5 người đột tử trong vụ án của Hồ Duy Hải.
1. Người đột tử đầu tiên là Công an viên xã Nhị Thành Huỳnh Văn Minh, bị đột tử năm 2009 khi đang trực đêm tại xã Nhị Thành. Tuy nhiên thực tế thì Huỳnh Văn Minh không tham gia trong vụ án và nếu có chỉ là vai trò phụ giúp không quan trọng.
2. Người đột tử thứ hai là Công An viên Nguyễn Thanh Hải chết năm 2010 vì tai nạn giao thông ngay trên đường từ tỉnh lộ vào trụ sở UBND và Công An xã. Tuy là công an nhưng Thanh Hải có vai trò quan trọng trong vụ án là nhân chứng. Tuy nhiên sự xuất hiện của Thanh Hải trong vụ án lại rất bí hiểm.
Khi ra tòa sơ thẩm, lần đầu tiên Hải công khai kêu oan. Trả lời câu hỏi của tòa, nếu không giết người vì sao biết được diễn tiến vụ án. Hồ Duy Hải giải thích là do nghe Công an Viên Nguyễn Thanh Hải kể lại. Ngay lập tức, đại diện Viện Kiểm Sát đã lấy ra tờ giấy cam kết của Nguyễn Thanh Hải khẳng định không tiếp xúc, nói chuyện với Hồ Duy Hải về diễn tiến vụ án.
Điều kỳ lạ, bí hiểm ở đây là vì sao Viện Kiểm Sát đoán được Hải sẽ kêu oan và nêu lý do này để chuẩn bị sẵn tờ cam kết? Mặc khác điều bí ẩn là bản cam kết này được thu thập và trình bày tại phiên tòa lại sai về quy trình thực hiện thu giữ theo quy định tố tụng nhưng lại được Tòa Sơ thẩm chấp nhận xem như là chứng cứ bác bỏ lời kêu oan của Hồ Duy Hải. Kỳ lạ hơn nữa là chứng cứ quan trọng này cũng không được Tòa cập nhật đưa vào hồ sơ vụ án và đến nay đã không còn dấu vết.
3. Người đột tử thứ ba là Trưởng Phòng Cảnh Sát điều tra Phạm Văn Tiến, Phó ban chuyên án. Ông Tiến là người trực tiếp chỉ đạo điều tra án và là người phát ngôn với báo chí. Nhiều bài báo trong thời điểm điều tra đã dẫn nguồn từ thông tin của thượng tá Phạm Văn Tiến. Ông đã thể hiện quyết tâm phá án là “Cái chết của hai cô gái quá thương tâm. Bằng mọi giá chúng ta phải tìm cho ra hung thủ”.
Trong những biện pháp bằng mọi giá ấy có việc làm kỳ lạ là ngay từ sau khi khởi tố vụ án, ngày 1-4-2008, Phòng Cảnh Sát điều tra đã có công văn trưng cầu trực tiếp với đoàn luật sư Long An, yêu cầu đích danh luật sư Võ Thành Quyết làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải mà gia đình hoàn toàn không hay biết. Điều này trái với quy tắc hỗ trợ pháp lý cho bị can, bị cáo là cơ quan tố tụng gởi công văn trưng cầu luật sư đến Trung tâm hỗ trợ pháp lý, trung tâm sẽ giới thiệu luật sư cho gia đình lựa chọn và sau đó Trung tâm mới chuyển yêu cầu đến đoàn luật sư.
Ông bị đột tử trong trụ sở cơ quan, ngay trong cuộc họp vào năm 2012. Đây là cái chết bất ngờ, đột ngột, vào đêm trước đó, một cán bộ cấp dưới cùng ông đi nhậu và đưa ông về cho biết ông vẫn khoẻ mạnh bình thường. Hệ quả cái chết của ông là việc điều tra, làm rõ lại vụ án ở nhiều vấn đề trong đó có chuyện luật sư Quyết sẽ rất khó khăn.
4. Người đột tử thứ tư là Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát phúc thẩm, Viện Kiểm Sát tối cao tại TP.HCM Trần Ngọc Lẫm. Ông là người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xử Hồ Duy Hải. Quê tại Thủ Thừa, Long An, ông Lẫm từng làm Trưởng phòng kiểm sát kinh tế của Viện Kiểm Sát tỉnh Long An trước khi chuyển về Viện Kiểm Sát Phúc Thẩm. Ông Lẫm được bạn bè đồng nghiệp quý trọng, là người giỏi nghiệp vụ, sinh hoạt mực thước.
