Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma.
Họ cũng không thể lên đó để lãnh thóc, gạo, cơm, hay cháo từ tay các cán bộ. Việt Minh cũng khó có thể đem thóc hay gạo xuống các tỉnh miền suôi để phát cho họ. Trường Chinh sau này khi viết về hiện tượng cướp các kho thóc gạo cũng đã đưa ra những con số và hình ảnh mà người đọc không thể không nghĩ là ông đã phóng đại: “Hàng nghìn kho thóc của Nhật ở Bắc-bộ và Bắc Trung-bộ bị quần chúng chiếm chia cho dân nghèo. Nạn đói được giải quyết bằng phương pháp cách mạng. Nông dân Bắc-giang, Thái-nguyên, Bắc-cạn v.v… nổi dậy chiếm đồn điền của Pháp, Nhật và tiến hành chia đất.” Câu hỏi được đặt ra một lần nữa ở đây là những thóc gạo cướp được đã được chở đi đâu? Nếu không phải là lên chiến khu nuôi du kích, cán bộ hay đem bán lại làm kinh tài cho Đảng như trường hợp xảy ra ở Quảng Ngãi cho thóc gạo chở từ Nam ra Bắc để cứu đói hồi còn chiến tranh như đã nói ở trên và sau này, sau biến cố 19 tháng 8 (1945) vào những ngày đầu của tháng 9 cùng năm mà tác giả David G. Marr đã nêu lên trong tác phẩm thứ hai viết về giai đoạn này của ông.
Nó cũng là một cái cớ được Việt Minh triệt để khai thác nhằm lên án sự bất lực của chính phủ đương thời hầu xách động quần chúng nông thôn nổi lên cướp chính quyền khi cơ hội đến với họ. Một hành động “vừa đánh trống, vừa ăn cướp”, “vừa ăn cướp, vừa la làng” và họ đã thành công. Chính quyền đã về tay họ một cách dễ dàng và có chính nghĩa.
VIỆT MINH CÓ CỨU ĐÓI KHÔNG ?
Sự thực thì nạn đói đã không kéo dài. Ngay từ tháng 5 nhờ vụ lúa chiêm được mùa và với nhu cầu lương thực không còn nhiều như trước do con số quá cao người chết, nạn đói đã giảm dần để sang đến tháng 6 thì gần như không còn nữa. Tất cả đã xảy ra trước khi Việt Minh cướp chính quyền hay nói cách khác, Việt Minh không những không đóng góp được gì vào nỗ lực cứu đói trong thời gian này mà còn xúi bẩy, góp tay, thúc đẩy và cản trở trầm trọng những hoạt động của chính phủ cũng như của các nhà cai trị địa phương. Chuyện Chính Phủ Lâm Thời Hồ Chí Minh cứu đói sau đó coi như một thành tích của chính quyền mới thực sự chỉ là chuyện cuối mùa, vuốt đuôi không đúng sự thực bằng những thóc gạo họ đã cướp được trước kia chưa dùng tới không cho thì cũng để mục và vất đi mà thôi.
Độc giả cần phải để ý là Việt Minh và ******** là một và mục tiêu tối hậu của Đảng ******** là phá bỏ xã hội cũ để thiết lập xã hội xã hội mới theo xã hội chủ nghĩa nên đối với họ cướp chính quyền chỉ là một giai đoạn và tất cả chỉ là phương tiện và mọi phương tiện đều tốt kể cả mạng sống của người dân. Quan điểm này đã được biểu lộ qua những lời của Lê Trọng Nghĩa, đại diện Việt Minh, nói với Thủ Tướng Trần Trọng Kim, khi hai người gặp nhau ở Phủ Khâm Sai Bắc Bộ vào khoảng cuối tháng bảy, đầu tháng tám năm 1945 và để từ chối hợp tác với chính phủ của Thủ Tướng Kim để cùng lo việc nước, tránh hại cho dân:
Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định (…). Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia (…). Chúng tôi sẽ cướp quyền để cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.
