
Ngại phức tạp, sợ chi phí
Hơn 10 năm buôn bán văn phòng phẩm, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) nhiều lần nghĩ đến chuyện mở rộng sang in ấn, rồi đăng ký thành lập doanh nghiệp cho bài bản, nhưng rồi ý tưởng vẫn để đó.“Nhiều người bảo lên doanh nghiệp đi cho dễ làm ăn lớn, cung ứng cho công ty, trường học thì phải xuất hoá đơn, nhưng tôi tìm hiểu thấy phức tạp, cứ làm nhỏ cho chắc. Sổ sách, thuế sẽ phát sinh rất nhiều nếu không còn nộp thuế khoán, riêng việc nhập mã hàng, kiểm kho vào phần mềm bán hàng đã lằng nhằng”, chị Hà lo ngại.
Chị Kim Huệ - chủ cửa hàng tạp hóa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội - cũng chọn cách kinh doanh truyền thống: Vợ bán hàng, chồng giao hàng. Khách quen là cư dân xung quanh. Chị Huệ đang nộp thuế khoán 800.000 đồng/tháng, thêm 1 triệu đồng thuế môn bài cả năm, vừa sức để duy trì cửa hàng ổn định.
“Hàng hóa nhìn bằng mắt là biết bán chạy hay chậm, bán nhiều thì hôm sau nhập thêm, thiếu gì thì đi lấy, đơn giản vậy thôi. Mở công ty phải kê khai từng món, làm báo cáo… điều này tôi chưa từng nghĩ tới”, chị Huệ chia sẻ.
Không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn áp cho hộ bán bún
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - nhận định: “Chính sách giảm thuế trong 3 năm là một bước đi tích cực, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Bởi lẽ, lợi ích từ việc miễn giảm thuế còn ở thì tương lai, trong khi chi phí tuân thủ phải trả đều đặn sau khi lập doanh nghiệp”.Theo ông Bình, khu vực hộ kinh doanh rất đa dạng, từ quy mô lớn đến những hộ nhỏ lẻ, buôn bán chỉ đủ mưu sinh. Muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cần có khung pháp lý riêng, phù hợp hơn với đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay; không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn, bài bản với bộ máy kế toán, hệ thống quản trị, giám đốc - ban kiểm soát - kế toán trưởng - báo cáo tài chính phức tạp để áp cho hộ bán bún hay người khởi nghiệp.
“Sửa đổi Luật Doanh nghiệp hoặc xây dựng một luật riêng cho doanh nghiệp cá thể. Tên gọi thôi cũng quan trọng, thay vì doanh nghiệp tư nhân hãy gọi là doanh nghiệp cá thể để gần gũi hơn. Tên gọi phù hợp sẽ kéo theo hệ thống quy định phù hợp”, ông Bình đề xuất.