1. Dục vọng được xem là kẻ thù của hầu hết trường phái triết học, thường được cho là nguồn gốc của tai họa, khổ đau và gần như mọi tư tưởng triết học đều muốn hướng con người tránh xa khỏi nó. Triết học Trung Hoa cổ đại có hai luồng tư tưởng đối nghịch nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau. Nếu như Nho gia đề cao việc diệt dục với một lối sống khắc kỷ, phục lễ từ bên ngoài để uốn nắn con người vào khuôn phép của luân lý xã hội thì Đạo gia lại chủ trương diệt dục từ bên trong bằng cách soi chiếu chính mình và giải thoát nội tâm bằng thuyết Vô Vi.
2. “Vô Vi” được nhắc đến và được coi là trọng yếu trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử. Vô vi thường bị hiểu lầm là không làm gì cả, thụ động trước những gì diễn ra trong cuộc sống. Trái lại, vô vi của Lão Tử không phải là không làm gì. Vô vi là làm tất cả theo bản năng vốn có mà tự nhiên đã ban cho, như con người đói thì phải ăn, mệt thì phải ngủ. Chủ trương độc đáo của vô vi là lối sống vừa phải, tránh hành động thái quá. Không ai phủ nhận được dục vọng của con người, vì đó là một phần bản tính vốn có của nó. Nhưng chỉ vì dục vọng quá lớn so với sự cần thiết của bản năng mà mới phát sinh ra tai họa. Ăn vừa đủ no, ngủ vừa đủ giấc, ấy là biết hài lòng với nhu cầu của bản thân, luôn duy trì sự ham muốn của mình một cách vừa phải.
3. Để đạt được cảnh giới vô vi, trong chương 2 của “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử có chỉ ra năm điều căn bản: (1) truyền dạy mà không câu nệ vào ngôn từ, lời nói, không lệ thuộc vào sách vở; (2) tránh can thiệp vào sự phát triển của sự vật sự việc, sinh dưỡng vạn vật mà không chiếm làm riêng của mình; (3) làm việc mà không nghĩ mình có năng lực hơn người khác; (4) giúp người khác tự nhiên kín đáo mà không nghĩ công lao; (5) đừng chiều theo bản năng lợi ích của mình mà hành động. Người có dục vọng nhiều chừng nào thì càng rời xa vô vi nhiều chừng ấy. Trái lại, người biết theo những điều ấy thì chóng được một lối sống chừng mực.
4. Dưới góc nhìn của Lão Tử, con người thường tranh nhau để làm gia tăng cái bản ngã của mình, làm sao muốn có cái lợi về mình càng nhiều càng tốt. Do bản tính tham lam, hiếu thắng, con người luôn bị chìm đắm vào dục vọng hão huyền của bản thân tựa như con thiêu thân lao vào lửa. Do vậy, nếu muốn sống hạnh phúc thoát khỏi sự khổ thì phải biết “thủ dục tri túc” (kiềm chế dục vọng, biết vừa đủ vừa phải). Nghĩa là, đừng tự tư, chỉ biết mình mà không biết người; đừng tự cho bản thân mình là giỏi; đừng tự cho mình cái quyền quyết định phải trái đúng sai; đừng cho mình là có công; đừng tự cho mình là trên hết. Hãy sống một cách thành thật tự nhiên, không tham lam, không màng danh lợi. Đó là vô vi trong cách sống - luôn nhìn lại chính mình để tiêu diệt bản ngã, hòa nhập vào “Đạo”, vào cái lẽ tự nhiên vốn có.
5. Như vậy, vô vi là một cách sống hết sức giản dị tự nhiên. Nhìn núi là núi dù cao hay thấp, nhìn mây là mây dù trắng hay đen, ấy đã là vô vi rồi. Vì thế, người nào sống vô vi sẽ leo núi mà không quản ngại núi cao, nhìn mây đen mà không bận lòng vương vấn. Họ sẽ thảnh thơi an lạc dù quãng đời có hữu hạn, có nhiễu nhương đến nhường nào đi chăng nữa. Còn những người sa lầy trong “hữu vi” bao giờ cũng bị lệ thuộc, cũng để ý đến lợi, hại, xấu, tốt, thường xuyên “phải vui”, “phải buồn”. Vậy nên, để có một lối sống không dục vọng, chúng ta không nên cố chấp, không nên chỉ sống vì một cái gì đó, mà nên cố gắng để làm sao cho mỗi khoảnh khắc sống đều diễn ra một cách tự nhiên nhất. Bình thản trước sự tuần hoàn của tạo hóa và hòa nhập với thiên nhiên, mùa xuân đến thì hoa nở, mùa xuân qua đi thì hoa tàn là những lẽ tất nhiên. Đó cũng là cánh cửa dẫn con người tới những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Author: Thanh Phong
Designer: Hoài Thương (May)
#Philosapiens #TriếtHọc #philosophy #daoism