Điều trớ trêu là ông Lẫm không phải người xa lạ mà chính là bạn học của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột Hồ Duy Hải và là người đồng hành với bà Loan, mẹ Hải, đi kêu oan). Theo lời bà Rưỡi, các cựu học sinh cùng học với bà và ông Lẫm hàng năm thường tổ chức họp mặt, bà vẫn thường đi dự. Nhưng từ khi vụ án xảy ra, bà buồn và mặc cảm nên nhiều lần vắng mặt. Gần đây do bạn bè khuyến khích, thúc đẩy bà có đi dự và gặp mặt ông Lẫm nhưng không nhắc đến chuyện vụ án. Nhưng trước khi mất, trong lần đi dự hội thảo ở Hà Nội, ông Lẫm đã điện thoại cho một bạn chung của hai người nhờ nhắn lại bà Rưỡi như sau: "Nói với nó (bà Rưỡi) đừng trách tôi đứng ra tuyên tử hình Hồ Duy Hải, chứ nó không biết ai xúi tôi tuyên. Hãy trách người xúi tôi xử". Theo người bạn này, ông Lẫm còn khuyên "gia đình hãy theo ông Luật sư Nguyễn Văn Đạt kêu oan đi, ông này giỏi lắm”. Ngay trong phần tranh luận tại phiên tòa, ông Lẫm cũng thừa nhân điều quan trọng là trong vụ án này các cơ quan tố tụng đã bỏ qua hành vi hiếp dâm qua hình ảnh thể hiện trên hiện trường, nhưng điều kỳ lạ là ông không hề kiến nghị hủy án điều tra lại trước tình trạng vi phạm tố tụng nghiêm trọng để sót người lọt tội. Ông Lẫm bị đột tử năm 2013, tại gia đình, được xác định là do tai biến mạch máu não. Hệ lụy cái chết của ông trong vụ án này qua lời nhắn với bà Rưỡi là câu hỏi ai là người xúi ông xử y án tử hành Hồ Duy Hải sẽ mãi mãi không có lời đáp.
5. Người thứ 5 chết là Luật sư Võ Thành Quyết.
Ông Võ Thành Quyết từng là sĩ quan công an, nhiều năm làm công tác điều tra thuộc Công an tỉnh Long An. Khi đến tuổi nghỉ hưu, ông chuyển sang hành nghề luật sư. Vì vậy, có thể nói, ông là luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu mọi ngõ ngách của pháp luật.
Những gì luật sư Võ Thành Quyết bảo vệ cho thân chủ của mình là Hồ Duy Hải chỉ là nêu nhân thân tốt, chưa từng phạm tội, hoàn cảnh phạm tội… và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Hồ Duy Hải. Chưa khi nào thấy ông nêu quan điểm chính thức cho rằng Hồ Duy Hải vô tội.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, cho biết: Sau khi xảy ra vụ án, dù tòa chưa kết án Hải phạm tội, nhưng luật sư Quyết đã động viên gia đình bà hỗ trợ chi phí mai táng cho gia đình 2 nạn nhân của vụ án, với lời nhắn gửi đó là tình tiết để tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt sau này. Điều đó cho thấy, khi tòa chưa xử phiên sơ thẩm thì luật sư Quyết đã nhận định thân chủ của mình phạm tội giết người, vì vậy mà ông không “cãi” cho bằng được Hồ Duy Hải vô tội.
Cũng theo bà Loan, sau khi tòa sơ thẩm tuyên phạt án tử hình dành cho Hồ Duy Hải, gia đình đã đến nhờ luật sư Quyết làm đơn kháng án theo hướng Hồ Duy Hải vô tội. Luật sư Quyết đã khuyên gia đình làm đơn kháng án theo hướng xin giảm nhẹ hình phạt, cụ thể là xuống còn chung thân. Rõ ràng, từ đầu tới cuối, luật sư bào chữa đều cho rằng thân chủ của mình có tội và ông chỉ tác động để được giảm nhẹ hình phạt chứ không cố “cãi” theo hướng Hồ Duy Hải vô tội.