'Chúng tôi không coi đó là phản quốc': Cặp đôi người Nga trở thành người tiếp tin cho Ukraine

Cặp đôi này từ lâu đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin

Chụp lại hình ảnh,Cặp đôi này từ lâu đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin
4 giờ trước
Ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Sergei và Tatyana Voronkov đã quyết định rời khỏi Nga.
Cặp đôi này, từ lâu đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, từng lên tiếng về cách Nga đối xử bạn bè và người quen. Đáp lại, họ được bảo rằng nếu không thích thì có thể rời đi.
Vì vậy, hai người - đều là công dân Nga - đã quyết định chuyển đến Ukraine, nơi bà Tatyana sinh ra.
Đến năm 2019, họ ổn định cuộc sống ở Novolyubymivka, một ngôi làng khoảng có 300 dân ở vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine.
Hai người nuôi bốn con chó và bắt đầu chăn nuôi gia súc, trong khi Sergei, 55 tuổi, kiếm được một công việc làm khảo sát đất đai — chuyên môn của ông khi còn phục vụ trong quân đội Liên Xô.

Họ mong có một cuộc sống yên bình.
Nhưng khi Moscow xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022, sự bình yên ấy đã bị phá vỡ khi những loạt tên lửa đầu tiên của Nga bay qua ngôi nhà của hai người.
"Tôi nghe thấy có gì đó rít lên, thứ gì đó đang bay, và tôi chạy ra ngoài," bà Tatyana, 52 tuổi, kể lại.
"Một quả tên lửa đang bay ngay phía trên ngôi nhà.
"Tôi lên mạng xem chuyện gì đã xảy ra và thấy tin tức về việc Kyiv bị đánh bom."
Cặp đôi sớm nhận ra mình đang sống trong khu vực bị chiếm đóng, và quyết định trở thành người cung cấp thông tin cho Ukraine.
Những gì xảy ra sau đó với hai người là: bị bắt giữ, bị thẩm vấn, trốn sang châu Âu và rồi nhận được một lá thư cảm ơn từ quân đội Ukraine.
Ông Sergei và bà Tatyana Voronkov trước khi rời Moscow

Nguồn hình ảnh,NVCC
Chụp lại hình ảnh,Ông Sergei và bà Tatyana Voronkov trước khi rời Moscow
Chính khi một đoàn xe quân sự của Nga đi ngang nhà họ lần đầu tiên, bà Tatyana đã quyết định hành động.
Bà chạy vào nhà và nhắn tin cho một người quen ở Kyiv, người mà bà tin có liên hệ với cơ quan an ninh Ukraine.
Người đó đã gửi cho bà một đường liên kết dẫn đến một chatbot trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Chatbot này nói rằng sẽ có người liên lạc với vợ chồng Sergei và Tatyana bằng một mã định danh riêng.
Cặp đôi sau đó được yêu cầu cung cấp vị trí và thông tin chi tiết về các hệ thống tác chiến điện tử và khí tài quân sự của Nga mà họ quan sát được, đặc biệt là các hệ thống tên lửa và xe tăng.
Những vị trí này sẽ giúp quân đội Ukraine nhắm mục tiêu và tiêu diệt lực lượng Nga trong khu vực bằng thiết bị bay không người lái (drone) và pháo.
"Chúng tôi không coi đó là phản quốc," bà Tatyana nói.
Hai người khẳng định rằng những thông tin họ cung cấp không gây ra bất kỳ cuộc tấn công nào vào dân thường hoặc hạ tầng cơ sở dân sự.
"Không ai tấn công nước Nga cả. Đây là chiến đấu chống lại cái ác."
Trong suốt hai năm, ông Sergei thu thập tọa độ và bà Tatyana truyền tin từ điện thoại của mình. Họ luôn xóa sạch mọi dấu vết tin nhắn và sẽ liên hệ tùy theo điều kiện truy cập internet ở làng.
Nhưng mọi chuyện đã kết thúc vào tháng 4/2024 khi ông Sergei bị những người có vũ trang bắt giữ. Khi đó, ông đang đi mua hạt giống làm vườn ở Tokmak - trung tâm của khu vực.
Một đoàn xe quân sự của Nga di chuyển về phía khu vực Donbas vào tháng 2/2022

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Một đoàn xe quân sự của Nga di chuyển về phía khu vực Donbas vào tháng 2/2022