Đây là một lời nói sắt máu, đầy bạo lực về mạng sống của chính đồng bào mình tưởng khó ai có thể mở miệng thốt ra nhưng sau đó không lâu đã được Đại Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp lập lại gần giống như vậy với Tướng Pháp Jean-Julien Fonde trước khi xảy ra cuộc chiến Việt Minh – Pháp, 1946-1954 là “Những cái chết – một triệu cái chết của người Việt Nam – không quan trọng” . Câu nói này được in trên mặt hộp bìa đựng của cuốn 1 của bộ phim tài liệu Vietnam, A Television History ( The deaths – one million Vietnamese deaths – not important) . Nhận định này sau đó đã được họ Võ lập lại nhiều lần khi được các ký giả ngoại quốc phỏng vấn trong thời gian chiến tranh và lần chót vào năm 1995, hai mươi năm sau khi Cuộc Chiến Ba Mươi Năm chấm dứt trên truyền hình Mỹ, cả thế giới đều được nghe. Khi được hỏi là trong cuộc chiến từ ba triệu rưởi đến bốn triệu người đã bị giết, ông có hối tiếc không? Bằng tiếng Pháp quen thuộc, Võ Nguyên Giáp đã dứt khoát trả lời “Không chút nào! Tôi không hối tiếc chút nào!”
Thật khó tưởng tượng cho một người Việt Nam bình thường nhưng nó đã được các lãnh đạo Việt Minh khác rồi sau này ******** Bắc Việt từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… lập đi lập lại trong suốt cuộc chiến để biện minh cho chủ trương kháng chiến trường kỳ của họ. Điều này nói lên lý do thắng trận của người ******** và thua trận của người Quốc Gia cũng như người Pháp và phía đồng minh sau này. Sự kiện Việt Minh chận cướp các thuyền bè chở thóc gạo từ Nam ra Bắc và cướp phá các kho thóc gạo ở đồng bằng miền Bắc đem lên các chiến khu nuôi cán bộ và du kích và làm kinh tài cho Đảng giữa lúc Nạn Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu đang hoành hành ở miền Bắc khiến hàng triệu người bị chết la liệt, có tiền không có gạo mà mua nhưng vẫn đổ hết tội cho Pháp và Nhật là một chủ trương coi tất cả chỉ là giai đoạn là phương tiện của Đảng ******** Việt Nam cần phải được làm sáng tỏ và ghi nhận. Điều Lê Trọng Nghĩa không nói rõ hay chưa nói rõ hay không thể nói rõ là mười phần chết chín và phần còn lại là phần dân nào muốn đi theo Xã hội chủ nghĩa ******** ? Nhưng những gì Việt Minh đã làm ở thời ông và những gì Đảng ******** đã và đang làm sau này đã chứng minh ngay giới lãnh đạo của đảng này cũng không biết cho đến cuối Thế Kỷ 21 cũng chưa biết Xã hội chủ nghĩa này sẽ như thế nào?
Bằng chứng như ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ******** Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã từng nói:”Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa (Tuyên bố tại Hà Nội, ngày 24/10/2013)
Điều nên biết là ngược lại, trước đó không lâu, trước khi Việt Minh cướp chính quyền, Hoàng Đế Bảo Đại đã ban hành Dụ Số 1, ngày 17/3/1945 lấy khẩu hiệu Dân Vi Quý làm căn bản cho đường lối cai trị đất nước của ông, đưa nhà vua hay giới cầm quyền xuống địa vị không quan trọng, dựa trên nguyên tắc “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử.
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát và chén rượu giải oan
75 năm đã trôi qua. Tẩt cả những gì đã xảy ra trong suốt 75 năm qua nay đã trở thành lịch sử. Các nhân vật ít nhiều liên hệ các biến cố kinh hoàng hay được tận mắt thấy được thảm cảnh của năm Ất Dậu 1945 và những năm sau đó đều đã không còn nữa, nhưng những cái chết đầy oan khiên, rải rắc khắp đầu đường, xó chợ của hai triệu nạn nhân Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu, rồi nhiều triệu dân nữa trong những năm kế tiếp, đã ngấm sâu vào tiềm thức của dân tộc Việt Nam và mãi mãi tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác. Nỗi oan khiên này còn lâu mới có thể siêu thoát được dù cho các chùa khắp trong nước cũng như ở Hải Ngoại ít nhiều vẫn giữ được truyền thống vô cùng đáng quý của người Việt là hàng năm làm lễ giải oan, xá tội cho các vong nhân vào ngàt Rằm Tháng Bảy với tục cúng cháo lá đa cho các cô hồn:
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Trong dịp này người ta thường đọc bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, một tuyệt tác phẩm của Thi Hào Nguyễn Du, với một giọng vô cùng thê lương, thảm thiết khiến cho người nghe không khỏi mủi lòng, ngậm ngùi, rơi lệ, qua những câu mở đầu:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác mưa sa.
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh…
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương lử đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên,,
Còn chi ai khó ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hèn người ngu.
Tiết đầ thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi,
Muôn nhờ Đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ tìm về Tây hương….
hay như Nhà Thơ Tô Thùy Yên đã ngậm ngùi:
Chén rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này!
Phạm Cao Dương