Muốn giàu có và hạnh phúc thì hãy đọc SÁCH

– Trừ những kẻ cực kỳ hung dữ, ghê gớm, đa số mọi người thức tỉnh trong cảnh giới thứ năm hoặc thứ sáu, vốn có rung động không khác cõi trần là bao. Lúc đầu họ còn bỡ ngỡ, hoang mang nhưng sau sẽ quen đi. Tuỳ theo tình cảm, dục vọng mà họ hành động. Tôi đã gặp vong linh của một thương gia giàu có, ông này cứ quanh quẩn trong ngôi nhà cũ nhiều năm, ông cho tôi biết rằng ông rất cô đơn và đau khổ. Ông không có bạn và cũng chả cần ai. Ông trở về căn nhà để sống với kỷ niệm xưa nhưng ông
buồn vì vợ con ông vẫn còn đó nhưng chả ai để ý đến ông. Họ tin rằng ông đã lên thiên đàng, vì họ đã bỏ ra những số tiền, tổ chức các nghi lễ tôn giáo rất lớn, một tu sĩ đã xác nhận thế nào ông cũng được lên thiên đàng. Tôi khuyên ông ta nên cởi bỏ các quyến luyến để siêu thoát nhưng ông ta từ chối. Một vài người thân đã qua đời cũng đến tìm gặp, nhưng ông cũng không nghe họ. Có lẽ ông ta sẽ còn ở đó một thời gian lâu cho đến khi các lưu luyến phai nhạt hết. Tôi đã gặp những vong linh quanh quẩn bên cạnh cơ sở mà họ gầy dựng nên, họ vô cùng đau khổ và tức giận vì không còn ảnh hưởng được gì, họ rất khổ sở khi người nối nghiệp, con cháu có quyết định sai lầm, tiêu phá cơ nghiệp. Tôi đã gặp những người chôn cất của cải, phập phồng lo sợ có kẻ tìm ra, họ vẫn quanh quẩn gần đó và đôi khi tìm cách hiện về doạ nạt những người bén mảng đến gần nơi chốn dấu. Vong linh ghen tuông còn khổ sở hơn nữa; họ không muốn người họ yêu mến chia sẻ tình yêu với kẻ khác. Đôi khi họ điên lên khi chứng kiến sự âu yếm của người họ yêu mến và người khác. Dĩ nhiên họ không thể làm gì được nên vô cùng khổ sở. Những nhà lãnh đạo, những vua chúa, những người hống hách quyền uy thì cảm thấy bất lực khi không còn ảnh hưởng gì được nữa, nên họ hết sức đau khổ. Hãy lấy trường hợp một vong linh chết đuối, vì y không tin mình đã chết, nên cứ ở trong tình trạng lúc chết, nghĩa là ngộp nước. Vì đầu óc hôn mê, nên y không nhìn thấy cõi âm, mà vẫn giữ nguyên hình ảnh cõi trần, dĩ nhiên nó chỉ nằm trong tư tưởng của y mà thôi. Nói một cách khác, thời gian như ngừng lại, y cứ thế hôn mê trong nhiều năm. Tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng nói gì y cũng không nghe, tôi bèn yêu cầu y trở về nhà, đầu óc y hôn mê quá rồi, nên cũng không sao trở về được. Nhờ các bạn bè cõi vô hình, tôi tìm được tên tuổi, và địa chỉ thân nhân vong linh. Tôi tiếp xúc với họ và yêu cầu lập một nghi lễ cầu siêu để cảnh tỉnh vong linh. Nhờ sức chú nguyện mãnh lực của buổi cầu siêu, tôi thấy vong linh từ từ tỉnh táo ra, nghe được lời kinh. Y trở về nhà và chứng kiến buổi cầu siêu của con cháu gần 60 năm sau khi y qua đời. Sau đó y chấp nhận việc mình đã chết và siêu thoát…
– Ông cho rằng sự cầu nguyện có lợi ích đến thế sau ?
– Cầu siêu cho vong linh là một điều hết sức quan trọng và ích lợi , vì nó chứa đựng
một sức mạnh tư tưởng vô cùng mãnh liệt. Oai lực lời kinh và âm hưởng của nó thật là vô cùng ở cõi âm nếu người ta tụng niệm chú tâm, sử dụng hết cả tinh thần. Tiếc thay, người đời chỉ coi tụng niệm như một hình thức. Họ chỉ biết đọc các câu kinh trên đầu môi, chót lưỡi chứ không biết tập trung tinh thần, nên mất đi phần nào hiệu nghiệm. Sự cầu nguyện có một sức mạnh kinh khủng, có thể dời núi lấp sông, đó là bí huyết khoa “Mật tông Tây Tạng”.
– Như ông nói thì tôn giáo Tây Tạng có hiệu nghiệm nhiều hay sao ?
– Vấn đề cầu nguyện cho người chết không phân biệt tôn giáo và cũng không cần theo một nghi thức, nghi lễ nào nhất định, mà chỉ cần tập trung tư tưởng, hết sức chú tâm cầu nguyện. Theo sự hiểu biết của tôi thì tôn giáo nào cũng có những nghi lễ riêng và nghi lễ nào cũng tốt nếu người thực hành thành tâm.
– Như vậy nghi lễ rửa tội trước khi chết có ích lợi gì không ?
– Một số người tin rằng, hạnh phúc vĩnh cữu của con người tuỳ thuộc tâm trạng y lúc từ trần. Nếu lúc đó y tin rằng mình được cứu rỗi thì như được một vé phi cơ lên thiên đàng, còn không y sẽ xuống địa ngục. Điều này gây nhiều sợ hãi, lo âu vô ích. Nếu một người chết thình lình thì sao? Phải chăng họ sẽ xuống địa ngục ? Nếu một tín đồ hết sức ngoan đạo nhưng chết ngoài trận mạc thì sao ? Họ đâu được hưởng nghi lễ rửa tội ? Sự chuẩn bị hữu hiệu nhất là có một đời sống thanh cao, nếu ta đã có một đời sống cao đẹp, thì tâm trạng khi chết không quan trọng. Trái lại, ta không thể ao ước một tương lai tốt đẹp dù tang lễ được cử hành bằng các nghi lễ to lớn, linh đình nhất. Dù sao, tư tưởng chót trước khi lìa đời cũng rất hữu ích cho cuộc sống mới bên kia cửa tử . Nó giúp vong linh tỉnh táo, dễ thích hợp với hoàn cảnh mới hơn. Một cái chết thoải mái, ung dung phải hơn một cái chết quằn quại, chết không nhắm mắt được. Theo tôi thì sự hiểu biết về cõi vô hình, sự chuẩn bị cho cái chết là điều hết sức quan trọng, cần được phổ biến rộng rãi, nhưng tiếc là ít ai chú ý đến việc này.
– Vậy theo ông, chúng ta cần có thái độ gì ?
– Đối với người Âu tây, đời sống bắt đầu khi lọt lòng mẹ, và chấm dứt lúc chết, đó là một quan niệm cần thay đổi. Đời sống cõi trần chỉ là một phần nhỏ của chu kỳ kiếp sống. Chu kỳ này được biểu hiện bằng một vòng tròn mà sự sống và chết là những nhịp cầu chuyển tiếp giữa hai cõi âm, dương, giữa thế giới hữu hình và vô hình. Trên con đường tiến hoá, còn hằng ha sa số các chu ký, các kiếp sống cho mỗi cá nhân. Linh hồn từ cõi thượng giới cũng phải qua cõi trung giới. Phần ở cõi trần chỉ là một phẩn nhỏ của một kiếp sống mà thôi. Trong chu kỳ này, phần quan trọng ở chỗ vòng tròn tiến sâu vào cõi trần và bắt đầu chuyển ngược trở lên, đó là lúc linh hồn hết tha thiết với vật chất, mà có ý hướng về tâm linh. Các cổ thư đã vạch ra một đời sống ở cõi trần như sau : 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo cho gia đình, đây là giai đoạn tiến sâu vào trần thế, 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh, đó là thời điểm quan trọng để đi ngược lên, hướng về tâm linh, và 25 năm sau chót phải từ bỏ tất cả, chỉ tham thiền, quán tưởng ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Đối với người Á châu thì 50 tuổi là lúc từ bỏ vật chất để hướng về tâm linh, nhưng người Âu châu lại khác, họ ham mê làm việc đến độ mù quáng, cho đến già vẫn tranh đấu hết sức vất vả, cho dục vọng, cho bản ngã, cho sự sống còn, cho sự thụ hưởng . Do đó, đa số mất quân bình và khi chết hay gặp các nghịch cảnh không tốt. Theo ý tôi, chính vì sự thiếu hiểu biết về cõi âm nên con người gây nhiều tai hại ở cõi trần. Chính vì không nhìn rõ mọi sự một cách tổng quát, nên họ mới gây lầm lỗi, chứ nếu biết tỷ lệ đời sống cõi trần đối với toàn kiếp người, thì không ai dồn sức để chỉ lo cho 1/3 kiếp sống, mà sao lãng các cõi trên. Nếu con người hiểu rằng quãng đời ở cõi trần rất ngắn ngủi, đối với trọn kiếp người và đời sống các cõi khác còn gần với chân lý, sự thật hơn thì có thể họ đã hành động khác đi chăng ? Có lẽ vì quá tin tưởng vào giác quan phàm tục, nên đa số coi thế giới hư ảo này là thật và cõi khác là không có…
– Nhưng nếu ông cho rằng các cõi kia còn gần với sự thật hơn, thì tại sao ta lại kéo lê kiếp sống thừa ở cõi trần làm gì ? Tại sao không rũ nhau đi sang cõi khác có tốt hơn không ?
Hamud mỉm cười :
– Tuy cõi trần hư ảo, nhưng nó có những lợi ích của nó, vì con người chỉ có thể tìm hiểu, và phát triển xuyên qua các rung động thô thiển này thôi. Cõi trần có các bài học mà ta không tìm thấy ở đâu khác. Chính các bậc chân tiên, bồ tát trước khi đắc quả vị đều phải chuyển kiếp xuống trần, làm các công việc vĩ đại như một thử thách cuối cùng. Muốn khai mở quyền năng, con người phải tiếp nhận các bài học ở cõi trần, nhờ học hỏi những bài học này, họ mới trở nên nhạy cảm với các rung động ở cõi trên.
– Ông muốn nói sự nhạy cảm như thế nào ?
– Sự mở mang trí tuệ giống như một máy thu thanh, và các rung động ví như các tầng sóng. Một người không hiểu biết, ví như máy thu thanh không bắt trúng đài, không thay đổi băng tầng. Họ sinh ra sao thì chết cũng vậy, chả học được điều gì, vì như máy không bắt trúng đài chỉ kêu rè rè. Một người hiểu biết là người biết thay đổi con người của mình để bắt trúng những tầng sóng. Dĩ nhiên có nhiều làn sóng, băng tầng khác nhau và con người sẽ bị tràn ngập bởi các làn sóng này cho đến khi họ điều hoà, phân biệt điều hay, lẻ dở, để chọn những bằng tầng thích hợp hơn. Khi đó, họ bắt trúng những đài phát thanh, nghe được điệu nhạc họ muốn. Huyền âm của thượng đế lúc nào cũng vang lừng trong vũ trụ cho những ai muốn nghe, biết chuyển tâm thức để nghe, biết thay đổi tâm hồn để bắt được làn sóng thanh cao, tế nhị đó.
Mọi người gật đầu thán phục vị pháp sư Ai cập đã dùng những thí dụ cụ thể để giải thích một điều phức tạp. Giaó sư Mortimer thắc mắc :
– Ngoài việc khai mở giác quan để nghiên cứu cõi âm, ông còn làm gì nữa ?
– Việc nghiên cứu sẽ không có ý nghĩa gì, nếu ta chỉ quan sát như một khách bàng quang, đứng ngoài nhìn ngắm. Con người cần học hỏi những điều gì xảy ra khi họ từ
trần, để thay đổi thích hợp với cuộc sống mới, không những cho họ mà còn cho những người thân. Càng hiểu biết bên kia cửa tử, họ càng dễ dàng hướng dẫn các vong linh khác.
– Nói một cách khác, ông hay giúp đỡ những vong linh vừa từ trần ?
– Chính thế, đó là công việc của tôi. Phần lớn người chết thường xúc động và không chấp nhận rằng họ đã chết, họ muốn bám víu lấy cõi trần, và trở nên các loài ma vất vưởng. Công việc của tôi là trấn an họ, giải thích cho họ rằng ở cõi âm nếu muốn siêu thoát cần thay đổi trọn vẹn lối sống. Việc này dĩ nhiên rất khó vì các vong linh không chịu nghe, hơn nữa nhiều người luyến tiếc cõi trần , vì họ có những việc chưa giải quyết xong, tâm hồn họ chưa được an để siêu thoát. Vì thế sự hiện diện của một người còn sống như tôi rất hữu ích, tôi có thể giúp họ hoàn tất các tâm nguyện để họ siêu thoát…
– Công việc này có kết quả gì không ?
– Đây là một việc hết sức khó khăn, nên tôi phải kết thân với một số bạn bè bên cõi âm. Nếu vong linh u mê nhất định không nghe, thì tôi phải nhờ những bạn bè, người thân của họ thuyết phục, giúp đỡ. Thí dụ như một vong linh bị chết trong một trận hoả hoạn tại Luân đôn. Y bị kẹt trong toà nhà ba tầng, không sao thoát được, nên chết ngộp bởi khói. Y không tin mình đã chết, nên thần thức vẫn vùng vẫy, tìm chỗ thoát thân. Tôi khuyên bảo nhưng y quá lo sợ chết cháy, nên không chịu tin lời tôi. Sau tôi phải nhờ mẹ y đã từ trần từ nhiều năm trước đến khuyên bảo thì y mới chấp nhận và siêu thoát.
– Ông muốn nói rằng thân quyến có thể làm việc đó, dù họ chết đã lâu ?
– Dĩ nhiên, sự liên hệ giữa con người với nhau đâu phải tình cờ mà do nhiều duyên nghiệp từ trước. Nếu sợi dây thân ái vẫn còn, thì dù qua đời họ vẫn để ý lưu tâm đến
những người họ yêu mến. Dù đã siêu thoát lên cảnh giới riêng, nhưng họ vẫn sẵn sàng trở lại khuyên bảo, giúp đỡ con cháu của họ.
– Như vậy sau khi chết ta có thể gặp lại cha mẹ, ông bà, họ hàng thân thích hay sao ?
– Dĩ nhiên, như tôi vẫn nói con người khi sống ra sao thì chết vẫn vậy, đâu có đổi thay gì. Nếu tình cảm vẫn còn thì họ vẫn tìm đến gặp nhau. Thật ra nếu ta xem sự chết như đi du lịch qua một thế giới mới, quang đãng, sáng sủa hơn thì chúng ta sẽ không có cảm tưởng xa người quá cố. Sự thật là không có điều gì chia cách linh hồn cả, khi ta yêu mến ai bằng những rung động chân thành, ta yêu mến họ qua linh hồn của họ chứ đâu phải chỉ xác thân. Xác tuy hư hoại nhưng hồn họ vẫn ở quanh ta, tuy ta không thấy họ nhưng họ vẫn cảm nhận được tình thương của ta. Họ còn biết các đau buồn, cảm giác của ta, vì họ đọc được tư tưởng. Dĩ nhiên, nếu họ vẫn theo dõi thì khi ta chết đi, họ sẽ đón tiếp để trấn an ta. Đây là một vấn đề cần được lãnh hội cẩn thận, vì khi hiểu biết ta sẽ không còn sợ hãi, ta chấp nhận sự chết như một việc hiển nhiên. Bên kia cửa tử cũng như cõi trần, luật thiên nhiên luôn luôn biểu hiện và hết sức công bằng.
– Làm sao chúng tôi có thể biết chắc rằng khi chết ta sẽ gặp người thân ?
– Như tôi đã trình bày, có bảy cảnh ở cõi trung giới và sự thức tỉnh ở cảnh nào hoàn toàn tuỳ theo tâm thức con người rung động cùng với nhịp rung của cảnh đó. Con người chỉ có thể tiếp xúc với vong linh ở cảnh đó hoặc cảnh thấp hơn mà thôi. Đa số những người qua đời đã lâu, thể vía đã được thanh lọc nên thường sống ở cảnh giới cao hơn, do đó họ có thể tiếp xúc với những người ở cảnh giới thấp hơn nếu họ muốn. Ngược lại những kẻ thức tỉnh ở cảnh thứ bảy hay thứ sáu chỉ muốn tìm về cõi trần mà thôi, ít khi ý thức cảnh giới khác. Có nhiều vong linh sau khi đã lên đến cảnh giới cao lại tìm về những cảnh thấp hơn, không phải họ ham mê gì cõi này, nhưng vì lòng thương người, họ muốn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, những kẻ lạc lõng, bơ vơ không ý thức.
Hamud im lặng một lúc rồi thong thả :
– Cứu trợ, giúp đỡ các vong linh bên kia cửa tử là một điều hết sức cần thiết vì người chết thì nhiều, mà người hiểu biết lại chẳng có bao nhiêu….
– Nhưng đâu phải ai cũng làm được việc này, phải có các quang năng đặc biệt như ông, hay đợi lúc chết mới giúp đỡ được chứ…
Hamud lắc đầu :
– Không phải khi từ trần mới làm được việc này. Khi còn sống ta vẫn có thể làm được mà cũng không cần khai mở quang năng nào cả. Bất cứ ai biết suy nghĩ đều có thể làm được. Các ông nên hiểu rằng khi ngủ, thể vía của ta được tự do có thể hoạt động bên cõi âm. Nếu ta tập trung tư tưởng trước khi ngủ vào một sự giúp đỡ, an ủi nhắm mục đích hướng dẫn, cứu trợ tất cả mọi người không phân biệt thì điều này sẽ được thực hiện.
– Chỉ thế thôi ư ? Như vậy thì ai làm chẳng được ?
– Dĩ nhiên, điều này không nguy hiểm gì hết vì tư tưởng có một sức mạnh thần giao đặc biệt và có một mãnh lực phi thường ở cõi âm. Nếu ta tập làm những việc này khi còn sống, ta sẽ không bỡ ngỡ, ngạc nhiên khi qua cõi bên kia vì ta đã quen thuộc với nó rồi. Ta còn gặp những người nhờ tư tưởng của ta mà được giúp đỡ, dĩ nhiên là họ sẽ đón tiếp ta nồng hậu và từ đó sẽ tiếp tục làm những công việc này…
– Làm sao có thể dễ dàng như thế được ?
Hamud mỉm cười :
– Nghe thì dễ thật nhưng nó đòi hỏi một sự quyết tâm. Thứ nhất việc làm của ta phải bất vụ lợi, vị tha, vô tư vì cõi âm là cõi tư tưởng . Nếu ta có ý định mưu đồ việc gì, những người khác biết ngay và hậu quả lại chưa biết thế nào mà lường được. Thứ hai, đa số vong linh đều u mê, ngoan cố, rất khó thuyết phục, vì các nghiệp quả trói buộc hoặc lưu luyến cõi trần vì con cháu khóc than, thương tiếc quá làm họ đâm ra xúc động khó siêu thoát. Do đó, công việc này đòi hỏi sự tế nhị, khéo léo và một tâm hồn an tĩnh, không bối rối, xúc động. Nhưng khi ta đã phát tâm thì tư tưởng này sẽ là một khí cụ rất tốt giúp đỡ ta rất nhiều. Theo ý kiến của tôi, thì việc có một kiến thức rộng rãi về cõi âm là căn bản đầu tiên.
 
Giáo sư Allen lắc đầu :
– Nếu nói rằng khi ngủ, ta qua cõi âm. Tại sao tôi không ý thức một tí gì cả ? Phải có một bằng chứng nào rõ rệt mới tin như vậy được .
– Các ông hiểu thế nào về sự cấu tạo của con người. Trong lúc tỉnh, thể vía là cây cầu cho tâm thức. Mọi sự va chạm, rung động, cảm xúc bên ngoài do hệ thần kinh giao cảm, được thể vía chuyển vào tâm thức, sau đó mới ghi nhận ở khối óc. Bằng chứng là ta suy nghĩ trước khi ta hành động có phải không ? Nguyên nhân giấc ngủ là sự mệt mỏi của thể xác. Nó cần phục hồi sức khoẻ nên nằm yên, nhưng thể vía lại khác. Nó vẫn hoạt động vì bằng chứng là đôi khi ngủ say nhưng ta vẫn ý thức mọi việc xảy ra chung quanh, có đúng thế không ? Thể vía luôn rung động để đáp ứng với hoàn cảnh chung quanh, vì tính chất này nó rất mẫn cảm với các rung động của bản năng, ham muốn, dục vọng. Các tính xấu như giận hờn, oán ghét chẳng qua là sự cô đọng của tư tưởng mà thôi. Sự cô đọng này tạo thành một lớp vỏ bao trùm lên thể vía, và ảnh hưởng của nó. Do đó, tính tình con người chỉ là một thói quen của tư tưởng. Như tôi đã trình bày, tư tưởng thanh cao cũng như hèn hạ đều bị thu hút vào thể vía và trực tiếp ảnh hưởng đến tình cảm con người. Bằng chứng là một người có tâm hồn thanh khiết không thể hợp với những nơi ồn ào náo nhiệt, ngược lại kẻ có tâm hồn náo động không thể chịu nơi vắng vẻ, êm đềm. Có người tự hỏi, tại sao họ không thể ngồi yên
một chỗ, không thể tu tập các pháp môn thiền quán ? Ấy vì thể vía họ lao chao, giao động. Họ cần biết cách chủ trị tình cảm, thanh lọc thể vía. Các món đồ ăn nặng trọc như thịt cá, rượu, các chất kích thích cũng đem vào thể vía những phần nặng trọc. Người tu phải triệt để từ bỏ các món ăn này, vì nó rất có hại cho việc tham thiền, quán tưởng. Thể xác và thể vía liên lạc với nhau qua bảy trung tâm giao điểm sinh lực gọi là Luân xa. Tại đây, có một tấm màn cấu tạo bằng nguyên tử cõi trần để ngăn chận ảnh hưởng cõi âm. Vì thế, ký ức và sinh hoạt lúc ngủ không chuyển sang khối óc vật chất. Tuy nhiên, đôi khi ngủ dậy ta vẫn mường tượng có một cái gì mà không sao nhớ được. Đối với một người bình thường thì luân xa không thức động nên tấm màn này khép chặt nhưng rượu, thịt, các chất kích thích có thể phá hoại tấm màn này khiến nó bị rách và ảnh hưỏong cõi âm có thể chuyển qua cõi trần khiến y bị điên khùng hay rối loạn hệ thần kinh. Có khi cá nhân mất tự chủ, bị các loài ma quỷ nhập vào sai khiến.
Giáo sư Allen lên tiếng :
– Những điều ông trình bày rất lạ lùng, nhưng cũng có lý. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của chúng tôi thì khoa học không thể chứng minh điều này. Liệu có cách nào khiến chúng tôi cũng khai mở các quan năng để nghiên cứu cõi giới vô hình như ông không
?
Hamud gật đầu :
– Sự khai mở quyền năng thuộc phạm vi tâm thức, trước khi mở tâm phải tinh luyện các thể đã. Nếu chưa thanh lọc được các thể thì đừng nói đến khai mở bất cứ một giác quan nào.
– Vậy ta phải luyện các thể bằng cách nào ?
– Tinh luyện thể trí bằng sự suy tư chân chính. Trí tưởng tượng con người là một công
cụ sáng tạo hữu hiệu. Khi ta suy tư, tưởng tượng, ta vô tình xây dựng thể trí. Nếu ta chỉ suy tư những điều tốt lành, cao thượng thì ta đã luyện trí rồi. Sau thể trí là thể vía, thể này chỉ luyện bằng cách ham muốn chân chính. Hãy ham mê các điều cao thượng thì tự khắc thể vía sẽ phát triển.
– Ông nói nghe thật dễ dàng. Tư tưởng cao thượng và ham muốn chân chính là những điều trừu tượng, làm sao có thể làm được…
– Đa số mọi người quan niệm như thế nên chả khi nào tiến bộ được. Con người muốn quyền năng, giải thoát nhưng chỉ chờ đợi một phép lạ, một tha lực ngoại giới, chứ không tự tin rằng mình có khả năng làm những việc đó.
– Dù tôi muốn thanh lọc các thể thì cũng phải có một phương pháp, một sự hướng dẫn, một kỹ thuật nào đó, chứ nói một cách trừu tượng thì ai nói chẳng được.
– Theo sự hiểu biết của tôi thì tôn giáo nào cũng dạy những điều cao đẹp và áp dụng những lời dạy này. Đây cũng là một phương pháp, kỹ thuật thanh lọc các thể .
– Như vậy, ông theo phương pháp nào ? Hãy nói về kinh nghiệm của ông đã… Hamud trầm ngâm rồi gật đầu :
– Được lắm, tôi được truyền thụ phương pháp này tại một tu viện ở Tây Tạng, nên chịu ảnh hưởng Phật giáo rất nhiều. Thứ nhất là luyện thể xác, phải biết cách kiểm soát, kiềm chế thể xác hoàn toàn, quy định mọi hoạt động như ăn, uống, ngủ cho thật đúng. Thức ăn được phân làm ba loại : tỉnh, động và điều hoà. Người tập phải tránh đồ ăn “tỉnh” vì nó làm thể xác hôn mê, lười biếng, bất động. Các thức ăn có đặc tính “tỉnh” là các món đang lên men, các thứ đồ khô, các loại rượu. Các món ăn có đặc tính “động”, như thịt, cá, thường đem lại các kích thích hăng hái nhất thời, xác chết thú vật gồm nhiều nguyên tử nặng nề bởi các thú tính thấp hèn không thích hợp cho
việc tu hàn, thanh lọc. Chỉ có các món ăn “điều hoà” là thứ có khả năng tăng trưởng, chứa nhiều sụ sống như ngũ cốc, vì nó đâm mầm, nẩy lộc, các loại trái cây vốn tràn đầy nhựa sống, các loại rau cỏ vốn hấp thụ khí thái dương cần thiết cho một thể xác cường tráng, nhạy cảm. Sau việc ăn uống, còn phải thở hít, hô hấp cho đúng cách. Khoa học chứng minh con người sống được là nhờ hơi thở nhưng thật ra đó nhờ sinh khí (prana). Chính các sinh khí này thấm nhuần khắp cơ thể, mang sự sống đến khắp tế bào. Prana xuất phát từ ánh sáng mặt trời, nó rung động và pha trộn trong không khí. Bằng cách hô hấp thật sâu, thong thả. Prana sẽ thấm vào thần kinh hệ và lưu thông khắp châu thân, mang sự sống khắp xác thể. Chính các Prana tích tụ trong hệ thần kinh tạo ra luồng “nhân điện”, một yếu tố quan trọng của sự sống.
Tóm lại, dinh dưỡng đúng cách bằng các món ăn có đặc tính “điều hoà”, tập thở hít đúng cách là phương pháp tinh luyện thể xác vô cùng quan trọng. Như các ông thấy, phương pháp này không có gì trái với khoa học hiện tại. Cách thực hành có thể khác nhau tuỳ cá nhân, người gọi là thể dục, kẻ gọi là thiền định, điều này không quan trọng vì căn bản chính chỉ nhằm đem lại một thể xác lành mạnh, cường tráng. Người luyện thể xác cần sống nơi thoáng khí, nhiều ánh sáng mặt trời để đón nhận các sinh lực prana, nhằm bổ túc luồng nhân điện. Các món ăn như thịt cá mang lại các rung động thô bạo, khiến luồng nhân điện này chạy loạn lên khó kiểm soát, gây nên các bệnh tật hoặc phá hoại hệ thần kinh. Các món ăn “tỉnh” như rượu làm tê liệt bộ thần kinh khiến luồng nhân điện bị ngắt quãng không đều, ngăn trở các sinh khí prana lưu thông mang sinh lực nuôi thể xác, gây nên nhiều hậu quả không tốt.
Sau khi thanh lọc thể xác, ta bắt đầu luyện đến thể vía. Thể vía là trung tâm của tình cảm, một khi tình cảm trong sạch, vị tha, bác ái, đương nhiên các chất thanh nhẹ sẽ được hấp thụ vào và các chất nặng trọc, xấu xa sẽ bị đào thải ra ngoài, theo một nguyên lý giống như sự thấm lọc (osmose). Khi thể vía thanh cao, nó sẽ rung động với các tư tưởng cao thượng mang tâm thức lên một bình diện cao hơn. Khi sự rung động đến một chu kỳ nào đó, các giác quan thể vía bắt đầu khai mở tự nhiên, con người sẽ bắt đầu có quyền năng đặc biệt. Nói một cách khoa học hơn, các giác quan
thể vía chỉ hoạt động ở một chu kỳ và chỉ khi nào thể vía rung động đúng chu kỳ này nó mới được đánh thức để hoạt động. Thể vía chỉ có thể rung động ở chu kỳ này vì nó được cấu tạo bằng những nguyên tử thật thanh, nhẹ, khi những nguyên tử nặng trọc bị khu trục hết. Điều này chỉ xảy ra khi con người chỉ có các tình cảm cao thượng, lòng bác ái tốt lành bao trùm mọi vật. Đó là bí quyết cách luyện thể vía.
Khi bảy giác quan của thể vía hoạt động, nó sẽ khai mở một số bí huyệt để luồng hoả hầu Kundalini thức giấc. Khi luồng hoả hầu này chạy dọc theo xương sống lên đỉnh đầu, nó sẽ thúc đẩy, khai mở thể trí khiến nó khai triển để hợp nhất với chân thần. Khi thể trí khai triển, mở lớn ra nó sẽ khởi sự tiêu diệt cái phàm ngã ích kỷ của con người để hướng đến các điều thánh thiện. Đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn, rất ít ai vượt qua nổi. Danh từ Phật giáo gọi là Phật tánh biểu lộ, danh từ Thiên chúa giáo gọi là quên mình để hoà nhập với đấng cứu thế, danh từ Ấn giáo gọi là sự hợp nhất với Chân Ngã. Nói một cách giản dị thì đây là lúc trí tuệ quy kết các tư tưởng và hoạt động về tình huynh đệ, bác ái nhu thuận, từ bi, trí tuệ, vị tha, hỷ xả để kết tinh thành chân ngã. Khi phàm ngã hoàn toàn bị huỷ diệt, các thể cũng hoàn toàn được thanh lọc thì không còn sự phân biệt giữa ta và tha nhân, giữa chủ thể và đối tượng mà tất cả đều là một. Thể trí không còn tính cách cá nhân mà đã thành “đại trí”, hay trí tuệ “bát nhã”. Tâm thức cũng không còn là tâm cá nhân mà thành tâm thức “bồ đề”, hoà hợp hoàn toàn với tâm thức vũ trụ. Cả tâm lẫn trí mở rộng đón nhận ánh sáng chân lý mà không còn phải học hỏi, lý luận gì nữa. Đây chính là giai đoạn giác ngộ của người tu. Họ trở nên một đấng siêu nhân, một vị Tổ, một vị Thánh…
Giáo sư Evan-Wentz thắc mắc :
– Căn cứ vào đâu ta biết được như vậy ? Phải có bằng chứng gì chứ ? Hamud lắc đầu :
– Các kinh nghiệm quý báu, thiêng liêng đó chỉ có các bậc giác ngộ rồi mới hiểu được.
Không một vị thánh nào vỗ ngực tự xưng đã đạt quả vị này hay quyền năng nọ. Khi đã giác ngộ thì chức tước, danh vọng, địa vị đâu có nghĩa lý gì nữa, vì họ đâu còn bản ngã thấp hèn như chúng ta để phân biệt. Chỉ có các “bậc lừa bịp”, các tu sĩ giả mạo mới thích danh vọng, chức tước , vì bản ngã họ còn to lớn và cần các danh xưng, địa vị để lừa bịp tín đồ nhẹ dạ.
– Trên nguyên tắc thì như vậy, nhưng còn phương pháp, kỹ thuật thì sao ?
– Phương pháp, kỹ thuật thì rất nhiều, con đường đến chân lý cũng thế, tuỳ theo nhân duyên, căn cơ cá nhân không thể áp dụng một kỹ thuật nào cứng nhắc được. Phương pháp, kỹ thuật có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc chỉ có một. Sự thật là chân lý luôn luôn được truyền dạy dưới hình thức này hay hình thức khác., tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh và phương tiện. Phương pháp tuy khác nhưng chân lý vẫn là một giống như nước suối hay nước sông vẫn là nước mà thôi. (Tuỳ duyên bất biến). Chân lý có thể được truyền dạy bởi những thầy phù thuỷ trong các bộ lạc man dã hoặc các bậc giáo chủ trong kinh điển tôn giáo. Kinh điển hay tôn giáo có thể khác nhau về hình thức nhưng vẫn có điểm tương đồng mà ta phải chấp nhận.
– Chấp nhận phải chăng là một hình thức của tin tưởng ?
– Con đường đạo đòi hỏi một đức tin, nhưng không phải nhắm mắt tin tưởng bừa bãi. Đức tin chỉ đến sau khi người tìm đạo tự mình nhận thức rõ ràng, sau khi hiểu biết chứng nghiệm nó một cách rốt ráo. Các ông là những khoa học gia, không đời nào các ông tin tưởng một sự kiện gì nếu không kiểm chứng rõ ràng. Sự nghi ngờ là một điều cần thiết, nhưng nếu có những sự kiện mà khoa học không thể chứng minh hay chưa thể chứng minh được, các ông sẽ phải làm gì ? Phủ nhận chăng ? Nếu phủ nhận, các ông đã bỏ qua một cơ hội tìm hiểu nghiên cứu. Nếu chấp nhận mà không kiểm chứng thì các ông đã mù quáng tin tưởng bừa bãi. Tôi không mong các ông phải tin tưởng những điều tôi trình bày, nhưng mong các ông hãy suy gẫm, nghiên cứu nó. Nếu chưa thể sử dụng các dụng cụ khoa học thực nghiệm để chứng minh thì hãy sử dụng lý trí,
trực giác, vì sự nghiên cứu cõi âm là một khoa học, chứ không phải một sự tin tưởng bừa bãi. Kiến thức về cõi giới này sẽ giúp đỡ nhiều người, tôi tin rằng trong một ngày không xa sẽ có nhiều cuộc nghiên cứu về đối tượng này.
– Tại sao ông không công bố những khám phá của mình cho mọi người ? Tại sao ông lại ẩn thân một nơi hoang vu như thế này ? Nếu ông muốn, kiến thức của cõi giới này được nghiên cứu rộng rãi thì ông phải là người khởi xướng nó lên để mọi người được biết , và biết đâu sau đó lại chẳng có những cuộc nghiên cứu ?
Hamud mỉm cười :
– Khi trình độ con người chưa đến lúc, thì có những điều chưa thể công bố được. Các bậc giáo chủ ngày trước đã giảng dạy chân lý làm thành hai phần, Công truyền và Bí truyền . Tại sao các ngài lại dạy riêng cho một thiểu số môn đồ giáo lý Bí truyền ? Phải chăng các ngài biết chỉ một thiểu số người mới có thể lãnh hội được những điều ngài giảng dạy. Khoa học nghiên cứu về cõi âm cũng có những sự nguy hiểm riêng của nó, không thể truyền dạy bừa bãi cho tất cả mọi người.
– Xin ông giải thích rõ hơn về việc này, tại sao lại nguy hiểm ?
– Tôi vừa trình bày cho các ông một phương pháp tinh luyện các thể như tôi đã được truyền dạy. Dĩ nhiên, còn có nhiều phương pháp khác cũng mang lại các kết quả tương tự nhưng cứu cánh lại khác hẳn. Có hàng trăm phương pháp phát triển năng khiếu thần thông, nhưng người tu phải hiểu rằng quyền năng chỉ là những phương tiện thấp thỏi, giúp ta mở rộng kiến thức. Quyền năng không bao giờ là một cứu cánh, một mục đích. Sự tham luyến, vọng tưởng sẽ đưa người có quyền năng vào ma đạo. Người tu hành cần ý thức rõ rệt rằng chỉ khi nào phàm ngã hoàn toàn bị tiêu diệt thì con người mới thoát khỏi ảo ảnh của màn vô minh và thực sự chứng nghiệm chân lý. Quyền năng càng cao ta càng phải lập hạnh, nghiêm khắc giữ gìn đề cao cảnh giác các ảo ảnh của vô minh….
– Ông nói đến vô minh như một cái gì trừu tượng, liệu ông có thể lấy một thí dụ dễ hiểu hơn không vì danh từ này còn xa lạ với chúng tôi ?
– Hãy lấy thí dụ một người tu hành công phu khổ luyện đã bắt đầu khai mở vài quyền năng thô thiển như Thần Nhãn chẳng hạn. Vì số người có quyền năng này ở cõi trần rất ít, người đó tưỏong mình tiến bộ vượt bực, đã trở nên một đấng này, đấng nọ. Lòng kiêu căng phát triển xúi dục họ nghĩ rằng mình đã đắc quả vị lớn lao, đã được giao phó các sứ mạng cao cả. Họ tự phong cho mình những chức tước, danh vọng hoặc đôi khi tín đồ xưng tụng cho họ là đấng này, đấng nọ, thì họ cũng chấp nhận tuốt. Họ nghĩ mình đã sáng suốt, cao cả thì còn lầm lạc thế nào được nữa… Họ đâu hiểu rằng trong cõi âm có rất nhiều vong linh bất hảo hay tìm cách hướng dẫn sai lạc những người non nớt vừa bắt đầu khai mở quyền năng. Dĩ nhiên với trí tuệ nông cạn, họ không có một tiêu chuẩn nào để xét đoán, hiểu biết những hiện tượng, những điều họ nhìn thấy và trắc nghiệm xem điều đó có hợp với chân lý hay không ? Bởi thế họ dễ bị lung lạc để trở nên một tay sai đắc lực của các vong linh, ma quỷ, các sinh vật vô hình. Như các ông đã thấy những pháp sư, thầy phù thuỷ, các tu sĩ thiếu sáng suốt, thiếu công phu tu hành, thiếu trì giới, đều rơi vào cạm bẫy của vô minh cả. Họ có một vài quyền năng thật nhưng không sử dụng nó vào mục đích giúp dời mà sử dụng vào các việc ích kỷ hại nhân…
– Nhưng làm sao tránh được các điều này ? Làm sao một người mới bắt đầu có quyền năng biết được những điều mình nhìn thấy không phải là ảo ảnh của vô minh, những điều mình chứng nghiệm không phải sự truyền dạy vu vơ của loài sinh vật vô hình ?
Hamud nghiêm trang tuyên bố :
 
