50 năm kết thúc chiến tranh: Hiểu về tính đa dạng của lịch sử và của nhau

Chiến ttranh Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images

  • Tác giả,Alex-Thái Đình Võ
  • Vai trò,Gửi cho BBC từ Texas, Hoa Kỳ
  • 9 giờ trước
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt Chiến tranh Việt Nam (30/4/1975–30/4/2025), BBC News Tiếng Việt khởi động một loạt bài đặc biệt nhằm khơi mở cái nhìn sâu sắc, đa chiều và toàn diện hơn về cuộc chiến này và những hệ lụy kéo dài cho đến hôm nay.
Thay vì chỉ tập trung vào những khuôn mẫu quen thuộc, loạt bài sẽ quy tụ tiếng nói của các học giả và trí thức trong và ngoài nước, phản ánh những cách hiểu khác nhau về lịch sử Việt Nam, chiến tranh, hòa bình, ký ức, và thân phận con người - bao gồm cả cộng đồng người Việt hải ngoại.
BBC News Tiếng Việt hy vọng loạt bài này sẽ đóng góp những kiến giải, cách tiếp cận cởi mở, trung thực và có chiều sâu để cùng nhau nhìn lại quá khứ, đối thoại trong hiện tại và hướng đến một tương lai bao dung và hiểu biết hơn.
Mở đầu, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phó Giáo sư Alex-Thái Đình Võ, nhà sử học chuyên về lịch sử Việt Nam hiện đại và người Việt hải ngoại từ Trung tâm và Lưu trữ Việt Nam, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ:
Năm thứ 50 lại lặp lại như năm thứ 49, 48, và như bao năm trước — có khác chăng là trên một quy mô rộng lớn hơn, bất kể thuộc về phe nào trong cuộc chiến huynh đệ năm xưa. Và sự lặp lại ấy vẫn sẽ tiếp diễn trong những năm tới, khi chúng ta ngày càng chìm sâu hơn vào vũng lầy lịch sử do chính mình tạo ra — một thứ lịch sử được tạo dựng bằng những khuôn mẫu trắng- đen cứng nhắc, bị nhào nặn bởi những ý thức hệ và nỗi bất an đầy nghi kỵ, thiếu vắng tính trung thực và sự đa chiều cần thiết để có thể hiểu một cách trọn vẹn các sắc thái và tính phức tạp vô tận của quá khứ.
Năm mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, bất kể có bao nhiêu lễ hội chiến thắng hay bao nhiêu nghi lễ tưởng niệm, nếu chúng ta không thể hòa giải được với chính lịch sử của mình, thì chúng ta cũng khó lòng hòa giải được với nhau.
Vậy thì, sau nửa thế kỷ, điều quan trọng nhất chúng ta cần tự hỏi không chỉ là chiến tranh đã kết thúc ra sao, mà còn là: chúng ta đã, đang và sẽ hiểu và tiếp nhận lịch sử Việt Nam, lịch sử Chiến tranh Việt Nam, và chính thân phận con người Việt Nam như thế nào?

