QUAN VÀ DÂN
Mình thấy rất nhiều những người đấu tranh cho dân chủ, đặc biệt là người trẻ, đều mắc một điểm sai căn bản: họ phân biệt rạch ròi giữa dân và quan. Họ mặc nhiên xem quan là những kẻ xấu, bóc lột, tham nhũng, phung phí, và dân luôn luôn là tốt và bị hà hiếp. Quan là đối tượng để chửi, để mạt sát, còn dân luôn là đối tượng cần che chở.
Nhưng thực ra không phải thế. Thằng quan và thằng dân chỉ là một. Quan đã từng là dân và dân có thể một ngày sẽ lên làm quan. Quan không phải là một thằng từ trên trời rơi xuống để cai trị dân ta mà chính là từ dân mà ra.
Những người ******** thế hệ đánh Pháp đánh Mỹ như Minh, Đồng, Giáp, Duẩn và thế hệ kế cận như Linh, Kiệt, Mười... đều đã hoặc thành người thiên cổ, hoặc đã ngồi xe lăn nhìn đời hiu quạnh. Những người cầm quyền hiện nay đều là tầng lớp mới, và tuyệt đại đa số vào Đảng chỉ vì tiền và quyền chứ chả có một lý tưởng nào khác. Dân ta mặc dù rất ghét quan nhưng lại cực kì muốn được làm quan. Đó tưởng chừng là một nghịch lý, nhưng thực ra chỉ là "trâu buộc ghét trâu ăn" mà thôi. Một ví dụ điển hình mà mình đã từng nêu trong một status trước là việc các ngành thuộc khối an ninh có điểm chuẩn chót vót lên đến 30. Lý do là gì nếu không phải là vì có quá nhiều người muốn thi vào công an để no thân ấm cật, để được học free và ra trường được đảm bảo cả việc làm lẫn thu nhập. Cả xã hội ghét công an, nhưng lại muốn con mình làm công an. Cả xã hội lên án bọn công chức hành dân, nhưng ai cũng mơ ước có biên chế trong nhà nước. Cả xã hội lên án tham nhũng, nhưng lại thích dùng phong bì để giải quyết công việc của mình cho nhanh. Vậy nói chế độ là phản ánh của cả dân tộc cũng không có gì sai. CS thực ra chỉ là một kết quả tất yếu không thể tránh được của một tính cách dân tộc thụ động, ích kỷ, khôn vặt và ưa bạo lực.
Một luận điểm mà những người đấu tranh dân chủ thường dùng, mà mình nghĩ là sai, đó là: người VN ngày nay xấu xí là do chế độ. Thực ra nếu chúng ta đọc nhận xét của cụ Phan Chu Trinh và cụ Trần Trọng Kim (xem ở cuối status) thì sẽ thấy, người Việt xấu từ rất rất lâu trước khi có sự xuất hiện của CS rồi, và người Việt xưa không khác người Việt nay là bao. Ngay cả chế độ VNCH mà người ta hay ca tụng là dân chủ, khai phóng, tự do, cũng là một chế độ độc tài (độc tài gia đình trị thời ông Diệm, và sau đó là độc tài quân phiệt khi quyền hành rơi hết vào tay giới tướng lãnh). Tất nhiên so với miền Bắc thì tiến bộ hơn nhưng vẫn đầy tham nhũng. Không thiếu những việc các sỹ quan VNCH khai báo khống số lượng lính ma để ăn tiền. Không thiếu những kẻ đi đêm buôn bán với Việt Cộng để kiếm lợi dù biết Việt Cộng là xấu. Và tại Huế năm 68 và Saigon năm 75, đầy rẫy những kẻ cơ hội gia nhập lực lượng ******** vào giờ chót để ăn hôi. Ngay cả với những con người miền Nam được tiếng là chân chất, thật thà và lương thiện mà còn như thế, huống hồ là cả dân tộc.