– Người nào sống một đời tinh khiết về tư tưởng và hành động, không bị ô nhiễm bởi ích kỷ thì sẽ được che chở. Với các rung động thanh cao, các ảnh hưởng xấu không thể xâm nhập, các vong linh bất hảo thấy người đó không có gì để chúng lợi dụng
được. Trái lại, một người còn nhiều tham vọng, thiếu công phu trì giới thì chính sự rung động bất thiện phát xuất từ nội tâm người đó, sẽ hấp dẫn các vong linh, ma quái đến quanh. Trong họ còn đầy đủ các khí cụ như Tham, Sân, Si, ích kỷ, mê muội thì quá dễ dàng để các vong linh lợi dụng. Một tu sĩ bất cứ tôn giáo nào cũng đều phải giữ giới, tuân các điều răn vì các bậc giáo chủ sáng lập tôn giáo đã đi qua con đưòong đó, đã biết các hiểm nguy và đặt ra cấm điều để cho người theo sau biết đường mà tránh.
– Nhưng các lối tu luyện thần thông vào mục đích nhất định như chữa bệnh thì sao ?
– Điều này tuỳ tâm thức người luyện, nhưng theo sự hiểu biết của tôi thì bất cứ lối tập luyện nào thiếu sự đứng đắn đều đưa vào con đường nguy hiểm. Các ông nên biết một khi có quyền năng, dù là một quyền năng hạ cấp rất thô thiển, kẻ sự dụng nó đều có thể làm nhiều việc mà người bình thường cho là “phi thường”, vì đa số nhân loại chưa có khả năng đó. Điều này khiến kẻ luyện dễ trở nên kiêu căng và nếu không có tâm trong sạch, y có thể sử dụng quyền năng này vào các điều tà vạy.
Giáo sư Allen lắc đầu :
– Ông nói điều xấu, điều tốt như có một tiêu chuẩn rõ ràng vậy. Tại sao ông không nghĩ xấu hay tốt chỉ là những điều tương đối. Một điều người Âu cho là vô lý có thể người Á châu lại chấp nhận như một sự kiện hữu lý.
Hamud gật đầu :
– Đúng thế, quan niệm xấu tốt, thiện ác ít nhiều chịu ảnh hưởng xã hội, nhưng vượt lên cao hơn nữa, chúng ta vẫn có luật vũ trụ kia mà. Theo sự hiểu biết của tôi, thì có hai con đường: Chánh đạo và Tà đạo. Con người làm chuyện tà đạo là khi y dùng quyền năng tiềm tàng của mình để mưu lợi riêng cho sự phát triển cá nhân, và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của kẻ khác. Phát triển cá nhân ở đây có nghĩa là sự bành
trướng về giác quan, cảm xúc hay tri thức của cá nhân, mà không kể gì đến sự thiệt hại cho kẻ khác. Một người lợi dụng sự ngu dốt, yếu đuối của kẻ khác để thu lấy ít lợi lộc về tiền bạc hay thoả mãn tham vọng cá nhân tức là đang đi trên con đường tà đạo. Nếu y có chút quyền năng, y sẽ trở nên ghê gớm như thế nào ? Chánh đạo cũng là việc sử dụng những quyền năng của mình, nhưng để phụng sự nhân loại. Trong khi phụng sự, con người sẵn sàng hy sinh mọi tiện nghi, tham vọng cá nhân mình để làm việc hữu ích cho kẻ khác. Kẻ phụng sự dứt tuyệt các thú vui về giác quan, từ bỏ mọi tôn kính chính đáng mà y có quyền hưởng thụ, dẹp bỏ cái phàm ngã cá nhân, chỉ nên chú trọng đến mục đích đạt đến sự toàn thiện. Tà đạo sử dụng quyền năng qua các hình thức lễ nghi, cúng bái trợ lực để tạo nên các đoàn thể hình thức. Các hình thức này có thể là vật chất hay một tổ chức mà công cụ của nó không phải lo cho đời sống hay một lý tưởng cao thượng mà chỉ là một hình thức phát biểu cho quan niệm riêng của mình. Chánh đạo là sử dụng các quyền năng cố hữu của bản chất con người để vượt qua mọi hạn định của hình thức. Để giải thoát tâm hồn khỏi các trói buộc của cảm giác, của sự tưởng tượng hay xu hướng nhất thời. Để tránh các cám dỗ, lừa gạt của vô minh, để phục vụ cái phần tử thiêng liêng của bản thể vũ trụ. Một người nghiên cứu huyền môn có thể đi trên đường chánh cũng như tà. Họ có thể tìm cách phát triển cá nhân qua sự tự chủ gắt gao để khai mở các quyền năng, thu thập kiến thức. Họ cũng có thể ao ước cõi thiên đàng mở rộng trong lòng mọi người, và chính trong họ, qua các hành động bác ái, vị tha. Trong hai trường hợp, hạng đầu cầu mong kiến thức, quyền năng; hạng sau muốn trở nên người hữu dụng. Càng đi xa thì sự tiến bộ càng khác biệt. Người sử dụng kiến thức, quyền năng để phụng sự, sẽ trở nên một bậc “Bồ Tát” (Bodhisattva), và chỉ có trái tim Bồ Tát mới là ánh sáng soi đưòng, chỉ lối giúp họ đi trọn vẹn con đường đạo. Người cầu trí thức cho mình chỉ quanh quẩn trong phạm trù cá nhân một lúc, thiếu từ bi, trí tuệ, y rất dễ bị sa ngã vào ma đạo lúc nào không hay. Không có trí tuệ bát nhã soi đường, y dễ trở thành nạn nhân của vô minh. Điều này cũng như một người đi biển mà không có bản đồ, la bàn định hướng, mà đi bừa bãi thì làm sao đến nơi được. Đường đạo cũng thế, một tu sĩ phải trì giới nghiêm minh để tu thân, nhưng vẫn chưa đủ, mà còn phải lập những hạnh nguyện, xác định mục đích rõ ràng để hành động. Có tu thì phải có hành, phải biết đem kiến thức của mình ra để giúp ích cho những người khác. Trí tuệ phải đi đôi với Từ Bi. Có “Trí” mà thiếu “Tâm” chỉ là mớ kiến thức vô dụng, một cái xác không hồn. Có “Tâm” mà thiếu “Trí” cũng không được vì sẽ dễ sa ngã, đi lầm vào tà đạo. Đó là điều đã xảy ra trong quá khứ, các tu sĩ thiếu kiến thức, trí tuệ, đã bị vô minh che phủ. Họ coi thượng đế như một đấng thần linh để thờ phụng, tách ngài ra khỏi tín đồ và dạy bảo rằng thượng đế cao siêu quá, không thể nói chuyện với những người tầm thường được, mà phải qua trung gian của giới tăng lữ. Họ đặt đủ các ngôn từ hoa mỹ, thêu gấm dệt hoa vào giáo điều để tín đồ quay cuồng trong ngôn ngữ, mà xa lánh chân lý thực tế. Dần dần các chân lý cao đẹp bị bao phủ bằng các hình thức mê tín dị đoan, các điều xằng bậy, và đưa đến chỗ suy tàn…. Đó là điều đã xảy ra cho tôn giáo Ai Cập.
Giáo sư Evan-Wentz ngắt lời :
– Xin ông nói rõ hơn về sự suy tàn của nền văn minh Ai cập. Lịch sử vẫn chưa hiểu tại sao nền văn minh này lại suy tàn nhanh chóng như vậy ?
Hamud ngồi im lặng như hồi tưởng một ký ức xa xôi nào đó, một lúc sao y gật đầu :
– Có nhiều giả thuyết về sự suy tàn của nền văn minh Ai cập. Đa số đỗ lỗi cho chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai, nhưng ít ai biết rõ nguyên nhân sâu xa. Tôi không có ý muốn tiết lộ những điều này, vì mục đích buổi tiếp xúc hôm nay là nói chuyện, tham khảo về cõi giới vô hình. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng tiết lộ những điều thầm kín như một nhân duyên đặc biệt với các ông. Điều này không phải tự ý tôi, nhưng do một thông điệp tư tưởng của một vị chân sư chuyển giao. Tôi muốn tiết lộ những điều này như một cảnh cáo đối với thế giới ngày nay, để họ không đi vào vết xe của quá khứ…
Một lần nữa, sự hiện diện của một vị chân sư bí mật lại được nhắc đến khiến mọi người vô cùng cảm kích. Vị pháp sư Ai cập ngửa mặt nhìn lên trời như ôn lại dĩ vãng :
– Trong thời buổi vàng son, nền văn minh Ai cập đã đến lúc cực thịnh. Các đạo viện với những minh sư truyền dạy khoa học huyền môn, đưa dân trí đến một mức tiến bộ vượt xa thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều tu sĩ đã không giữ gìn giới luật khắt khe, hoặc không thấu hiểu các giáo điều cao siêu. Họ bèn tìm một lối đi ngắn hơn và dễ hơn, chú trọng về phương pháp kỹ thuật để đạt đến quyền năng. Thần thông trở nên mục đích chứ không phải phương tiện nữa. Để đạt mục đích, họ không ngần ngại hy sinh quyền lợi tôn giáo, quốc gia… Thiếu sáng suốt nên họ đi vào ma đạo, và chịu sự sai khiến của các động lực bất hảo. Các tăng lữ này lập thành phe nhóm, liên kết lẫn nhau, để tạo một ảnh hưởng cực mạnh, đến nỗi các vua Pharaoh hách dịch cũng phải kiêng dè. Họ lạm dụng danh từ tôn giáo, thần linh, truyền bá các tà thuật, phù phép, thần chú hắc ám để lôi cuốn tín đồ. Dĩ nhiên với các tà thuật, họ có thể làm mọi thứ mà một người bình thường vô phương chống lại. Chỉ một thời gian ngắn, dân chúng đều trở thành nạn nhân của một thứ tà giáo. Các vị pháp sư trở nên sứ giả của cõi âm, một thứ quỷ sống đội lốt người. Họ còn kêu gọi những âm binh hung ác nhất đến giúp họ đạt các mục đích ám muội. Trong đền thờ, khoa phù thuỷ thay thế sinh hoạt tâm linh và các tu sĩ chân chính bị loại trừ, đào thải nhanh chóng. Cũng vì thế, khoa huyền môn chân chính trở nên thất truyền vì không người tu học, nghiên cứu. Các tu sĩ chân chính phải trốn tránh, từ bỏ các giáo đường uy nghiêm. Nền văn minh đặt căn bản trên kiến thức huyền môn cũng tàn lụi, khi cánh cửa huyền môn chân chính khép chặt. Các ông nên biết, trong thời cổ, hầu hết các khoa học gia, y sĩ, các nhà toán học kiến trúc đều xuất thân từ giới tu sĩ hoặc học hỏi trong các tu viện; vì thời đó, không có trường học hay nền giáo dục như bây giờ. Khi bùa chú, phép thuật mê hoặc nhân tâm, thúc đẩy con người từ bỏ thượng đế để tôn thờ các loài ma quái thì các thứ như chiêm tinh, toán học, kiến trúc, không còn lý do để tồn tại. Thời gian trôi qua, nền văn minh Ai cập huy hoàng đã xuống dốc cực kỳ thảm hại. Chính các tu sĩ lầm lạc, ích kỷ đầy tham vọng là nguyên nhân gây nên hoàn cảnh trên. Họ lợi dụng danh nghĩa tôn giáo, một thứ tôn giáo ma quái để đưa Ai cập vào con đường thoái hoá. Thay vì lo giải thoát cho chính mình khỏi mê lầm, thì họ lại hướng dẫn quần chúng vào ma đạo. Thay vì tuân theo các giới luật thì họ lại phá giới, nguỵ biện bằng các danh từ hoa mỹ, tốt đẹp. Thay vì kiểm thảo nội tâm, họ lập phe nhóm bênh vực lẫn nhau để che dấu các hành vi tà muội. Khoa nghi thức hành lễ mất hết các tính cách thiêng liêng, mà chỉ còn hình thức bề ngoài, kêu gọi một năng lực ngoại giới đến trợ giúp quyền uy giáo sĩ. Sự hiến dâng biến thành hối lộ, tu sĩ lựa chọn các thứ mình thích nhất như món ăn, thiếu nữ xinh đẹp để tế thần. Sau đó đem chia chác cho nhau cùng hưởng thụ; thượng đế nhân từ bác ái bỗng biến thành một thần linh toàn lực, toàn uy, trọn quyển thưởng phạt mà giới giáo sĩ là trung gian. Để lung lạc nhân tâm, khoa bùa chú, thôi miên được sử dụng tối đa như một phương tiện cần thiết để thoả mãn tham vọng cá nhân. Để tránh các tinh tuý huyền môn không lọt vào tay giới bàng môn tà đạo, các tu sĩ chân chánh đã sử dụng khoa Ám Tự (chữ tượng hình cổ Ai cập). Đây là một văn tự huyền bí ẩn dấu nhiều ý nghĩa tâm linh mà chỉ các tu sĩ chân chính sau khi vượt qua thử thách mới được tiết lộ. Sự sử dụng ý nghĩa biểu tượng hoặc tỷ dụ được dùng tối đa, chính Moses về sau đã sử dụng ngôn ngữ này trong các cuốn sách của Do thái . Sự bành trướng của nhóm tà đạo quá mạnh, các tu sĩ chân chính phải rút vào rừng sâu núi thẳm và cuối cùng thì khoa huyền môn chân chính cũng thất truyền. Một số giáo sĩ, khoa học gia, các nhà toán học, kiến trúc, trốn sang Hy Lạp và truyền dạy các khoa này tại đây, mở đầu cho một nền văn minh mới. Trong khi đó, để lôi cuốn phe đảng, vấn đề truyền giáo được đặt ra và giới tăng lữ buộc các vua Pharaoh phải gây chiến tranh để truyền bá tôn giáo. Các cuộc “thánh chiến” này đã đem lại một giai cấp mới – Nô lệ .
 
Giaó sư Mortimer ngạc nhiên :
– Như thế lúc trưóoc không có nô lệ hay sao ? Hamud lắc đầu :
– Nền văn minh cổ đặt căn bản trên sự bác ái hoàn hảo của từng cá nhân, làm gì có vấn đề nô lệ. Hiện tượng nô lệ chỉ bắt đầu khi văn hoá suy đồi, giới tu sĩ lộng hành và sau các cuộc chiến tranh. Lúc đầu họ là tù binh chiến tranh, về sau họ trở thành nô lệ. Sau đó các giáo sĩ đặt ra luật những ai không cùng tôn giáo đều bị coi là nô lệ. Dân
Do thái vì khác tôn giáo nên trở thành nạn nhân đầu tiên. Tình trạng nô lệ thay đổi xã hội rất nhiều, các giáo sĩ không cần sử dụng bùa chú, thôi miên để thoả mãn dục vọng, các nô lệ đương nhiên phải làm tất cả những gì chủ nhân muốn. Theo thời gian, pháp môn phù thuỷ, bùa chú cũng thất truyền vì giới tu sĩ không cần đến nó nữa. Khi các phép thuật biến mất thì uy tín các giáo sĩ cũng giảm theo, và các vua Pharaoh bắt đầu hạn chế quyền lực các giáo sĩ. Khi nền văn minh xuống dốc, các chân lý tốt đẹp biến mất, đời sống hưởng thụ của tiện nghi vật chất khiến các vua chúa trở nên ích kỷ, chỉ muốn kéo dài đời sống, nên phong tục xây cất nhà mồ, ướp xác trở nên thịnh hành,vì nó hứa hẹn một đời sống vĩnh cữu. Công cuộc xây cất những ngôi mộ vĩ đại đã làm khánh kiệt tài sản quốc gia, đưa xã hội Ai cập vào một tình trạng suy thoái… Do đó, Ai cập trở nên một miếng mồi ngon cho Ba Tư và Hy Lạp.. Lịch sử đã ghi chép khá rõ ràng từ lúc này, tôi chắc các ông đã biết rõ….
Phái đoàn im lặng nhìn nhau, sự suy yếu của Ai cập sau khi bị Ba Tư, Hy Lạp cai trị không phải là một điều gì xa lạ, nhưng tại sao một nền văn minh như Ai cập đã xây cất những Kim tự tháp hùng vĩ, đã sản xuất bao nhân tài, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cõi Trung đông, lại suy sụp mau chóng vẫn còn là một câu hỏi lịch sử. Lời giải thích của Hamud là một chìa khoá vô giá về lịch sử này.
Nhà pháp sư Ai cập mỉm cười nhìn tất cả mọi người :
– Lịch sử nhân loại luôn luôn biến đổi theo chu kỳ, nhiều việc xảy ra trong quá khứ sẽ tiếp diễn lại. Có sống trong thời buổi đen tối, hỗn loạn, đầy đau khổ hoang mang, nhân loại mới ao ước cõi tâm linh cao thượng . Nhu cầu này sẽ được đáp ứng, và một đấng thánh nhân sẽ chuyển kiếp xuống trần, mở rộng cánh cửa tâm linh, hướng dẫn nhân loại dưới một hình thức, phương tiện thích hợp với hoàn cảnh thời gian và không gian khi đó. Điều này đã xảy ra nhiều lần tại các nơi khác nhau trên thế giới, từ Trung hoa qua Ấn độ, đến Trung đông. Các bậc thánh nhân đều rao truyền những chân lý cao siêu, đẹp đẽ, nhưng vì nhân loại cứ u mê, thiếu hiểu biết, nên chỉ ít lâu sau tất cả lại quay cuồng vào vết xe cũ. Các chân lý cao đẹp bị xuyên tạc, sửa đổi, giảng
giải sai lạc bởi các giáo sĩ mê tín, thành kiến , đầy cuồng tín. Dù sao đi nữa bánh xe tiến hoá vẫn quay đều và trong mọi hoàn cảnh, thời đại nào cũng có các cá nhân cố gắng vượt mức để tự giải thoát ra khỏi ảo ảnh của màn vô minh để nhận định chân lý…
Hamud im lặng một lúc rồi thong thả :
– Tôi muốn các ông ghi nhận một điều này, các ông có thể coi đó như một lời tiên đoán hay cảnh cáo trước cũng được. Thời gian sắp đến sẽ là một giai đoạn cực kỳ tiến bộ về tri thức, nhưng thoái bộ về tâm linh. Mọi sự hiểu biết chỉ nhắm vào hiện tượng thay vì nguyên nhân bản chất. Do đó, nền khoa học tương lai không thể chuyển biến được lòng người hoặc giúp cho con người có cái nhìn sáng suốt, có được một tâm hồn bình an. Nền “khoa học hiện tượng” chỉ kích thích giác quan, cảm xúc hướng ngoại sẽ khiến cho con người cực kỳ bất mãn, lo âu và trở nên hoang mang phiêu bạt. Thêm vào đó, sự khai quật các ngôi cổ mộ Ai cập sẽ tháo củi xổ lồng cho vô số âm binh, các động lực cực kỳ hung dữ. Như tôi vừa kể với các ông, thời kỳ chót của nền văn minh Ai cập, các giáo sĩ đã thực hành tà thuật tối đa, mà khoa ướp xác là một bí thuật mang sự liên lạc của cõi vô hình vào cõi trần. Tất cả các ngôi mộ cổ đều là nơi giam giữ các động lực vô hình để canh giữ, duy trì ảnh hưởng tà môn. Khi được tháo củi xổ lồng, chúng sẽ mang nền tà giáo cổ Ai cập trở lại thế kỷ này. Dĩ nhiên, dưới một hình thức nào nó hợp thời hơn. Một số pháp sư vốn là sứ giả cõi âm sẽ đầu thai trở lại, hoặc nhập xác để tác oai, tác quái, tái tạo một xã hội tối tăm, sa đoạ, đi ngược trào lưu tiến hoá của thượng đế. Thế giới sẽ trở thành nạn nhân của thứ tôn giáo ma quái này.. Chiến tranh, đau khổ, bất an cùng các kích thích của cảm giác mới lạ do nền “khoa học hiện tượng” mang lại, sẽ thúc đẩy con người vào các cùng cực của cuộc sống. Trong thời buổi này, khối óc ly trí không giúp được gì mà chỉ có sự hiểu biết và ý thức bản chất thầm lặng của nội tâm mới đáp ứng được. Đó là lối thoát duy nhất mà thôi.
Giáo sư Allen ngắt lời :
– Nhưng đã có bằng chứng gì về sự hiện diện của các động lực vô hình này. Làm sao có thể cảnh cáo mọi người về sự trở lại của pháp sư thời cổ ? Người Âu Mỹ sẽ chẳng bao giờ chấp nhận một điều hoang đường, vô lý nếu không có bằng chứng rõ rệt.
Hamud mỉm cười bí mật :
– Cõi âm là đối tượng nghiên cứu của tôi, nên tôi có thể trình bày một vài dữ kiện để các ông suy nghiệm, như một bằng chứng. Chuyện xảy ra đã bắt đầu xảy ra, theo thời gian các ông sẽ thấy. Dù các pháp sư tà đạo thời cổ này có khéo léo dẫn dụ con người bằng những danh từ hoa mỹ, những chủ thuyết đẹp đẽ thế mấy đi nữa, thì họ vẫn chỉ có thể sống như một con người. Dù thế nào họ cũng không thể bỏ qua các thói quen cũ của quá khứ, họ sẽ đội lốt tôn giáo, họ sẽ kêu gọi sự hợp tác của thần quyền, họ sẽ đặt ra các giáo điều mới, thay thế các chân lý cao đẹp để lôi kéo con người từ bỏ thượng đế. Họ sẽ sử dụng danh từ, ngôn ngữ để đánh lạc hướng mọi người, tuy nhiên trước sau gì họ cũng phải chết và trước khi chết, họ sẽ di chúc yêu cầu ướp xác họ và xây dựng những nhà mồ vĩ đại bằng đá như họ đã từng làm trong quá khứ…
Giáo sư Allen bật cười :
– Như vậy thì nhận diện họ quá dễ, nhưng tôi không tin thời buổi này còn ai ướp xác, xây cất nhà mồ như vậy, ông nên nhớ chúng ta đã bắt đầu vào thế kỷ 20, không phải tám ngàn năm trước ?
Hamud mỉm cười :
– Rồi các ông sẽ thấy, tôi mong các ông ghi chép những điều này cẩn thận rồi đúng hay sai thời gian sẽ trả lời.
 
