Đưa "bản sao" ngai vàng phục vụ khách tham quan khu di sản Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời, bản phục chế được trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.​

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các hoạt động tiếp đón du khách tham quan khu di sản Huế diễn ra bình thường sau sự việc đối tượng vào quậy phá ở ngai vàng trong điện Thái Hòa, thuộc Đại nội Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa ngai vàng triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, chờ tu sửa; đồng thời, bản phục chế được trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách tham quan.

Đưa bản sao ngai vàng phục vụ khách tham quan khu di sản Huế - 1

Tạm thời đưa ngai phục chế vào trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ khách tham quan (Ảnh: Vi Thảo).

"Bản sao" này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho phục chế trong thời gian điện Thái Hòa hạ giải, trùng tu.

Năm 2023, ngai phục chế hoàn thành và được trưng bày trên Lầu Ngũ Phụng tại cổng Ngọ Môn (Đại nội Huế) để phục vụ du khách tham quan, trong khi bản gốc được bảo quản cẩn thận trong kho cổ vật, tránh hư hỏng.

Hiện nay, tại di tích điện Thái Hòa còn trưng bày cặp tượng rồng thời Thiệu Trị, Bảo vật quốc gia được công nhận năm 2024. Ngoài ra còn nhiều hiện vật quý giá khác liên quan đến triều Nguyễn.

Chị Hà Thị Thùy Dung, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ cho biết, khi cùng đoàn vào tham quan Đại nội Huế đã được nghe thông tin về việc ngai vàng triều Nguyễn bị người khác phá hoại dẫn đến hư hỏng.

Theo chị Dung, đây là hiện vật quý, có giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử, nên công tác quản lý cần được tổ chức nghiêm ngặt hơn.

Đưa bản sao ngai vàng phục vụ khách tham quan khu di sản Huế - 2

Hoạt động tiếp đón du khách tham quan khu di sản Huế diễn ra bình thường (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cho biết, hiện nay đơn vị được giao quản lý hơn 11.000 hiện vật, trong đó trên 9.000 hiện vật quản lý, trưng bày tại bảo tàng; số còn lại trưng bày tại các địa điểm thuộc Quần thể di tích cố đô Huế, phục vụ du khách tham quan.

Thời gian tới, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cổ vật, Bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại các điểm di tích để có phương án bảo vệ phù hợp.

Đưa bản sao ngai vàng phục vụ khách tham quan khu di sản Huế - 3

Khu vực ngai vàng triều Nguyễn trong điện Thái Hòa sau vụ việc (Ảnh: Vi Thảo).

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sau khi xảy ra sự việc, trung tâm đã triển khai một số giải pháp cấp bách, xây dựng các giải pháp mang tính bền vững, dài hạn để bảo vệ di sản, di tích.

Trong thời gian tới, sẽ có một hội đồng được thành lập theo quy định để đánh giá, đề xuất phương án bảo quản, xử lý đối với ngai vàng triều Nguyễn.

Như Dân trí đã đưa tin, 11h55 ngày 24/5, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm mua vé vào cổng Đại nội Huế, sau đó lẻn vào quậy phá khu vực ngai vàng triều Nguyễn tại điện Thái Hòa, làm hư hỏng hiện vật.

Đến ngày 25/5, đối tượng đã bị cơ quan chức năng thành phố Huế tạm giữ hình sự để điều tra làm rõ hành vi. Tuy nhiên, đối tượng có biểu hiện loạn thần, nói nhảm khiến việc lấy lời khai của cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, thành phố Huế có 14 hiện vật/bộ hiện vật, với 41 hiện vật đơn lẻ được công nhận Bảo vật quốc gia.

Riêng tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế có 12 hiện vật/bộ hiện vật, với 38 hiện vật đơn lẻ là Bảo vật quốc gia.
 

Có thể bạn quan tâm

Top