại Myanmar hôm 29/3
Bộ tình trạng khẩn cấp của Myanmar cho biết Nga đã nhanh chóng nối gót Trung Quốc, đưa chuyên gia đến vùng động đất, bao gồm các nhóm chó nghiệp vụ, bác sĩ gây mê và bác sĩ tâm lý.
Vương quốc Anh, Ireland và Úc sẽ quyên góp các gói viện trợ với tổng giá trị hơn 20 triệu đô la cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Myanmar.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả trận động đất là "khủng khiếp" và cam kết rằng Hoa Kỳ cũng sẽ gửi viện trợ.
Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD "thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar" và tuyên bố rằng một đội phản ứng khẩn cấp từ USAID, cơ quan đang trải qua những cắt giảm lớn dưới chính quyền Trump, đang được triển khai đến Myanmar, theo hãng tin Reuters.
Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Hong Kong cũng đã tuyên bố sẽ gửi viện trợ.
Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngay lập tức cam kết viện trợ 5 triệu đô la cho Myanmar và cho biết họ đang huy động các nhóm để thực hiện nỗ lực cứu trợ.
Theo một quan chức của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), mức độ tàn phá mà Myanmar phải gánh chịu sau trận động đất "là mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á."
Tính đến Chủ Nhật 30/3, gần 1.700 ngôi nhà, 670 tu viện, 60 trường học và ba cây cầu được báo cáo là bị hư hại.
Một nhân viên cứu hộ đang cố gắng đđưa hai mẹ con ra khỏi đống đổ nát ở Naypyidaw, Myanmar, hôm 28/3

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Một nhân viên cứu hộ đang cố gắng đưa hai mẹ con ra khỏi đống đổ nát ở Naypyidaw, Myanmar, hôm 28/3
Cầu Inwa ở thành phố Mandalay, Myanmar sập sau trận động đất hôm 28/3

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cầu Inwa ở thành phố Mandalay, Myanmar sập sau trận động đất hôm 28/3
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, ông Yanmar Min Aung Hlaing (giữa), thăm những người sống sót sau trận động đất tại khuôn viên bệnh viện ở Naypyidaw hôm 28/3/2025, sau trận động đất ở miền trung nước này

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Yanmar Min Aung Hlaing (giữa), thăm những người sống sót sau trận động đất tại khuôn viên bệnh viện ở Naypyidaw hôm 28/3/2025
Trong khi đó, các tử thi vẫn còn kẹt dưới các đống đổ nát ở thành phố Sagaing và Mandalay đang phân hủy trong thời tiết nắng nóng gay gắt 39-40 độ C.
"Bây giờ, cứ mỗi cơn gió mạnh thổi qua, mùi xác chết lại tràn ngập không khí," Thar Nge, một người dân ở Sagaing - thành phố gần chấn tâm nhất, nói với hãng tin Aljazeera hôm 30/1.
Thar Nge cũng cho biết hiện số người chết được lôi ra từ đống đổ nát nhiều hơn số nạn nhân sống sót được cứu.
Các đội cứu hộ từ thành phố Mandalay lân cận đã tới Sagaing hôm 30/1, sau khi cây cầu Yadanabon bắc ngang sông Irrawaddy River cho phép lưu thông trở lại.
Cầu Ava gần đó, được xây dựng cách đây 90 năm, từ thời thuộc địa Anh, đã đổ sập cùng nhiều công trình khác.
Đội cứu hộ đã không thể tới sớm hơn vì cầu sập, trong khi Thar Nge cũng mất dần hi vọng tìm thấy con trai còn sống.
Trong khi đó, các nạn nhân tại Mandalay đã trải qua 48 giờ sau động đất gần như không được cứu hộ hay cứu trợ gì. Người dân thậm chí đã phải đào bới bằng tay để tìm người sống sót.
Tòa nhà 33 tầng đang được thi công tại Bangkok đổ sụp trong tíc tắc do dư trấn động của trận động đất cường độ 7.7 tại Myanmar hôm 28/3

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tòa nhà 33 tầng đang được thi công tại Bangkok đổ sụp trong tíc tắc do dư chấn của trận động đất cường độ 7,7 tại Myanmar hôm 28/3
Lực lượng cứu hộ ở Bangkok đưa các thi thể ra khỏi đống đổ nát hôm 30/3

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lực lượng cứu hộ ở Bangkok đưa các thi thể ra khỏi đống đổ nát hôm 30/3
Trong các diễn biến liên quan, Phó thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul đã ra lệnh điều tra vụ sập tòa nhà 33 tầng đang trong quá trình xây dựng ở Bangkok.
Công trình này, lẽ ra đã trở thành trụ sở kiểm soán nhà nước, được xây dựng bởi một liên doanh có sự tham gia của một công ty Trung Quốc.
Giáo sư Suchatchavee Suwansawas, một kỹ sư xây dựng và chính trị gia của Đảng Dân chủ, nói với tờ The Telegraph của Anh rằng "chắc chắn" có điều gì đó không ổn khi chỉ có tòa nhà này sụp đổ, trong khi các tòa nhà cao tầng khác đang được xây dựng trong thành phố đều không hề hấn gì sau trận động đất hôm thứ Sáu.
Công trình bị sụp đổ này đã được xây dựng trong ba năm qua, với chi phí hơn hai tỷ baht Thái (khoảng 58 triệu đô la).
Đây là liên doanh giữa công ty Italian-Thai Development Plc và China Railway Number 10 (Thái Lan) Ltd - công ty con của một công ty Trung Quốc có tên là China Railway Number 10 Engineer Group Company, nắm giữ 49% cổ phần.
Đây là lượng cổ phần lớn nhất mà các thực thể nước ngoài có thể nắm giữ trong một công ty Thái Lan, theo Telegraph UK.
Lực lượng cứu hộ của Mỹ hôm 30/3, tại hiện trường vụ sập tòa nhà 33 tầng ở Bangkok

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lực lượng cứu hộ của Mỹ hôm 30/3, tại hiện trường vụ sập tòa nhà 33 tầng ở Bangkok
Lực lượng cứu hộ của Mỹ cùng chó nghiệp vũ cũng đã tới hiện trường hôm 30/3 để giúp lực lượng cứu hộ Thái Lan cứu trợ các nạn nhân.
Tính tới sáng 31/3, số người chết tại Bangkok do dư chấn của trận động đất tại Myanmar là 18 người, trong đó 11 là nạn nhân của vụ sập tòa nhà kiểm toán ở Bangkok. Số nạn nhân chưa được tìm thấy khoảng gần 80 người.
 

Có thể bạn quan tâm

Top