
Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn hơn 1,5 triệu tỷ đồng, cam kết tự thu xếp 20% vốn, phần còn lại vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

THACO đề xuất được đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đề xuất Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong 30 năm
THACO vừa có văn bản đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án có tổng mức đầu tư (đã bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67,34 tỷ USD.
Phía THACO đề xuất đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư (TVĐT) khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 61,35 tỷ USD. Trong đó, hạng mục giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập do Nhà nước thực hiện và không tính vào TVĐT của dự án.
Để thực hiện việc đầu tư này, THACO sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Cụ thể, phần vốn tương ứng 20% tổng mức đầu tư, tương đương khoảng 12,27 tỷ USD là vốn góp của THACO (gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động hợp pháp khác) thông qua phát hành cổ phần tăng vốn cho THACO và các Tập đoàn thành viên nhưng vẫn đảm bảo ông Trần Bá Dương và gia đình nắm cổ phần chi phối của THACO.
Tính đến cuối quý I/2025, vốn chủ sở hữu của THACO là 57.861 tỷ đồng; trong đó ông Trần Bá Dương (người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị) và gia đình sở hữu 72% vốn, Tập đoàn Jardin Matheson - cổ đông chiến lược, sở hữu 26,6% vốn.
Đồng thời, THACO cho biết sẽ thành lập công ty thực hiện dự án và mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước khác tham gia góp vốn, trong đó THACO nắm cổ phần chi phối để cùng thực hiện dự án. Điều kiện tiên quyết là không chuyển giao, chuyển nhượng dự án, vốn góp, cổ phần trong công ty thực hiện dự án cho nước ngoài.
Phần 80% tổng vốn đầu tư còn lại, tương đương khoảng 49,08 tỷ USD sẽ được công ty vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, THACO đề xuất khoản vay này sẽ được Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 30 năm và tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình dự án.
THACO dự kiến phân kỳ thực hiện dự án thành 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động dự án trong 05 năm với 02 phân đoạn từ TP.HCM đến Nha Trang và từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, sau khi được Nhà nước bàn giao mặt bằng sạch. Đây là 2 phân đoạn có nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa lớn để đưa vào vận hành, khai thác.
Còn giai đoạn 2 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong 2 năm tiếp theo với phân đoạn còn lại từ ga Hà Tĩnh đến ga Nha Trang, do phân đoạn này có địa hình đèo dốc, địa chất phức tạp nên cần thời gian nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả nhất.
"Việc đề xuất tổng thời gian hoàn thành dự án trong 07 năm và có phân chia các giai đoạn của toàn tuyến còn là nhằm có thời gian để các đối tác trong nước nghiên cứu học hỏi, hợp tác (liên danh, liên kết) nhận chuyển giao công nghệ tham gia xây dựng, sản xuất, lắp đặt và vận hành một cách an toàn và đạt hiệu quả cao nhất cho dự án.
Đồng thời có đủ thời gian để hình thành một nền công nghiệp đường sắt, tiết kiệm chi phí nhằm giảm tổng vốn đầu tư của dự án thấp nhất có thể qua đó giảm được chi phí đi lại (giá vé) cho người dân.", phía THACO cho biết.
Nhà đầu tư cũng đề xuất giá vé do Cơ quan nhà nước phê duyệt trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính và thời gian hoàn vốn cho dự án theo quy định. Thời gian hoạt động của dự án được đề xuất là 70 năm, phù hợp với Luật Đầu tư.
Xin cơ chế phát triển bất động sản quanh dự án
Ngoài việc Nhà nước tách thành dự án độc lập và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao mặt bằng sạch cho Nhà đầu tư thực hiện dự án (theo Nghị quyết số 172 năm 2024của Quốc hội và luật Đường sắt năm 2017), THACO cũng đề nghị được ưu tiên giao các quỹ đất để thực hiện dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).
"Chúng tôi sẽ phát triển mô hình TOD một cách mẫu mực với mức giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ở, sinh hoạt cho đại bộ phận người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, do yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, THACO đề xuất nhà nước sẽ sở hữu một số cơ sở vật chất và đảm nhiệm một phần công việc trong quản lý vận hành.
Trong trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh Quốc gia, THACO cam kết sẽ giao Nhà nước toàn quyền sử dụng toàn bộ dự án để phục vụ đất nước", ông Trần Bá Dương cho hay.
Ngoài ra, THACO cho biết Tập đoàn thành viên là THACO INDUSTRIES sẽ làm đầu mối cùng với các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao và sản xuất đầu máy, toa tàu, các linh kiện phụ tùng máy móc, thiết bị phục vụ dự án và các phương tiện vận tải kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam.
Còn Tập đoàn thành viên THADICO - ĐẠI QUANG MINH sẽ làm đầu mối cùng với các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao để triển khai đầu tư - xây dựng, quản lý dự án, vận hành, bảo dưỡng, duy tu, bảo trì hạ tầng xây dựng; đồng thời đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận ga theo mô hình TOD để hình thành các khu đô thị tích hợp.
Tập đoàn thành viên THISO sẽ làm đầu mối cùng với các doanh nghiệp trong nước đầu tư, quản lý và vận hành các hạ tầng xã hội (hệ thống trung tâm thương mại, đại siêu thị Emart, trường học, bệnh viện, công viên,…) phục vụ nhu cầu thiết thực cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed- công ty do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội HĐQT Vingroup nắm 51% vốn, cũng đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% vốn, phần còn lại vay Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân trong 35 năm. Doanh nghiệp kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12 năm nay và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.
THACO được thành lập vào năm 1997 tại Việt Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Đến nay, sau 28 năm hình thành và phát triển, THACO đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, có các Tập đoàn thành viên đầu tư và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với hơn 77.000 nhân sự.
Các tập đoàn thành viên của THACO gồm: THACO AUTO (Ô tô); THACO AGRI (Nông nghiệp); THACO INDUSTRIES (Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ); THILOGI (Giao nhận Vận chuyển); THADICO - ĐẠI QUANG MINH (Đầu tư xây dựng); và THISO (Thương mại Dịch vụ, với hệ thống trung tâm thương mại, đại siêu thị Emart trên toàn quốc).