Nhìn từ trong: một lịch sử bị lược giản​

Việt Nam đang thực hiện cuộc diễu binh lớn chưa từng có tại TP HCM, nơi ngày xưa là đô thành Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam đang thực hiện cuộc diễu binh lớn chưa từng có tại TP HCM, nơi ngày xưa là đô thành Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa.
Từ lâu, lịch sử đã được định hình như một đặc quyền xa xỉ — một câu chuyện được soạn dựng bởi những kẻ chiến thắng và những người nắm quyền lực. Tại Việt Nam, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đất nước được thống nhất về mặt địa lý và chính trị, lịch sử cũng bị định hình lại dưới một trật tự duy nhất — một trật tự chịu sự kiểm soát của đảng và nhà nước cộng sản. Kể từ đó, lịch sử chính thống đã nghiêng hẳn về việc phản ánh và bảo vệ quan điểm, lợi ích và tính chính danh của chính thể ấy, hơn là thể hiện tính đa diện, đa chiều vốn có của lịch sử dân tộc. Giới viết sử — từ các nhà nghiên cứu, biên khảo hàng đầu cho đến những người làm sử ở cấp cơ sở — từ lâu đã bị kìm hãm trong khuôn khổ định sẵn, buộc họ phải tự giới hạn mình, không thể lên tiếng một cách trung thực và đầy đủ về những điều cần được nói.
Kết quả là, toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam đã bị giản lược một cách cực đoan — đóng khung trong một hệ thống kể chuyện mang tính huyền thoại về những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Trong hệ hình ấy, cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị tái định nghĩa hoàn toàn thành một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm — một cuộc "chống Mỹ cứu nước" — dù rằng phần lớn những người trực tiếp tham gia hay bị ảnh hưởng, từ giới lãnh đạo đến binh lính và thường dân, đều là người Việt và mang cùng một dòng máu.
Chính lối kể đó khiến lịch sử bị sử dụng như một thứ công cụ chính trị để cai trị, thay vì là một không gian đối thoại trung thực với quá khứ và con người. Nó làm lu mờ những sắc thái, những mâu thuẫn nội tại, và cả những khát vọng bất đồng trong lòng một dân tộc từng và vẫn tiếp tục bị chia cắt.
Vì thế, những sự kiện và hiện thực lịch sử — từ triều đại Gia Long, cuộc Cải cách ruộng đất, đến phong trào Nhân văn Giai phẩm — đều bị bóp méo hoặc xuyên tạc nhằm phục vụ một hệ tư tưởng đơn tuyến. Những bậc tiền nhân có công với đất nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nhất Linh bị làm lu mờ, gạt khỏi chính sử, nhường chỗ cho những nhân vật được tô vẽ hoặc huyền thoại hóa như Võ Thị Sáu hay Lê Văn Tám — những biểu tượng cách mạng được kỳ công nhào nặn nhiều hơn là được ghi chép trung thực.
Lính Trung Quốc tham gia diễu binh tại TP HCM, kỷ niệm ngày mà chính quyền Việt Nam gọi là Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trung Quốc là nhà bảo trợ chính của Bắc Việt thời chiến.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lính Trung Quốc tham gia tập dượt diễu binh tại TP HCM hướng tới kỷ niệm ngày mà chính quyền Việt Nam gọi là "Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước". Trung Quốc là nhà bảo trợ chính của Bắc Việt thời chiến.
Chính thể Việt Nam Cộng hòa cùng với hàng triệu con người từng là công dân dưới thể chế đó bị gán cho cái tên "ngụy quân, ngụy quyền" — như một tội danh chính trị phản dân tộc, phản tổ quốc. Lá cờ vàng ba sọc đỏ — từng là biểu tượng của một quốc gia, một nền cộng hòa, một giai đoạn lịch sử — bị tuyên truyền như một hình ảnh cần phải ruồng bỏ, xóa sạch, bất chấp chiều sâu và sự phức tạp của nó trong ký ức tập thể.
Các sản phẩm văn hóa — từ âm nhạc đến văn chương miền Nam — bị định danh là "đồi trụy," "phản cách mạng," và bị cấm đoán, thiêu hủy. Những câu chuyện về tù cải tạo, về các cuộc vượt biên, vượt biển của hàng triệu người, và cả lịch sử của cộng đồng người Việt hải ngoại — tất cả bị làm lu mờ, tái định nghĩa, hoặc bị đẩy ra bên lề dòng chính sử Việt Nam.
Đó không chỉ là sự lãng quên có chủ đích — mà là một nỗ lực có hệ thống nhằm tái cấu trúc ký ức, áp đặt một bản tường thuật duy nhất và xóa nhòa mọi vết tích của một lịch sử phức hợp và đa chiều. Và chính sự giản lược này khiến chúng ta, nhiều thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn tiếp tục lặp lại những khuôn mẫu cũ — ca tụng, kỳ thị, hoặc im lặng — thay vì đối diện với sự phức tạp và nhân tính trong lịch sử của chính mình.

 

Nhìn từ ngoài: lịch sử bị giản lược, ký ức bị thao túng​



Nếu lịch sử ở Việt Nam là lịch sử của người chiến thắng, thì ở phương Tây — đặc biệt là Hoa Kỳ — lịch sử lại là sản phẩm của những người nắm giữ quyền lực, được viết bằng Anh ngữ để phục vụ cho những nhu cầu và khủng hoảng nội tại của nước Mỹ hơn là để hiểu cho đúng về Việt Nam. Giới học giả Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm đến Việt Nam từ thập niên 1950 và nhiều hơn nữa khi Mỹ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh vào giữa thập niên 1960. Trong bối cảnh một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cộng hưởng với Chiến tranh Lạnh và sự hiện diện ngày càng sâu rộng của người Mỹ tại Việt Nam, những công trình nghiên cứu ban đầu chủ yếu nhằm lý giải Việt Nam cho người Mỹ — một công chúng vốn ít biết đến đất nước này và thường chẳng hình dung nổi Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ.

