

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
14 tháng 4 2025
Hiện nay, kết quả tìm kiếm địa điểm ăn chơi ở tỉnh Hưng Yên - quê nhà Tổng Bí thư Tô Lâm - cho thấy dự án đồ sộ nhất là Grand World Hà Nội của Tập đoàn Vingroup.
Tổ hợp thương mại dịch vụ và vui chơi giải trí này được mô phỏng theo ''thành phố Venice'' mà Vingroup đã hoàn thành xây dựng ở đảo Phú Quốc năm 2021.
Dự án đem lại màu sắc của kiến trúc phương Tây cho Hưng Yên - vốn được biết đến nhiều hơn với những địa điểm tham quan đậm dấu tích lịch sử như chùa Phúc Lâm có tuổi đời 100 năm, hay phố Hiến, từng là thương cảng sầm uất vào thế kỷ 16-17.
Nhưng chỉ trong vòng hai năm nữa, tỉnh này dự kiến sẽ có một tổ hợp giải trí khác. Do sự liên kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổ hợp mới có thể sẽ làm lu mờ dự án của tỷ phú giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng.
Việt Nam đã bật đèn xanh cho dự án sân golf của tập đoàn mang tên ông Trump - The Trump Organization - ở Hưng Yên trong bối cảnh ông Trump đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai cùng với lời đe dọa áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Dự án được nhìn nhận như một biện pháp để giảm rủi ro bị áp thuế.
Thế rồi, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, với mức 46%, một cú sốc cho tham vọng tăng trưởng của Việt Nam. Con số này khiến sàn chứng khoán Việt Nam rực lửa, bốc hơi 643 triệu đô la Mỹ của bốn tỷ phú giàu nhất Việt Nam khi khép phiên hôm 8/4.
Vào hôm 10/4 theo giờ Việt Nam, tại buổi họp với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, đã nói rằng thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để góp phần giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai bên, đáp ứng những quan tâm của phía Mỹ.
Do đó, ông Phớc cho rằng, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quan hệ kinh tế thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, theo báo Chính phủ.
Như BBC News Tiếng Việt đã đưa tin trước đó, các biện pháp mà ông Phớc nói trên có thể kể đến đề xuất mua thêm nông sản, sản phẩm quốc phòng và an ninh của Mỹ, triển khai dự án golf của Tập đoàn Trump Organisation ở Hưng Yên và mở đường cho công ty Starlink của tỷ phú Elon Musk, một người thân cận với ông Trump, hoạt động ở Việt Nam.
Giờ đây, kể cả khi mức thuế 46% đã được chính quyền Trump tạm hoãn 90 ngày, Việt Nam ''cho rằng hai nước cần sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài'', theo báo Chính phủ.
Hai ngày sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ – trong đó trưởng đoàn là Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Nguồn hình ảnh,VGP/BBC
Một dự án mang tên Trump tại Việt Nam
Cựu Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã thật sự ''ấn tượng'' khi được biết tin Việt Nam bật đèn xanh cho dự án sân golf của Tập đoàn Trump Organization.''Việt Nam đang cho thấy mình là một quốc gia đi trước thời cuộc, có tư duy chiến lược và hiểu rõ bối cảnh,'' ông Andrew Goledzinowski, người kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam năm 2024, đánh giá.
Trong khi các nước như Úc hướng tới Mỹ với kỳ vọng rằng họ là một hình mẫu về đạo đức và sự công bằng với cách hành xử đúng đắn, ông cho rằng ''Việt Nam thì không có kỳ vọng đó'', gợi nhắc đến quá khứ chiến tranh giữa hai nước.
Đây cũng chính là lý do vì sao Việt Nam nhìn nhận Mỹ theo ''cách họ thấy Mỹ hành động và [từ đó] hành xử một cách thực tế'', đặc biệt khi thị trường Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng theo ông Goledzinowski, nay là cố vấn chiến lược của Hiệp hội Học giả và Chuyên gia Việt Nam–Úc, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Úc.
Vào cuối tháng Ba, Reuters đã đưa tin rằng The Trump Organization và đối tác tại Việt Nam đang thực hiện nhiều khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào các dự án sân golf, khách sạn và bất động sản.
"The Trump Organization cùng đối tác của mình có kế hoạch đầu tư hàng tỷ đô la vào Việt Nam," người phát ngôn của tập đoàn nói với Reuters, lưu ý rằng dự án đầu tiên trị giá 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên sẽ được khởi công vào tháng 5/2025, chỉ vài tháng sau khi thỏa thuận được ký kết, và một dự án thứ hai có thể được công bố trong năm nay.
Nguồn tin này trao đổi với Reuters trong bối cảnh Việt Nam đang ở trong trạng thái ''nín thở'' chờ đợi quyết định "thuế quan đối ứng" của ông Trump.
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên nói với BBC News Tiếng Việt rằng: “Trump chỉ là cái tên gây chú ý, là 'ngôi sao trang bìa'. Thực chất, ông ta không có nhiều tiền – phần lớn các dự án kinh doanh của ông ta đều không thành công.”
Vị này, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, yêu cầu không nêu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với đại diện của Tập đoàn Trump Organization nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.
