

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Ông Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine
- Tác giả,Hafsa Khalil
- Vai trò,BBC News
- 20 tháng 5 2025, 08:42 +07
Ông Trump, người mô tả cuộc trò chuyện là "rất tốt", cũng nói rằng các điều kiện để đạt được hòa bình sẽ cần được đàm phán giữa hai bên.
Tuy nhiên, bất chấp giọng điệu lạc quan từ ông Trump — người cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky — thì chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy một lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình sẽ sớm được thực hiện.
Ông Putin nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với Ukraine về một "bản ghi nhớ liên quan đến một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai", trong khi ông Zelensky gọi đây là "thời khắc mang tính quyết định", và kêu gọi Hoa Kỳ không rút lui khỏi tiến trình đàm phán.
Mặc dù ông Trump bày tỏ sự tích cực sau cuộc trò chuyện với ông Putin, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khi nào các cuộc đàm phán hòa bình sẽ diễn ra.
Tổng thống Nga cũng không đề cập đến yêu cầu từ Mỹ và các quốc gia châu Âu về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày.
Sau cuộc gọi riêng với ông Trump, ông Zelensky tái khẳng định Ukraine mong muốn một "lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện", đồng thời cảnh báo rằng nếu Moscow chưa sẵn sàng, "các lệnh trừng phạt phải được siết chặt hơn".
Phát biểu trước cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Putin, Zelensky nói rằng ông đã yêu cầu bất kỳ quyết định nào liên quan đến Ukraine không được đưa ra nếu không có sự tham gia của nước này, gọi đó là "vấn đề nguyên tắc" đối với Ukraine.
Ông cũng cho biết hiện chưa có thông tin chi tiết nào về "bản ghi nhớ", nhưng khẳng định khi nhận được bất kỳ tài liệu nào từ phía Nga, phía Ukraine sẽ "có thể xây dựng quan điểm của mình một cách phù hợp".
Viết trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc gọi, ông Trump cho biết: "Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán để tiến tới lệnh ngừng bắn và, quan trọng hơn, CHẤM DỨT CHIẾN TRANH," đồng thời nói rằng ông đã thông báo điều này với ông Zelensky trong một cuộc gọi thứ hai, có sự tham gia của các lãnh đạo thế giới khác.
Ông nói thêm: "Các điều kiện cho việc đó sẽ do hai bên thương lượng, vì chỉ họ mới biết chi tiết của cuộc đàm phán mà không ai khác nắm được."
Ông Zelensky cho rằng tiến trình đàm phán "phải có sự tham gia của các đại diện Mỹ và châu Âu ở cấp độ phù hợp."
"Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Hoa Kỳ không được rút khỏi các cuộc đàm phán và tiến trình tìm kiếm hòa bình, bởi vì người duy nhất hưởng lợi từ điều đó là ông Putin," ông giải thích.
Phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng cùng ngày sau đó, ông Trump cho biết Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhưng ông cũng nói mình có "lằn ranh đỏ trong đầu" về thời điểm sẽ ngừng gây áp lực lên cả hai bên.
Ông cũng bác bỏ thông tin rằng Mỹ đang rút khỏi vai trò đàm phán.
Trong vài tuần gần đây, ông Trump liên tục cảnh báo rằng Mỹ có thể rút khỏi tiến trình đàm phán do ngày càng thất vọng trước sự trì trệ từ cả Moscow và Kyiv trong việc thúc đẩy hòa bình.
Khi được hỏi về quan điểm đối với Nga, ông nói ông tin rằng ông Putin đã mệt mỏi với chiến tranh và muốn chấm dứt nó.
Trong khi đó, ông Putin — người mô tả cuộc gọi với Trump, diễn ra khi ông đang thăm một trường nhạc ở Sochi, là "thẳng thắn, nhiều thông tin và mang tính xây dựng" — cũng đề cập đến khả năng về một lệnh ngừng bắn.
"Chúng tôi đã đồng ý với Tổng thống Mỹ rằng Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng hợp tác với Ukraine về một bản ghi nhớ cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai," ông nói.
Ông cho biết thêm, tài liệu này sẽ xác định "một số lập trường" bao gồm "các nguyên tắc giải quyết và một mốc thời gian để hoàn tất thỏa thuận hòa bình tiềm năng… bao gồm khả năng ngừng bắn trong một khoảng thời gian nhất định, nếu đạt được các thỏa thuận liên quan".
Yury Ushakov, một trợ lý của tổng thống Nga, cho biết khung thời gian cho lệnh ngừng bắn không được "đưa ra bàn thảo… mặc dù ông Trump, dĩ nhiên, nhấn mạnh sự quan tâm của ông trong việc đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt".

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Zelensky gọi đây là thời khắc mang tính bước ngoặt đối với tiến trình đàm phán hòa bình
Ông Zelensky đã có cuộc gọi thứ hai với ông Trump sau khi Tổng thống Mỹ nói chuyện với ông Putin. Cuộc gọi này còn có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, và các nhà lãnh đạo Pháp, Ý, Đức và Phần Lan.
"Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Trump vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Ukraine," bà von der Leyen nói.
Bà đồng thời nhấn mạnh: "Điều quan trọng là Mỹ phải duy trì vai trò trong tiến trình này."
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết lời đề nghị của Giáo hoàng Leo về việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng là một cử chỉ được Mỹ và các nhà lãnh đạo khác trong cuộc gọi đánh giá tích cực.
Trước đó trong tháng này, vị Giáo hoàng mới đã đề xuất Vatican làm địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình sau khi ông Putin từ chối lời mời gặp mặt trực tiếp của ông Zelensky tại Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán.
Kyiv trước đó đã tuyên bố rằng các tuyên bố của Putin về mong muốn hòa bình là sáo rỗng.
"Ông Putin muốn chiến tranh," Andriy Yermak, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, nói sau khi Nga hôm Chủ nhật 18/5 tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.
Ukraine cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga trong những ngày gần đây — trong đó có 9 người thiệt mạng trong một vụ tấn công nhắm vào xe buýt dân sự ở đông bắc Ukraine. Nga cho biết họ cũng đã đánh chặn được các máy bay không người lái của Ukraine.
Vụ tấn công xe buýt xảy ra chỉ vài giờ sau khi Nga và Ukraine tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong hơn ba năm.
Hai bên đã đồng ý trao đổi tù nhân, nhưng không cam kết về một lệnh ngừng bắn.
Ông Trump đã đề nghị tham dự các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông Putin cũng có mặt, nhưng tổng thống Nga đã từ chối.
Trước đây, Nga đã từng tuyên bố lệnh ngừng bắn — nhưng chỉ là tạm thời. Một lệnh ngừng bắn từ ngày 8 đến 11/5 đã được công bố, trùng với dịp kỷ niệm chiến thắng Thế chiến II — nhưng Kyiv đã từ chối tham gia, với lý do không thể tin tưởng ông Putin và cần một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày ngay lập tức.
Điện Kremlin cũng từng tuyên bố một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh, nhưng dù hai bên đều ghi nhận mức độ giao tranh giảm nhẹ, họ vẫn cáo buộc nhau vi phạm hàng trăm lần.
Nga và Ukraine đã ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.