Hành Trình Về Phương Đông
Chương X: Hành trình về phương Đông

“Yêu cầu chấm dứt cuộc du khảo. Mọi tài trợ cắt đứt. Trở về Luân đôn ngay.”

Bức điện tính đến bất ngờ, làm phái đoàn hết sức sửng sốt. Bác sĩ Kavir cho biết một tờ báo ở Luân đôn đã ghi nhận rằng phái đoàn khoa học ưu tú nhất Anh quốc, đã quỳ mọp bên cạnh những đạo sĩ “trần truồng” xứ Ấn để nghe dạy bảo.

Dư luận quần chúng hết sức phẩn nộ, đòi đại học Oxford phải ngưng ngay các cuộc du khảo và triệu hồi phái đoàn trở về để giải thích. Phái đoàn lập tức lấy xe lửa trở về Bomby.

(Ghi chú : Khi đó Ấn độ đang là thuộc địa của Anh, và vấn đề kỳ thị chủng tộc, giai cấp còn rất mạnh)

Nhật ký của giáo sư Spalding :

“Thật là bất ngờ khi chúng tôi nhận được bức điện tín, kèm theo đó là một bức thư của Lãnh sự quán Bombay cùng những mẫu báo nói về những giáo sư đại học của Hoàng gia đã “quỳ mọp” bên cạnh những phù thuỷ Ấn mang rợ để nghe dạy bảo. Lời tường thuật đầy ác ý của một ký giả thiếu sáng suốt, đã phá hoại công trình sưu tầm nghiên cứu đang diễn ra tốt đẹp. Làm sao có thể giải thích cho quần chúng hiểu rằng ngoài các phong tục, tôn giáo hỗn độn, phức tạp, hoang đường, mê tín dị đoan còn ẩn dấu các chân lý cao đẹp mà người Âu cần nghiên cứu. Đành rằng Ấn độ đã ngủ say trong bao thế kỷ nay, nhưng trong sự suy đồi vật chất vẫn tiềm tàng một sinh lực tâm linh mãnh liệt đang chờ đợi được đánh thức.

Chúng tôi đã học hỏi nhiều trong cuộc du khảo này, bài học đầu tiên do một người

Anh, thương gia Keymakers đã dạy :

– Để nghiên cứu một cách vô tư và khoa học, người Âu cần gạt bỏ lòng tự kiêu, thành

kiến văn hoá, chỉ giữ gìn một đầu óc khoa học, phê bình chặt chẽ để có thể xuyên qua rừng người mê tín tìm đến sự thật.

Như một viên ngọc quý cần phải được mài dũa, cuộc đi tìm chân lý cũng thế, chúng tôi đã mất mấy năm trời tìm tòi, gạn lọc mới gặp được các vị đạo sư tiêu biểu cho đời sống tâm linh thực sự của xứ Ấn. Nhờ những may mắn tình cờ, chúng tôi đã gặp các sinh hoạt tâm linh cao thượng mà ít người Âu nào có diễm phúc khám phá. Tất cả những chân lý từ trước đến nay chỉ được truyền bá một cách hết sức bí mật, thận trọng, đã được tiết lộ cho chúng tôi. Là một phái đoàn khoa học, chúng tôi đã phân tách kỹ lưõong, kiểm soát cẩn thận, phê bình chặt chẽ và đặt câu hỏi cho đến khi thật rõ ràng. Mỗi người chúng tôi đều ghi chép vào sổ tay cá nhân riêng những sự kiện quan sát, sau đó chúng tôi cùng nhau kiểm điểm, bàn luận và kiểm chứng lại tài liệu này cho đến khi tất cả đồng ý là chính xác, mới ghi vào hồ sơ chính. Nhờ phương thức này, chúng tôi quả quyết rằng tài liệu ghi nhận hoàn toàn đặt căn bản trên nền tảng khoa học chứ không phải sự tin tưởng hay hiểu biết của một cá nhân.

Chúng tôi hy vọng khi công bố, các kết quả này sẽ là một nhịp cầu thông cảm giữa hai văn hoá và thúc đẩy những cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn. Sự kiện vừa qua đã thay đổi tất cả và làm sụp đổ mọi kỳ vọng khiêm tốn nhất. Giáo sư Allen tin rằng nếu chúng tôi trở lại Luân đôn tuyên bố những điều khám phá và giải thích lý do một cách rõ ràng có thể quần chúng sẽ có thiện cảm hơn chăng ? Tôi không nghĩ như thế, hiện tại còn quá sớm để thay đổi một dư luận bắt nguồn từ những quan niệm hẹp hòi, những thành kiến và sự tự hào mù quáng.

Người Âu chỉ nhìn Ấn độ như một xứ chậm tiến, một thuộc địa dốt nát, mê tín đầy những kẻ thất học, chứ nào thấy được những giá trị tinh vi, những khoa học tiến bộ được che dấu cẩn thận dưới ánh nắng thiêu đốt miền nhiệt đới.

Giáo sư Mortimer và nhóm khoa học gia Hoa kỳ có ý muốn tách riêng và tiếp tục cuộc nghiên cứu vì xứ Hoa kỳ dù sao cũng ít thành kiến hơn. Đại học Yale và Harvard

sẵn sàng bảo trợ cuộc du khảo, nhất là khi nó đã có kết quả. Với tư cách trưởng phái đoàn, tôi không muốn thấy công trình tốt đẹp bị gián đoạn nhưng cũng không muốn đại học Hoa kỳ hưởng hết kết quả, dù sao tôi cũng là một người Anh, với mọi tự hào về truyền thống Oxford đã đào tạo ra chúng tôi, và chúng tôi muốn tên tuổi nó trong cuộc khảo cứu tiền phong này.

Viên lãnh sự lạnh nhạt tiếp đãi phái đoàn trong căn phòng nhỏ. Y chỉ mẫu báo nói về cuộc nghiên cứu đang trở nên một đề tài hấp dẫn, được báo chí khai thác triệt để :

– Các ông nên biết điều một chút, dù sao các ông cũng là những khoa học gia, giáo sư đại học lừng lẫy, có chân trong hội Khoa học Hoàng gia. Các ông là đại diện cho thành phần danh dự, ưu tú nhất nước Anh… Các ông đã làm mất uy tín Hoàng gia, tại sao các ông không chịu ngồi yên ở Oxford ? Cái xứ nóng bực này có gì đâu để khảo cứu….

Giaó sư Oliver nổi nóng :

– Đó là việc riêng của chúng tôi, anh biết gì mà nói … Viên lãnh sự nhếch miệng cười nhạt :
– Đó không phải việc riêng của các ông nữa, nó liên quan đến danh dự Hoàng gia, danh dự Oxford. Các ông nên biết tôi cũng xuất thân từ Oxford….

Giáo sư Oliver buột miệng :

– Nếu anh xuất thân từ Oxford thì anh phải biết cuộc khảo cứu này sẽ làm rạng danh đại học của chúng ta. Một ngày nào đó, người ta sẽ nói rằng chính Oxford đã tiên phong trong việc khảo cứu các hiện tượng huyền bí, các môn Yoga….

– Yoga ? Yoga là cái gì ? Ông muốn nói đến một loài thú nào chăng ?

Giáo sư Oliver há hốc miệng, không nói thêm lời nào. Một sự ngờ nghệch như vậy có thể tha thứ được đối với một công dân tầm thường, vô học, chỉ quanh quẩn nơi xó nhà, chưa hề ra khỏi tầm chuông nhà thờ Westminster… Đằng này y là một lãnh sự, đại diện cho Hoàng gia, xuất thân từ Oxford và đã sống ở Ấn độ hơn 6 năm nay. Viên lãnh sự xem xét thông hành và cho biết phái đoàn phải rời Ấn độ ngay trong tuần lễ sau.

***

Nhật ký của giáo sư Spalding :

Trong khi mọi người trở về khách sạn, chờ đợi ngày lên tàu trở về Luân đôn. Tôi vẫn linh cảm sẽ có một chuyện gì xảy ra. Tôi lang thang trong khu phố Bombay đông đúc, đầu óc mơ hồ, không biết phải làm gì. Tôi cố ôn lại những việc xảy ra trong vòng nửa năm qua. Quả thế, từ hôm thất vọng đi lang thang như thế này trong thành Benares. Tôi đã gặp một người Ấn cao lớn, khác thường đã chuyển giao thông điệp của một Chân Sư. Từ đó khắp mọi nơi, phái đoàn luôn luôn được che chở và may mắn gặp gỡ những người dành trọn đời cho việc đi tìm chân lý, những người đã thắng đoạt thiên nhiên, đã chinh phục được các sức mạnh vô hình trong trời đất, đã có quyền năng phi thường… Đúng như lời người đó nói, sự nghiên cứu đã vén mở được những điều phái đoàn muốn tìm kiếm, nhưng mọi người vẫn chưa hài lòng. Chúng tôi ao ước được gặp vị Chân Sư bí mật, một người mà tôi có cảm giác đã quen, đã biết từ một tiềm thức xa xôi nào. Trong giây phút đó, tôi bỗng có một ý tưởng lạ lùng, bằng tất cả sức mạnh tư tưởng tôi ao ước vị Chân Sư bí mật này hãy giúp đỡ chúng tôi, hãy cho chúng tôi gặp mặt.

Đang đắm chìm trong dòng tư tưởng triền miên bỗng tôi giật mình, một cảm giác lạ lùng như một luồng điện chạy dọc theo xương sống, khiến tôi mở choàng mắt ra.

Dưới chân một cây cổ thụ cao lớn, cành lá xum xuê, một người Ấn với khuôn mặt phương phi, quai hàm rộng, trán cao, cặp mắt tinh anh có khả năng thu hút người khác. Còn ai vào đây nữa, chính người Ấn lúc đầu mà tôi đã gặp tại thành Benares. Chính người này đã mang thông điệp đầu tiên cho phái đoàn. Tôi vội vã chạy đến mừng như gặp bạn cố tri. Người Ấn mỉm cười :

– Thế nào ? Việc nghiên cứu của các ông tốt đẹp chứ ? Tôi hy vọng Brahmananda, Sudeih Babu, Mahasaya, Harishinanda, Hamud El Sari… không làm các ông thất vọng.

Tôi há hốc miệng, không nói được câu nào. Tại sao người này dường như biết tất cả ?

Người Ấn mỉm cười :

– Bạn mến, cách đây nửa năm, bạn có hỏi tôi rằng, các bậc Chân Sư có thật hay không ? Nếu có thật tại sao các ngài không xuất hiện dạy dỗ quần chúng ? Sự ẩn dật đâu có lợi ích gì ? Lúc đó, trong lòng bạn thật sự không lấy gì tin tưởng về sự hiện hữu của những cá nhân đã tiến xa trên con đường đạo. Tôi đã trả lời rằng, vì không biết rõ các ngài nên quan niệm thông thường không thể xét đoán các ngài một cách đứng đắn. Thực ra các bậc toàn thiện luôn luôn xuất hiện để giúp đỡ thế gian một cách lặng lẽ, âm thầm. Đa số mọi người tin rằng các ngài phải hiện ra trong hào quang rực rỡ, với các phép thần thông biến cõi trần đau khổ này thành một cõi thiên đàng. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra…. Khi đó bạn không hoàn toàn đồng ý, là một người Thiên chúa giáo, bạn vẫn nghĩ rằng, đấng Christ đã hứa sẽ trở lại cứu rỗi tất cả… Thực ra đấng Christ có bao giờ rời bỏ chúng ta đâu. Lúc nào ngài chả luôn bên cạnh ta, giúp đỡ chúng ta. Sự tin tưởng rằng ngài sẽ trở lại trong một vầng hào quang sáng chói là một điều không đúng. Chúng ta chỉ quen tìm kiếm thượng đế bên ngoài như một đấng toàn năng có thể giúp ta thoả mãn những điều mong ước, chứ không chịu tìm kiếm ở nội tâm, nơi ngài luôn ngự trị. Tôi hy vọng sự tiếp xúc với các đạo sĩ trong thời gian qua sẽ giúp bạn một căn bản vững chắc, một niềm tin mãnh liệt để có thể tiếp tục việc

nghiên cứu.

Tôi kinh ngạc đến sững người, không những người Ấn này biết rõ tất cả mà dường như còn đọc được tư tưởng người khác. Người Ấn mỉm cười hiểu ý :

– Các bạn đã được chỉ dẫn về khoa Yoga, các phương pháp dưỡng sinh, cõi giới vô hình, môn chiêm tinh bí truyền, các luật vũ trụ, quan niệm về Phàm Ngã và Chân Ngã…. Các bạn đã tỏ ra say mê, thích thú vì đó là điều khao khát bấy lâu nay, đúng không ?

– Tại sao….tại sao ông lại biết rõ như vậy ?

Người Ấn dịu dàng :

– Vì tôi là người được chỉ thị phải giúp đỡ các bạn. Chính tôi đã theo dõi tư tưởng các bạn từ khi phái đoàn vừa đặt chân đến xứ này. Tôi hết sức thông cảm sự bất mãn, buồn phiền, chán nản suốt hai năm đầu , khi các bạn đến thăm các đền đài nguy nga, tiếp xúc với các đạo sĩ nổi tiếng nhưng không học hỏi được điều gì mới lạ. Thay vì gặp các bậc hiền triết, các bạn gặp toàn những kẻ bịp đời, những người giữ chức tước, địa vị thật cao mà công phu tu hành, trì giới lại rất thấp. Thay vì gặp những đạo sư có kinh nghiệm tâm linh, các bạn gặp những tu sĩ miệng nói thao thao như nước chảy mà chả biết mình đang nói gì, hình như chân lý cao siêu mà y trích dẫn từ kinh điển không dính dáng gì đến đời sống an nhà, sung sướng trong các đền thờ đồ sộ của y cả. Tất cả đều là những thử thách cho sự nghiên cứu của các bạn. Một chân lý có giá trị thực sự phải chịu nổi các thử thách của thời gian. Cuộc đi tìm chân lý cũng thế, nó đòi hỏi một sự cố gắng và một tinh thần khoa học, suy xét để gạt bỏ các điều mê tín, các thành kiến. Các bạn đã xứng đáng được truyền dạy những chân lý cao đẹp đó, tôi mới đến gặp bạn tại Benares và chuyển giao thông điệp của một vị Chân Sư. Nhờ thế các bạn mới thực sự gặp được những người tiêu biểu cho nền minh triết của Á châu. Tuy nhiên, như tôi đã nói nếu bạn muốn đi xa hơn để gặp các bậc chân sư thì lại

khác….

– Ông tin rằng chúng tôi có thể gặp các ngài ?

– Dĩ nhiên, nếu các bạn chọn con đường này, nó sẽ là một cuộc hành trình khác hẳn cuộc hành trình vừa qua. Các bạn sẽ không thể đứng bên ngoài mà nhìn vào, để nghiên cứu, ghi nhận như một khách bàng quang. Cuộc hành trình này phải là một kinh nghiệm cá nhân. Một sự hiểu biết mà không do mình tìm ra. Kinh nghiệm thật ra chỉ là một hiểu biết hời hợt, nông cạn. Sự hiểu biết do người khác mang lại, dù bằng bất cứ phương tiện nào, cũng chỉ là kinh nghiệm của người đó. Ta không thể trông đợi một chân lý đến từ bên ngoài, mà phải biết thế nào là đủ để dừng lại, để trở về. Đi xa tức là trở về, đó mới là con đường đứng đắn. Cuộc hành trình này không như lần trước “đi ra ngoài”, tiếp xúc với các đạo sư, ghi nhận những tinh hoa, soạn thảo tài liệu, mà phải là một cuộc hành trình “trở về”, một cuộc hành trình về phương đông. Các bạn không thể nhân danh phái đoàn đi quan sát, ghi nhận nữa, mà phải là một nhóm người đi tìm chân lý và sống với chân lý đã học được. Trong cuộc hành trình này, các bạn sẽ không được công nhận bởi các đại học, dư luận quần chúng. Danh vọng của bạn có thể bị xuyên tạc, điều bạn học hỏi có thể bị chế nhạo, nghi ngờ. Các bạn sẽ hết sức cô đơn, nản lòng, thối chí, có lúc bạn sẽ sợ hãi và đâm ra nghi ngờ những điều đã xảy ra. Tóm lại, các bạn cần suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định. Nếu trở về Luân đôn một thời gian, đợi dư luận lắng dịu, các bạn có thể công bố những điều ghi nhận, nhưng mọi người có tin hay không lại là chuyện khác. Nếu muốn tiếp tục, các bạn phải rời bỏ tất cả để làm một cuộc hành trình lên Tuyết Sơn . Đây là giây phút quyết định.

– Nếu chúng tôi muốn tiếp túc cuộc hành trình thì phải làm thế nào ?

Người Ấn mỉm cười :

– Tại sao bạn lại cứ hỏi tôi, phải làm gì ? Tôi phải làm thế nào ? Nếu muốn các bạn chỉ

việc lên đường, có thế thôi.

Định mệnh con người luôn luôn có những thay đổi lớn, mặc dù không thấy rõ nhưng chúng ta vẫn vô tình tiến đến mục tiêu đã vạch sẵn. Không đầy hai tuần lễ sau, chúng tôi đã đứng trong làng Potar, ngay sát chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Chúng tôi đã bỏ lại tất cả, danh vọng, địa vị, đoạn tuyệt với thành kiến, tự ái cố hữu của người Tây phương .

Cuộc hành trình về phương Đông của chúng tôi bắt đầu .
 
323509
Hai Số Phận
Chương 1

Ngày 18 tháng 4, 1906
Slonim, Ba Lan
Chỉ sau khi đã chết rồi cô ta mới không kêu hét nữa. Và cũng chính vào lúc đó đứa bé mới bắt đầu gào khóc.
Chú nhỏ đang đi săn thỏ trong rừng gần đó nghe thấy lạ nhưng không phân biệt được đó là tiếng hét cuối cùng của người đàn bà hay tiếng khóc đầu tiên của đứa bé. Đột nhiên chú quay người lại, cảm thấy có chuyện gì nguy hiểm, đôi mắt chú dò tìm xem có con thú nào bị đau. Chú chưa bao giờ nghe một con thú nào kêu lên như vậy. Chú cẩn thận đi từng bước đến gần nơi phát ra tiếng kêu. Lúc này tiếng kêu đã thành rên rỉ nhưng vẫn không giống với tiếng của bất cứ con thú nào chú được biết. Chú chỉ mong con thú này nhỏ để chú đủ sức giết được và để có cái gì mới cho món thịt thỏ bữa tối.
Chú thợ săn nhỏ rón rén phía bờ sông, nơi có tiếng kêu lạ vẳng đến. Chú nấp sau từng gốc cây để có chỗ dựa nếu xảy ra chuyện gì. Chú nhớ lời bố dặn là chớ bao giờ đứng ra ngoài chỗ trống. Ra dến bìa rừng, chú đã có thể nhìn rõ cả một khoảng thung lũng kéo dài xuống đến sông, và lúc này chú mới nhận ra tiếng kêu quái lạ ấy không phải phát ra từ một con thú bình thường. Chú bò dần về phía có tiếng rên. Đến đây, chú đã hoàn toàn ra chỗ trống. Bỗng chú trông thấy người đàn bà nằm đó, áo váy vén lên ngang ngực còn hai chân thì giang rộng. Chú chưa hề thấy người đàn bà nào như thế bao giờ. Chú chạy vội đến bên cạnh, nhìn xuống bụng người đàn bà và chú hoảng sợ. Giữa hai chân người đàn bà có một vật nhỏ đỏ hỏn và ướt đẫm, dính vào người bằng một cái gì đó như sợi dây thừng. Chú bé thợ săn bỏ mấy con thỏ mới lột da xuống rồi quỳ bên cạnh vật nhỏ bé ấy.
Chú ngỡ ngàng nhìn một lúc rồi lại quay ra nhìn người đàn bà. Chú chưa biết mình phải làm thế nào. Thân thể người đàn bà đã tái xanh vì rét lạnh. Cô ta chỉ ngoài hai mươi nhưng khuôn mặt đã già cỗi khiến chú bé tưởng cô đã đến tuổi trung niên. Chú biết là cô ta đã chết rồi. Chú bỗng nhấc cái cơ thể nhỏ bé lên. Chú cũng không biết tại sao mình làm như vậy. Có lẽ vì chú thấy đứa bé đưa mấy ngón tay nhỏ xíu lên cào vào bộ mặt nhăn nhúm của nó nên chú sợ chăng. Nhấc lên rồi chú mới biết là giữa người mẹ với đứa con vẫn còn dính vào nhau bằng một sợi dây nhầy nhụa.
Trước đó ít ngày chú đã được xem một con cừu đẻ. Bây giờ chú cố nhớ lại. Chú biết người chăn cừu đã làm như thế nào, nhưng chú không biết là với một đứa bé thì có thể làm như vậy được không? Đứa bé đã thôi không rên rỉ nữa. Chú cảm thấy mình phải gấp rút quyết định. Chú rút con dao ra, con dao chú vừa dùng để lột da thỏ, lau vào tay áo rồi, ngập ngừng một chút, chú cắt đứt sợi dây ở chỗ gần bụng đứa bé. Máu tuôn ra ở hai đầu dây. Chú thử nhớ lại xem người chăn cừu đã làm như thế nào. Ông ta thắt một cái nút để máu khỏi chảy. À, đúng thế rồi. Chú bứt một cọng cỏ dài ở dưới đất và thắt vội vào đầu dây rồi bế đứa bé lên. Chú từ từ đứng dậy và bỏ lại đó ba con thỏ với người đàn bà đã chết. Trước lúc đi, chú khép hai chân lại cho người mẹ và kéo chiếc váy xuống đến đầu gối. Chú chỉ biết làm như vậy được thôi.
- Ôi, lạy Chúa! - Mỗi khi làm điều gì hoặc rất tốt hoặc rất xấu, chú vẫn thường thốt lên như vậy. Trong trường hợp này, chú chưa thể biết là xấu tốt như thế nào.
Chú bé thợ săn cứ thế chạy vội về nhà. Chú biết là mẹ chú chỉ chờ chú mang thỏ về là sửa soạn bữa ăn tối. Bà mẹ sẽ hỏi hôm nay chú săn được mấy con. Nhà có những tám miệng ăn, phải có ít nhất là ba con thỏ mới đủ. Đôi khi chú kiếm một con vịt hoặc con ngỗng, có lúc được cả một con chim trĩ bay lạc từ trong trại của Nam tước ra đây. Bố chú bé làm ở trang trại ấy. Nhưng hôm nay chú không dám rời tay khỏi đứa bé chú đang bế , chú lấy chân đá vào cửa để mẹ nghe thấy và ra mở. Chú lặng lẽ giơ đứa bé lên cho mẹ xem. Người mẹ không ngay đứa bé mà còn đưa tay lên ngực và nhìn nó một lát.
- Ôi, lạy Chúa! - Người mẹ nói và làm dấu thánh giá.
Chú ngước lên nhìn mẹ xem bà vui hay buồn. Nhưng đôi mắt người mẹ cúi xuống nhìn một cách rất hiền dịu chú chưa từng thấy. Chú biết ngay rằng điều mình làm là tốt.
- Em bé, hả mẹ?
- Con trai, - mẹ chú gật đầu khẽ nói. – Con tìm thấy ở đâu thế?
- Ở gần bở sông, mẹ ạ. – chú đáp.
- Còn mẹ đứa bé đâu?
- Chết rồi.
Người mẹ làm dấu thánh giá.
- Con mau chạy đi nói với bố. Bố sẽ tìm bà Urszula Wojnak trên trại. Rồi con phải dẫn cả hai người đến chỗ có người mẹ của đứa bé này. Sau đó mọi người về đây ngay nhé.
Chú thợ săn nhoe trao đứa bé cho mẹ. Chú mừng thầm trong bụng là mình đã không bỏ mặc đứa bé. Trao được cho mẹ rồi, chú lau hai tay vào quần và chạy đi tìm bố.
Người mẹ lấy vai đẩy cửa vào trong và gọi đứa con gái lớn ra đặt nồi nước lên bếp lò. Rồi bà ngồi xuống một chiếc ghế gỗ, cởi khuy áo và ấn đầu vú vào cái miệng nhăn nhúm của đứa bé. Thế là, Sophia, đứa con gái mới đưựoc sáu tháng, tối nay sẽ phải nhịn không còn sữa ăn nữa. Người mẹ lấy làm lo buồn.
- Nhưng sao lại thế nhỉ? - Người mẹ bỗng thốt lên và kéo chiếc khăn choàng lên cánh tay mình cùng với đứa bé. – Ôi, chú bé tội nghiệp này, để đến sáng mai thì chú cũng chết mất thôi.
Lúc bà đỡ già Urszula Wojnak tắm rửa và thắt lại rốn chon đứa bé thì người mẹ không nhắc lại những ý nghĩ vừa rồi nữa. Còn ông chồng chỉ đứng lặng yên mà nhìn.
- Có khách vào nhà tức là có Chúa vào nhà. - người mẹ chợt nhắc đến một câu tục ngữ Ba Lan.
Ông chồng nhổ tọet một cái.
- Đồ chết dịch ở đâu. Nhà này có thiếu gì trẻ con nữa chứ!
Người mẹ làm như không nghe thấy ông ta nói gì, chỉ đưa tay vuốt mấy sợi tóc đen trên đầu đứa bé.
- Ta đặt tên nó là gì nhỉ? - Người đàn bà nói và ngước mắt nhìn chồng.
- Ai mà biết được? Cứ để cho nó chết mà không có tên tuổi gì hết là xong. – Ông nhún vai.
 