Thẩm vấn trong hố​

Ông Sergei kể rằng mình đã bị đưa đến một ngôi nhà bỏ hoang và bị nhốt trong một căn hầm lạnh lẽo – rộng khoảng hai mét và sâu khoảng ba mét. Ông phải ngủ trong tư thế ngồi xổm.
Ngày hôm sau, ông bị tra hỏi về việc liệu ông có chuyển thông tin về các vị trí của Nga cho phía Ukraine hay không. Ông Sergei kể rằng trong lúc thẩm vấn, đầu ông bị trùm bằng một cái bao và bị đe dọa sẽ sử dụng bạo lực.
Ban đầu ông phủ nhận việc mình có liên quan, nhưng đến ngày giam giữ thứ tư, sợ rằng mình sẽ vô tình khai ra người khác lúc bị tra tấn, ông Sergei đã thú nhận.
Cùng lúc tất cả những chuyện đó đang diễn ra, bà Tatyana đi tìm thông tin về tung tích của chồng trong tuyệt vọng.
Bà đi khắp các nơi trong vùng và gọi điện đến các bệnh viện và nhà xác, trong khi con trai hai người – người vẫn sống gần Moscow – cố liên hệ với nhiều cơ quan chức năng tại đó.
Mười ngày sau khi Sergei bị bắt, lực lượng an ninh đã khám xét nhà của vợ chồng nhà Voronkov và đào lên số tiền 4.400 USD hai người đã chôn trong vườn.
Không lâu sau đó, bà Tatyana được báo tin rằng chồng bà đang "ngồi dưới hầm" và đang bị Cơ quan An ninh Nga – FSB – giam giữ.
Nhiều tuần sau, sau 37 ngày bị giam, ông Sergei bị buộc phải thú nhận trước máy quay rằng mình đã hỗ trợ Ukraine. Những người buộc ông Sergei quay video tự xưng là thành viên của FSB.
Tuy nhiên, điều khiến ông bất ngờ là việc ông được thả hai ngày sau đó, dù hầu hết giấy tờ tùy thân – bao gồm cả hộ chiếu – đều bị tịch thu.
Cho đến nay, bà Sergei và ông Tatyana vẫn không hiểu vì sao ông được thả.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BBC, điều này không phải hiếm ở những khu vực Ukraine do Nga kiểm soát, nơi quá trình điều tra và tư pháp thiếu minh bạch và người ta thường không được giải thích lý do vì sao họ bị bắt hay được thả.
Ông Sergei và thú cưng tại nhà riêng ở Novolyubymivka

Nguồn hình ảnh,NVCC
Chụp lại hình ảnh,Ông Sergei và thú cưng tại nhà riêng ở Novolyubymivka
Trong những tuần sau khi ông Sergei được thả, cặp vợ chồng tin rằng họ bị theo dõi, với những chiếc xe liên tục chạy đến gần nhà và những người lạ hỏi họ có bán gì không.
Tin rằng mình sẽ không bao giờ được để yên, hai người bắt đầu lên kế hoạch rời đi.
Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà hoạt động nhân quyền, ông Sergei và bà Tatyana quyết định tìm cách đi sang Lithuania. Để được điều đó, họ cần quay lại Nga trước để ông Sergei làm lại hộ chiếu.
Hàng xóm ở Novolyubymivka đã giúp đỡ cặp vợ chồng bằng cách mua lại gia súc và các vật dụng trong nhà của họ.
Hai người thậm chí còn tìm được một mái ấm mới cho những con chó của mình – điều mà ông Sergei nói là nỗi lo lớn nhất của bản thân.

Trốn thoát với phao cao su​

Hai vợ chồng bắt đầu hành trình bằng xe ô tô của họ.
Sợ rằng có thể bị lực lượng Nga chặn lại và tra hỏi, họ đã bịa sẵn một câu chuyện rằng đang trên đường ra biển để bà Tatyana – người mắc bệnh hen suyễn – hít thở không khí trong lành. Họ thậm chí mang theo một chiếc mũ rơm và một cái phao cao su để tăng tính thuyết phục cho câu chuyện.
Nhưng cuối cùng hai người đã không bị chặn lại.
Ban đầu, hai người bị từ chối nhập cảnh vào Nga, nhưng sau đó vẫn được phép vào sau khi ông Sergei có được giấy xác nhận đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu mới.
Sau nhiều lần bị trì hoãn trong quá trình làm hộ chiếu và một nỗ lực tìm cách rời Nga qua Belarus bất thành, ông Sergei đã mua một hộ chiếu giả qua ứng dụng Telegram.
Nhờ đó, hai người có thể đi xe buýt sang Belarus và vượt biên bằng giấy tờ giả của ông Sergei. Từ đó, họ băng qua biên giới để vào Lithuania – một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và là đồng minh thân cận của Ukraine. Ông Sergei đã bị bắt giữ vì sử dụng giấy tờ giả.
Sau đó, một tòa án ở Lithuania tuyên ông có tội vì sử dụng hộ chiếu giả.
Hai vợ chồng đã tới được Lithuania, nhưng sau đó đã bị chính quyền sở tại truy tố

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Hai vợ chồng đã tới được Lithuania, nhưng sau đó đã bị chính quyền sở tại truy tố
Hiện tại, hai vợ chồng đang sống trong một trại tị nạn và hy vọng sẽ được định cư lâu dài ở Lithuania.
Quân đội Ukraine đã gửi họ một lá thư cảm ơn – theo đề nghị của người liên lạc cũ của họ ở Kyiv – để hỗ trợ hồ sơ xin tị nạn của hai người. BBC đã được xem bản sao của lá thư này.
BBC cũng đã xem các tài liệu từ những cơ quan chính thức ở cả Nga và Ukraine xác nhận những gì đã xảy ra với vợ chồng Voronkov. Tuy nhiên, chúng tôi không công bố các tài liệu này để bảo vệ danh tính của những người liên quan.
Hành động của vợ chồng nhà Voronkov đã gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trong gia đình.
Người con trai của họ – hiện vẫn sống ở Nga – đã cắt đứt liên lạc sau khi biết chuyện cha mẹ mình đã làm. Mẹ của bà Sergei, hiện 87 tuổi, vẫn sống ở Nga và ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine cũng như Tổng thống Putin.
Bất chấp những điều này, hai vợ chồng kiên quyết khẳng định sẽ không bao giờ quay lại Nga.
"Chỉ khi nào nước Nga thể hiện được một chút nhân tính [thì chúng tôi mới quay lại]," ông Sergei nói.
"Còn hiện tại, tôi không thấy ở đó có chút tính người gì cả."
 

Có thể bạn quan tâm

Top