Khi chiến tranh leo thang và phong trào phản chiến bùng nổ, thế hệ học giả Mỹ đầu tiên nghiên cứu về Việt Nam, tiêu biểu như George Kahin, bắt đầu thể hiện rõ thiên hướng chính trị và cảm xúc cá nhân, phần nhiều chịu ảnh hưởng từ thực tại xã hội ở Hoa Kỳ hơn là thực tại tại Việt Nam. Họ tập trung nghiên cứu phong trào ******** Việt Nam như là lực lượng duy nhất mang sức mạnh, tính chính danh và khả năng thắng cuộc, từ đó vô tình (hoặc cố ý) loại bỏ các chủ thể khác khỏi dòng chính sử.
Dù với mong muốn tiếp cận cuộc chiến Việt Nam từ góc nhìn "người Việt," cách tiếp cận này lại mang tính chọn lọc rất cao, dẫn đến sự giản lược và lệch lạc trong việc nhìn nhận bản chất đa chiều, phức tạp và đầy mâu thuẫn của cuộc chiến. David Marr là ví dụ tiêu biểu: thay vì bàn trực diện về vai trò của các nhà dân tộc chủ nghĩa phi ********, ông lại hòa trộn — hay làm lu mờ — chủ nghĩa dân tộc trong một tiến trình mang tính tất định luận lịch sử, nơi mà các trí thức–cán bộ Marxist–Leninist trở thành trung tâm của câu chuyện cách mạng.
Với định hướng như vậy, phần lớn các học giả thời kỳ đó — vốn không biết tiếng Việt — chủ yếu dựa vào tư liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và đặc biệt là các ấn phẩm tuyên truyền của chính quyền Hà Nội, điển hình là các xuất bản của Nhà xuất bản Ngoại văn (The Foreign Languages Publishing House). Đây là cơ quan xuất bản do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập và điều hành, với mục đích đưa tiếng nói của chính phủ ******** ra quốc tế, phản bác diễn ngôn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, và xây dựng hình ảnh miền Bắc như một chính thể chính danh và có đạo lý. Những tác phẩm như Ho Chi Minh: Selected Writings (1920–1969) hay Trường Chinh: Selected Writings là những ví dụ tiêu biểu được biên soạn cẩn thận để phục vụ giới trí thức cánh tả và phong trào phản chiến quốc tế.
Sau chiến tranh, giới học giả Hoa Kỳ tiếp tục đặt trọng tâm nghiên cứu vào câu hỏi mang tính nội tâm: "Tại sao Hoa Kỳ thất bại ở Việt Nam?" Câu trả lời thường rơi vào hai hướng: hoặc là vì các quyết định sai lầm của chính quyền Mỹ, hoặc vì ******** Việt Nam quá kiên cường và giỏi tổ chức. Để trả lời, họ lại tiếp tục quay về với các tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc tiếp cận trực tiếp kho lưu trữ nhà nước ở Hà Nội như Thư viện Quốc gia và Trung tâm Lưu trữ III — nơi chủ yếu chứa các văn kiện chính thống của đảng và nhà nước ********.
Dù khai thác được nhiều dữ liệu, phần lớn các công trình này vẫn dựa trên một giả định có tính "minh định" rằng chiến thắng của ******** là tất yếu, là sự tiếp nối của truyền thống chống ngoại xâm hàng ngàn năm. Họ quên rằng, ngoài những người Việt thắng cuộc, còn có hàng triệu người Việt thua cuộc — và không vì thua cuộc mà họ thiếu chính danh, ý chí hay lòng yêu nước.