Hai Số Phận
Chương 2

Ngày 18 tháng 4, 1906
Boston, Massachusetts
Bác sĩ nắm lấy cổ chân đứa bé mới đẻ nhấc cao lên và phát cho nó một cái vào đít. Đứa bé bật khóc.
Ở Boston, bang Massachusetts, có một bệnh viện chuyên phục vụ cho những ai mắc các chứng bệnh của người giầu có, và vào một số trường hợp đặc biệt nào đó bệnh viện cũng kiêm cả việc đỡ đẻ cho những trẻ sơ sinh giàu có được ra đời. Ở bệnh viện đa khoa Massachusetts này, các bà mẹ không phải kêu hét và cũng không phải mặc quần áo bình thường như khi sinh đẻ. Lệ là như thế rồi.
Một người đàn ông trẻ tuổi đi đi lại lại bên ngoài phòng đẻ. Bên trong có hai bác sĩ khoa nhi cùng với một bác sĩ riêng của gia đình làm nhiệm vụ. Người cha này không dám để xảy ra chuyện gì cho đứa con đầu lòng của mình. Hai bác sĩ khoa nhi sẽ được trả một món tiền lớn với mỗi một việc là đứng đó để chứng kiên chuyện sinh đẻ thôi. Một trong hai bác sĩ ấy đã mặc sẵn bộ lễ phục bên dưới chiếc áo choàng trắng của bệnh viện, để hễ xong ở đây ra là ông đi dự tiệc ở đâu đó. Ông ta không thể nào vắng mặt trong ca sinh đẻ đặc biệt này được. Trước đó, cả ba bác sĩ đã rút thăm với nhau xem ai trong số họ sẽ trực tiếp đỡ đẻ.
Cuối cùng, người rút trúng là bác sĩ đa khoa Mackenzie. Người cha vừa đi lại ngoài hành lang vừa nghĩ xem sẽ đặt tên gì cho hay và gặp nhiều may mắn. Thực ra, anh cũng không lo đến chuyện ấy lắm. Sáng hôm đó, Richard đã chở Anne, vợ anh, đến bệnh viện bằng cỗ xe ngựa hai bánh. Vợ anh đã tính đến hôm đó là ngày thứ hai mươi tám của tháng thứ chín rồi. Cô ta bắt đầu đau dẻ ngay từ sau lúc ăn sáng, nhưng người ta bảo anh là nếu có đẻ cũng phải đến chiều sau giờ ngân hàng anh đóng cửa. Anh là một người rất có kỷ luật, không muốn việc vợ mình đẻ ảnh hưởng gì dến giờ giấc của người khác. Anh vẫn cứ đi đi lại lại trong hành lang như vậy. Mấy cô y tá và bác sĩ trẻ tất tả ra vào đều biết anh đang có mặt ở đây. Đi qua gần chỗ anh, họ thì thầm với nhau nhưng ra xa họ lại nói bình thường. Anh không để ý chuyện đó, vì đã quen với mọi người vẫn đối xử với mình như vậy. Phần lớn những người ở đây chưa gặp anh bao giờ, nhưng mọi người đều biết anh là ai.
Nếu đứa bé sinh ra hôm nay là con trai, có lẽ anh sẽ xây tặng cho bệnh viện một khu mới mà bệnh viện đang rất cần. Anh đã tặng họ một thư viện và một trường tiểu học rồi. Anh chàng sắp làm bố ấy giở tờ báo buổi chiều ra xem nhưng chẳng đọc chữ nào ra chữ nào. Anh bứt rứt lo lắng. Chắc là họ (anh gọi mọi người là "họ" hết) chẳng bao giờ có thể hiểu được là anh dứt khoát phải có con trai, để một ngày kia nó sẽ thay anh làm thống đốc và chủ tịch ngân hàng. Anh lật mấy trang báo buổi chiều. Đội Tất Đỏ Boston đấu với đội Cao Nguyên New York. Xong trận này chắc họ sẽ khao to. Anh chợt nhớ đến mấy dòng chữ to ở trang đầu, bèn lật ra xem. Báo đưa tin một vụ động đất tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ. San Francisco bị tàn phá ghê gớm. Ít nhất có bốn trăm người chết. Ôi, bao nhiêu là tang tóc. Anh bỗng thấy bực dọc trong người. Chuyện động đất làm mất cả ý nghĩa việc đứa con anh sắp ra đời. Đáng lẽ người ta phải nhớ rằng trong những ngày này còn có sự kiện gì khác nữa chứ.
Anh chưa hề có lúc nào nghĩ rằng đứa bé có thể là con gái. Anh lật tờ báo sang trang tài chính và xem lại mục thị trường chứng khoán: chỉ số đã tụt xuống mấy điểm. Thế là vụ động đất chết tiệt kia đã làm giảm mất giá trị cổ phần của anh trong ngân hàng tới một trăm ngàn đôla. Tuy nhiên, với tài sản riêng của anh hiện vẫn còn trên 16 triệu đôla thì đến mấy vụ động đất như ở California cũng chưa làm gì anh được. Anh vẫn còn có thể hưởng tiền lãi suất, còn cả cái vốn 16 triệu kia vẫn sẽ nguyên đó để con trai anh sau này thừa kế. Anh tiếp tục đi lại trong hành lang và làm như vẫn đọc tờ báo buổi chiều.
Ông bác sĩ khoa nhi đã mặc sẵn lệ phục khi nãy bước ra khỏi phòng đẻ để báo tin. Ông ta cảm thấy mình phải làm cái gì đó cho xứng với món tiền to sắp được lĩnh, và ông nghĩ mình cũng đang là người ăn mặc chỉnh tề nhất thông báo tin này. Hai người nhìn nhau một lúc. Ông bác sĩ thấy hơi xúc động nhưng không muốn biểu lộ gì trước mặt người mới làm bố.
- Xin chúc mừng ông, ông đã có con trai, một chú bé nhỏ tí và rất xinh đẹp.
Người cha nghĩ bụng ông bác sĩ nói thế là dở quá, vì đứa nào mới sinh ra mà chả nhỏ tí? Nhưng cái tin con trai ông ta vừa nói đến giờ mới ngấm vào người anh. Suýt nữa anh bật lên nói tạ ơn Chúa. Ông bác sĩ hỏi thêm một câu nữa để phá tan cái im lặng lúc đó.
- Ông đã định đặt tên cháu là gì chưa?
Người cha trả lời ngay, không ngập ngừng:
- Cháu tên là William Lowell Kane.
 
KhaiSangKyNguyen22j.webp
Cơ bản là quyển sách này nói cái gì, đọc xong có đc bài học gì tốt cho mỗi cá nhân=))=))=))
Chứ cao tốc xứ này có đầy, mở thêm không thu phí BOT chắc cũng chả mấy ai đi
 
Hai Số Phận
Chương 3

Sau khi cả nhà đã hết nhộn nhịp với việc đứa bé mới về nhà này và mọi người đã đi ngủ từ lâu rồi, người mẹ vẫn còn thức với đứa bé trong tay. Helena Koskiewicz là một người rất tin ở cuộc sống. Bằng chứng là chị đã đẻ và nuôi được sáu đứa con. Trước đó chị đã để mất đi ba đứa từ lúc chúng còn nhỏ, nhưng chị cũng chưa để cho đứa nào chết một cách dễ dàng được.
Chị chỉ mới ba mươi lăm tuổi nhưng biết là anh chồng Jasio của mình, trước đây vốn là một người rất khỏe mạnh, sẽ chẳng cho chị thêm đứa con nào nữa. Bây giờ Chúa đã đem đứa bé này đến cho chị, chắc chắn là nó phải sống. Helena cũng là con người có đức tin đơn giản, và điều đó cũng phải thôi, vì số phận chả bao giờ cho chị có được cuộc sống nào khác hơn cuộc sống đơn giản hiện nay. Người chị xanh xao gầy mòn, không phải do chị muốn như vậy mà do chị được ăn quá ít, lại làm lụng vất vả và không có tiền để dành. Chị chẳng bao giờ phàn nàn điều gì, nhưng các nếp nhăn trên mặt chị khiến chị chẳng khác gì một người đã có cháu gọi bằng bà chứ không phải người mẹ ở thế giới ngày nay. Đời chị chưa một lần nào được mặc quần áo mới.
Helena bóp thật mạnh vào hai bên vú đến hằn đỏ cả lên. Mấy giọt sữa tuôn ra. Ở cái tuổi ba mươi lăm, tức là đã nửa đời người, ai nấy đều đã ít nhiều có kinh nghiệm thành thạo, và Helena chính đang ở thời kỳ như vậy.
- Chú nhỏ của mẹ nào, - chị khẽ nói với đứa bé và ấn đầu vú vào miệng nó đang chum cong lên chờ sữa. Đôi mắt xanh của nó hé mở. Vài giọt mồ hôi lấm tấm trên mũi. Cuối cùng người mẹ cũng lăn ra ngủ từ lúc nào.
Jasio Koskiewicz, anh chồng lờ đờ chậm chạp có bộ ria mép rất rậm và cũng là thứ quý nhất để anh ta có thể tự khẳng định được mình trong cuộc sống đi làm thuê khổ sở này, chợt tỉnh dậy vào lúc năm giờ, thấy vợ với đứa bé kia còn đang ngủ trên ghế chao. Đêm đó anh ta cũng không chú ý đến việc không có mặt vợ trên giường. Anh ta đứng chăm chăm nhìn vào đứa bé không cha không mẹ. Anh cảm ơn Chúa vì ít ra đứa bé không còn kêu hét nữa. Hay là nó chết rồi? Jasio nghĩ bụng thôi mình chả nên dính đến cái của nợ này nữa. Cứ việc đi làm như thường, để mặc cho vợ anh lo chuyện sống chết của nó, còn anh thì tính làm sao có mặt ở trang trại của Nam tước từ sáng sớm là được. Anh tu mấy hớp sữa dê vào bụng rồi quệt miệng vào tay áo. Sau đó một tay cầm khoang bánh và một tay vớ lấy chiếc bẫy anh ta lặng lẽ chuồn ra ngoài, bụng chỉ sợ người đàn bà thức dậy và bảo anh làm gì đó. Anh ta rảo bước về phía rừng, không muốn nghĩ gì đến đứa bé nữa và chỉ mong đây là lần cuối cùng anh ta trông thấy nó.
Florentyna, cô con gái lớn, là người thứ hai bước vào bếp. Chiếc đồng hồ cổ không biết đã được bao nhiêu năm vừa điểm sáu giờ sang. Nó chẳng qua chỉ để nhắc cho những ai trong nhà muốn biết giờ phải dậy hay phải đi ngủ mà thôi. Công việc hàng ngày của Florentyna chỉ có mỗi chuyện là chuẩn bị bữa ăn sang, cụ thể là chia bọc sữa dê và miếng bánh mì đen ra cho đủ tám người trong gia đình cùng ăn. Việc chỉ có thế thôi nhưng nó đòi hỏi cô phải có cái khôn ngoan như của Solomon (Vua Israel thế kỷ 20 trCN nổi tiếng khôn ngoan và công bằng trong các vụ xét xử) mới làm nổi để không một ai có thể phàn nàn gì được là phần của người khác nhiều hơn phần mình.
Florentyna là một cô gái mảnh khảnh, xinh đẹp, ai mới trông thấy cũng quý mến ngay được. Chỉ tội một điều là đã hai năm nay cô bé vẫn chỉ có một chiếc áo để mặc. Nhưng cứ trông thấy cô bé là người ta hiểu ngay tại sao trước đây anh chàng Jasio đã say mê mẹ cô đến thế. Florentyna cớ mớ tóc vàng óng mượt và đôi mắt màu hạt dẻ long lanh, bất chấp tuổi nhỏ và ăn uống thiếu thốn.
Cô rón rén bước đến bên ghế chao nhìn mẹ và đứa bé. Florentyna đã thích đứa bé ngay từ lúc đầu. Đã tám tuổi rồi nhưng cô bé mới chỉ thấy búp bê có một lần khi gia đình được mời đến dự tiệc Giáng sinh ở lâu đài của Nam tước. Cô bé chỉ trông thấy thôi chứ chưa được sờ vào búp bê. Bao giờ cô rất muốn được bế đứa bé này trong tay mình. Cô cúi xuống gỡ đứa bé ra khỏi tay mẹ, nhìn vào đôi mắt xanh nhỏ tí của nó và khẽ ru trong miệng. Đang ở chỗ ấm của vú mẹ sang đôi tay lạnh của cô, đứa bé tỏ ra khó chịu. Nó bỗng khóc vang lên làm người mẹ bừng tỉnh dậy. Chị lấy làm ân hận mình đã ngủ lúc nào không biết.
- Ôi, lạy Chúa, nó hãy còn sống, - chị nói với Florentyna.
- Con sửa soạn ăn sáng cho các em, để mẹ cho nó bú nữa.
Florentyna miễn cưỡng đưa trả đứa bé lại cho mẹ và nhìn mẹ lại cố vắt sữa ra nữa. Cô bé đứng đó mê mẩn cả người.
- Mau lên con, Florcia, - mẹ cô giục - Phải cho cả nhà ăn nữa chứ.
Florentyna đành bỏ ra ngoài. Các em cô mới ngủ dậy đã từ trên gác kho bước xuống chào mẹ và nhìn đứa bé bằng những con mắt kinh ngạc. Chúng chỉ biết là đứa bé này không phải từ trong bụng mẹ mà ra. Florentyna mải mê với đứa bé nên sáng nay bỏ cả ăn sáng. Bọn em cô chia luôn phần của cô ra ăn còn để lại phần của mẹ trên bàn. Cả nhà bận rộn với công việc của mình nên không một ai để ý rằng từ lúc có đứa bé về nhà đến giờ, người mẹ chưa hề ăn tí gì vào bụng.
Helena Koskiewicz hài lòng thấy các con mình đã sớm học được cách tự lo lấy thân mình. Chúng có thể cho gia súc ăn, vắt sữa dê sữa bò và chăm sóc rau cỏ ngoài vườn mà không cần phải chờ chị sai bảo hay giúp đỡ. Buổi tối, lúc Jasio về nhà, chị mới nhớ ra là mình chưa sửa soạn bữa tối cho chồng. Nhưng ngay sau đó chị biết là Florentyna đã bắt đầu làm món thịt thỏ mà chú em thợ săn Franck đem về cho chị. Florentyna lấy làm tự hào được phụ trách bữa ăn tối, một công việc mà chỉ khi nào mẹ ốm đau mới giao cho cô, và Helena Koskiewicz thì họa hoằn lắm mới để cho con gái phải làm như vậy. Chú bé thợ săn mang về được bốn con thỏ, bố mang về được sáu cây nấm với ba củ khoai, tối nay cả nhà sẽ được ăn tiệc thật sự.
Ăn tối xong rồi, Jasio Koskiewicz ngồi xuống ghế bên lò sưởi và bây giờ mới được dịp nhìn kỹ đứa bé. Nâng đầu đứa bé lên bằng mấy ngón tay, anh ta quan sát khắp người thằng bé với con mắt của một người đi săn thú. Khuôn mặt nhăn nhúm của nó chỉ có mỗi đôi mắt xanh nhỏ tí và chưa biết nhìn là đẹp hơn cả. Anh ta nhìn tiếp xuống thân hình mỏng mảnh của nó và chợt chú ý ngay đến một cái gì đó. Anh ta bỗng nhăn mặt và gạt ngón tay cái vào ngực đứa bé.
- Em đã thấy cái này chưa, Helena? – anh ta nói và giơ sườn đứa bé ra, - Cái thằng khốn này hóa ra chỉ có một bên vú thôi!
Chị vợ cũng lấy làm lạ bèn tự mình gại ngón tay vào ngực nó xem sao. Chị tưởng làm như thế thì một bên vú nữa sẽ xuất hiện. Chồng chị nói đúng: đứa bé chỉ có một đầu vú nhỏ tí bên trái, còn cả nửa ngực bên phải thì phẳng lì và không có một dấu vết gì khác.
Đầu óc mê tín của người đàn bà bỗng nổi lên.
- Thế là Chúa đã cho em thằng bé này. - Chị nói. – Đây là dấu vết của Chúa để lại cho nó đây.
Người đàn ông tức mình đưa ngay đứa bé cho vợ.
- Em thật là điên, Helena ạ. Đứa bé này là do một người có máu xấu truyền sang cho mẹ nó. – Anh ta nhổ một cái vào lò sưởi. – Dù sao, anh cũng đánh cuộc là thằng bé này không sống được.
Thực ra, Jasio Koskiewicz cũng chẳng cần biết thằng bé sống hay chết. Ạnh ta vốn không phải một người nhẫn tâm, nhưng đứa bé này không phải là của anh, mà trong nhà thêm một miệng ăn nữa chỉ làm cho mọi chuyện rắc rối.
Giả thử có như vậy di nữa thì bản thân anh cũng phải là người đi cầu Chúa giúp. Rồi không nghĩ ngợi gì về đứa bé nữa, anh ta ngủ thiếp đi bên đống lửa lò sưởi.
Ngày tháng trôi qua, chính Jasio Koskiewicz cũng dần dần tin rằng đứa bé có thể sống được. Nếu hôm trước đánh cuộc thật thì anh ta đã thua rồi. Đứa con trai lớn nhất, tức là chú thợ săn, được các em giúp một tay, đã kiếm gỗ trong rừng của Nam tước về làm cho thằng bé một chiếc giường. Florentyna cắt những mẩu vải áo cũ của cô khâu lại làm áo cho nó. Những mẩu vải ấy khâu lại với nhau trông như áo của anh hề Harlequin mà bọn trẻ chưa được biết. Trong nhà, mỗi khi định đặt tên cho thằng bé thì chẳng ai đồng ý với nhau được. Riêng người bố không có ý kiến gì. Cuối cùng họ gọi nó là Wladek, và chủ nhật sau đó, tại nhà thờ trong trang trại của Nam tước, thằng bé được mang tên là Wladek Koskiewicz. Người mẹ thì cầu Chúa phù hộ cho nó, còn người bố thì mặc kệ, bảo nó muốn ra sao thì sao.
Tối hôm đó có một bữa tiệcn hỏ để chúc mừng gia đình. Trang trại của Nam tước cho một con ngỗng để thêm vào bữa tiệc. Mọi người ăn uống vui vẻ.
Từ hôm đó trở đi, Florentyna phải học cách chia bữa ăn sáng ra cho chín miệng ăn.
 
Hai Số Phận
Chương 4

Anne Kane đã ngủ yên được hết đêm. Sau bữa ăn sáng, chị lại sốt ruột đòi cô y tá bệnh viện đưa trả lại cậu bé William cho chị bế.
- Nào, bà Kane, cô y tá mặc đồng phục trắng nói, - bây giờ cũng phải cho em bé ăn sáng nữa chứ?
Cô y tá cho Anne ngồi dậy trên giường và hướng dẫn cách cho con bú. Anne chợt hiểu ra bộ ngực mình đã căng phồng. Chị biết là nếu mình tỏ ra lúng túng lúc này thì người ta sẽ bảo mình không biết làm mẹ. Chị chăm chăm nhìn vào đôi mắt xanh của William, thấy nó xanh hơn cả mắt bố. Chị cảm thấy địa vị của mình đã vững vàng hơn, và rất hài lòng. Ở cái tuổi hai mươi mốt, chị không còn thiếu một thứ gì. Chị thuộc họ Cabot, đi lấy một người bên gia đình Lowell, và bây giờ lại có đứa con đầu lòng mang truyền thống của hai gia đình được tóm tắt lại bằng mấy dòng trong tấm thiếp của người bạn cũ gửi đến cho chị như sau:
Đây là quê cũ Boston
Có đậu, có cá, ai không nhớ về
Lowell, Cabot đề huề
Hạnh phúc hai họ tràn trề Boston
Anne nói chuyện với William đến nửa giờ nhưng đứa bé chưa có phản ứng gì.
Lát sau nó ngủ một cách ngon lành. Anne không đụng gì đến hoa quả bánh kẹo đem đến chất đầy ở bên giường. Chị đã có ý định đến mùa hè này sẽ trở lại với tất cả những mốt áo mới và giành lại chỗ của chị trong những tạp chí về trang phục. Chẳng phải chính Hoàng tử Garonne đã ca tụng chị là người đẹp duy nhất ở Boston đó sao? Mớ tóc vàng mượt, những nét thanh tú và hình dáng thon thả của chị được người ta quý chuộng kể cả ở trong thành phố chị chưa đến bao giờ. Chị lại ngắm mình trong gương: trên mặt chưa thấy có một nét gì khác thường, ít ai có thể tin được rằng chị vừa làm mẹ của một đứa trẻ rất bụ bẫm. Cảm ơn Chúa, đúng là nó bụ bẫm thật đấy, Anne nghĩ bụng.
Chị ăn một bữa trưa nhẹ ngon miệng rồi chuẩn bị để tiếp những người khách sẽ đến thăm vào buổi chiều do cô thư ký riêng đã sắp xếp. Những ai được phép đến thăm trong mấy ngày đầu này đều phải là người trong gia đình hoặc là thuộc những gia đình quyền quý nhất. Còn những người khác sẽ chỉ được trả lời là chị chưa sẵn sàng tiếp. Nhưng Boston lại là một trong những thành phố ở Mỹ mà ai nấy đều biết rõ thân phận của mình cả rồi, nên cũng không loại trừ trường hợp sẽ có người không mời mà đến.
Căn phòng chị năm một mình ở đây vẫn còn đủ chỗ để kê thêm được đến năm chiếc giường nữa giá như người ta không đem hoa đến bầy cắm la liệt khắp nơi. Ai chợt đi qua nhìn vào nếu không thấy người đàn bà ngồi trên giường sẽ có thể tưởng như đây là một phòng triển lãm nhỏ về nghệ thuật trồng vườn. Anne bật đèn điện lên. Với chị, cái đó còn mới lạ. Richard và chị vẫn còn chờ cho bên họ nhà Cabot cùng lắp thì mới dùng. Với lại, ở Boston, ánh sáng bằng cảm ứng điện từ chưa được phổ biến lắm.
Người đầu tiên đến thăm Anne là bà Thomas Lowell Kane, mẹ chồng chị. Từ khi ông chồng chết năm ngoái, bà là người chủ đứng đầu cả gia đình. Bà đã có cái tuổi cuối trung niên nhưng đi đứng còn rất điệu bộ và thanh thoát. Bà mặc chiếc áo thả xuống rất dài khiến không ai có thể trông thấy gót chân bà được. Người duy nhất trông thấy gót chân của bà thì nay đã chết rồi. Bà luôn luôn có thân hình mỏng mảnh. Theo bà thì tất cả những phụ nữ béo mập đều do ăn uống tồi, thậm chí không biết ăn uống. HIện nay bà là người nhiều tuổi nhất của họ nhà Lowell còn sống, và cũng là nhiều tuổi nhất cả bên họ nhà Kane nữa. Cho nên người đầu tiên đến đây thăm không thể ai khác ngoài bà. Vả lại, chính bà là người đã thu xếp Anne với Richard gặp nhau, chứ ai vào đó nữa? Đối với bà Kane, tình yêu chả có nghĩa gì lắm.
Bà chỉ ưng có ba thứ trên đời là tiền của, địa vị và uy tín. Tất nhiên, tinh yêu cũng là tốt, nhưng bà cho rằng nó không phải là một thứ hàng hóa lâu bền. Chỉ có ba thứ trên mới lâu bền được. Bà hôn vào trán cô con dâu với một vẻ tán thưởng. Anne bấm vào một cái nút trên tường và có tiếng vè vè nhỏ vang lên. Tiếng đó khiến bà Kane ngạc nhiên. Bà không tin là điện lại có thể dùng để gọi như thế được. Cô y tá xuất hiện cùng với đứa bé thừa tự. Bà Kane nhìn nó một lúc, tỏ vẻ hài lòng rồi bảo bế đi.
- Khá lắm, Anne, - bà nói, làm như cô con dâu của bà vừa được cái giải đi ngựa. Mọi người đều rất tự hào về con.
Mấy phút sau, bà Edward Cabot là mẹ đẻ của Anne cũng đến. Cũng như bà Kane, bà góa chồng sớm. Bề ngoài hai bà không khác nhau mấy, nhìn từ xa người ta có thể lẫn hai bà với nhau. Tuy nhiên bà tỏ ra quan tâm nhiều hơn bà Kane đến đứa cháu ngoại của mình và cả với con gái nữa. Lát sau họ mới để ý đến những bó hoa gửi đến mừng.
- Nhà Jackson thật là quý hóa quá, - bà Cabot lẩm bẩm nói.
Bà Kane thì chỉ nhìn qua loa mấy bông hoa rồi để ý đến những tấm thiếp có tên người gửi. Bà khẽ lẩm nhẩm những tên đó để nhớ: nhà Adam, nhà Lawrence, nhà Lodge, nhà Higgisnon. Cả hai bà không ai nói năng gì về những tên mà mình không biết. Họ đều đã quá cái tuổi muốn biết về bất cứ gì mới hay bất cứ ai mới. Hai bà cùng ra về, cùng rất hài lòng: vậy là một đứa con thừa tự đã ra đời, và mới trông cũng đã thấy thỏa mãn được rồi. Cả hai bà đều cho là nghĩa vụ cuối cùng đối với gia đình như thế là đã được thực hiện rất mĩ mãn, và từ nay trở đi mọi người có thể yên tâm vui vẻ.
Nhưng cả hai bà đều nhầm.
Trong cả buổi chiều, các bạn thân của Anne và Richard kéo đến với đủ các quà mừng bằng vàng bằng bạc và những lời chúc tụng nhiệt tình.
Lúc chồng chị đến sau giờ làm việc thì Anne đã có phần rất mệt mỏi. Trưa nay, lần đầu tiên trong đời, Richard đã uống sam banh trong bữa ăn. Ông già Amos Kerbes với cả Câu lạc bộ Somerset đều ép nên Richard không sau từ chối được. Vợ anh thấy như anh đỡ cứng nhắc hơn mọi khi. Bệ vệ trong bộ áo đen dài với chiếc quần kẻ sọc, người anh cao hơn với mái tóc đen rẽ ngôi giữa bóng mượt dưới ánh đèn điện. Ít người đoán đúng được tuổi anh chỉ mới ba mươi ba. Đối với anh, còn trẻ tuổi hay không chả bao giờ là chuyện quan trọng, mà cái chất của con người mới là đáng kể. Một lần nữa, William Lowell Kane lại bị bê ra để xem xét kỹ lưỡng, chẳng khác nào như người bố điểm lại việc thu chi cuối ngày ở ngân hàng vậy. Mọi thứ có vẻ đâu ra đấy. Đứa bé có đủ hai chân, hai tay, mười ngón tay, mười ngón chân. Richard không thấy có gì ở đứa bé để sau này khiến anh phải phiền lòng. Thế là William lại được bế đi.
- Đêm qua anh đã điện cho ông hiệu trưởng trường St Paul. William sẽ được nhận vào đó tháng chín năm 1918.
Anne không nói gì. Rõ ràng là Richard đã bắt đầu tính đến sự nghiệp của William rồi.
- Thế rồi, em yêu quý, hôm qua em đã bình thường được rồi chứ? – anh hỏi. Suốt ba mươi ba tuổi đời, anh chưa hề nằm ở bệnh viện một ngày nào.
- Vâng... không... em nghĩ thế, - vợ anh ngần ngừ trả lời, cố nén không tỏ ra muốn khóc vì chị biết chồng sẽ không bằng lòng như vậy. Nhưng câu trả lời như thế thì Richard cũng không hiểu như thế nào được. Anh hôn má vợ rồi bước ra xe ngựa trở về ngôi nhà của gia đình ở Quảng trường Louisburg. Bây giờ, với nhân viên phục vụ và người làm trong nhà, với đứa bé và cô bảo mẫu, thế là trong nhà có tất cả chín miệng ăn. Richard không phải nghĩ ngợi gì về chuyện đó.
William Lowell Kane được ban phước và được mang tên bố đã đặt cho tại nhà thờ lớn St Paul của Tân giáo, với sự có mặt của tất cả những ai ở Boston có liên quan và một số ít không liên quan. Giám mục William Lawrence làm lễ. J.P.Morgan và Alan Lloyd, hai vị chủ ngân hàng có thế lực, cùng với Milly Preston, người bạn thân nhất của Anne, được chọn làm cha mẹ đỡ đầu. Đức giám mục vẩy nước thánh lên đầu William. Thằng bé không có phản ứng gì. Hình như nó đã có cái máu của lớp người coi khinh thiên hạ rồi. Anne cảm ơn Chúa, coi như Người đã ghi vào sổ những thành tích của đình Kane từ đời này sang đời khác, cảm ơn Chúa đã cho anh đứa con trai để anh trao lại gia tài cho nó. Tuy nhiên, anh cũng có lẽ có thêm đứa con trai nữa thì chắc chắn hơn. Đang quỳ làm lễ, anh liếc nhìn sang vợ, và trong bụng lấy làm hài lòng.
 
