

Nguồn hình ảnh,Flightradar24
Chụp lại hình ảnh,Chiếc C909 đầu tiên đã đáp xuống sân bay Nội Bài vào 10:44 hôm 23/1/2025, sau gần hai tiếng khởi hành từ sân bay Thành Đô, Trung Quốc, dù giới chức Việt Nam chưa phê duyệt hợp đồng thuê
7 giờ trước
Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air sẽ lần đầu tiên khai thác máy bay COMAC ARJ21-700 do Trung Quốc sản xuất, còn được gọi là C909, trên các tuyến bay nội địa từ giữa tháng Tư, theo Reuters.
Tài liệu của Vietjet mà Reuters được tiếp cận cho hay dự kiến sẽ có bốn chuyến bay tuyến thủ đô Hà Nội và Côn Đảo vào ngày 15/4.
Ngoài ra, hãng Vietjet cũng sẽ khai thác bốn chuyến bay tuyến Thành phố Hồ Chí Minh và Côn Đảo trong cùng ngày.
Đây là máy bay do Trung Quốc sản xuất, mà chỉ cách chừng một tháng trước đó vẫn không đủ điều kiện để được nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo quy định của Việt Nam, cụ thể là Điều 12, Nghị định 89/2019 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng bắt buộc, "Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay."
Trong khi đó, máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất mới chỉ được chính Trung Quốc và Indonesia chứng nhận.
Bất chấp chưa được cấp phép, hồi tháng 1/2025, Vietjet đã ký hợp đồng với hãng COMAC để thuê hai máy bay phản lực thân hẹp C909.
Nhưng khi đó, cơ quan quản lý Việt Nam chưa dám bật đèn xanh cho việc thuê máy bay Trung Quốc, mà chỉ nói "sẽ sớm" làm như vậy - trước sức ép từ Bắc Kinh.
Và dù chưa được cấp phép, chiếc C909 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã đáp xuống sân bay Nội Bài vào 10:44 hôm 23/1/2025, sau gần hai tiếng khởi hành từ sân bay Thành Đô, Trung Quốc, theo thông tin lộ trình bay của Flightradar24.
Sửa nghị định để dọn đường

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Máy bay C909 có sức chứa 90 chỗ ngồi, cho đến tháng 11 năm ngoái vẫn được gọi là ARJ21, là máy bay phản lực đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất thương mại và đi vào hoạt động vào năm 2016
Trong một động thái được cho là 'dọn đường' cho việc thuê máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất, Bộ Xây dựng và Giao thông (trước đó là Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam) hôm 28/2 đã gửi công văn đề nghị chính phủ sửa một nghị định để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép khai thác máy bay nước ngoài tại Việt Nam.
Động thái của cơ quan này được tiến hành trong bối cảnh Việt Nam dường như đang "mắc kẹt" giữa áp lực phải thuê máy bay do Trung Quốc sản xuất trong khi loại máy bay này không đáp ứng đầy đủ các quy định của quốc tế lẫn trong nước để được Hà Nội cấp phép bay.
Việc rà soát các quy định này, theo Bộ Xây dựng và Giao thông, là dựa trên cơ sở đề xuất của hãng hàng không Vietjet Air và hãng COMAC, đồng thời là kết quả cuộc gặp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với phó chủ tịch COMAC.
Bộ này cho biết được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ loại tàu bay.
Hiện quy định chưa cho phép Việt Nam công nhận chứng chỉ loại tàu bay đối với những máy bay chưa được FAA và EASA cấp giấy chứng nhận loại.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận loại chỉ được thực hiện khi Việt Nam là quốc gia thiết kế và Cục Hàng không Việt Nam xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, có đầy đủ nguồn nhân lực có trình độ để đảm bảo thực hiện quá trình phê chuẩn giấy chứng.
Tuy nhiên, theo Bộ Bộ Xây dựng và Giao thông, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy trình và chuẩn bị nhân lực, cùng quá trình thực hiện cấp giấy chứng cần rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, và lệnh triệu hồi đối với động cơ của hãng Pratt & Witney, hoạt động khai thác máy bay của Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều.
Do đó, theo bộ này, việc giới hạn cho phép các máy bay khai thác tại Việt Nam chỉ có giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc FAA hoặc EASA cấp (mà không cho phép Cục Hàng không Việt Nam công nhận) "sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không Việt Nam trong việc tiếp cận các loại máy bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ".
Từ đó, bộ này kiến nghị Chính phủ bãi bỏ khoản 2 điều 12d Nghị định số 92/2016/NĐ-CP để đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.
Áp lực từ Trung Quốc

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Trung Quốc được cho là vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chứng nhận từ Mỹ và châu Âu cho máy bay COMAC nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Bất chấp thách thức này, Trung Quốc, bên cạnh việc ve vãn, được cho là đã gây sức ép lên Việt Nam đối với vụ thuê máy bay COMAC.
Trung Quốc đã đưa ra các điều khoản tài chính rất hấp dẫn và "quá tốt để cưỡng lại", theo nguồn tin của Reuters.
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị COMAC Tan Wangeng đã đến Hà Nội hôm 15/1/2025 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm vào cùng ngày, trong đó ông Tập kêu gọi hai nước "tăng cường kết nối", theo truyền thông Trung Quốc.
Ngay sau cuộc điện đàm của ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm, chính phủ Việt Nam đã công khai tuyên bố rằng họ đang nỗ lực xóa bỏ các rào cản pháp lý để cho phép máy bay COMAC hoạt động tại quốc gia này.
Cán cán bộ của cơ quan quản lý và nhân viên Vietjet Air được cho là đã có mặt tại các chi nhánh của COMAC tại Thượng Hải từ ngày 14/1 để tham gia khóa đào tạo kéo dài 10 ngày về các tiêu chuẩn, hoạt động và bảo dưỡng C909, theo các tài liệu của VietJet.
Vietjet dự định sử dụng máy bay COMAC để kết nối các thành phố chính của Việt Nam với Côn Đảo - một địa điểm du lịch - nơi các máy bay phản lực lớn hơn không thể hạ cánh.