

Nguồn hình ảnh,Getty Images/VGP/BBC
Chụp lại hình ảnh,Ông Kirill Dmitriev, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (trái), và ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty vắc xin VNVC
15 tháng 5 2025
Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) kỳ vọng sẽ sớm đưa về Việt Nam vắc xin điều trị ung thư tiềm năng trên công nghệ mRNA của Nga mà nước này đã công bố họ đã sử dụng để sáng chế vắc xin ngừa ung thư của riêng họ. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả của vắc xin ung thư của Nga đến nay vẫn là một ẩn số.
''Kỳ vọng quá, Việt Nam mình sắp sản xuất vắc xin phòng ung thư, người bệnh tiết kiệm được biết bao nhiêu chi phí đi lại khám chữa bệnh,'' một tài khoản Facebook bình luận trên trang Facebook chính thức của VNVC.
Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới, lý giải một phần vì sao công bố của VNVC đang gây xôn xao trong cộng đồng tuần qua.
Ngày 11/5, VNVC công bố đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) vào ngày trước đó.
Theo đó, các vắc xin công nghệ mRNA tiềm năng của Nga sẽ được VNVC sớm đưa về Việt Nam ''ngay từ quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn sớm để người bệnh có cơ hội được tiếp cận thêm những giải pháp hiện đại hàng đầu thế giới với tỷ lệ thành công sau điều trị ở mức rất cao.''
End of Đọc nhiều nhất
Điều này có thể hiểu rằng vắc xin sử dụng công nghệ Nga sẽ được đem về Việt Nam thông qua RDIF.
Bên cạnh thỏa thuận này, VNVC cũng ký kết hợp tác với Tập đoàn dược phẩm Nga Binnopharm, nơi sẽ đảm nhận vai trò sản xuất vắc xin chống ung thư.
VNVC cũng đã chính thức bắt tay với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga - nơi đã phát triển vắc xin phòng Covid-19 mang tên Sputnik V - để ''hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sinh học.''
Tại buổi ký kết, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNVC, ông Ngô Chí Dũng, nói rằng thỏa thuận này sẽ ''mở ra cơ hội mới điều trị ung thư bằng vắc xin đầu tiên ngay trong nước, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người dân''.
Theo ông Dũng, đây là một ví dụ đại diện ''trong hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đầu tư phát triển năng lực sản xuất vắc xin'' theo chỉ đạo từ Nghị quyết 57 được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành.
Ông Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến trực tiếp việc ký kết các thỏa trên trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của tổng bí thư tại Nga.
Vắc xin này sẽ được sản xuất ngay tại Nhà máy sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm VNVC tại Long An với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, theo trang web chính thức của VNVC.
Ung thư là một nhóm bệnh vô cùng đa dạng. Các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt thường được biết tới nhiều hơn, một phần vì số lượng nhiều người mắc bệnh. Nhưng trên thực tế, có hàng trăm loại ung thư khác nhau.
Hiện không rõ loại vắc xin của Nga mà VNVC sẽ đem về Việt Nam để sản xuất và thương mại hóa cụ thể sử dụng cho loại ung thư nào, các bằng chứng khoa học cho thấy kết quả thử nghiệm lâm sàng hay tính hiệu quả vắc xin này ở đâu, và bản chất của việc mang vắc xin ngừa ung thư của Nga về Việt Nam là hợp đồng mua bán công nghệ hay bản quyền chế tác vắc xin, hay là một thứ khác?
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với VNVC để làm rõ những vấn đề này.
Hôm 13/5, đại diện VNVC đã trả lời BBC như sau: ''Hiện đoàn công tác vẫn đang trong quá trình trao đổi, cụ thể hoá các công việc, do đó ở thời điểm này, chúng tôi chưa có đầy đủ các thông tin để cung cấp cho các bên báo chí theo như những câu hỏi mà chị đặt ra, tuy nhiên trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ thông báo những tin vui hoặc những thông tin khoa học thiết yếu.
Về nhà máy vắc xin VNVC, chúng tôi sẽ sớm thông báo lịch khởi công xây dựng nhà máy tới đây.''

Nguồn hình ảnh,VGP
Chụp lại hình ảnh,Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNVC, trao đổi văn kiện hợp tác với ông Kirill Dmitriev, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin hôm 10/5
Chuyên gia nói gì?