Hai Số Phận
Chương 5

Waladek Koskiewicz lớn rất chậm. Bà mẹ nuôi dần hiểu ra rằng sức khỏe của nó có nhiều vấn đề. Nó mắc đủ các chứng bệnh của trẻ đang lớn và mắc cả những bệnh mà trẻ khác không có, lây lung tung cả sang mọi người trong gia đình Koskiewicz, Tuy thế Helena vẫn đối xử với nó như chính mình đẻ ra. Chị cũng bênh vực nó rất ghê mỗi khi Jasio bực mình đổ tội cho ma quỷ đã đưa thằng bé Wladek vào túp nhà nhỏ bé này của họ. Còn Florentyna thì săn sóc nó như ruột thịt. Ngay từ lúc đầu mới trông thấy nó cô bé đã rất thích. Cô có một nỗi lo sợ kín đáo trong lòng, nghĩ mình là đứa con gái nghèo xác của một người chuyên đi bẫy thú, sau này lớn lên sẽ chẳng ai thèm lấy, và như thế thì sẽ chẳng có con được. Thế là cô coi Wladek như con mình vậy. Chú em trai lớn, tức chú bé thợ săn đã đem Wladek về, cũng thích thằng bé nhưng vì sợ bố nên không dám tỏ ra mặt. Thằng bé đang chập chững tập đi trông rất hay. Dù sao đến tháng Giêng tới chú bé thợ săn sẽ phải bỏ học để lên làm việc ở trang trại của Nam tước rồi. Bố chú đã bảo trẻ con là chuyện để cho đàn bà lo. Ba đứa em nhỏ, Stefan, Josef và Jan, chả đứa nào để ý gì đến Wladek. Còn Sophia là nhỏ nhất trong nhà thì chỉ biết cứ ôm lấy thằng bé là thích rồi. Có điều cả hai bố mẹ đều không tính đến là về nhiều mặt thằng bé rất khác với những đứa con trong nhà. Khác cả về hình thức và tính nết. Những đứa con nhà Koskiewicz thì đứa nào cũng cao lớn, to xương, tóc vàng và mắt xám, trừ có Florentyna không kể. Còn Wladek thì lùn, tóc đen và mắt lại rất xanh. Con nhà Koskiewicz thì chả đứa nào thiết đến chuyện đi học và nếu có thì cứ lớn lên một chút là thôi. Nhưng Wladek thì khác hẳn, tuy nó chậm biết đi nhưng mới mười tám tháng nó đã biết nói. Lên ba tuổi nó đã đọc được chữ nhưng mặc quần áo thì chưa biết. Lên năm tuổi nó đã biết viết nhưng vẫn còn đái dầm. Người bố thì thất vọng, nhưng người mẹ lại tự hào. Bốn năm đầu cúa nó chỉ luôn luôn quặt quẹo, và nếu như không được Helena với Florentyna chăm sóc tử tế thì nó đã chẳng sống được. NÓ mặc chiếc áo vá hàng trăm mảnh, đi chân đất, và suốt ngày chỉ biết lủi thủi quấn lấy chân mẹ. Lúc Florentyna ở trường về thì nó lại chuyển sang quấn lấy chị cho đến tận lúc đi ngủ. Mỗi khi chia thức ăn ra làm chín suất, Florentyna thường sẻ một nửa phần của mình cho Wìadek. Khi nào nó ốm đau cô để cho nó cả phần mình. Wladek mặc những quần áo cô khâu cho nó, hát những bài hát cô dạy nó, và cùng chơi những đồ chơi người ta cho cô bé.
Florentyna phải đi học xa gần hết ngày nên từ lúc bé Wladek đã muốn cùng đi với chị. Đến khi được phép là chú nắm chặt lấy tay chị đi suốát chín dặm đường qua các rừng cây và vườn tược đề đến Slonim theo học.
Wladek thích trường học ngay từ ngày đầu. ở đây, chú coi như được thoát khỏi túp nhà lụp xụp đã sống từ bé. Đến trường học cũng là lần đầu tiên trong đời chú hiều được rằng phần phía Đông của Ba lan bị nước Nga chiếm đóng. Chú biết được rằng tiếng mẹ đẻ Ba-lan chỉ được nói riêng với nhau trong nhà, còn ở trường thì phải dùng tiếng Nga. Chú cảm thấy có một niềm tự hào gì đó như các trẻ em khác trong trường về tiếng mẹ đẻ của mình. Wladek cũng rất ngạc nhiên thấy thầy giáo Kotowski coi chú như ngưỡi lớn, khác với thái độ của bố ở nhà. Mặc dầu là bé nhất trong lớp nhưng chẳng bao lâu chú đã học giỏi hơn tất cả về các môn, chỉ trừ có người chú là không lớn hơn được mà thôi. Người chú quá nhỏ bé nên mọi người không đánh giá được hết những khả năng của chú. Trẻ em bao giờ cũng hình dung phải thật to lớn mới là giỏi Năm tuổi, Wladek đứng đầu tất cả các môn ở trong lớp.
Tối đến, trở về túp nhà gỗ, trong khi nhưng đứa khác hoặc chăm sóc những cây hoa tím nở thơm trong vườn hoặc đi hái dâu, chẻ củi, bắt thỏ và khâu quần áo thì Wladek chỉ cặm cụi đọc sách, đọc hết sách của mình lại đọc sang những cuốn sách của các anh các chị. Dần dần Helena Koskiewicz hiểu ra rằng trước đây khi chú bé thợ săn không mang về cho bà ba con thỏ mà lại mang về thằng bé này, thì đúng là số phận đã an bài như vậy rồi. Wladek đã bắt đầu hỏi bà những câu mà bà không trả lời được. Bà biết là sẽ có lúc mình không biết đối phó với tình thế ra sao. Bà vẫn tin chắc là số phận đã được định như vậy thì chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên nữa.
Vào một buồi tối mùa thu năm 1911 đã diễn ra bước ngoặt trong cuộc đời Wladek. Lúc đó gia đình đã vừa ăn xong bữa tối có món súp củ cải với thịt băm, Jasio Koskiewicz đang ngồi ngáy bên bếp lửa, Helena đang khâu vá và bọn trẻ còn đang chơi. Wladek đang ngồi đọc sách dưới chân mẹ. Stefan với Josef đang tranh nhau mấy quả thông mới sơn màu, bỗng có tiếng gõ cửa rất to. Mọi người nín lặng. Với gia đình Koskiewicz thì tiếng gõ cửa là chuyện rất lạ, vì túp nhà gỗ này của họ cách xa làng Slonim đến chín dặm đường mà ở đây lên trang trại của Nam tước cũng mất đến vài ba dặm, chẳng có khách nào đến đây thăm bao giờ. Nếu có ai đó thì họ cũng chỉ biết mời một chén rượu dâu và ngồi nghe bọn trẻ làm ầm ĩ lên mà thôi. Cả nhà nhìn ra phía cửa mà trong bụng rất nghi hoặc. Mọi người ìặng yên chờ xem có tiếng gõ cửa lần nữa không. CÓ tiếng gõ thật, và lần này to hơn. Jasio mắt nhắm mắt mởû đứng dậy bước ra và từ từ mở cửa. Trông thấy người đứng đó, ai nấy đều cúi đầu chào. Chỉ có Wladek là không chào, và chú cứ trừng trừng nhìn lên một con người to lớn, có dáng vẻ oai vệ, quý tộc khoác chiếc áo lông gấu to xù đến chật cả nhà Chú thấy bố nhìn người đó với con mắt rất sợ hãi. Nhưng rồi một nụ cười thân mật đã đánh tan nỗi sợ ấy, và bố chú mời Nam tước vào bên trong. Không ai nói câu gì. Nam tước chưa bao giờ đến thăm họ như thế này nên có nói cũng không ai biết nói câu gì được.
Wladek bỏ cuốn sách của chú xuống, đứng dậy và bước đến bên người lạ mặt. Chú giơ tay ra bắt mà bố chú không kịp ngăn lại.
- Kính chào ông, - Wladek nói.
Nam tước nắm lấy tay chú và hai người nhìn nhau. Lúc Nam tước bỏ tay ra, Wladek nhìn thấy cổ tay ông có một vòng bạc rất đẹp và có chữ trên đó mà chú không biết là gì.
- Cháu là Wladek hả?
- Thưa ông vâng, - chú đáp, giọng không tỏ ra ngạc nhiên chút nào khi thấy Nam tước biết tên chú.
- Chính là vì cháu mà ta đến gặp bố cháu đây, - Nam tước nói.
Wladek cứ đứng đó nhìn lên Nam tước. Người cha ra hiệu cho bọn trẻ con ra ngoài. Thế là hai đứa con gái nhún chân hơi quỳ xuống, bốn dứa con trai cúi gập người rồi cả sáu đứa lặng lẽ rút lên trên gác kho.
Wladek vẫn đứng lại đó và cũng không ai bảo chú phải làm gì khác.
- Koskiewicz, - Nam tước lên tiếng. ông vẫn đứng đó vì không thấy ai mời mình ngồi. Anh chàng Jasio không mời ông ta ngồi xuống ghế vì hai lẽ: một là anh ta quá sợ, và hai là anh ta nghĩ rằng Nam tước đến là để khiển trách điều gì đó. - Ta muốn nhờ anh giúp cho một việc.
- Bất cứ việc gì, thưa ngài, bất cứ việc gì, - người cha đáp, trong bụng nghĩ không biết mình có thể giúp cho ông ta được cái gì, vì cái gì mà ông ấy chẳng có nhiều gấp trăm lần mình nghĩ rồi?
Nam tước nói tiếp:
- Thằng con ta, Leon, hiện nay đã sáu tuổi và nó đang có hai ông thầy dạy riêng trong lâu đài. Một ông thầy là người Ba lan của ta, còn một ông là người Đức Họ bảo ta là thằng Leon học khá nhưng nó không có ai để ganh đua, vì vậy nó có thắng thì chỉ là thắng nó thôi. ông Koskiewicz ở trường làng có cho ta biết chỉ có mỗi thằng Wladek là đứa có thể ganh đua với Leon được thôi, mà Leon thì nó rất cần người như vậy Do đó ta đến đây hỏi xem anh có thể cho thằng con anh bỏ trường làng mà về với Leon và những ông thầy của nó ở lâu đài không.
Wladek vẫn cứ đứng nhìn Nam tước. Trước mắt chú hiện ra một hình ảnh tuyệt vời với bao nhiêu thứ ăn uống sách vở và thầy giáo hơn ông Koskiewicz nhiều. Chú liếc nhìn mẹ. Mẹ chú lại nhìn Nam tước, vừa ngạc nhiên vừa buồn. Bố chú quay sang nhìn mẹ.
Cái giây phút im lặng nhìn nhau ấy chú tưởng như dài không biết bao nhiêu mà kể. Anh chàng Jasio nhìn xuống chân Nam tước nói với một giọng khàn khàn.
- Chúng tôi rất lấy làm vinh dự, thưa ngài.
Nam tước nhìn sang Helena Koskiewicz có ý hỏi.
- Đức mẹ đồng trinh không cho phép tôi làm gì ngăn cản cháu bé, - chị khẽ nói, - tuy nhiên chỉ có Đức mẹ mới biết được xa nó thì tôi đau khổ thế nào.
Nhưng bà Koskiewicz ơi, cháu nó sẽ về nhà thăm bà luôn đấy mà.
Vâng, thưa ngài. Tôi rất mong được như vậy. - Chị định nói thêm điều gì đó nhưng lại thôi.
Nam tước mỉm cười.
- Tốt. Thế là xong. Vậy sáng mai vào lúc bẩy giờ thì cho thằng bé đến lâu đài. Trong năm học, Wladek sẽ ở lại với chúng tôi, rồi đến Giáng sinh thì nó trở về nhà với gia đình.
wladek bỗng bật khóc.
- Im đi con, - người bố nói.
- Con không đi đâu, - Wladek nói cứng, tuy trong bụng chú thật sự muốn đi.
- Im đi con, - người bố lại nói, lần này to tiếng hơn.
- Tại sao không? - Nam tước hỏi, giọng thương cảm.
- Cháu không bao giờ xa Florcia được, không bao giờ
- Đó là con gái lớn của chúng tôi, thưa ngài, - người cha nói chen vào. Ngài đừng bận tâm đến chuyện đó, thưa ngài. Thằng bé sẽ bảo sao làm vậy thôi.
Không ai nói gì, Nam tước suy nghĩ một lát.
Wladek vẫn sụt sùi khóc.
- Cháu gái bao nhiêu tuồi? - Nam tước hỏi.
- Mười bốn, - người cha đáp.
- Cháu làm bếp được không" - Nam tước hỏi và yên tâm thấy Helena có vẻ như đã bình tĩnh hơn.
- Ồ thưa có, ngài Nam tước, - chị đáp. Florcia có thể nấu nướng được, khâu vá được, và nó có thể...
- Tốt, tốt, thế thì cho cả nó đến nữa. Vậy đến bẩy giờ sáng mai ta sẽ chờ cả hai cháu. .
Ngài Nam tước đi ra cửa và nhìn lại mỉm cười với Wladek. Wladek cười lại.
Thế là Wladek đã thắng trong cuộc mặc cả đầu tiên. Mẹ chú ôm chặt lấy chú. Chú nhìn theo cánh cửa đóng lại và nghe mẹ thì thầm:
- A, con bé nhỏ của mẹ, rồi con sẽ thành ra thế nào đây?
Wladek sốt ruột. muốn biết xem thế nào.
Helena Koskiewicz bỏ ra cả buổi tối để gói ghém đồ đạc cho Wìadek và Florentyna, làm như gói ghém cho cả nhà vậy. Đến sáng, cả nhà đứng ở trước cửa nhìn theo hai chị em lên đường đến ìâu đài, mỗi người ôm một gói giấy trong tay. Florentyna, cao lớn và duyên
dáng, vừa đi vừa nhìn lại, khóc và vẫy tay mãi.
Nhưng Wladek, lùn bé và vụng dại, không hề quay cổ lại lấy một lần. Florentyna nắm chặt tay em suất dọc đường đến lâu đài của Nam tước. Vai trò của hai người bây giờ đã đảo ngược lại. Từ ngày hôm nay trở đi chị sẽ phụ thuộc vào em.
Hai chị em đến trước một cánh cửa bằng gỗ sồi rất to và khẽ gõ lên cửa. Một người rất oai vệ mặc bộ chế phục thêu màu xanh đã đón sẵn ở đó. Hai chị em đã từng trông thấy những người lính mặc quân phục màu xám đứng gác ở thị trấn gần biên giới Nga - Ba-lan và nghĩ rằng họ cũng đã oai vệ lắm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy ai mặc bộ quần áo của người hầu mà lại có vẻ lộng lẫy và quan trọng như ông này.
Trong hành lang có tấm thảm rất dầy. Wladek nhìn những hoa văn xanh đỏ rất đẹp, nghĩ bụng không bìết mình có phải tụt giầy ra không, nhưng đã bước lên thảm rồi chú mới ngạc nhiên thấy bước chân mình không có tiếng gì nữa. Rồi hai chị em được dẫn đến phòng ngủ ở hành lang phía Tây. Hai chị em, mỗi người một phòng riêng. Như thế này không biết có ngủ được không ít ra cũng có một cửa thông hai phòng với nhau, nên hai chị em không sợ phải cách biệt nhau lắm. Thực ra nhiều đêm hai chị em cùng ngủ với nhau trên một giường.
Bỏ đồ đạc xuống rồi, Florentyna được đưa vào bếp, còn Wladek thì đến một phòng giải trí ở phía Nam lâu đài để gặp con trai Nam tước. Leon là một cậu con trai cao lớn xinh đẹp, tính tình dễ thương nên vừa gặp Wladek đã xua tan ngay thái độ hung hăng chú đã chuẩn bị từ trước, trái lại tỏ ra ngạc nhiên một cách thoải mái. Leon vốn là một đứa trẻ cô đơn, chẳng có ai mà chơi, trừ có mỗi bà bảo mẫu của cậu ta. Là một người đàn bà, Li-tu-a-ni rất tận tụy làm vú em cho cậu và săn sóc cậu từ khi mẹ chết sớm. Bây giờ có người làm bạn mới ở trong rừng ra khiến cậu rất thích. ít ra thì hai bạn cũng được coi như ngang hàng với nhau.
Leon lập tức dẫn Wladek đi xem quanh lâu đài, mất hết cả buồi sáng. Wladek không thể ngờ được là lâu đài to rộng đến thế, bàn ghế đồ đạc vô cùng nhiều và ở phòng nào cũng có thảm. Leon hỏi cảm tưởng thì chú chỉ nói là cũng thấy thú vị. 'Dù sao chú cũng nghĩ mình đáng được đến ở lâu đài này lắm chứ. Cậu con trai Nam tước giải thích cho chú rằng phần chủ yếu của tòa nhà này được xây dựag theo kiểu Gôtích, làm như Wladek đã rất hiểu như thế nào là Gôtích rồi. Wladek gật đầu. Sau đó Leon đưa anh bạn mới của mình xuống tầng hầm rộng mông mênh đầy những hàng chai rượu vang để lâu năm phủ kín bụi với mạng nhện. Wladek thích nhất là phòng ăn to và rộng có những chiếc cột lớn cửa vòm cuốn, mặt sàn trang trí các màu cờ quạt. Chung quanh tường treo các loại đầu thú. Leon chỉ cho Wladek đó là những hươu nai với hổ báo lang sói đủ các loại. ở cuối phòng treo tấm huy hiệu lộng lẫy của Nam tước, đặt dưới một bộ sừng hươu thật to. Dòng chữ làm phương châm cho gia đình Rosnovski viết: Thành công chỉ đến với người dũng cảm.
Sau bữa ăn trưa mà Wladek chỉ ăn được rất ít vì chú chưa làm chủ được dao với dĩa, chú được đi gặp hai ông thầy. Hai ông thầy này tỏ ra không lấy gì làm nhiệt tình với chú lắm. Đến tối, chú trèo lên nằm ở chiếc giường dài nhất chú chưa từng thấy bao giờ và kể lại cho chị Florentyna nghe tất cả những cuộc phiêu lưu ban ngày của chú. Florentyna chỉ biết há mồm trợn mắt mà nghe chú kể lại một cách rất ly kỳ, nhất là khi cô nghe chú kể đến chuyện dao dĩa lúc ăn.
Lớp học bắt đầu vào bảy giờ đúng, trước lúc ăn sáng, rồi sau đó tiếp tục cho hết ngày, chỉ thỉnh thoảng nghỉ một quãng để ăn. Thời kỳ đầu, rõ ràng Leon vượt xa Wladek, nhưng rồi Wladek học rất kiên trì nên chỉ mấy tuần sau khoảng cách giữa hai người đã thu hẹp dần. Quan hệ vừa thân mật vừa ganh đua lẫn nhau cứ thế phát triền. Hai ông thầy Đức và Ba-lan thấy rất khó có thể coi hai người học trò đó là bình đẳng với nhau được, vì một đằng là con Nam tước và một đằng là con anh thợ săn. Mặc dầu như vậy họ vẫn phải miễn cưỡng thừa nhận với Nam tước là ông giáo Kotowski đã chọn đúng người để ganh đua với Leon. Tuy thế, Wladek chẳng bao giờ lo ngại về thái độ của các ông thầy đối với mình, vì Leon đối xử với chú rất bình đẳng.
Ngài Nam tước cho biết là ngài hài lòng với việc hai đứa trẻ học tập tiến bộ, và thỉnh thoảng cũng thưởng cho Wladek quần áo với đồ chơi. Lúc đầu Wladek thấy xa cách và nể sợ đối với Nam tước nhưng rồi dần dần chú thấy rất tôn trọng. Đến kỳ được nghỉ lễ Giáng sinh trở về túp nhà trong rừng với bố mẹ, Wladek cảm thấy buồn vì phải xa Leon.
Chú buồn cũng là phải. Mặc dầu khi mới về chú rất sung sướng được gặp lại mẹ, nhưng quãng thời gian ba tháng chú được ở trong lâu đài đã khiến cho chú cảm thấy nhà mình nghèo khổ quá đỗi, điều trước kia chú không hiểu được. Những ngày nghỉ ở nhà đâm ra quá dài. Wladek thấy ở trong căn nhà lụp xụp của mình ngột ngạt quá, ăn uống chẳng có gì mà lại ăn bốc, không những thế còn phải chia ra làm chín suất nữa. Ở lâu đài làm gì có thế. Sau hai tuần ở nhà, Wladek nóng ruột muốn trở lại với Leon và Nam tước.
 
Chiều chiều chú lại đi bộ mấy dặm đến trước tòa lâu đài và ngồi bên ngoài ngắm nhìn những bức tường cao chung quanh trang trại. Florentyna chỉ sống với những người hầu hạ trong bếp thôi nên coi việc về nhà là rất bình thường, nhưng cô không hiểu được tại sao căn nhà này không còn gần gũi đối với Wladek nữa. ông thợ săn bây giờ không biết đối xử với con như thế nào. ông thấy nó ăn mặc đàng hoàng, nói năng đâu ra đấy, và nói đến những cái xem ra ông không hiểu được và cũng không muốn hiểu. Thằng bé hình như cả ngày chẳng làm gì mà chỉ thấy ngồi đọc sách. ông nghĩ không biết rồi nó sẽ trở thành thứ gì nếu như nó không biết cầm chiếc rìu bổ củi hoặc đặt chiếc bẫy thỏ. Rồi nó làm thế nào để kiếm sống một cách lương thiện được? Chính người bố cũng cầu mong cho ngày nghỉ chóng qua đi.
Helena thì lại lấy làm tự hào về Wladek và lúc đầu chị không dám nghĩ là giữa nó với những đứa con khác của chị đã có một khoảng ngăn cách. Nhưng rồi điều đó cuối cùng cũng lộ rõ, vì có một buối tối lúc bọn trẻ chơi đánh trận với nhau thì Stefan và Franck đóng vai tướng ở phía quân bên kia đã từ chối không nhận Wladek vào phe của chúng.
- Tại sao lại cứ gạt em ra thế? - Wladek hỏi. – Cho em chơi đánh trận với chứ
- Vì mày không phải là người của chúng tao, - Stefan nói.
- Mày không thật sự là em chúng tao. Chúng im lặng một lúc rồi Franck nói tiếp. - Josef không bao giờ muốn có mày ở đây. Chỉ có mẹ là đứng về phía mày thôi.
Wladek đứng lặng yên và nhìn một lượt tất cả đám trẻ chung quanh, tìm xem Florentyna ở đâu.
- Franck nói thế nghĩa là thế nào? Em không phải là em của chị sao? - Chú hỏi.
Thế là Wladek được giảng giải về chuyện chú ra đời như thế nào, và chú hiểu tại sao mình cứ bị để riêng ra với các anh các chị. Bây giờ, mặc dầu chú không muốn tỏ ra một thái độ gì đề cho mẹ phải buồn, Wladek vẫn ngầm cảm thấy hài lòng khi biết rằng mình chẳng có gì liên quan đến dòng máu của người thợ săn xấu tính kia, mà chú xuất thân từ một dòng dõi vô danh nào đó, rất có thề chứa đựag một tinh thần tạo nên mọi thứ khác hay hơn.
Đến hôm hết hạn nghỉ ở nhà, Wladek phấn khởi lên đường trở lại tòa lâu đài. Leon vui vẻ hoan
nghênh chú, vì vắng Wladek, những ngày lễ Giáng sinh của cậu ta ở lâu đài cũng chẳng có gì vui thú. Từ đó trở đi, hai người rất gắn bó với nhau, không sao rời nhau được. Đến kỳ nghỉ hè, Leon xin với bố để cho Wladek ở lại lâu đài. Nam tước đồng ý, vì chính ông cũng đã bắt đầu thấy quý Wladek. Wladek rất vui mừng và chỉ còn trở lại túp nhà của người thợ săn một lần trong đời nữa mà thôi.
Mỗi khi hết giờ học trong lớp, Wladek và Leon dành nhữag giờ còn lại vào các trò chơi. Cái trò hai người thích nhất là thứ trò trốn tìm, vì tòa lâu đài có bẩy mươi hai phòng, và rất ít khả năng đã trốn ở chỗ nào một lần rồi thì lần sau lại ở chỗ đó. Chỗ Wladek thích trốn nhất là ở những căn hầm dưới lâu đài. Ơ đây có những căn hầm chỉ có một tia sáng nhỏ từ khe tường tít bên trên rọi xuống mà muốn tìm đường ra chung quanh cũng phải thắp nến lên mới thấy được. Wladek không hiểu những căn hầm ấy dùng để làm gì mà chú cũng chưa hề thấy ai trong số những người hầu nhắc đến, vì từ xưa đến nay không ai nhớ được nó đã dùng để làm gì.
Wladek biết rằng mình có bình đẳng với Leon thì chỉ là trong lớp học mà thôi, còn khi đã chơi thì chẳng thế nào đua với anh bạn kia được, trừ có đánh cờ. Con sông Shchara chảy quanh trang trại cũng là một nơi cho họ ra chơi. Mùa xuân họ câu cá, mùa hè họ bơi lội còn đến mùa đông khi mặt sông đóng băng thì họ đeo ván trượt bằng gỗ vào chân rồi đuổi nhau trên băng, trong khi đó Florentyna ngồi trên bờ nhìn xuống nhắc họ phải cẩn thận vì mặt băng rất mỏng có thể vỡ. Wladek không bao giờ để ý đến lời dặn của cô nên bị ngã luôn. Leon thì lên nhanh chóng và khỏe mạnh. Cậu ta chạy hay bơi đều giỏi và hình như chả bao gỉờ biết mệt hay ốm đau gì. Lần đầu tiên Wìadek hiểu ra rằng cao lớn khỏe mạnh là rất quan trọng. Dù chạy, hay bơi, hay trượt băng, chú biết là không bao giờ mình có thề theo kịp Leon được. Tệ hơn nữa, trong khi cái rốn ở bụng Leon phải để ý mới thấy được thì ở Wladek nó lại lồi ra một cách thô bỉ ở giữa cái bụng béo tròn. Wladek thường ngồi nhiều giờ trong căn phòng riêng của mình, ngắm nhìn cơ thể mình trong gương và tự hỏi tại sao mình chỉ có một bên vú trong khi tất cả những đứa khác mà chú biết thì hễ cởi trần ra là đứa nào cũng có cả hai bên vú rất cân đối. Đôi khi chú nằm trên giường không ngủ được, lấy ngón tay nâm mê lên ngực rồi lấy làm tủi thân khóc cả ra gối. Chú ngủ thiếp đi và cầu nguyện đến sáng hôm Bau tỉnh dậy mọi thứ sẽ đổi khác. Những lời cầu nguyện của chú không bao giờ được đáp ứng. Mỗi đêm Wladek dành ra một lúc để tập luyện thân thề. Chú làm thật kín không cho ai biết, kể cả Florentyna. Chú quyết tâm tìm cách nào đó để cho mình có vẻ cao hơn lên. Chú tự treo đầu chân đầu tay vào một thanh xà trong phòng ngủ, hy vọng như vậy người chú sẽ dài ra được. Nhưng Leon thì có ngủ cũng vẫn cứ lớn lên như thường. Wladek buộc phải thừa nhận rằng suốt đời mình vẫn sẽ cử thấp hơn con trai Nam tước một đầu, và muốn làm thế nào cũng không thể có thêm được một bên vú nữa. Chẳng phải do Leon mà Wladek thấy ghét cái thân hình của mình. Vả lại Leon cũng chỉ có Wladek là bạn gần gũi với mình nên cậu ta rất quý và chẳng bao giờ có ý kiến gì về hình thức của bạn mình hết.
Nam tước Rosnovski cũng ngày càng tỏ ra ưa thích chú bé tóc đen rất bạo dạn này, vì chú cũng lại là người thay thế cho đứa em trai của Leon chết thê thảm cùng với bà Nam tước khi bà sinh đẻ.
Hai cậu cùng được ăn tối với Nam tước trong căn phòng lớn có ốp đá chung quanh. Những ngọn. nến thắp lên lúc đó chiếu lung linh vào những chiếc đầu thú treo trên tương thành những bổng hình ghê sợ.
Kẻ hầu người hạ nhẹ nhàng đi lại không có tlếng chân và tay bưng những đĩa vàng khay bạc trên có thịt cá với rượu và hoa quả, thỉnh thoảng có những món lạ mà Wladek rất thích. Rôi sau đó, lúc trời đã tối hẳn, Nam tước cho những người đứng hầu rút lui và ông kề lại cho hai cậu bé nghe nnữag chuyện về lịch sử Ba lan, lại cho hai cậu đươc nhấp một chút rượu vốtka của vùng Danzig. Wladek thường đòỉ ông.kể cho nghe về chuyện Taduesz Kosciusko.
- Một nhà yêu nước lớn và anh hùng đấy, - Nam tước nói. - ông tượng trưng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của ta. ông được rèn luyện ở Pháp...
- Càng kính phục và yêu quý những người như thế chúng ta lại càng căm ghét bọn Nga hoàng và bọn áo, - Wladek nói chêm vào. Tỏ ra chú có hiểu biết và những lúc đó không thể không lấy làm hứng thú lên tiếng.
- Ai kể chuyện cho ai nghe ấy nhỉ, Wladek? – Nam tước cười - Rồi ông lại cùng chiến đấu với George Washington ở Mỹ cho tự do dân chủ. Năm 1792, ông lãnh đạo người Ba lan trong trận chiến ở Dubienka. Khi ông vua khốn khổ của chúng ta là Stanislaw Augustus bỏ chúng ta đề chạy theo người Nga thì Kosciusko trở về với quê hương yêu dấu để chiến đấu lật đổ ách thống trị của Nga hoàng. ông đã thắng trong trận ở đâu nhỉ, Leon?
- Thưa đó là trận Raclawice, rồi sau ông giải phóng Warsaw.
- Tốt, con thật đáng khen... Nhưng rồi, than ôi, bọn Nga đã tập trung một lực lượng lớn ở Maciejowice và cuối cùng ông đã bị thua và bị bắt làm tù binh. ông cụ bốn đời của ta ngày đó cũng cùng chiến đấu với Kosciusko và sau lại tham gia binh đoàn của Dabrowski ở thời kỳ Napoleon Bonaparte nữa.
- Và vì nhữag cống hiến cho đất nước Ba lan mà có Nam tước Rosnovski, một danh tước mà gia đình ta sẽ còn mãi mãi để nhớ lại những ngày vĩ đại ấy. - Wladek dõng dạc lên tiếng, làm như một ngày kia danh tước ấy sẽ được truyền sang cho chú vậy.
- Phải, những ngày vĩ đại ấy rồi sẽ trở lại, - Nam tước nhẹ nhàng nói. - Ta chỉ cầu làm sao cho mình sống được để trông thấy những ngày đó.
 
