Ông Phạm Nhật Vượng: Năm nay VinFast sẽ hòa vốn tại Việt Nam
Năm nay, Vingroup dự kiến trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc doanh thu 300.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. Ảnh: VIC.
|
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. Ảnh: VIC. |
Trả lời câu hỏi của cổ đông về mục tiêu kinh doanh của VinFast năm nay, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, cho biết năm nay VinFast đặt mục tiêu bán ra hơn 200.000 xe điện, chiếm khoảng 40% thị phần tiêu thụ xe ôtô trong nước.
VinFast hòa vốn tại Việt Nam năm nay
"Đây là thị phần lớn nhất của một hãng xe tại thị trường Việt Nam, chứ không riêng hãng xe nội địa. Nếu đạt mục tiêu kinh doanh này thì VinFast sẽ đạt điểm hòa vốn tại thị trường Việt Nam", ông Vượng khẳng định.
Trong chiến lược phát triển quốc tế, ông Vượng cho biết VinFast hiện đầu tư ra thị trường quốc với 2 mục tiêu, một là "cắm cờ", hai là phát triển doanh số. Theo đó, các thị trường VinFast định hướng để "cắm cờ" gồm Mỹ, châu Âu, Canada...
"VinFast không đặt mục tiêu phát triển doanh số ở các thị trường này, vì chi phí logistics rất lớn, mục tiêu đặt ra là để cắm cờ cho thế giới thấy xe của VinFast đạt chuẩn quốc tế, có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính nhất", ông Vượng nói.
Với điểm thị trường thứ 2 là Ấn Độ, Indonesia, Philippines, VinFast sẽ đẩy mạnh doanh số ở các thị trường này. Chủ tịch Vingroup cho biết đến 30/6 tới, VinFast sẽ khai trương và đưa vào vận hành nhà máy ở Ấn Độ và đến tháng 10 sẽ vận hành nhà máy ở Indonesia.
"Khi đó sẽ thúc đẩy sale ở các thị trường này, năm 2026 số liệu về sale ở nước ngoài của VinFast chắc chắn sẽ khác biệt", ông nói.
Theo ông Vượng, trong tương lai, doanh thu chính của VinFast sẽ đến từ thị trường quốc tế bởi dung lượng thị trường xe ôtô ở thị trường Việt Nam chỉ khoảng 450.000-500.000 xe/năm, trong khi dung lượng thị trường thế giới lên tới 70-80 triệu xe/năm.
Để bán được xe ở các thị trường này, ông Vượng cho biết phải đầu tư, quan trọng nhất là trạm sạc. Theo đó, các thị trường VinFast dự kiến thúc đẩy doanh số cũng sẽ đầu tư trạm sạc như ở Việt Nam.
"Đây là điều không đối thủ nào dám làm, nhưng VinFast sẽ làm để phát triển các thị trường này", ông nói.
Mục tiêu doanh thu 300.000 tỷ đồng
Sáng 24/4, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp lần này là kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của tập đoàn với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 90% so với kết quả đạt được năm ngoái.
|
Đoàn chủ tịch tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vingroup. Ảnh: VIC. |
Đây cũng là kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất mà tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng đặt ra. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh này, Vingroup sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cao nhất Việt Nam.
Theo tài liệu trình cổ đông, để đạt kế hoạch kinh doanh này, Vingroup dự kiến tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột gồm sản xuất ôtô điện, bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí.
Trong đó, với mảng ôtô, VinFast đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng mạnh với sản lượng bàn giao xe tối thiểu gấp đôi năm 2024. VinFast cũng dự kiến bàn giao các dòng xe dịch vụ (dòng Green), khai thác tiềm năng vận tải và taxi trong năm nay. Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines và Ấn Độ, đồng thời đưa vào vận hành hai nhà máy mới tại Indonesia và Ấn Độ.
Trong mảng bất động sản, Vinhomes đặt mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường thông qua việc mở bán và phát triển các khu đô thị quy mô lớn, tọa lạc tại vị trí chiến lược, có khả năng kết nối giao thông thuận lợi.
Ở lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Vinpearl tiếp tục mở rộng quy mô và tối ưu hiệu quả hoạt động. Trong đó sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; đồng thời củng cố thị phần du lịch nội địa...
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, tính đến cuối năm 2024, Vingroup có 44.468 tỷ đồnglợi nhuận sau thuế chưa phân phối. HĐQT tập đoàn đề xuất cổ đông cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tiếp tục phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, năm 2025, Vingroup sẽ không chia cổ tức.
Cũng tại phiên họp tới, Vingroup đã trình cổ đông việc bổ sung 13 ngành nghề kinh doanh mới, đáng chú ý có hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đường thủy, bốc xếp hàng hóa, xây dựng công trình thủy, bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet, truyền tải và phân phối điện…
Thời gian gần đây, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục đề xuất các dự án đầu mới trong các lĩnh vực hạ tầng, logistics, năng lượng... với quy mô hàng tỷ USD.