Rồi hãy nhìn người Việt ở nước ngoài. Khắp mọi nơi từ Mỹ, Úc, Canada, Đức, Nhật, người Việt tìm cách trốn thuế và tìm cách hưởng trợ cấp của chính phủ. Tất nhiên không phải tất cả, nhưng số lượng đó không hề ít. Những người Việt đã sống dưới những chế độ tiến bộ nhất của loài người nhưng cách hành xử vẫn không thay đổi gì mấy so với người trong nước.
Từ đó suy ra CS là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của sự thoái hoá về văn hoá, cách suy nghĩ và ứng xử của người Việt ngày nay.
Những người đấu tranh dân chủ theo hướng chống cộng kịch liệt cũng hay chửi CS dùng bạo lực để cưỡng chiếm miền Nam. Thực ra đó cũng là tất yếu nốt vì thiên hướng của người Việt là ưa bạo lực, và thích giải quyết bằng súng và nắm đấm chứ chẳng muốn ngồi với nhau nói chuyện hoà giải. Ngay trong nội bộ miền Nam, các cuộc thanh trừng cũng cực kì đẫm máu, mà điển hình là cái chết của ông Diệm. Miền Nam cũng không phải là không có mong muốn thống nhất đất nước bằng bạo lực, chỉ có điều họ đã bị Mỹ kiềm chế không cho phép tiến quân qua vĩ tuyến 17. Mà dẫu Mỹ có cho phép thì với một miền Nam bị phân cắt mọi mặt từ tôn giáo, chính trị đến lòng dân như vậy, cũng không có cách nào bắc tiến được. Miền Bắc thắng không phải vì họ hung bạo hơn, mà vì thế chế chính trị độc tài khiến họ ít bị chia cắt hơn mà thôi.
Vậy tóm lại đến đây chúng ta có thể rút ra được điều gì?
Tất cả những điêu thương của dân tộc từ khi CS du nhập vào nước ta, dần mạnh lên và nắm quyền, đều chỉ một phần nhỏ nguyên nhân xuất phát từ chủ nghĩa CS. Chúng ta chửi CS là đúng nhưng không đủ. Cái cần phê phán, cần sửa đổi, cần đánh đổ chính là cái tư tưởng Nho giáo, cổ hủ, ích kỉ, khôn vặt, bạo lực trong mỗi con người VN. Nếu không làm được điều đó, dù CS có xuống, thì dân tộc VN cũng mãi không bao giờ ngóc đầu lên được, bởi lẽ lịch sử có tính lặp lại.
Nói đến việc lịch sử có tính lặp lại, kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Chắc các bạn nhớ có 1 ông quan chức đã phát biểu: "Thu thuế cũng như vặt lông vịt, đừng để vịt kêu toáng lên". Cách đây non 700 năm, đã có người phát biểu câu gần gần như vậy: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Người phát biểu câu đó là Trần Khánh Dư, một anh hùng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông. Sau cuộc chiến đó, các tướng có công trong kháng chiến cũng được phong tước nắm giữ những vị trí quan trọng về kinh tế, và không lâu sau thì nhà Trần suy vong. Câu chuyện này có giống như CS sau khi đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào không?
== Nhận xét của cụ Trần Trọng Kim ==
Về đàng trí-tuệ và tính-tình, thì người Việt-nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại-khái thì trí-tuệ minh-mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỉ-quyệt, và hay bài-bác nhạo-chế. Thường thì nhút-nhát, hay khiếp-sợ và muốn sự hòa-bình, nhưng mà đã đi trận-mạc thì cũng có can-đảm, biết giữ kỹ-luật.
Tâm-địa thì nông-nổi, hay làm liều, không kiên-nhẫn, hay khoe-khoang và ưa trương-hoàng bề ngoài, hiếu danh-vọng, thích chơi bời, mê cờ-bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ-bái, nhưng mà vẫn không nhiệt-tin tông-giáo nào cả. Kiêu-ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
== Cụ Phan Chu Trinh với 10 điều bi ai của dân tộc VN ==
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…
View attachment 538017