

Nguồn hình ảnh,Getty Images
- Tác giả,Alex-Thái Đình Võ
- Vai trò,Gửi cho BBC từ Texas, Hoa Kỳ
- 9 giờ trước
Thay vì chỉ tập trung vào những khuôn mẫu quen thuộc, loạt bài sẽ quy tụ tiếng nói của các học giả và trí thức trong và ngoài nước, phản ánh những cách hiểu khác nhau về lịch sử Việt Nam, chiến tranh, hòa bình, ký ức, và thân phận con người - bao gồm cả cộng đồng người Việt hải ngoại.
BBC News Tiếng Việt hy vọng loạt bài này sẽ đóng góp những kiến giải, cách tiếp cận cởi mở, trung thực và có chiều sâu để cùng nhau nhìn lại quá khứ, đối thoại trong hiện tại và hướng đến một tương lai bao dung và hiểu biết hơn.
Mở đầu, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phó Giáo sư Alex-Thái Đình Võ, nhà sử học chuyên về lịch sử Việt Nam hiện đại và người Việt hải ngoại từ Trung tâm và Lưu trữ Việt Nam, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ:
Năm mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, bất kể có bao nhiêu lễ hội chiến thắng hay bao nhiêu nghi lễ tưởng niệm, nếu chúng ta không thể hòa giải được với chính lịch sử của mình, thì chúng ta cũng khó lòng hòa giải được với nhau.
Vậy thì, sau nửa thế kỷ, điều quan trọng nhất chúng ta cần tự hỏi không chỉ là chiến tranh đã kết thúc ra sao, mà còn là: chúng ta đã, đang và sẽ hiểu và tiếp nhận lịch sử Việt Nam, lịch sử Chiến tranh Việt Nam, và chính thân phận con người Việt Nam như thế nào?
Nhìn từ trong: một lịch sử bị lược giản

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam đang thực hiện cuộc diễu binh lớn chưa từng có tại TP HCM, nơi ngày xưa là đô thành Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa.
Từ lâu, lịch sử đã được định hình như một đặc quyền xa xỉ — một câu chuyện được soạn dựng bởi những kẻ chiến thắng và những người nắm quyền lực. Tại Việt Nam, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đất nước được thống nhất về mặt địa lý và chính trị, lịch sử cũng bị định hình lại dưới một trật tự duy nhất — một trật tự chịu sự kiểm soát của đảng và nhà nước cộng sản. Kể từ đó, lịch sử chính thống đã nghiêng hẳn về việc phản ánh và bảo vệ quan điểm, lợi ích và tính chính danh của chính thể ấy, hơn là thể hiện tính đa diện, đa chiều vốn có của lịch sử dân tộc. Giới viết sử — từ các nhà nghiên cứu, biên khảo hàng đầu cho đến những người làm sử ở cấp cơ sở — từ lâu đã bị kìm hãm trong khuôn khổ định sẵn, buộc họ phải tự giới hạn mình, không thể lên tiếng một cách trung thực và đầy đủ về những điều cần được nói.
Kết quả là, toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam đã bị giản lược một cách cực đoan — đóng khung trong một hệ thống kể chuyện mang tính huyền thoại về những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Trong hệ hình ấy, cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị tái định nghĩa hoàn toàn thành một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm — một cuộc "chống Mỹ cứu nước" — dù rằng phần lớn những người trực tiếp tham gia hay bị ảnh hưởng, từ giới lãnh đạo đến binh lính và thường dân, đều là người Việt và mang cùng một dòng máu.
Chính lối kể đó khiến lịch sử bị sử dụng như một thứ công cụ chính trị để cai trị, thay vì là một không gian đối thoại trung thực với quá khứ và con người. Nó làm lu mờ những sắc thái, những mâu thuẫn nội tại, và cả những khát vọng bất đồng trong lòng một dân tộc từng và vẫn tiếp tục bị chia cắt.
Vì thế, những sự kiện và hiện thực lịch sử — từ triều đại Gia Long, cuộc Cải cách ruộng đất, đến phong trào Nhân văn Giai phẩm — đều bị bóp méo hoặc xuyên tạc nhằm phục vụ một hệ tư tưởng đơn tuyến. Những bậc tiền nhân có công với đất nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nhất Linh bị làm lu mờ, gạt khỏi chính sử, nhường chỗ cho những nhân vật được tô vẽ hoặc huyền thoại hóa như Võ Thị Sáu hay Lê Văn Tám — những biểu tượng cách mạng được kỳ công nhào nặn nhiều hơn là được ghi chép trung thực.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lính Trung Quốc tham gia tập dượt diễu binh tại TP HCM hướng tới kỷ niệm ngày mà chính quyền Việt Nam gọi là "Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước". Trung Quốc là nhà bảo trợ chính của Bắc Việt thời chiến.
Chính thể Việt Nam Cộng hòa cùng với hàng triệu con người từng là công dân dưới thể chế đó bị gán cho cái tên "ngụy quân, ngụy quyền" — như một tội danh chính trị phản dân tộc, phản tổ quốc. Lá cờ vàng ba sọc đỏ — từng là biểu tượng của một quốc gia, một nền cộng hòa, một giai đoạn lịch sử — bị tuyên truyền như một hình ảnh cần phải ruồng bỏ, xóa sạch, bất chấp chiều sâu và sự phức tạp của nó trong ký ức tập thể.
Các sản phẩm văn hóa — từ âm nhạc đến văn chương miền Nam — bị định danh là "đồi trụy," "phản cách mạng," và bị cấm đoán, thiêu hủy. Những câu chuyện về tù cải tạo, về các cuộc vượt biên, vượt biển của hàng triệu người, và cả lịch sử của cộng đồng người Việt hải ngoại — tất cả bị làm lu mờ, tái định nghĩa, hoặc bị đẩy ra bên lề dòng chính sử Việt Nam.
Đó không chỉ là sự lãng quên có chủ đích — mà là một nỗ lực có hệ thống nhằm tái cấu trúc ký ức, áp đặt một bản tường thuật duy nhất và xóa nhòa mọi vết tích của một lịch sử phức hợp và đa chiều. Và chính sự giản lược này khiến chúng ta, nhiều thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn tiếp tục lặp lại những khuôn mẫu cũ — ca tụng, kỳ thị, hoặc im lặng — thay vì đối diện với sự phức tạp và nhân tính trong lịch sử của chính mình.