Trong khi đó, cựu đại sứ Úc tại Việt Nam đưa ra nhận định rằng các dự án của The Trump Organization vẫn có thể mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy nhất định trong đàm phán thuế quan sắp tới, mặc dù điều này không hoàn toàn chắc chắn.
''Việt Nam đang thể hiện sự khéo léo của mình: đây không hẳn là một thỏa thuận với nước Mỹ, mà là một sự nhượng bộ dành riêng cho ông Trump. Việt Nam đang chơi một ván cờ rất tinh tế. Theo tôi, đây vẫn là một bước đi khôn ngoan, dù câu hỏi được đặt ra là Việt Nam sẽ đạt được gì từ thỏa thuận này,'' ông Goledzinowski nói thêm.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Cáo buộc ông Trump 'xung đột lợi ích'
Ngoài bối cảnh thuế quan, các dự án sân golf, khách sạn và bất động sản tại Việt Nam cũng nằm trong số nhiều dự án đầu tư nước ngoài của của tập đoàn mang tên ông Trump gây ra tranh cãi nhiều năm nay kể từ ông đắc cử lần đầu tiên năm 2016.Lý do là vì các cáo buộc xung đột lợi ích, khi có nghi vấn về tầm ảnh hưởng của dự án kinh doanh của vị tổng thống ở nhiều nước đến các chính sách ngoại giao của nước Mỹ.
Năm 2024, BBC đã dẫn một báo cáo từ các dân biểu Dân chủ Mỹ rằng các khách sạn và doanh nghiệp khác của ông Trump đã nhận hơn 7,8 triệu USD từ các chính phủ nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Hành động nhận số tiền này của ông Trump bị cáo buộc là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.
Hiến pháp Hoa Kỳ cấm tổng thống nhận quà tặng hoặc các lợi ích khác có được từ chức vụ của mình nếu không có sự cho phép rõ ràng từ Quốc hội.
Năm 2022, các đảng viên Dân chủ tại một ủy ban thuộc Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua việc công bố các hồ sơ thuế của ông Trump, điều đã phác họa một bức chân dung đầy mâu thuẫn về doanh nhân này – người từng nổi danh nhờ phát triển bất động sản và một chương trình truyền hình thực tế.
Các hồ sơ này cho thấy ông Trump và vợ là bà Melania Trump đã khai báo hàng triệu đô la Mỹ dưới dạng các khoản khấu trừ và thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, bao gồm bất động sản, từ đó làm giảm đáng kể số thuế thu nhập phải nộp.
Ông cũng không bị kiểm toán thuế trong hai năm đầu của nhiệm kỳ đầu tiên, dù luật quy định rằng hồ sơ thuế của các tổng thống đương nhiệm phải được xem xét.
''Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, đã có nhiều lần các quyết định về chính sách đối ngoại dường như bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh cá nhân của ông,'' Meghan Faulkner, Giám đốc Truyền thông của Citizens for Responsibility and Ethics tại Washington (Crew), nói với BBC News Tiếng Việt.
Crew, một tổ chức phi lợi nhuận phi đảng phái tại Mỹ, đã theo dõi và nghiên cứu các cáo buộc về những xung đột lợi ích kinh doanh của ông Trump trong nhiều năm.
Bà Faulkner đưa ra một ví dụ rằng Tổng thống Trump được cho là đã yêu cầu đại sứ của mình tại Vương quốc Anh giúp đưa giải golf British Open về sân golf Turnberry của ông ở Scotland.
''Các dự án phát triển ở nước ngoài của Tập đoàn Trump Organization đặt ra rủi ro đặc biệt về việc vi phạm Điều khoản về Thù lao từ nước ngoài trong Hiến pháp Hoa Kỳ, đồng thời làm dấy lên những nghi vấn về việc liệu các quyết định đối ngoại có bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh của tổng thống hay không,'' bà Faulkner nói thêm.
Hy vọng tránh thuế trong bối cảnh toàn cầu
Đoàn đàm phán thuế quan với Mỹ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới chỉ được thành lập vào hôm 12/4, còn quá sớm để nói rằng các dự án của Tập đoàn Trump Organization hay các động thái nhượng bộ khác của Việt Nam sẽ có tác động như thế nào.Nhưng Việt Nam đã cho thấy rằng họ sẽ không dừng lại để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8% và thậm chí cao hơn nữa.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ - vốn đã là thị trường lớn nhất của Việt Nam - là trọng tâm của kế hoạch này.
Hôm 11/4, Việt Nam tuyên bố sẵn sàng ''xử lý nghiêm'' hàng hóa Trung Quốc "quá cảnh" lãnh thổ của mình trên đường sang Mỹ và sẽ siết chặt kiểm soát đối với các mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm sang Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Đề nghị này được đưa ra khi các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, bao gồm cố vấn thương mại có ảnh hưởng của Nhà Trắng Peter Navarro, nêu lên mối lo ngại về hàng hóa Trung Quốc được đưa sang Hoa Kỳ với nhãn "Made in Vietnam" có mức thuế thấp hơn.
Hà Nội đặt hy vọng Mỹ giảm mức thuế xuống khoảng 22% đến 28%, hoặc thậm chí thấp hơn.