Liên quan đến thông tin vắc xin ngừa ung thư của VNVC nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia nghiên cứu về sinh học phân tử trong y học ở Mỹ, người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về ung thư và phát triển vắc xin, đưa ra nhận định trên trang Facebook cá nhân rằng vắc xin mRNA trị ung thư là công nghệ đầy tiềm năng nhờ khả năng linh hoạt trong thiết kế, cá nhân hóa và giúp hệ miễn dịch nhận diện và tấn công chính xác tế bào ung thư.Phương pháp điều trị mRNA, so với các phương pháp điều trị truyền thống, mở ra ''hướng tiếp cận chủ động hơn, an toàn hơn và có thể kết hợp linh hoạt với các liệu pháp miễn dịch hiện đại,'' ông Vũ nói thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng ứng dụng công nghệ mRNA vào điều trị ung thư vẫn còn nhiều thách thức như vận chuyển mRNA an toàn vào cơ thể, nguy cơ phản ứng miễn dịch, sàng lọc gien đột biến phức tạp, chi phí cao và thử nghiệm lâm sàng kéo dài.
Ông Vũ đưa ra nhận định rằng chưa có đầy đủ thông tin về vắc xin của Nga để các nhà khoa học đánh giá một cách toàn diện dựa trên bằng chứng.
''Cho đến hiện nay giới khoa học quốc tế vẫn thận trọng với vắc xin này của Nga vì điểm quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học còn thiếu đó là 'Thiếu dữ liệu công khai, minh bạch'.
''Tính đến tháng 5/2025, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về vắc xin này được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, chưa có dữ liệu tiền lâm sàng được bình duyệt (peer-reviewed).
''Ngoài ra, các dự án vắc xin mRNA ung thư trên thế giới thường có sự tham gia của nhiều viện nghiên cứu độc lập, đa quốc gia để đảm bảo tính khách quan. Vắc xin của Nga hiện chủ yếu là tuyên bố nội bộ,'' ông Vũ nói thêm.
Ông cho rằng dù tiềm năng lớn, vắc xin mRNA trị ung thư cần thêm nhiều nghiên cứu và kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi được sử dụng rộng rãi.
Phía Nga thông tin gì về vắc xin của họ?
Hôm 11/5, VNVC và Báo Chính phủ đăng nội dung gần giống nhau về các thỏa thuận nói trên. Trong đó, có ảnh chụp lại màn hình bài viết của hãng thông tấn Nga Tass đăng vào tháng 12/2024 với nội dung ''Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X-quang thuộc Bộ Y tế Nga công bố, nước này đang nghiên cứu phát triển vắc xin điều trị ung thư phổi tiềm năng, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến mRNA.''Tuy nhiên, bài viết của Tass mà VNVC và Báo Chính phủ nhắc đến không nói rõ đây là vắc xin điều trị ung thư phổi.
Bài viết dẫn lời tổng giám đốc của trung tâm này, ông Andrey Kaprin, nói về một loại vắc xin ngừa ung thư sử dụng mRNA mà không đề cập một loại ung thư cụ thể. BBC đã liên hệ với ông Kaprin.
Trung tâm nghiên cứu nơi ông Kaprin làm việc, viết tắt là NMRRC, đang tiến hành nghiên cứu khoa học trên hai lĩnh vực liên quan đến vắc xin chống ung thư, theo trang web chính thức của NMRRC.
Lĩnh vực thứ nhất là vắc xin ngừa ung thư có tên EnteroMix ''có khả năng tiêu diệt các tế bào ác tính và đồng thời kích hoạt hệ miễn dịch chống khối u của bệnh nhân'' mà NMRRC phối hợp sản xuất với Viện Sinh học Phân tử Engelhardt của Nga.
Các thử nghiệm lâm sàng và việc tuyển chọn bệnh nhân cho giai đoạn đầu sản xuất vắc xin sẽ bắt đầu vào giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Lĩnh vực thứ hai là vắc xin mRNA cá nhân hóa được phát triển với sự hợp tác của Viện Gamaleya của Nga "dựa trên phân tích di truyền khối u của từng bệnh nhân, loại vắc xin duy nhất được tạo ra để có thể 'dạy' hệ thống miễn dịch nhận diện các tế bào ung thư," cũng theo NMRRC.