* *
Lễ Giáng sinh năm đó, một số tá điền đem vợ con đến lâu đài đề cùng làm lễ cầu kinh ban đêm. Đám trẻ đã nhịn đói sẵn, chỉ chờ xuất hiện ánh sao đầu tiên ngoài cửa sổ là sẽ bắt đầu được ăn tiệc. Trước lúc đó Nam tước sẽ nói mấy lời cầu Chúa, và khi mọi người ngồi xuống rồi, Wladek sẽ phải lấy làm ngượng về chuyện Jasio KoBkiewicz ăn uống quá nhiều, không bỏ bất cứ món nào bầy trên bàn, và rồi sẽ lại như năm ngoái, tức là lăn ra ốm ở trong rừng trên đường trở về nhà cho mà xem.
Sau bữa tiệc, Wladek rất thích được phân phát những gói quà mắc trên cây thông Giáng sinh cho bọn trẻ con của các nhà tá điền đang ngạc nhiên nhìn lên đó Chú chia một con búp bê cho Sophia, một con dao đi rừng cho Josef, một chiếc áo mới cho Florentyna, vì đó là món quà đầu tiên mà Wladek xin ở Nam tước.
Sau khi nhận quà ở tay Wladek, Josef nói với mẹ:
- Đúng đấy mẹ ạ, Wladek nó không phải là em của chúng con.
- Không, mẹ chú đáp, - nhưng nó vẫn là con của mẹ.
* *
Qua mùa đông và mùa xuân năm 1914, Wladek đã lớn lên hơn và học giỏi hơn.
Rồi bỗng đến tháng bẩy năm đó, ông thầy người Đức tự nhiên bỏ lâu đài ra đi mà không nói một lời từ biệt nào. Cả hai cậu bé đều không hiểu tại sao. Họ không bao giờ có thể nghĩ được là việc ông thầy ra đi có liên quan đến chuyện một sinh viên của phái vô chính phủ đã ám sát Hoàng tử Francis Ferdinand của nước áo ở Sarajevo. ông thầy còn lại đã mô tả việc này cho các cậu nghe bằng một giọng nghiêm hơn bao giờ hết. Từ đó Nam tước tỏ ra trầm mặc ít nói, và cả hai cậu bé đều không hiều tại sao. Những người hầu hạ trong nhà, nhất là những người mà hai cậu ưa thích, đều tự nhiên thấy mất dần, hai cậu cũng không hiểu tại sao. Ngày tháng trôi qua, Leon đã lớn lên hơn, Wladek đã khỏe hơn. Hai cậu đã trở thành khôn ngoan hiểu biết hơn.
Một buổi sáng tháng tám năm 1915, vào những ngày' gọi là rông rài rỗi rãi, Nam tước lên đường đi Warsaw nói là để thu xếp công việc trên đó. ông đi vắng ba tuần rưỡi, tức là hai mươi lăm ngày vì Wladek mỗi sáng đều đánh dấu lên cuốn lịch trong phòng chú. Chú cứ tưởng như ông đi mãi không về. Vào hôm Nam tước đã hẹn về, hai cậu đi xuống tận ga Slonim đón Nam tước về bằng chuyến xe lửa hàng tuần. Rồi ba người lặng lẽ về lâu đài, không ai nói câu gì.
Wladek nghĩ bụng Nam tước trông đã có vẻ già đi và mệt mỏi. Chú không dè trường hợp này bao giờ. Cả một tuần lễ sau đó, Nam tước thường có những cuộc đốí thoại không bình thường với những người hầu hạ chủ yếu trong lâu đài. Mỗi khi có Leon lloặc Wladek bước vào thì họ lại thôi không nói chuyện nữa. Điều đó có vẻ như vụng trộm khiến hai cậu vừa khó chịu vừa sợ, không biết có phải mình là nguyên nhân gây ra như vậy hay không. Wladek thì ìo rằng Nam tước lại có thể gửi trả chú về với túp nhà của ông thợ săn, vì chú biết rằng mình vẫn là một người xa lạ trong một ngôi nhà xa lạ.
Ít ngày sau đó, vào một buổi tối, Nam tước cho gọi hai cậu đến găp ông ở sảnh đường lớn. Hai cậu rón én bước vào, lo sợ. ông không giải thích gì nhiều mà chỉ nói rằng họ sắp phải đi một chuyến rất dài ngày.
Những lời nói ngắn gọn của ông, vào lúc đó tưởng như không có nghĩa gì ghê gớm, lại hoá ra cứ bám chặt lấy Wladek trong suốt cả cuộc đời.
Nam tước trầm giọng nói:
- Các con yêu quý của ta, bọn gây chiến người Đức và bọn đế quốc áo - Hung hiện đã đến cửa ngõ
Warsaw và chẳng bao lâu sẽ đánh đến chỗ chúng ta ở đây.
Wladek nhớ lại một câu khó hiểu mà ông thầy Ba-lan đã nói với ông thầy Đức trước đây khi hai người có căng thẳng với nhau vào những ngày cuối cùng: Phải chăng như vậy có nghĩa là đã đến lúc những dân tộc bị nhận chìm ở châu Âu rơi vào chúng tôi? - ông thầy Ba-lan đã hỏi thế.
Nam tước âu yếm nhìn khuôn mặt ngây thơ của Wladek.
- Tinh thần dân tộc của chúng ta đã không bị mất đi trong suốt một trăm năm mươi năm bị đàn áp mòn mỏi - chú nói. - Rất có thể số phận của Ba-lan cũng bị đe dọa như số phận của Serbia vậy. Chúng ta bất lực không làm thay đổi gì lịch sử được. Số phận của húng ta tuỳ thuộc vào ba đế quốc hùng mạnh ở chung quanh.
- Chúng ta mạnh, chúng ta có thể chiến đấu được,- Leon nói. - Chúng ta có kiếm gỗ và có mộc, Chúng ta không sợ bọn Đức hoặc bọn Nga.
- Con ơi, con chỉ mới biết chơi đánh trận thôi. Nhưng trận chiến này không phải như trẻ con chơi với nhau đâu. Chúng ta phải tìm một chỗ nào đó xa lánh và yên ổn để mà sống và chờ xem lịch sử quyết định số phận của chúng ta thế nào. Và chúng ta phải đi ngay, càng sớm sàng tốt. Ta chỉ cầu làm sao đây không phải là ngày kết thúc tuổi trẻ của các con. Cả Leon và Wladek đều thấy hoang mang bứt rứt về những lời Nam tước vừa nói. Chiến tranh, trong đầu óc hai cậu, có vẻ như một cuộc phiêu lưu đầy thú vị nếu như bây giờ bỏ lâu đài này ra đi thì họ sẽ mất cơ hội ấy. Những người hầu trong nhà đã bỏ ra nhiều ngày để gói ghém các đồ đạc của Nam tước. Wladek và Leon được báo trước là vào ngày thứ hai tới hai cậu sẽ lên đường về ngôi nhà nghỉ hè nhỏ bé ở phía bắc Grodno. Hai cậu vẫn tiếp tục học hành và chơi bời như thường, không cần có ai giám sát, nhưng chẳng gặp được ai và có lúc nào để người ta trả lời được cho hai cậu về những câu hỏi nêu ra.
Vào nhữag ngày thứ bẩy, hai cậu phải học vào buổi sáng. Hôm đó, hai cậu đang dịch cuốn Pan Tadeusz của Amdam Mickiewicz ra tiếng La-tinh thì bỗng nghe thấy có tiếng súng nồ. Lúc đầu, Wladek tưởng đó chỉ là tiếng súng quen thuộc của một bác thợ săn nào đó bên ngoài trang trại. Hai cậu quay trở về với công việc đang làm. Nhưng rồi lại có một loạt tiếng súng nữa, lúc này nghe gần hơn nhiều. Hai cậu bỗng nghe thấy tiếng kêu hét ở nhà dưới. Họ nhìn nhau quái lạ. Họ không tỏ ra sợ hãi gì hết, vì chưa bao giờ thấy những chuyện như thế trong đời. ông thầy bỏ chạy, để mặc hai cậu lại đó. Rồi có một tiếng súng nữa, lần này ngay ở hành lang bên ngoài phòng các cậu ngồi. Hai người khiếp sợ, ngồi im không dám thở. Cánh cửa bỗng bật mở. Một người đàn ông, không lớn tuồi hơn ông thầy học là mấy, mặc bộ quân phục màu xám, đầu đội mũ sắt, bước vào nhìn hai người. Leon ôm lấy Wìadek, còn Wladek nhìn lên người kia.
Hắn ta quát tháo bằng tiếng Đức, hỏi hai người là ai. Cả hai cậu bé không ai trả lời mặc dầu rất thạo tiếng đó như tiếng mẹ đẻ. Một tên lính khác bước đến sau lưng hắn. Hắn tiến đến nắm lấy cổ hai cậu bé gần như xách hai con gà lôi ra hành lang rồi kéo xuống nhà đem ra phía trước lâu đài rồi quẳng hai người vào trong vườn ở đấy Florentyna cũng đang kêu hét như điên trước quang cảnh cô đang nhìn thấy. Leon không dám nhìn, gục đầu vào vai Wladek. Wladek inh ngạc trông ra một dẫy xác chết, phần lớn là những người hầu hạ trong nhà, bị vứt úp mặt xuống đất Chú lặng người khi trông thấy một người có bộ ria nằm úp xuống vũng máu. Người đó chính là bác thợ săn. Wladek không cảm thấy gì nhưng Florentyna thì vẫn cứ kêu hét.
- Bố có đây không? - Leon hỏi. – Bố có đây không?
Wladek nhìn lại một lượt những xác chết. Chú cảm ơn Chúa là không thấy có bóng dáng Nam tước Rosnovski ở đây. Chú đang định quay ra nói với Leon thì một tên lính bước tới bên cạnh.
- Wer hat gesprochen? - tên lính gắt.
- Ich, Wladek bạo dạn đáp
Tên lính giơ súng lên lấy báng đập vào đầu Wladek. Chú lăn ra đất, máu chảy đầy mặt. Nam tước đâu rồi? Có chuyện gì thế này? Tại sao họ lại đối xử như thế này ở ngay nhà mình? Leon vội nhẩy đè lên Wladek để tránh cho chú bị một đòn thứ hai của tên lính định đánh vào bụng. Nhưng nhát súng quá mạnh giáng xuống lại trúng vào sau gáy Leon.
Cả hai cậu bé nằm không động đậy. Wladek nằm im vì chú vẫn chưa hết khiếp sợ với nhát đòn vừa rồi và cả với khối nặng của người Leon bỗng nhiên đè lên chú. Còn Leon nằm im vì cậu ta đã chết rồi. Wladek có thể nghe thấy tiếng một tên lính khác trách cứ tên lính vừa rồi vì hắn đã quá tay. Chúng lôi Leon đi, nhưng Wladek cứ bám chặt lấy. Phải hai tên lính mới kéo nổi được xác Leon ra khỏi tay Wladek và quẳng vào đống người đã nằm đó, mặt úp xuống cỏ.
Đôi mắt Wladek không rời khỏi cái xác của người bạn thân nhất trên đời. Cuối cùng họ bắt chú quay trở vào lâu đài để cùng với một số người còn sống sót bị dẫn xuống tầng hầm. Không ai dám thốt lên một lời vì sợ phải đi theo những người đã bị vứt trên cỏ. Cửa hầm bị khóa chặt và tiếng lầm rầm của bọn lính đã xa dần. Lúc đó Wladek mới lên tiếng, "Chúa lòng lành", vì chú trông thấy Nam tước ngồi dúi vào trong góc tường. ông không bị đánh đập gì, nhưng có vẻ rất khiếp sợ ông cứ ngồi lặng yên nhìn vào khoảng không. ông còn sống được vì bọn xâm lược còn cần đến ông để cai quản đám tù binh. Wladek bước đến bên chỗ ông. Những người khác, trái lại, càng ngồi xa chỗ ông chủ càng tốt. Hai người nhìn nhau đúng như họ đã nhìn trong ngày đầu gặp nhau. Wladek đưa tay ra, và cũng như ngày đầu, Nam tước cầm lấy tay chú.
Wladek nhìn thấy những giọt nước mắt chảy xuống khuôn mặt tự hào của Nam tước. Không ai nói một lời nào. Cả hai đều vừa mới mất con người mình yêu quý nhất trên đời.
 
Hai Số Phận
Chương 6

William Kane lớn rất nhanh. Chú được mọi người chung quanh yêu quý, nhất là những năm đầu chung quanh chú thường chỉ có bà con trong nhà và những người hầu hạ được chọn lọc.

Tầng trên gác của ngôi nhà thuộc họ Kane xây theo kiểu thế kỷ mười tám ở Quảng trường Louisburg trên đồi Beacon đã bị biến thành trung tâm nuôi trẻ, chất đầy các thứ đồ chơi. Bên cạnh đó là một phòng ngủ và phòng khách dành cho cô bảo mẫu mới thuê được về Từ đây xuống đến nhà dưới còn một quãng xa nên Richard Kane không thể hay biết gì về những chuyện như trẻ con mọc răng, tã ướt, hoặc nó khóc bất thường đòi ăn Tiếng khóc đầu tiên, chiếc răng mọc đầu tiên, bước đi đầu tiên, tiếng nói đầu tiên của đứa bé đều được mẹ của William ghi vào sổ gia đình cùng với những tiến bộ của nó về chiều cao và cân nặng. Anna ngạc nhiên thấy những con số thống kê này chẳng khác gì lắm với bất cứ đứa trẻ nào mà chỉ đã biết ở trên đồi Beacon.

Cô bảo mẫu là một người thuê ở tận bên Anh mang về. Cô nuôi thằng bé theo một chế độ mà đến một sĩ quan ky binh của nước Phổ cũng phải lấy làm hài lòng. Chiều chiều cứ sáu giờ là bố của William lên thăm. Vì không biết nói chuyện với con như thế nào nên hai bố con chỉ biết nhìn nhau. William nắm chặt lấy ngón tay trỏ cúa bố, ngón tay mà người bố đã dùng để kiểm tra những bảng cân bằng thu chi ở ngân hàng. Richard nhìn con mỉm cười. Sau năm đầu, thủ tục có hơi thay đổi đi một chút. Thằng bé được đưa xuống nhà dưới để thăm bố. Richard ngồi ở chiếc ghế da có lưng tựa rất cao nhìn đứa con đầu lòng của mình bò dưới chân bàn ghế, lúc ẩn lúc hiện, khiến Richard tưởng như con mình rồi sẽ trở thành một Thượng nghị sĩ cũng chưa biết chừng. Mười ba tháng là William đã chập chững biết đi và bám vào đuôi áo eủa bố. Tiếng đầu tiên của nó nói ra là Dada, làm mọi người rất thích, kề cả bà nội Kane và bà ngoại Cabot, hai bà là những người đến thăm nó thường xuyên. Các bà không đi theo chiếc xe đẩy William đi quanh Boston, nhưng vào những chiều thứ năm thường bước theo sau cô bảo mẫu trong công viên và nhìn những người trông trẻ khác cũng ra đó. Những trẻ con khác cho vịt ăn ở những vườn công cộng, nhưng William thì được chơi với thiên nga trong hồ của biệt thự rất sang trong nhà ông Jack Gardner.

Sau hai năm thì các bà nội bà ngoại đều có ý nói khéo rằng đã đến lúc thằng William phải có em đi là vừa. Anne đành nghe theo các cụ và để có mang lần nữa, nhưag được đến tháng thứ tư thì chị rất thất vọng thấy người mình cứ mỗi lúc một ốm yếu nhợt nhạt đi.

Lúc khám thai cho người mẹ, bác sĩ MacKenzie không còn cười vui vẻ được nữa, và đến tuần thứ mười sáu khi Anne bị sẩy thai thì ông ta tuy không ngạc nhiên nhưng cũng không để cho chị đau buồn vô cớ. ông ta nói:

- Anne, cái lý do khiến bà cảm thấy mình không khỏe đó là do huyết áp của bà quá cao, và nếu cứ như thế thì càng có mang nhiều tháng huyết áp càng cao lên nữa. Tôi e rằng các bác sĩ hiện nay chưa có cách gì ngăn được huyết áp cao. Mà chúng tôi thì chỉ có thể biết được là điều đó nguy hiểm cho mọi người, nhất là cho đàn bà có mang.

Anne cố cầm nước mắt và hiểu rằng như thế có nghĩa là trong tương lai mình sẽ không thể có con được nữa.

- Nhưng nếu tôi có mang lần sau thì chắc không thế nữa chứ? - Chị lựa lời hỏi để bác sĩ dễ trả lời mình hơn.

- Tôi sẽ rất ngạc nhiên nêu như không còn như vậy. Tôi phải lấy làm tiếc mà nói điều này, nhưng tôi thành thật khuyên bà là không nên có mang nữa.

- Nhưng dù có ốm đau vài tháng cũng không sao, nếu như...

- Tôi không nói về chuyện ốm đau đâu, bà Anne. Mà tôi nói là bà không nên mạo hiềm với mạng sống của mình một cách không cần thiết như vậy.

Richard và Anne rất lấy làm lo ngại, vì bản thân hai người cũng là con một và hai người đều sớm mất cha. HỌ đã tưởng mình sẽ tạo ra một gia đình tương xứag với quy mô của nhà này và trách nhiệm đối với những thế hệ tiếp theo. Hai bà nội bà ngoại Cabot và Kane đều nói: phận sự của người đàn bà chỉ có thế thôi chứ còn gì khác nữa đâu? Lâu dần, không ai nhắc nhở đến vấn đề đó nữa, và William trở thành trung tâm chú ý của mọi người.

Richard, sau sáu năm có chân trong ban giám đốc đã lên thay thế người cha qua đời năm 1904 làm chủ tịch Ngân hàng và Công ty Tín dụng Kane và Cabot. Từ đó anh chỉ biết lao vào công việc của ngân hàng. Ngân hàng này có trụ sở tại phố State, một tòa nhà đồ sộ được xây dựng đẹp và chắc chắn, và có chi nhánh ở New York, l'ondon và San Francisco. Cái chi nhánh thứ ba này thành một vấn đề đáng lo ngại cho Richard vào đúng ngày William ra đời, vì nó đã bị sập cùng một lúc với Ngân hàng quốc gia Crocker, Ngân hàng Wells Fargo và California trong vụ động đất lớn năm 1906, không phải sập về mặt tài chính mà sập đúng với nghĩa đen của nó. Richard vốn là một người biết lo toan từ trước nên tài sản của anh được hãng Lloyd's của London bảo hiểm. Đều là những người đứng đắn cả, nên sau vụ đó họ bồi thường cho đến từng xu một, do đó Richard có thể xây dựng lại ngân hàng. Richard phải mất cả một năm vất vả di lại bằng xe lửa giữa Boston với San Francisco, mỗi lượt đi mất bốn ngày trời, để theo dõi giám sát việc xây dựng lại.

Anh cho khánh thành nhà ngân hàng mới trên Quảng trường liên hiệp, tháng mười năm 1907, sau đó lại phải quay sang bờ biền phía đông ngay để giải quyết những vấn đề mới nẩy sinh. Lúc này ở các ngân hàng New York người ta đang rút bớt tiền gửi. Nhiều ngân hàng nhỏ không đối phó nổi với tình hình ấy và bắt đầu phá sản. J.P.Morgan, chủ tịch của một ngân hàng lớn mang tên ông ta và đã nổi tiếng từ lâu, đã mời Richard cùng cộng tác với ông ta để lập một ngân hàng hùn vốn nhằm đối phó với tình hình này.

Richard đồng ý. Thái độ dũng cảm của anh đã có hiệu quả và vấn đề khó khăn đã bị đẩy lùi dần. Tuy thế, Richard cũng đã phải mất nhiều đêm không ngủ được.

William, trái lại ngủ rất kỹ, không cần biết gì đến những chuyện động đất và ngân hàng sập. Chú còn có việc phải cho những con thiên nga ăn và phải đi đi lại lại Milton, Brookline và Beverley để được gặp những bà con họ hàng quyền quý.

Đầu mùa xuân năm sau đó Richard nhận được một món quà do anh đã đầu tư vốn một cách thận trọng vào cho một người tên là Henry Ford và người này tuyên bố có thể sản xuất ra một loại xe hơi để phục vụ nhân dân. Ngân hàng mời ông Ford đến ăn trưa, và người ta đã vận động Richard mua một chiếc xe mẫu T với các giá cực sang là 850 đô-la. Henry Ford đảm bảo với Richard rằng nếu được ngân hàng ủng hộ ông ta sẽ có thề chỉ trong vài năm giảm giá xe xuống 350 đô-la một chiếc và như vậy thì mọi người đều có thể mua xe được, thế là những người ủng hộ ông ta sẽ thu

được lợi nhuận rất lớn. Richard ủng hộ. Đó là lần đầu tiên anh đưa đồng tiền có hiệu quả vào tay một người có thề hạ giá thành sản phẩm xuống còn một nửa. Richard cũng còn băn khoăn rằng chiếc xe hơi của mình, mặc dầu sơn màu đen ảm đạm như thế, vân có thể chưa được coi là phương tiện chuyên chở xứng đáng với một ông thống đốc và chủ tịch ngân hàng. Tuy nhiên, anh cũng yên tâm thấy những người ở hai bên đường liếc nhìn và trầm trồ khen ngợi. Với tốc độ mười dặm một giờ, nó còn làm ầm ĩ hơn cả một con ngựa, nhưng dù sao cũng có cái tốt là nó không để lại một đống phân trên đường phố Vemon. Điều duy nhất anh phải cãi cọ với ông Ford là ông ta không chịu nghe lời đề nghị về việc mẫu T của xe hơi không nên chỉ có màu đen mà nên sơn nhiều màu khác nữa. ông Ford nhất định là xe nào cũng chỉ sơn màu đen để giảm giá bán. Anne nhậy cảm hơn chồng trong cái quan hệ xã hội mà chị nghĩ phải tỏ ra khiêm tốn lễ độ hơn, đã quyết định là chỉ ngồi xe khi nào bên nhà Cabot cũng có xe như mình.

Nhưng William thì rất thích cái "ô-tô" đó. Báo chí đã đặt cho nó cái tên như vậy rồi. Chú thích hơn vì cho rằng bố mua cái xe đó là mua cho chú, để thay vào chiếc xe đẩy không có máy móc gì. Chú cũng thích cả người lái xe hơn là cô bảo mẫu. Người lái xe có đôi mắt kính rất to với chiếc mũ dẹt xuống đầu. Bà nội Kane và bà ngoại Cabot tuyên bố sẽ chẳng bao giờ ngồi vào chiếc xe máy gớm khiếp đó, và đúng là các cụ không chịu ngồi thật.

Tuy vậy bà nội Kane vẫn đòi thông báo là bà có ngồi trong xe hơi đề đi dự tang lễ.

Trong hai năm sau đó, ngân hàng tiếp tục phát triển lớn mạnh. Wilìiam cũng lớn theo với nó. Những người Mỹ lại một lần nữa đầu tư vào những công trình mở rộng và những khoản tiền lớn theo nhau kéo về ngân hàng Kane và Cabot, rồi tiền đó lại tái đầu tư vào những công trình như nhà máy thuộc da Lowell ở Massachusetts. Richard theo dõi sự lớn mạnh của cả ngân hàng và con trai mình với một tâm lý thỏa mãn tỉnh táo. Vào ngày sinh nhật lần thứ năm của William, anh rút thằng bé ra khỏi bàn tay quản lý của đàn bà và giao nó cho một ông thầy dạy tư và trả lương cho ông ta 450 đô-la một năm. ông thầy tên là Munro, một người do Richard đích thân chọn lựa trong số tám người được cô thư ký riêng của anh giới thiệu lên. ông thầy Murro được giao nhiệm vụ là phải đảm bảo cho William đến năm mười hai tuổi có thể sẵn sàng vào trường St Paul được. William lập tức yêu thích ngay ông thầy Munro, một người chú tưởng là đã già và tài giỏi nhưng thực ra ông thầy ấy chỉ mới có hai mươi ba tuổi, đã tốt nghiệp loại ưu về Anh ngữ ở Đại học Edinburgh.

William học đọc và viết rất nhanh chóng dễ dàng, nhưng chú đặc biệt rất thích thú với những con số. Điều phàn nàn duy nhất của chú là trong tám bài học mỗi tuần chỉ có một bài là toán. Nhưng William cũng đã có thể cho bố chú thấy được là một phần tám thời gian ấy coi như một thứ đầu tư nhỏ cho ai đó một ngày kia sẽ trở thành thống đốc và chủ tịch của một ngân hàng. Để bù vào chỗ thiếu nhìn xa thấy rộng của ông thầy, William đem những bài toán chú nhẩm trong đầu ra đánh đố những người khác trong nhà. Bà ngoại Cabot chả bao giờ biết chia số ìẻ ra ìàm bốn mỗi khi trả lời chú chỉ toàn sai, nên bà đành nhận là thằng cháu giỏi hơn bà. Nhưng bà nội Kene thì lại biết chút ít về phân số nên khôn khéo hơn, mặc dầu như vậy cũng không giải quyết được bài toán chia tám chiếc bánh cho chín đứa trẻ như thế nào.

Đến lúc bà chịu thua thì Wilham nói: "Bà ơi, bà cử mua cho cháu một cái thước lô-ga-rit, là cháu sẽ không quấy rầy bà nữa". Bà ngạc nhiên không ngờ thằng cháu mình lại sớm tinh khôn đến thế, nhưng bà vẫn cứ mua thước cho nó mặc dù bà chưa biết là nó có dùng được cái đó hay không. Đó cũng là lần đầu tiên trong đờí của bà nội Kane giải quyết vấn đề một cách chóng vánh như vậy. Còn những vấn đề của Richard thì lại bắt đầu chuyển sang phía Đông. Người chủ tịch chi nhánh ngân hàng của anh ở London đột nhiên chết tại chỗ làm việc và ở đó người ta cần anh có mặt để giải quyết. Anh gợi ý với Anne là chị với thằng con William cùng đi với anh sang châu Âu. Anh nghĩ có đề thằng bé nghỉ học ít ngày cũng không sao, hơn nữa nó lại còn có thể được thăm tất cả những chỗ mà thầy Munro đã dạy nó và thường nhắc đến luôn. Anne chưa được sang châu Âu bao giờ nên nghe nói thế rất phấn khởi Chị chất đầy những áo mới lịch sự và đắt tiền vào ba chiếc hòm gởi xuống tàu để đem sang mặc ở Thế giới cũ . William không bằng lòng với mẹ là đã không cho chú mang theo chiếc xe đạp là thứ rất cần thiết đề đi lại của chú.

Gia đình nhà Kane đi xuống New York bằng xe lửa, và từ đó xuống tàu Aquitania để đi Southampton.

Anne lấy làm lạ thấy ở New York sao có nhiều người mới di cư đến và đẩy xe bán hàng rong thế. Chị chỉ đám ngồi trên toa nhìn xuống thôi. William trái lại, rất ngạc nhiên với thành phố New York mà chú không ngờ to như vậy: Xưa nay chú chỉ cho ngân hàng của bố chú là tòa nhà lớn nhất ở Mỹ mà có lẽ cũng là lớn nhất thế giới. Chú rất muốn mua chiếc kem có màu đỏ và vàng của một người đang đẩy chiếc xe nhỏ, nhưng bố chú coi như không nghe thấy gì. Vả lại, Richard không bao giờ có tiền lẻ trong túi. William vừa trông thấy chiếc tàu to đã lấy làm thích ngay, và chú làm bạn ngay với ông thuyền trưởng được, ông ta Chỉ cho chú xem tất cả những cái lý thú nhất trên tàu thủy. Richard và Anne cố nhiên được ngồi cùng bàn với thuyền trưởng, phải xin lỗi là thằng bé đã làm mất thì giờ của ông nhiều quá.
 
- Không đâu, - ông thuyền trưởng có bộ râu đã bạc trả lời William, - Với tôi đã là bạn thân với nhau rồi đấy! Tôi chỉ tiếc là không trả lời được tất cả những câu hỏi của nó về thời gian, tốc độ và cự ly mà thôi. Chính tôi vẫn cứ phải mỗi tối nghe ông kỹ sư thứ nhất giảng giải cho để có thể dự đoán được tình hình ngày hôm sau thì mới sống nổi được.

Sau mười ngày vượt biển, tàu Aquitania đi vào con sông nhỏ để đậu ở Southampton. William còn luyẽn tiếc không chịu rời tàu. Chú suýt khóc nhưag rồi lại vui ngay vì thấy đã có một xe Rolls-Royce sang trọng với lái xe chờ sẵn ở dưới bến để đưa họ về London. Ngay lúc đó Richard đã có ngay một quyết định là khi xong việc trở về sẽ cho chở chiếc xe này sang New York. Đó là một quyết định biểu lộ tính khí của anh hơn bao giờ hết. Anh nói với Anne là muốn để cho Henry Ford được tận mắt trông thấy chiếc xe ấy.