Chính sự thiên lệch đó đã khiến lịch sử chiến tranh Việt Nam, dù ở Hà Nội hay Washington, trở thành một câu chuyện trắng–đen, chính–tà. Những nhân vật được khắc họa đậm nét vẫn là Kennedy, Johnson, Nixon, Kissinger ở phía Mỹ; Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ ở phía ********. Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nếu có nhắc đến, thì cũng chỉ như những nhân vật phụ bị biếm họa, mang dáng dấp bù nhìn hoặc thất bại.
Trong nỗ lực lý giải sự thất bại của Hoa Kỳ, giới học giả Mỹ vô tình (hoặc hữu ý) đã áp đặt lên đồng minh của họ — Việt Nam Cộng hòa — những nhãn mô tả như "puppet" (bù nhìn), "corrupt" (tham nhũng), "illegitimate" (không chính danh), từ đó xây dựng một lập luận rằng: lẽ ra Mỹ không nên can dự vào Việt Nam, hoặc nếu có, thì đã chọn nhầm phía.
Với nhãn quan đó, trọng tâm nghiên cứu được đặt vào các quyết sách chính trị và quân sự. Vì vậy, thảm sát Mỹ Lai được phân tích cặn kẽ trong sách sử và truyền thông dòng chính, nhưng thảm sát ở Huế thì bị bỏ quên. Những phong trào phản chiến và chống đàn áp ở miền Nam được phơi bày, nhưng đàn áp ở miền Bắc thì bị lờ đi. Từ đó, tất cả những khía cạnh không phù hợp với một tường thuật nhị nguyên đều bị xem là thứ yếu và bị gạt ra bên lề.
Quan điểm lịch sử ấy dần thấm sàn các ngành nghiên cứu khác, từ nhân học đến khoa học chính trị, và cả nghiên cứu Người Mỹ gốc Á. Lịch sử Việt Nam trở thành công cụ để hiểu về Hoa Kỳ — để phản tư, để phê phán chính sách, để chữa lành vết thương của người Mỹ, và để hòa giải với Việt Nam — thay vì là một nỗ lực để hiểu về chính người Việt Nam. Việt Nam trở thành một đối tượng nghiên cứu nhằm hiểu và phê phán nước Mỹ và những thất bại của nó.
Chỉ trong khoảng 15–20 năm gần đây, một thế hệ học giả mới — nhiều người trong số đó là người Việt ở hải ngoại cũng như trong nước, biết tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt — mới bắt đầu tìm mò, viết lại, ráp lại những mảnh lịch sử bị từ chối. Kết quả là những nghiên cứu sâu sắc hơn về Điện Biên Phủ, về Ngô Đình Diệm, về chủ cộng sản, về chủ nghĩa cộng hòa, về Việt Nam Cộng hòa, về người Việt hải ngoại, cũng như những phức tạp chính trị–xã hội của miền Bắc như phong trào Nhân văn Giai phẩm, Cải cách ruộng đất, các cuộc thanh trừng nội bộ, Tết Mậu Thân, Hòa đàm Paris và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu phá vỡ thế độc thoại của lịch sử.
Chiến tranh kết thúc cũng là lúc những dòng thuyền nhân bắt đầu rời khỏi Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chiến tranh kết thúc cũng là lúc những dòng thuyền nhân bắt đầu rời khỏi Việt Nam.