Trang web của NMRRC không nhắc cụ thể một loại ung thư mà các vắc xin của họ nhắm đến và cũng không dẫn nguồn đến các nghiên cứu về các sáng chế họ nhắc đến.
Trong khi đó, tờ Izvestia của Nga hồi tháng 11/2024 đưa tin rằng các nhà khoa học từ ba nơi đang phát triển vắc xin ngừa ung thư của nước này - bao gồm Viện Nghiên cứu Ung thư Moscow mang tên Herzen, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X-quang của Bộ Y tế Nga, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Blokhin.
Các nghiên cứu tiền lâm sàng về sáng chế này đã được tiến hành trong ba năm.
Kết quả của các cuộc thử nghiệm với vắc xin cho thấy nó có khả năng giảm kích thước khối u 75-80% trên mô hình động vật bị ung thư biểu mô ruột.
Tờ Izvestia cho biết vắc xin mRNA ngừa ung thư tại Nga đã tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người và sẽ được sử dụng trước cho bệnh ung thư tế bào hắc tố, một loại ung thư da vì sự dễ dàng trong việc theo dõi hiệu quả của vắc xin ở các bệnh ung thư bề mặt.
''Danh sách các bệnh có khả năng chữa khỏi trong tương lai có thể bao gồm ung thư phổi, một số bệnh ung thư đường tiêu hóa và ung thư thận,'' theo Izvestia.
Tờ này không nói rõ rằng ba đơn vị liệt kê ở trên sẽ sản xuất vắc xin ngừa ung thư cụ thể nào.
Cuối năm 2024, Nga công bố sẽ phân phối miễn phí vắc xin ngừa ung thư tại nước họ và lưu hành rộng rãi đầu năm nay. Kế hoạch này dường như đã có sự thay đổi.
Vào tháng 1/2025, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đưa tin rằng việc thử nghiệm vắc xin ngừa ung thư da được mong đợi sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.
Dự kiến vắc xin sẽ được cung cấp không chỉ cho bệnh nhân ung thư da giai đoạn đầu mà còn cho những người đã trải qua các giai đoạn điều trị nhất định, RIA Novosti dẫn lời ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya.
Vắc xin ngừa ung thư mRNA vận hành như thế nào?
Vắc xin thường được thiết kế để ngăn ngừa bệnh tật.Nhưng vắc xin ngừa ung thư được chế tác như một phương pháp điều trị sau khi bệnh đã được chẩn đoán.
Giống như các loại vắc xin thông thường, chúng huấn luyện hệ thống miễn dịch tìm kiếm kẻ thù, trong trường hợp này là tế bào ung thư của chính bệnh nhân.

Trước hết, một mẫu khối u của bệnh nhân sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm.
Sử dụng thông tin này, tại đây, một loại vắc xin đã được tạo ra bằng công nghệ mRNA, mang theo "hướng dẫn" cho các tế bào của người bệnh để tạo ra các protein đột biến – những protein bất thường chỉ có ở tế bào ung thư của người bệnh.
Vắc xin hoạt động giống như một "áp phích truy nã", vạch mặt các tế bào ung thư vốn rất giỏi ẩn náu trong cơ thể, chỉ để tái xuất hiện sau đó.
Mục đích là để vắc xin kích hoạt hệ miễn dịch của người bệnh tìm kiếm và tiêu diệt bất kỳ dấu vết ung thư còn sót lại, qua đó tăng khả năng họ sẽ không còn ung thư trong những năm sau khi được tiêm vắc xin.
Trước đó, vào đầu năm 2022, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 vẫn còn mạnh mẽ, Việt Nam trở thành một trong 11 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.
Theo WHO, nghiên cứu và phát triển vắc xin mRNA trên toàn cầu đã có những tiến bộ vượt bậc trong vài năm qua, với động lực đáng kể và những thành tựu lớn đạt được sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc cấp phép và phê duyệt vắc xin mRNA Covid-19 và việc triển khai sáng chế này trong suốt đại dịch đã cung cấp bằng chứng đáng chú ý về khả năng và tính khả thi của vắc xin mRNA trong việc bảo vệ con người.