Trong khi ở London, gia đình Kane bao giờ cũng ở khách sạn Ritz trong khu Piccadilly, tiện cho cơ quan của Richard trong thành phố. Những lúc Richard bận công việc ở ngân hàng, Anne tranh thủ đưa Willian đi thăm Tháp London, Cung điện Buckingham và xem cảnh đổi gác. William thấy mọi thứ đều rất "hay" chỉ trừ có ngữ điệu tiếng Anh ở đây chú thấy hơi khó hiểu.

- Tại sao họ không nói như chúng ta, hả mẹ? – chú hỏi thế, và chú lấy làm lạ thấy mẹ bảo chính ra là câu hỏi phải đặt ngược lại mới đúng, vì "họ" có trước.

Wilham rất thích xem những người lính gác mặc bộ quân phục màu đỏ tươi có những khuy đồng bóng loáng đứng gác ở bên ngoài Điện Buckingham. Chú muốn nói chuyện với họ, nhưng chỉ thấy họ nhìn thẳng đi đâu mà không chớp mắt nữa kia.

- Chứng ta có thể mang một người về nhà được không mẹ? - chú hỏi.

- Không, con ạ, họ còn phải đứng đây để gác cho Vua chứ.

- Nhưng ông Vua có nhiều người gác quá, con không có được một người sao?

Richard bỏ ra một buổi chiều "đặc biệt để đưa Aune và Wilìiam sang vùng phía Tây London xem

kịch câm truyền thống của người Anh biểu diễn ở Quần Ngựa. William xem vừa thích và sợ tưởng như đằng sau mỗi ngọn cây đều có ma quỷ nấp ở đó. Xem xong, họ lại quay về Fortnum uống trà. Anne và William được nếm món bánh rán bọc kem rất ngon. William rất thích nên mấy ngày sau đó chú được dẫn đến phòng trà ở Fortnum để tiếp tục ăn món bánh ấy.

William và mẹ chú thấy những ngày nghỉ trôi qua rất nhanh. Riêng Richard thì hài lòng với công việc ở phố Lombard và lấy làm mừng đã cử được một chủ tịch mới của chi nhánh ngân hàng, do đó trong đầu đã nghĩ đến ngày về. Hàng ngày đều có điện ở Boston gửi tới khiến anh sốt ruột muốn trở về làm việc ở nhà ngay. Cuối cùng có một bức điện dài báo cho anh biết 2.500 công nhân ở nhà máy sợi Lawrence, Massachusetts, nơi ngân hàng đã đầu tư khá nhiều vào đó hiện nay đang đình công. May mà chỉ còn ba ngày nữa anh đã lên đường về nước.

William thì mong về nhà để kể lại cho ông thầy Munron nghe mình đã làm những gì ở Anh, và cũng về với bà nội bà ngoại nữa. Chú đoán các bà mình chưa bao giờ được xem hát ở ngoài trời với đông đảo công chúng như ở đây. Anne phấn khởi với chuyến đi không kém gì William, nhưng bây giờ có phải về nhà cũng vẫn thích, vì chị cho là mình đã được dịp khoe với người Anh vốn không ưa lòe loẹt lắm nhữag bộ áo mới và cả sắc đẹp của mình nữa. Trước ngày xuống tàu về William còn được mẹ đưa đến dự bữa tiệc trà ở Quảng trường Eaton do bà vợ ông chủ tịch mới của chi nhánh ngân hàng đứng ra chiêu đãi. Bà ta cũng có đứa con lên tám tuổi, tên là Stuart. William đã cùng với nó làm bạn được hai tuần rồi, và chơi với nhau khá thân. Bữa tiệc trà không được vui lắm vì Stuart bị ốm. Để chia sẻ nỗi buồn với bạn mình, Wiììiam cũng bảo với mẹ là có lẽ chú sắp ốm. Thế là hai mẹ con trở về khách sạn Ritz sớm hơn dự định. Nhưng Anne cũng không thất vọng lắm, vì về sớm càng có thời gian xem lại những đồ đạc đóng gói gửi xuống tàu. Chị biết William muốn chia sẻ ốm đau với bạn đó thôi. Nhưng đến tối lúc cho William lên giường ngủ, chị bỗng thấy thằng bé cũng có hơi sốt thật, và chị báo cho Richard biết.

- Có lẽ đó là do phấn khởi sắp được về nhà thôi, - Richard nói, như có vẻ không quan tâm lắm.

- Em cũng mong thế, - Anne đáp, - Em không muốn nó ốm trong sáu ngày đi đường.

- Mai là nó khỏe thôi, - Richard nói và không để ý gì thêm nữa.

Nhưng đến sáng hôm sau lúc Anne vào đánh thức con dậy thì thấy người nó có nhiều chấm đỏ và sốt cao hơn trước, có lẽ đến bốn mươi độ. Bác sĩ của khách sạn đến khám bảo là thằng bé bị sởi và dứt khoát không thể cho đi biển được, đó là vì nó và vì cả các hành khách khác nữa. Không có cách nào khác hơn là cứ phải để nó nằm đó cho đến khi khỏi hẳn mới về được. Richard thì không thể nào ở lại chờ được hai tuần, nên anh quyết định cứ lên đường theo dự kiến. Anne phải miễn cường thay đổi lại. kế hoạch đi đứng William nằng nặc đòi bố cho đi theo, vì ở đây chờ mười bốn ngày cho con tàu trở lại Southompton thì lâu quá. Nhưng Richard kiên quyết nhất định không chiều con, thuê một cô bảo mẫu đến phục vụ và thuyết phục Wilham là chú đang bị ốm rất nặng không đi đâu được.

Anne cùng đi với Richard xuống Southompton bằng chiếc xe Rolls-Royce mới.

Lúc chia tay, chị mạnh bạo nói một câu, chỉ sợ chồng cho mình là đàn bà hay xúc động quá đáng:

- Richard, không có anh, em ở lại London cô đơn quá

- Thì ở Boston không có em, anh cũng cô đơn không kém, - anh nói vậy, nhưng đầu óc nghĩ đến những công nhân nhà máy sợi đang đình công.

Aune trở về London bằng xe ìửa, trong bụng nghĩ không biết hai tuần sắp tới ở London chị sẽ làm gì.

Wilìiam được một đêm ngủ yên hơn và đến sáng hôm sau những vết sởi đã dịu dần. Bác sĩ và y tá vẫn cứ bắt chú phải nằm yên trên giường. Aune tranh thủ rỗi rãi viết những bức thư thật dài về cho gia đình. William phản đối không chịu nằm mãi ở giường, và đến sáng hôm thử ba chú dậy sớm tìm sang phòng mẹ. Lúc này chú đã gần như trở lại bình thường. Chú trèo lên giường, và đôi tay lạnh của chú làm mẹ tỉnh dậy. Aune yên tâm thấy con đã khỏi bệnh. Chị bấm chuông gọi mang đồ ăn sáng lên cho cả hai mẹ con ở trên giường, điều mà bố của William trước đây chả bao giờ cho phép làm như thế.

Có tiếng gõ cửa nhẹ rồi một người mặc áo vừa đỏ vừa vàng bước vào với chiếc khay bạc to với đủ các món trên đó, trứng, thịt rán, cà chua, bánh mì nướng và mứt hoa quả, chẳng khác nào một bữa tiệc. William nhìn khay thức ăn mà bụng đói như cào. Chú không nhớ là mình đã ăn một bữa thật no vào hôm nào. Anne liếc nhìn vào tờ báo buổi sáng. Thời gian ở London, Richard thường vẫn đọc Thời báo, vì vậy ban giám đốc khách sạn cho là chị vẫn có yêu cầu đọc tờ báo đó.

- Ô mẹ nhìn này, - William nói và chỉ vào tấm ảnh ở trang bên trong, - đây là ảnh chiếc tàu của bố. Tai nạn là cái gì, hả Mẹ?

Ảnh con tàu Titanic chiếm hết cả bề ngang của trang báo.

Không cần nghĩ đến người của họ Cabot hay họ Kane phải xử sự như thế nào, Anne bỗng ôm chặt lấy con mà khóc nức nở. Hai mẹ con cứ ôm nhau ngồi trên giường như thế một lúc lâu. William không hiểu đầu đuôi thế nào. Anne biết là hai mẹ con đã mất đi người thân yêu nhất của mình trên đời này. Ông Piers Campbell, bố của anh bạn Stuart, đến phòng thượng khách 107 của khách sạn Ritz. ông ta chờ ở hành lang trong khi người đàn bà góa bận đồ đen vào người. Chị chỉ mang đi theo có một bộ đồ sẫm đó thôi. William cũng được mặc quần áo chỉnh tề. Cho đến lúc này chú vẫn chưa hiểu tai nạn là thế nào. Anne đề nghị ông Piers giải thích như thế nào đó cho đứa con của chị hiểu được. Nhưng William chỉ nói:

- Cháu muốn cùng đi tàu với bố cháu, nhưng bố cháu không cho đi. Chú không khóc, vì chú không thể nào tin rằng bố chú lại có thể bị chết được. Thế nào trong số những người sống sót cũng có bố chú.

Suốt đời ông Piers làm một nhà chính trị, nhà ngoại giao, và bây giờ làm chủ tịch ngân hàng Kane và Cabot ở London, ông chưa hề thấy một người nào còn nhỏ tuổi mà có nhiều nghị lực như vậy. ít người có cá tính như chú nhỏ này. Nhiều năm sau ông vẫn còn thấy đúng như vậy. Cá tính ấy đã từng có ở Richard Kane và truyền lại cho đứa con duy nhất của anh. Vào ngày thứ năm của tuần đó, William đã lên sáu tuổi. Nhưng chú không hề mở bất cứ gói quà nào đến tặng chú.
 
Anne xem đi xem lại rất kỹ những danh sách người còn sống sót được gửi dần từ Mỹ sang. Danh sách nào cũng đều xác nhận là Richard Lowell Kane còn đang mất tích trên biển, coi như đã bị chết đuối. Một tuần sau nữa, ngay cả đến William cũng không còn hy vọng gì là bố chú còn sống. Anne đau đớn bước lên tàu Aquitania trở về Mỹ. William muốn được ra ngay biển khơi. Chú ngồi hàng giờ trên boong tàu nhìn xuống mặt nước phẳng lặng. Ngày mai con sẽ tìm thấy bố, - chú cứ nói mãi với mẹ như thế. Lúc đầu, bằng một giọng tin tưởng, nhưng dần dần tự chú cũng thấy khó mà tin được.

- William con ạ, chả ai có thề sau ba tuần ở Bắc Đại Tây Dương này mà còn sống được đâu.

- Cả bố con cũng thế ư?

- Cả bố con cũng thế.

Khi Anne trở về đến Boston, cả bà nội bà ngoại đều đã chờ sẵn chị ở nhà rồi. Trách nhiệm bây giờ giao lại cho hai bà. Anne để mặc eho hai cụ làm chủ mọi thứ.

Chị thấy cuộc đời đối với mình bây giờ chả có ý nghĩa gì mấy nữa. Điều quan trọng là William, mà số phận của chú bây giờ là các cụ nhất định phải nắm lấy. William thì tỏ ra rất lễ độ, nhưng không muốn gần hai bà. Ban ngày, chú yên lặng ngồi học với ông thầy Munro, và đến đêm lại khóc trong lòng mẹ.

- Nó cần phải có những đứa trẻ khác làm bạn mới được - các cụ tuyên bố như vậy, và liền sau đó cho cả ông thầy Munro và cô bảo mẫu nghỉ việc, và cho William đến Viện Sayre theo học vì các cụ tin rằng cho nó sống với thế giới thực tế bên ngoài và có thêm nhiều bạn khác thì thằng bé sẽ trở lại bình thường.

Richard đã để lại phần lớn tài sản cho William, với sự ủy nhiệm của gia đình, cho đến khi nào chú hai mươi mốt tuổi. Trong chúc thư của bố chú có một bản phụ lục. Richard muốn rằng con trai mình sau này sẽ xứng đáng là Thống đốc và Chủ tịch của ngân hàng Kane và Cobot. Chỉ có mỗi điểm đó trong chúc thư là William thấy hứng thú, còn những cái khác tất nhiên đều là quyền của chú được hưởng cả. Aune được nhận một số tiền gốc là 500 nghìn đôla với thu nhập hàng năm là 100 nghìn đô-la cho đến chót đời trừ các khoản thuế, và số tiền đó chỉ chấm dứt ngay nếu chị tái giá. Chị cũng được hưởng cả ngôi nhà trên đồi Beacon, biệt thự mùa hè trên Bờ Bắc, ngôi nhà ở Maine với cả một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Mũi Cá Thu, và tất cả những tài sản ấy sau khi chị qua đời sẽ trao lại cho William. Hai cụ nội ngoại mỗi người được hưởng 250 nghìn đô-la cùng những thư dặn lại là nếu Richard chết trước các cụ thì trách nhiệm của các cụ là như thế nào. Toàn bộ tài sản của gia đình do ngân hàng quản lý và được ủy thác cho những cha mẹ đỡ đầu của William. Thu nhập do tất cả những thứ trên đây đem lại được tái đầu tư mỗi năm vào những xí nghiệp đã sẵn có.

Cũng phải mất đến một năm trời các cụ mới cảm thấy hết tang tóc, còn Aune thì mặc dầu chị chỉ mới hai mươi tám tuổi nhưng đến bây giờ chị mới thấy mình lần đầu tiên trong đời sống lại được cái tuổi đó.

Các cụ không như Anne, không che giấu nỗi buồn của mình làm gì. William thấy thế không bằng lòng, lên tiếng trách các cụ.

- Bà không nhớ bố cháu hay sao? - chú ngước đôi mắt xanh lên hỏi bà nội Kene khiến bà nhớ đến đứa con trai của mình.

- Có chứ cháu, nhưng bố cháu không muón cho chúng ta cứ ngồi đó để mà thương thân được.

- Nhưng cháu muốn tất cả chúng ta lúc nào cũng phải nhớ đến bố cháu cơ, luôn luôn nhớ đến, - Wilham xẵng giọng nói.

- William này, bây giờ bà sẽ nói với cháu như lần đầu tiên nói chuyện với một nguời lớn nhé. Tất cả chúng ta sẽ luôn luôn có hình ảnh thiêng liêng của bố cháu trong lòng, còn cháu thì cháu sẽ phải làm thế nào cho xứng với điều bố cháu mong muốn ở cháu. Bây giờ cháu là người đứng đầu trong gia đình và là người thừa kế một tài sản lớn. Vậy cháu phải chuẩn bị làm thế nào cho xứng đáng với sự thừa kế đó, cũng với tinh thần mà bố cháu đã làm để đến lượt cháu được thừa hưởng như vậy.

William không trả lời. Nhưng như vậy là chú đã hiểu được mình sống có mục đích như thế nào. Trước đây chú không biết. Bây giờ chú sẽ nghe theo lời khuyên của bà nội. Chú học cách sống với nỗi đau buồn của mình nhưng không một lời phàn nàn kêu ca.

Từ đó trở đi, chú chăm chỉ học tập, và chỉ khi nào thấy bà nội Kane có vẻ bằng lòng thì chú mới yên tâm. Chú giỏi tất cả các môn học, và riêng trong môn toán không những chú đứng đầu lớp mà còn vươn tới cả những lớp trên nữa. Bất cứ gì bố chú đã làm được, chú quyết tâm làm được hơn thế. Chú gần gũi với mẹ hơn bao giờ hết, và trở thành hoài nghi đối với tất cả những ai không phải trong gia đình. Cứ như vậy, chú trở thành một đứa trẻ cô đơn, đơn độc, và hóa ra một con người hợm mình.

Các cụ đã tính rằng khi nào William bảy tuổi thì sẽ đến lúc dạy cho nó hiểu biết về giá trị của đồng tiền. Các cụ cho chú bắt đầu được có tiền túi cứ mỗi tuần một đô-la, nhưng bắt chú phải làm bản khai về mỗi đồng xu tiêu vào việc gì. Với chủ trương đó, các cụ tặng chú một cuốn sổ bìa da màu xanh giá 95 xu và trừ ngay vào khoản một đô-la của tuần đầu. Từ tuần thứ hai trở đi, các cụ cứ mỗi sáng thứ bảy lại phát một đô-la cho chú. William đầu tư năm mươi xu vào quỹ tiêu hai mươi xu, đem mười xu cho bất cứ đối tượng từ thiện nào mà chú muốn, còn giữ lại hai mươi xu dự trữ. Cứ đến cuối mỗi quý, các cụ lại rà soát sổ sách và xem chú báo cáo về các khoản chi tiêu như thế nào. Sau ba tháng đầu, William đã hoàn toàn sẵn sàng tự xử lý lấy mọi thứ. Chú đã hiến 1,30 đô-la cho tổ chức Hướng đạo sinh Mỹ mới thành lập, đầu tư 5,55 đô-la và yêu cầu bà nội Kane gửi vào quỹ tiết kiệm theo tài khoản của cha đỡ đầu J.P. Morgan đã quá cố Chú chi 2,60 đô-la không phải thanh toán và để 2,60 đô-la vào quỹ dự trữ. Sổ thu chi của chú khiến cho các cụ rất hài lòng. Rõ ràng William là đứa con của Richard Kane, không còn nghi ngờ gì nữa.

Ở trường, William không có mấy bạn, phần vì chú ngại không muốn chơi với những ai không thuộc gia đình Cabot và Lowell, hoặc đám trẻ thuộc những gia đình giàu có hơn mình. Điều đó khiến chú trở thành một con người hay tư lự. Mẹ chú lo ngại, thâm tâm chỉ muốn chú sống một cuộc sống bình thường, không thích chú lao vào những chuyện sổ sách chi thu hoặc chương trình đầu tư gì hết. Anne muốn William có nhiều bạn trẻ hơn là mấy vị cố vấn già, muốn chú cứ chơi nghịch cho bẩn thỉu và xây xát còn hơn là lúc nào cũng sạch sẽ trắng bong, muốn chú sưu tập ếch nhái và rùa hơn là chú ý đến chứng khoán và báo cáo của công ty, tóm lại muốn chú như tất cả mọi đứa bé khác Tuy nhiên chị không bao giờ dám có can đảm nói với các cụ về những điều chị suy nghĩ, vả lại các cụ cũng chẳng quan tâm gì đến bất cứ đứa trẻ nào khác.

Vào ngày sinh nhật thứ chín của chú, William đưa sổ cho các cụ kiểm soát lần thứ hai trong năm. Cuốn sổ bọc da màu xanh cho thấy trong hai năm qua chú đã tiết kiệm được hơn năm đô-la. Đặc biệt chú rất tự hào nêu ra cho các cụ thấy một khoản đã ghi từ lâu đánh dấu "B6", tức là khoản tiền chú đã rút ở ngân hàng J.P. Morgan ra ngay sau khi chú được tin nhà tài chính lớn này qua đời, vì chú nhớ là ngay những chứng khoán của ngân hàng bố chú đã bị tụt xuống sau khi có tin bố chú mất. Wilham đã tái đầu tư số tiền đó ba tháng sau, và chú cũng như công chúng hiều rằng một công ty bao giờ cũng lớn hơn một cá nhân.

Các cụ thấy thế rất cảm động, cho phép William bán chiếc xe đạp cũ của chú đi và sắm chiếc xe mới.

Mua xong, vốn liếng của chú vẫn còn trên 100 đô-la. Bà nội Kane đem số tiền đó của chú đầu tư vào công ty dầu hỏa Standard của bang New Jersey. William biết rằng dầu hỏa là thứ chỉ có mỗi ngày một đắt lên. Chú giữ cuốn sổ thu chi đó rất kỹ và ghi hên tục vào đó cho đến ngày chú hai mươi mốt tuổi. Giá như đến lúc đó các bà nội ngoại của chú còn sống, thì chắc các cụ sẽ làm tự hào về mục cuối cùng ghi vào cột bên phải của cuốn sổ, nhan đề "Tài sản".
 
Hai Số Phận
Chương 7

Wladek là người duy nhất trong những ai sống sót được biết kỹ các gian hầm của lâu đài. Hồi còn chơi ú tim với Leon, chú đã từng sống rất nhiều giờ thoải mái tự do trong những gian hầm bằng đá ấy, lúc nào thích thì lên lâu đài, không thì thôi.
Dưới đó có tất cả bốn gian hầm, chia làm hai tầng. Hai ngăn, một lớn một nhỏ, ở ngang tầm với mặt đất. Ngăn nhỏ liền với tường của lâu đài và có chút ánh sáng rọi xuống qua tấm lưới sắt đặt lẩn vào trong đá ở phía trên. Đi xuống năm bậc còn có hai căn phòng bằng đá ở phía trên. Đi xuống năm bậc còn có hai căn phòng bằng đá nữa nhưng quanh năm tối om và không có mấy không khí. Wladek đưa Nam tước vào căn phòng bằng đá ở phía trên. Ông cứ ngồi yên trong góc, không động đậy, chỉ nhìn vào khoảng không mà không nói một lời. Chú cử chị Florentyna làm người hầu riêng của Nam tước.
Vì Wladek là người duy nhất dám ở lại trong cùng ngăn hầm ấy với Nam tước, những người hầu khác không ai hỏi chú là có quyền gì. Thế là mới chín tuổi, chú đứng ra đảm đương trách nhiệm đối với các bạn tù khác ở đây. Mọi người, vốn hàng ngày rất bình thản nhưng quá khiếp sợ với cảnh tự nhiên bị giam giữ ở hầm nhà này, chẳng lấy làm lạ về việc một chú bé chín tuổi nắm vận mệnh của họ. Trong nhà hầm, chú trở thành người chủ của các tù nhân. Chú chia số người hầu ra làm ba nhóm, mỗi nhóm tám người, cộng tất cả hai mươi bốn, cố xếp cho các gia đình được ở cùng với nhau một chỗ. Ba nhóm người này luân phiên nhau đổi chỗ, tám giờ đầu trong ngày được lên tầng trên để có ánh sáng, không khí, ăn uống và vận động thân thể. Tốp thứ hai là phổ biến nhất trong tám giờ đó là làm việc phục vụ bọn chiếm đóng lâu đài, còn tám giờ cuối trong ngày là xuống ngủ ở tầng hầm dưới. Không ai, trừ Nam tước và Florentyna, có thể biết được Wladek ngủ vào lúc nào, vì cuối mỗi ca chú đều có mặt tại chỗ để giám sát việc họ luân chuyển. Cứ mười hai tiếng đồng hồ lại chia thức ăn một lần. Bọn lính gác sẽ giao cho chú một bọc sữa dê, bánh mì đen, kê hoặc thỉnh thoảng là một ít bạc. Wladek chia số đó ra làm hai mươi tám phần, bao giờ cũng nhường cho Nam tước hai suất nhưng không để cho ông ta biết.
Mỗi khi thu xếp xong một ca làm việc rồi, chú trở về chỗ Nam tước ở căn hầm nhỏ. Lúc đầu, chú chờ đợi ở Nam tước đôi điều hướng dẫn nào đó, nhưng lâu dần chú thấy cái nhìn của ông cũng dữ dội và lạnh nhạt chả kém gì cái nhìn của bọn lính gác Đức. Từ khi bị bắt giam ở chính lâu đài của mình đến giờ, Nam tước không hề thốt ra một lời nào. Râu của ông đã mọc dài đến ngực. Cái dáng khỏe mạnh của ông đã bắt đầu hom hem. Cái vẻ tự hào trước kia của ông đã chuyển sang nhịn nhục. Wladek hầu như không còn nhớ lại được cái giọng nói dễ thương của anh trước đây nữa. Chú nghĩ có lẽ không bao giờ còn nghe lại được tiếng nói ấy. Dần dà, chú cũng im lặng, không nói gì, chỉ làm theo những gì Nam tước muốn nhưng không nói thành lời mà thôi.
Trước đây sống trong cảnh an toàn của lâu đài, Wladek không bao giờ nghĩ đến chuyện đã xảy ra ngày hôm trước, vì hàng ngày hàng giờ chú cú những việc bận mới. Nhưng bây giờ thì chú không thể nhớ được chuyện gì vừa xảy ra lúc nãy, vì cuộc sống không hề có tí gì thay đổi. Những phút vô hy vọng biến thành giờ, giờ biến thành ngày, ngày biến thành tháng, và cứ thế trôi đi không để lại dấu vết gì. Chỉ có thức ăn đưa đến, chỉ có ánh sáng và bóng tối, cho biết là mươi hai tiếng đồng hồ đã trôi qua. Chỉ có ánh sáng nhiều hay ít, tùy ở trời quang hay có giông bão, rồi đến băng tuyết đóng trên tường hầm, và khi có ánh sáng rọi vào nó lại chảy ra, là báo cho biết từ mùa này chuyển sang mùa khác, mà Wladek thì không thể nào rút ra được bài học gì của thiên nhiên cả. Qua những đêm dài, Wladek cảm thấy cái mùi ghê tởm của thần chết đã thấp thoáng ngay ở những góc xa xa của tường hầm, chỉ đến lúc có chút nắng của buổi sáng chiếu vàom hoặc một làn gió lạnh, hoặc có trận mưa kéo đến thì mới xua tan được nó đi phần nào mà thôi.
Cuối một ngày giông bão liên miên, Wladek và Florentyna lợi dụng trời mưa ra tắm rửa ở vũng nước hình thành trên nền đá của tầng hầm trên. Cả hai người đều không để ý đến cặp mắt của Nam tước đang trợn trừng lên nhìn Wladek khi chú cởi chiếc sơ mi rách ra cuộn tròn bỏ xuống chỗ nước còn tương đối sạch, và lấy tay kỳ cọ người chú đến trắng bệch. Bỗng nhiên, Nam tước lên tiếng.
- Wladek, - tiếng nói nghe không rõ lắm, - ta không nhìn rõ được cháu lắm. Cháu lại đây coi.
Wladek hoảng hồn khi nghe thấy tiếng nói của ông chủ mình, vì đã lâu lắm chú chỉ thấy ông im lặng. Thậm chí chú không nhìn về phía có tiếng nói nữa. Chú chợt nghĩ ngay đó là cái điềm báo trước một tình trạng điên dại đã từng xảy đến với hai người hầu già trước đây.
- Lại đây, cháu.
Wladek sợ hãi bước đến trước mặt Nam tước. Ông nheo đôi mắt và giơ tay sờ vào người chú. Ông lần ngón tay lên ngực Wladek rồi nhìn chú rất kỹ.
- Wladek, cháu có thể giải thích cho ta biết tại sao lại có chút khuyết điểm trên cơ thể cháu thế này không?
- Không, thưa ông, - Wladek lúng túng nói. - Từ khi cháu sinh ra đã thế rồi. Mẹ nuôi cháu thường nói là dấu Đức chúa đã để lại trên người cháu.
- Những người đàn bà ngốc thế. Đây là cái dấu của chính cha đẻ của cháu.
Nam tước nhẹ nhàng nói, rồi im lặng mấy phút. Wladek vẫn cứ đứng trước mặt ông, không động đậy. Nam tước lại lên tiếng, lần này giọng dứt khoát hơn.
- Ngồi xuống, cháu.
Wladek tuân theo lời ông ngay. Lúc ngồi xuống, một lần nữa chú lại để ý cái vòng bạc đeo lủng lẳng ở cổ tay Nam tước. Chút ánh sáng từ khe tường rọi vào khiến cho huy hiệu Rosnovski của ông lóe lên trong bóng tối của căn hầm.
- Ta không biết bọn Đức có ý muốn giam giữ chúng ta ở đây bao nhiêu lâu nữa. Lúc đầu ta nghĩ cuộc chiến tranh này chỉ mấy tuần lễ. Nhưng ta đã nhầm. Bây giờ chúng ta phải xét đến khả nẳng nó sẽ còn tiếp tục một thời gian rất lâu nữa. Vì nghĩ như vậy, cho nên chúng ta phải biết sử dụng thời gian một cách có tính chất xây dựng hơn, mà ta thì biết mình cũng sắp chết rồi.
- Không, không, - Wladek lên tiếng ngăn lại, nhưng Nam tước vẫn nói tiếp, coi như không nghe thấy chú.
- Còn đời cháu thì bây giờ mới bắt đầu. Do đó, ta sẽ tiếp tục làm cái việc dạy dỗ cho cháu.
Ngày hôm đó, Nam tước không nói thêm gì nữa. Hình như ông đang suy ngẫm về ý nghĩ lời tuyên bố của mình. Thế là Wladek đã có được một ông thầy học mới. Do hai người không có sách vở và phương tiện viết lách gì, nên Nam tước nói câu nào là bắt chú phải nhắc lại câu đó. Ông dạy chú những đoạn thơ dài của Adam Mickiewicz và Jan Kochanowski (hai nhà thơ Ba Lan thế kỷ 19) cùng những phần trích từ Aenied (anh hùng ca tiếng La-tin của Virgil, nhà thơ La Mã, 79-19 trCN). Trong cái lớp học đơn giản ấy, Wladek đã được biết thế nào là địa lý, toán, và chú nắm thêm được bốn ngoại ngữ nữa là Nga, Đức, Pháp và Anh. Nhưng thú vị nhất đối với chú là những lúc chú được học về sử. Đó là sử của đất nước hàng trăm năm bị chia cắt, của những hy vọng bất thành về một nước Ba Lan thống nhất, của nỗi lo âu của những người dân Ba Lan khi Napoleon thất bại thảm hại trước quân Nga năm 1812. Chú được học về những chuyện dũng của cảm của những thời quang vinh đã qua do vua Jan Casimir đánh lui người Thụy Điển ở Czestochowa và hiến dâng đất nước này cho Đức mẹ đồng trinh, về chuyện Hoàng tử Radziwill, một người rất nhiều quyền thế, một đại địa chủ và một nhà săn bắn nổi tiếng, đã lên ngôi và thiết triều của mình ở lâu đài lớn gần Warsaw như thế nào. Bài học cuổi mỗi ngày của Wladek là về lịch sử gia đình của dòng họ Rosnovski. Chú được nghe nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần về tổ tiên vẻ vang của Nam tước đã phục vụ trong quân ngũ năm 1794 dưới quyền của chính Napoleon, và sau đó được Hoàng đế thưởng công, cấp đất và ban tước. Chú cũng được biết là ông nội của Nam tước đã từng có chân trong Hội đồng Warsaw, rồi sau đó bố đẻ của Nam tước cũng có một vai trò trong việc xây dựng đất nước Ba Lan mới. Wladek cảm thấy rất hạnh phúc việc Nam tước đã biến căn hầm nhỏ này thành một lớp học.
Lính gác đứng ngoài cửa hầm cứ bốn giờ lại một lần đổi phiên. Chúng bị cấm không được nói chuyện với tù nhân. Thoáng nghe những mẫu chuyện giữa chúng với nhau, Wladek có thể biết được về diễn biến của cuộc chiến tranh, về những việc chúng đang tiến hành ở Hindenburg và Ludendorff, về cách mạng nổi lên ở nước Nga và nước này đã rút khỏi chiến tranh bằng Hòa ước Brest-Litovsk.
Wladek bắt đầu nghĩ rằng con đường thoát duy nhất của tất cả những người ở dưới căn hầm này chỉ có chết. Trong hai năm sau đó, cánh cửa dẫn xuống địa ngục đã mở ra chín lần, và Wladek cũng tự hỏi nếu như mình không được tự do thì tất cả những kiến thức chú được trang bị này sẽ coi như vô ích.
 