Lịch sử không chỉ là chiến tranh và ký ức chiến tranh​

Lịch sử Việt Nam – lịch sử của con người Việt Nam – và cụ thể là lịch sử cuộc Chiến tranh Việt Nam, không thể và không nên bị gói gọn trong kết cục thắng hay thua. Để có cái nhìn đầy đủ và trung thực hơn, chúng ta cần mở rộng khái niệm lịch sử thông qua những nỗ lực nghiên cứu sâu rộng, nhằm phản ánh chính xác hơn tính đa dạng, đa chiều và phức tạp của xã hội và con người. Trách nhiệm ấy không chỉ thuộc về những người viết sử, mà còn thuộc về từng công dân có ý thức, những người biết đặt câu hỏi: Vì sao lịch sử được kể như vậy? Vì sao có những yếu tố, nhân vật được nhắc đến trong khi những yếu tố và con người khác bị loại bỏ khỏi dòng chính?
Khi nhận thức được điều đó, ta sẽ hiểu rằng lịch sử Việt Nam không thể chỉ là lịch sử của một hay nhiều cuộc chiến, không chỉ là sự đối đầu trắng-đen giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong đó, sự hiện diện của người Mỹ, người Hàn, người Úc… phải được đặt song song với sự hiện diện của chuyên gia, cố vấn, và quân nhân Trung Quốc hay Liên Xô. Rằng giới lãnh đạo – dù thuộc bên nào – không chỉ là những biểu tượng của quyền lực mà còn là những con người với đầy đủ yêu thương, giằng xé, và cả tầm nhìn riêng dành cho đất nước. Rằng những người lính – dù là lính Mỹ, bộ đội miền Bắc hay quân lực Việt Nam Cộng hòa – đều mang trên mình những nỗi niềm, nỗi sợ, nỗi nhớ, và khát khao được sống, được trở về.
Ta cũng phải nhìn nhận rằng trong chiến tranh, không chỉ có đạn bom và chiến trường, mà còn có cả một đời sống xã hội hiện thực – nơi một học sinh đang tuổi mộng mơ hôm nay, ngày mai có thể trở thành một trong hàng ngàn thi thể lạnh lẽo trên chiến trường. Rằng trong lòng những xã hội ấy, từ Bắc đến Nam, tồn tại những tiếng nói riêng biệt thể hiện qua thơ văn, phim ảnh, âm nhạc và hoạt động xã hội dân sự. Qua đó, chúng ta thấy được những tương đồng, dị biệt – thấy được rằng tự do ngôn luận vốn đã là một điều kiện mong manh ngay từ thời Nhân văn Giai phẩm, và rằng nếu không có một giai đoạn Việt Nam Cộng hòa, dù chỉ tồn tại 20 năm, thì có lẽ đã không có một Trịnh Công Sơn với những bản tình ca hay ca khúc da vàng, hay một Văn Cao được nhớ đến dù là tác giả quốc ca ngày nay.
Những lịch sử đó không thể bị nhốt trong một thời điểm hay kết thúc tại mốc 30/4 như một dấu chấm hết. Chúng ta cần nhận diện sự tiếp diễn của chúng – từ những hệ lụy của chiến tranh, chính sách khắc nghiệt với đồng loại, đến những nỗ lực hòa giải với kẻ từng là thù địch; từ thân phận trong trại cải tạo đến trại tị nạn, hay những mảnh đời chìm sâu dưới đáy đại dương.
Lịch sử chiến tranh phải là lịch sử của những con người còn lại và đã ra đi – những người bị ruồng bỏ ngay trên đất mẹ, nhưng vẫn đang tự tái tạo mình trên xứ người. Nó phải ghi nhận sự tồn tại của hàng triệu người Việt ở hải ngoại – không chỉ ở Mỹ, Canada, Pháp hay Úc, mà còn cả ở Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Nga và Đông Âu – những nơi họ phải vật lộn để tồn tại, đối diện với xung đột thế hệ và nỗ lực khẳng định sự hiện diện và ký ức của mình.

Năm mươi năm sau chiến tranh là thời gian đủ dài để chúng ta nhìn lại và khôi phục sự công bằng cho lịch sử. Không phải để thay thế một hệ tư tưởng này bằng hệ tư tưởng khác, mà để phục hồi sự phong phú và trung thực cần thiết cho việc hiểu đúng một quá khứ từng bị từ chối – từ những sự kiện, nhân vật, biểu tượng, đến ký ức cá nhân và tập thể.
Muốn hòa giải với nhau, trước tiên chúng ta phải hòa giải với chính lịch sử – bằng cách can đảm đối diện với nó, nhận diện sự hiện diện của nhau trong lịch sử, trong hiện tại, và cả tương lai. Bởi nếu không thể thừa nhận sự tồn tại của nhau, thì chúng ta lấy gì để bắt đầu một cuộc hòa giải đúng nghĩa? Và nếu chúng ta không thể mở lòng để làm được điều đó, có lẽ chúng ta sẽ mãi giậm chân trong sự lão hóa của năm tháng, chứ không bao giờ đủ trưởng thành để hiên ngang đứng trên nền tảng của lịch sử mà bước tới tương lai.
  • Alex-Thái Đình Võ là nhà sử học chuyên về lịch sử Việt Nam hiện đại và người Việt hải ngoại. Hiện ông là phó giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm và Lưu trữ Việt Nam, Đại học Texas Tech, nơi ông phụ trách các dự án về lịch sử Chiến tranh Việt Nam và cộng đồng người Việt sau 1975. Ông là tác giả và đồng biên tập những công trình nghiên cứu về chiến tranh, di cư, ký ức và quá trình hình thành cộng đồng người Việt tại Mỹ.
 

Có thể bạn quan tâm

Top