Nam tước tiếp tục dạy cho chú mặc dầu tai và mắt ông đã dần kém đi. Mỗi ngày Wladek lại phải ngồi xích gần ông thêm một ít.
Florentyna, người vừa là chị vừa là mẹ vừa là bạn gần gũi nhất của chú, đã phải rất vất vả đối phó với tình trạng ô uế trong căn hầm. Thỉnh thoảng bọn lính gác đem đến cho một chậu cát hoặc một ít rơm rạ để trải lên nền nhà. Như vậy cũng đỡ được hôi thôiứ trong vài ngày. Chuột bọ chạy ra chạy vào chỗ tối nhặt nhạnh những mẩu bánh hay mẩu khoai rơi vãi, nhưng chúng cũng đem theo đủ các thức bẩn thỉu với bệnh tật. Mùi nước tiểu với của cả người lẫn súc vật hóa vào nhau xông lên săc sụa đến không thở được. Wladek lúc nào cũng thấy mình như người ốm, chỉ muốn nôn mửa. Chú rất thèm khát làm sao được sạch sẽ trở lại. Chú ngồi hàng giờ nhìn lên trần hầm nhớ lại những bồn nước tắm bốc hơi và có cả xà phòng của cô bảo mẫu mang đến cho Leon với chú sau một ngày họ chơi đùa thỏa thích. Chỗ đó cũng ở trong lâu đài này, cách chỗ chú đang ngồi không xa lắm, nhưng chuyện ấy đã từ bao giở bao giờ rồi.
Đến mùa xuân 1918, chỉ còn mười lăm trong số hai mươi sáu người bị giam cùng với Wladek là còn sống. Nam tước vẫn được mọi người đối xử như với một ống chủ, con Wladek thì được coi như người quản lý của ông. Wladek cảm thấy rất buồn cho Florentyna mà chú rất yêu quý. Florentyna đến giờ đã hai mươi tuổi rồi. Cô đã hoàn toàn thất vọng về cuộc đời mình và cô tin rằng những ngày còn lại của cuộc đời mình sẽ chỉ là sống trong những căn hầm này thôi. Trước mặt cô, Wladek không bao giờ tỏ ra đã mất hết hy vọng, nhưng dù bây giờ mới chỉ mười hai tuổi chú cũng đã bắt đầu tự hỏi không biết mình còn có dám tin ở tương lai nữa không.
Một buổi chiều, vào đầu mùa thu, Florentyna đến bên Wladek lúc đó đang ở căn hầm lớn phía trên.
- Nam tước gọi em đấy.
Wladek đứng ngay dậy, đưa suất ăn của mình cho người hầu lớn tuổi rồi xuống gặp Nam tước. Ông đang đau nặng. Wladek nhìn thấy ông đã hốc hác đi ghê gớm, hầu như chỉ còn xương với da. Nam tước đòi uống nước, Florentyna đem đến cho ông lưng bơ nước vẫn treo bên ngoài tường đá. Uống xong rồi, ông từ từ nói với một giọng hổn hển.
- Wladek, cháu đã trông thấy nhiều cái chết rồi, nên trông thấy một người chết nữa cũng vậy thôi. Ta thú thật là bây giờ có chết ta cũng không sợ nữa.
- Không, không, không thể thế được, - Wladek kêu lên, ôm lấy Nam tước. – Chúng ta sắp gần đến ngày thắng rồi. Nam tước đừng bỏ đi. Bọn lính cho cháu biết là chiến tranh sắp kết thúc và chúng ta sắp được thả ra rồi.
- Chúng hứa như vậy từ nhiều tháng nay rồi, Wladek. Ta không thể tin chúng được nữa. Dù sao ta cũng không muốn sống trong cái thế giới mà chúng tạo ra đâu. – Ông ngừng lại nghe chú khóc. Nam tước nghĩ giá như nước mắt ấy mà uống được cũng đỡ, nhưng ông nhớ ra nước mắt là rất mặn nên cười khẩy với mình. – Cháu đi gọi ông quản gia và người hầu bàn của ta đến đây, Wladek.
Wladek làm theo nhưng trong bụng không hiểu sao lại đi gọi những người đó.
Hai người hầu đang ngủ say được đánh thức dậy đến đứng trước mặt Nam tước. Sau ba năm bị bắt giam, đối với họ chỉ việc ngủ là dễ làm nhất. Họ vẫn còn mặc bộ đồng phục thêu hoa, nhưng những màu xanh và vàng của nhà Rosnovski mà họ tự hào mặc trên người mình bây giờ không còn ra màu gì nữa. Họ đứng yên lặng nghe ông chủ nói.
- Họ đã đến đây chưa, Wladek? – Nam tước hỏi.
- Dạ, đã. Ông không nhìn thấy nữa sao? – Wladek bây giờ mới hiểu ra là Nam tước đã mù hẳn rồi.
- Bảo họ đến gần đây để ta sờ vào người họ.
Wladek đưa hai người đến gần Nam tước sờ vào mặt.
- Hãy ngồi xuống đây, - Nam tước nói. – Các anh có nghe được ta nói không, Ludwik, Alfons?
- Dạ có.
- Tên ta là Nam tước Rosnovski.
- Thưa ngài, chúng tôi biết, - người quản gia đáp.
- Đừng ngắt lời ta, - Nam tước nói. – Ta sắp chết rồi.
Chết đã thành chuyện bình thường nên hai người không có phản ứng gì.
- Ta không thể làm được bản di chúc mới ở đây vì không có giấy bút hay mực gì hết. Vì vậy ta làm bản di chúc đó trước mặt các người ở đây, hai anh hãy làm chứng cho ta, theo luật cổ của nước Ba Lan đã thừa nhận như vậy. Hai anh hiểu ta nói gì không?
- Dạ, hiểu, - hai người cùng đáp.
- Đứa con đầu lòng của ta là Leon đã chết rồi, - Nam tước ngừng lại một lát . – Vì vậy, ta để lại toàn bộ đất đai tài sản của ta cho đứa nhỏ có tên là Wladek Koskiewicz.
Wladek đã nhiều năm không nghe nói đến tên họ của mình nên chú chưa hiểu được ý nghĩa những lời Nam tước vừa nói.
- Và để chứng minh cho quyết định của ta, - Nam tước nói tiếp. – ta giao cho nó cái vòng tay của gia đình.
Ông từ từ giơ cánh tay phải lên, rút chiếc vòng ra khỏi cổ tay và đưa nó ra phía trước cho Wladek. Chú im lặng, không biết nói gì. Nam tước chỉ nắm chặt lấy chú, đưa ngón tay sờ lên ngực chú để biết chắc đó là Wladek.
- Còn ta, - ông thốt lên và lồng chiếc vòng bạc vào cổ tay chú bé.
Wladek khóc và suốt đêm nằm trong cánh tay Nam tước, cho đến lúc chú không còn nghe tiếng tim ông đập nữa và cảm thấy những ngón tay ôm vào người chú đã cứng ra. Đến sáng, xác Nam tước được bọn lính gác đem ra bên ngoài, và chúng cho phép Wladek được đem ông chôn lên bên cạnh mộ con trai ông, Leon, ở trong sân nhà thờ, gần tháp chuông. Wladek lấy tay không bới đất. Một nông choèn. Lúc đặt xác Nam tước xuống, chiếc áo sơ mi rách của ông bất tung ra. Wladek nhìn vào ngực Nam tước. Ông chỉ có một bên vú.
Thế là Wladek Koskiewciz, mười hai tuổi, thừa kế 60000 mẫu đất, một lâu đài, hai trang viên, hai mươi bảy ngôi nhà nông thôn, một bộ sưu tập tranh quý giá, nhiều bàn ghế đồ đạc châu báu khác, trong khi đó chú sống ở căn hầm bằng đá dưới đất. Từ hôm đó trở đi, tất cả những người bị bắt giam còn lại đều coi chú như ông chủ có đầy đủ quyền hành đối với họ. Giang sơn của chú bây giờ là bốn căn hầm. Hầu hạ thì có mười ba kẻ ốm yêu với một người duy nhất còn lại cho chú yêu quý là Florentyna.
Chú trở về với nếp sống tưởng như vô tận ở dưới hầm cho đến cuối mùa đông năm 1918. Vào một ngày ấm áp, khô ráo, bỗng có một loạt tiếng súng nổ vang gần đó và nghe như có vật lộn gì ở phía trên. Wladek tin chắc là quân đội Ba Lan đã về cứu sống và bây giờ chú sẽ có thể đàng hoàng đòi họ nhận quyền thừa kế của mình. Bọn lính người Đức không còn đứng ngoài cửa hầm nữa. Các tù nhân lặng lẽ ngồi xích lại gần nhau ở tầng hầm phía dưới. Wladek đứng một mình ở cửa ra vào, xoay chiếc vòng bạc ở cổ tay với một vẻ đắc thắng, và chờ người đến giải phóng. Những người thắng trận quả đã đến. Nhưng họ nói bằng thứ tiếng Xlavơ khàn khàn, thứ tiếng mà hồi đi học chú đã được biết và nghe còn sợ hơn cả tiếng Đức nữa. Wladek và tất cả bị lôi ra bên ngoài ngồi chờ. Họ bị khám xét lục soát một lần nữa rồi lại bị tống trở lại các căn hầm. Bọn mới chiếm đóng ở đây không hề biết rằng chú bé mười hai tuổi này chính là chủ nhân của tất cả những gì đang diễn ra trước mặt họ. Họ không nói tiếng Ba Lan. Nhưng những gì họ nói chú đều hiểu hết: ai chống lại hòa ước Brest-Litovsk là giết luôn, phần đất Ba Lan này là thuộc về họ, còn những ai không chống lại cũng cho tất cả về Trại 201 để sống nốt những ngày cuối cùng. Bọn Đức chỉ chống lại qua loa rồi bỏ chạy, rút về sau đường ranh giới mới. Wladek và mọi người lại chờ xem sẽ còn những gì xảy ra, không biết số phận của mình như thế nào.
 
Hai Số Phận - Chương 08
Dậy đi! Bé con? Dậy đi! Một tên lính thúc báng súng vào cạnh sườn Wladek. Chú giật mình ngồi dậy, nhìn nấm mộ của chị chú, cả Leon và của Nam tước. Rồi chú ngước nhìn tên lính. Chú không còn giọt nước mắt nào nữa.

- Tôi sẽ sống. Anh không giết tôi được, - Chú nói bằng tiếng Ba- Lan. - Đây là nhà của tôi. Các anh đang ở trên đất của tôi.

Tên lính nhổ toẹt vào Wladek một cái và đẩy chú về bên bãi cỏ đang có tất cả đám người hầu ở đó, người nào cũng mặc bộ áo ngủ màu xám trên lưng đều có ghi số. Vừa trông thấy thế Wladek đã khiếp sợ. Chú biết là mình sẽ không tránh khỏi số phận ấy. Tên lính dẫn chú về phía sau lâu đài và bảo quỳ xuống.

Chú nghe có tiếng dao trên đầu và thấy mớ tóc đen rậm của chú rụng xuống cỏ. Chỉ độ mươi nhát như thế là họ đã cạo sạch tóc trên đầu chú, chẳng khác gì người ta cắt lông cừu. Sau đó chú được lệnh mặc vào người bộ đồng phục mới, tức bộ áo ngủ màu xám gồm một chiếc sơ mi rộng thùng thình và một chiếc quần. Wladek cố giấu chiếc vòng bạc đeo ở cổ tay. Rồi chú được dẫn ra nhập bọn với đám người hầu ở phía trước lâu đài Họ đứng chờ trên bãi cỏ. Bây giờ không ai còn tên gì nữa, chỉ có số. Wladek bỗng nghe xa xa có tiếng ồn rất lạ tai. Chú quay về hướng có tiếng ghê rợn ấy. Một chiếc xe từ ngoài cổng sắt lớn tiến vào. Xe này có bốn bánh, không có ngựa hay bò kéo mà nó di chuyển được Tất cả tù nhân đều nhìn vào đó mà không tin ở mắt mình. Khi chiếc xe đó dừng lại, bọn lính kéo đám tù nhân đến gần và bắt trèo lên xe. Rồi chiếc xe không có ngựa kéo ấy quay đầu đi ra ngoài những hàng cổng sắt. Không một ai dám mở miệng nói gì.

Wladek ngồi phía sau xe, đăm đăm nhìn lại tòa lâu đài của chú cho đến lúc không còn thấy những tháp gôtích trên nóc nó nữa.

Chiếc xe không có ngựa kéo chạy về phía làng Slonim. Wladek vừa không hiểu sao chiếc xe đó chạy được vừa không biết nó đưa mọi người đi đâu. Chú bắt đầu nhận ra những con đường chú đã từng đi học trước đây. Ba năm sống dưới hầm lâu đài khiến chú không còn nhớ được những con đường ấy đi đến tận nơi nào. Đi được mấy dặm thì chiếc xe dừng lại và mọi người bị xua xuống. Ra đây là nhà ga xe lửa.

Wladek chỉ mới trông thấy chỗ này một lần trong đời, tức là khi chú cùng Leon ra đón Nam tước ở Warsaqu về. Chú còn nhớ là khi họ bước vào sân ga thì người lính gác ở đó đã giơ tay chào. Lần này không có ai chào, và tù nhân thì chỉ được uống sữa dê, ăn. súp củ cải và bánh mì đen. Wladek lại được đứng ra nhận thức ăn về đem chia cho mười ba người còn lại với chú. Chú ngồi trên một chiếc ghế gỗ và đoán rằng họ đang chờ một chuyến xe lửa. Đêm đó, mọi người nằm ngủ trên đất nhìn trời sao. Nếu so với căn hầm thì đây đã là thiên đường rồi. Chú cảm ơn Chúa là mùa đông này không lấy gì làm rét lắm.

Đến sáng hôm sau, mọi người vẫn chờ đợi. Wladek hướng dẫn mọi người vận động một chút, nhưag chỉ được vài phút thì phần lớn đã gục xuống. Chú bắt đầu nhẩm trong bụng để nhớ tên những người cho đến hôm nay còn sống sót. Tất cả còn lại có mười hai người đàn ông, hai người đàn bà, trong số hai mươi bảy người đã bị giam trong hầm trước đây. Cả ngày hôm ấy họ vẫn cứ phải ngồi chờ chuyến xe lửa mà không thấy nó đến. Có một chuyến tàu đến nhưng chỉ thả thêm lính xuống đây, rồi lại đi mà không chở đám người của Wladek. Họ lại ngủ một đêm nữa trên đất.

quladek nằm nhìn lên trời sao trong bụng nghĩ không biết có thể làm thế nào để trốn đi được. Trong đêm, một trong số mười ba người của chú bỏ chạy sang bên kia đường xe lửa, nhưng chưa sang được đến nơi đã bị lính bắn chết. Wladek chăm chăm nhìn vào chỗ đồng bào của chú vừa ngã xuống. Chú sợ không dám cbạy ra cứu vì rất có thể lại cùng chịu số phận ấy Sáng hôm sau, bọn lính gác cứ để xác chết đó nằm trên đường để đe những người khác đừng có bắt chước chạy mà chết.

Không ai nói gì về chuyện đã xảy ra, nhưng suốt ngày hôm đó mắt Wladek không rời được người đã chết. Người đó chính là Ludquik, một trong hai người đã đến làm chứng lúc Nam tước dặn dò. để lại gia tài cho Wladek.

Vào buổi tối ngày thứ ba, một chuyến xe lửa khác từ từ lăn bánh vào ga. Một chiếc đầu tầu rất to chạy bằng hơi nước kéo theo một lô toa chở hàng và chở hành khách. Những toa chở hàng chất đầy rơm và hai bên sườn có viết chữ Gia Súc. Một số toa khác đã chở toàn những tù nhân mà Wladek trông họ cũng nhem nhuốc như đám người của chú vậy. Chú và tốp người của chú bị vứt ìên một trong những toa đó để bắt đầu một cuộc hành trình. Phải chờ mấy tiếng đồng hồ nữa đoàn tàu mới bắt đầu ra khỏi ga và đi về một hướng mà Wladek đoán là hướng Đông vì mặt trời đang lặn phía sau.

Cứ ba toa lộ thiên thì có một lính gác ngồi bắt tréo chân ở toa trên có mái. Suốt dọc đường tưởng như không bao giờ hết ấy, thỉnh thoảng lại có tiếng súng bắn trên tàu, khiến Wladek nghĩ có muốn chạy trốn cũng vô ích.

Lúc tàu đỗ lại ở Minsk, họ được cho ăn một bữa đầu tiên gồm bánh mì đen, nước uống, lạc và kê. Rồi lại đi tiếp Có khi họ đi đến ba ngày trời mà chẳng thấy một ga nào. Rất nhiều người trên tàu này bị đói lả và chết. Họ bị vứt xuống đường trong khi tàu đang chạy. Khi tàu dừag lại, có khi họ phải chờ đến hai ngày đề nhường đường cho tàu khác đi về phía Tây.

Những chuyến tàu ấy thường là chở đầy lính. Wladek hiểu ra là tàu chở quân đội bao giờ cũng được ưu tiên đi trước. Trong đầu Wladek lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện trốn, nhưng có hai điều khiến chú chưa dám thực hiện tham vọng ấy. Thứ nhất là chú thấy hai bên đường tàu chỉ toàn là rừng thẳm không biết đến đâu mới hết, và thứ hai là tất cả những người còn sống sót ở nhà hầm ra đây đều chỉ biết dựa vào chú. Chính Wladek là người lo ăn uống cho họ và cố động viên cho họ còn muốn sống. Chú là người trẻ nhất trong cả bọn và cũng là người cuối cùng tin ở cuộc sống.

Từ đây trở đi, đêm nào cũng rất lạnh, có khi lạnh tới 30 độ dưới không. Họ phải nằm sát vào nhau trên sàn để người nọ truyền hơi ấm sang cho người kia.

Wladek thầm đọc lại những đoạn Aeneid để cố ngủ cho được. Nếu một người muốn giở mình thì tất cả những người khác đều phải đồng ý giở mình một lượt mới được. Wladek nằm ở đằng đầu và cứ qua mỗi giờ đồng hồ, chú đoán như vậy vì chỉ có thể căn cứ vào bọn lính đổi gác, thì chú lại ìấy tay gõ vào thành xe và mọi người lại cứ thế trở mình quay sang phía kia.

Một đêm, có một người không trở mình được nữa. Họ báo cho Wladek biết và chú báo lại cho tên lính gác biết. Đó là một người đàn bà trong nhóm, và bà ta đã chết. Phải bốn người mới nhấc được xác bà ta lên và vứt xuống cạnh đường trong khi tàu vẫn đang chạy.

Tên lính gác còn bắn theo xác chết một loạt đạn nữa đề biết chắc rằng đó không phải là người định trốn.

Đi quá Minsk hai trăm dặm, họ đến một thị trấn tên là Smolensk. Ở đây họ được ăn súp củ cải nóng hơn với bánh mì đen. Trong toa xe của Wladek có thêm mấy tù nhân nữa, và mấy người này nói cùng một thứ tiếng với bọn lính gác. Người cầm đầu nhóm mới này hình như cũng cùng tuổi với Wladek. Wladek với mười một người còn lại trong nhóm, mười đàn ông, một đàn bà, đã thấy nghi ngờ ngay bọn mới lên này. Họ chia toa xe ra làm hai nửa, mỗi nhóm ở một bên toa.

Một đêm trong khi Wladek đang nằm thức và ngắm nhìn trời sao, chờ cho người nóng lên, chú bỗng thấy tên cầm đầu của nhóm người mới lên ở Smolenski bò đến chỗ người nằm ngoài của nhóm chú, tay hắn cầm một sợi dây thừng. Chú trông rõ thấy hắn luồn sợi dây vào cổ Alphons lúc này đang ngủ. Alphons là người hầu cận của Nam tước trước đây. Wladek biết rằng nếu mình nhổm dậy ngay thì hắn sẽ nghe thấy và chạy về đầu toa bên kia, vì thế chú khẽ bò dọc theo nhóm người của chú. Họ biết chú bò qua mình nhưng không ai lên tiếng.. Đến cuối hàng, chú nhảy chồm lên người tên kia. Mọi người trong toa thức dậy ngay. Ai nấy kéo dồn về một đầu toa, trừ có Alphons nằm lại đó không động đậy. Tên cầm đầu đám Smolenski cao lớn và nhanh nhẹn hơn Wladek. Nhưng vật nhau trên sàn toa thì cũng như nhau cả. Cuộc đấu diễn ra đến mấy phút.

Bọn gác nhìn cười và đánh cuộc xem ai được. Một tên thấy đánh nhau mà không có máu thì không thích, bèn quẳng một chiếc lưỡi lê xuống giữa sàn tàu. Cả hai tranh nhau giành lấy lưỡi lê sáng loáng. Tên Smolenski vớ được trước. Hắn đâm một nhát vào cạnh chân Wladek tóe máu. Bọn người Smolensk thấy thế hoan hô. Nhát đâm thứ hai trượt qua tai Wladek cắm xuống sàn tàu. Hắn chưa kịp rút lười lê lên được thì Wladek đã dùng hết sức mình thúc một cái thật mạnh vào dái hắn. Hắn ngửa người ra sau và phải rời tay khỏi lưỡi lê, quladek chồm lên, nắm lấy cán lưỡi lê và đè lên người tên Smolenski, thọc một nhát vào miệng hắn. Hắn thét lên một tiếng làm náo động cả đoàn tàu. Wladek rút lưỡi lê ra rồi lại liên tiếp thọc xuống mấy nhát nữa cho đến khi tên kia hết cựa quậy.

Wladek quỳ lên người hắn thở dốc rồi lát sau nhấc người hắn lên vứt ra ngoài tàu. Chú nghe rõ tiếng xác hắn rơi đánh huych xuống cạnh đường tàu và cả tiếng súng của bọn gác bắn theo.

Wladek loạng choạng đi đến chỗ Alphons còn nằm đó. Chú quỳ xuống bên cạnh. Anh ta đã chết thật rồi. Thế là người làm chứng thứ hai của chú cũng chết nốt.

Bây giờ còn có ai tin được Wladek là người Nam tước đã chọn ra để thừa kế gia sản của ông nữa? Cuộc đời thế là không còn mục đích gì nữa rồi.

Chú cúi gục xuống, nắm chặt hai tay vào cán và xoay mũi lưỡi lê vào bụng. Bỗng một tên lính gác nhảy xuống giằng lưỡi lê ra khỏi tay chú.

ô không được, không được, - Hắn càu nhàu.

"Chúng tao cần có những người sống như mày ở trong trại giam. Đừng hòng chúng tao làm mọi việc, nghe không".

Wladek ôm hai tay lên đầu. Bây giờ chú mới thấy đau buốt ở chỗ chân bị lưỡi lê đâm lúc nãy. Chú đã mất hết cả gia tài, để bây giờ cầm đầu luôn cả lũ người Smolenski kia nữa. Cả toa tàu bây giờ là giang sơn của chú, và chú phải quản hai chục tù nhân. Chú lập tức chia họ ra để mỗi người Ba- lan bao giờ cũng nằm kề với một người Smolenski, và như vậy giữa hai nhóm không còn có chuyện lục đục với nhau được nữa.

Wladek bỏ thì giờ ra đề học cái ngôn ngữ quái lạ của họ. Mãi sau chú mới biết đó chính là tiếng Nga, rất khác với thứ tiếng Nga cổ điển mà Nam tước đã dạy cho chú. Và bây giờ thì chú biết là đoàn tàu đi về hướng nào.

Ban ngày, chú lấy ra hai người Smolenski để dạy tiếng của họ cho chú. Khi nào hai người đó mệt quá rồi, chú lại lấy hai người khác, cứ thế cho đến lúc cả bọn người đó mệt rũ.

Dần dần chú đã có thể nói chuyện dễ dàng với bọn người mới phụ thuộc vào chú. Chú phát hiện ra một số trong bọn đó là lính Nga, sau khi về nước bị đi đày ngay về cái tội đã để cho bọn Đức bắt làm tù binh. Số còn lại là người Bạch Nga, toàn là dân làm ruộng, làm mỏ và lao động bình thường nhưag đều là những người rất chống đối cách mạng.

Đoàn tàu đi tiếp đến những vùng đất trơ trụi mà Wladek chưa hề thấy bao giờ. Họ đi qua những thị trấn chú cũng chưa từng nghe nói đến bao giờ, như omsk, ovosibirsk, Krasnoyarsk. Chỉ những nghe đến tên thôi chú cũng đã thấy sợ. Cuối cùng, sau hai tháng trời và qua hơn ba ngàn dặm họ đến được irkutsk, và đến đây là hết đường sắt.

Họ bị xua ra khỏi tàu, được cho ăn uống và được phát những đôi giày bằng da thô, và những chiếc áo choàng rất nặng. Họ phải tranh nhau để giành lấy áo ấm nhưng cũng chẳng có thứ áo nào chống nổi cái lạnh mỗi lúc một ghê gớm hơn.

Lúc sau thấy xuất hiện những chiếc xe không có ngựa kéo, giống như loại xe Wladek đã thấy lúc rời khỏi lâu đài. Họ quẳng xuống một loạt những dây xích. Các tù nhân bị khóa một tay vào dây xích dài ấy mỗi bên hai mươi lăm ngưởi. Bọn lính gác trèo lên xe, còn đám tù nhân đi theo với dây xích buộc vào xe.

Họ cứ đi bộ như thế liền trong mười hai tiếng đồng hồ, được nghỉ lại hai tiếng rồi lại đi tiếp. Sau ba ngày. Wladek tưởng mình sẽ chết vì lạnh và mệt, nhưng ra khỏi những vùng có dân cư rồi, họ chỉ phải đi ban ngày, còn ban đêm được nghỉ. Một bếp lưu động của tù nhân trong trại cứ sáng ra và tối trước khi nghỉ cho họ ăn xúp củ cải và bánh mì. Wladek hỏi những tù nhân trong trại thì được biết rằng tình hình ở đó còn tệ hơn.

Trong tuần đầu, họ không được tháo ra khỏi xích nhưng dần dà thấy không ai có thể nghĩ đến trốn chạy được nữa, họ được tháo xích vào ban đêm để ngủ. Tù nhân phải tự đào lấy hố trong tuyết để tìm chỗ ấm. Đôi khi vào những ngày nắng ráo họ tìm được một khu rừng để ngả lưng, nằm ngổn ngang khắp chỗ. Họ vẫn tiếp tục đi qua những hồ nước rất rộng và những con sông băng giá. Họ đi mãi về phía bắc, gió càng lạnh, tuyết càng dầy. Chỗ chân bị thương của Wladek luôn luôn đau buốt, nhưng đến giờ thì hai tai và các đầu ngón tay bị giá lạnh còn buốt hơn nữa. Chung quanh là cả một khoảng mênh mông trắng toát, không có dấu hiệu gì của sự sống và thứ gì ăn được.

Wladek biết rằng ban đêm có trốn đi đâu thì cũng sẽ chỉ chết mòn vì đói. Những người già yếu ốm đau thì đêm đêm chết dần, và như thế họ cũng còn là may mắn. Còn những người không may, không bước đi được nữa, thì được tháo ra khỏi xích và bỏ lại một mình trong bãi tuyết vô tận. Những người còn sống sót với dây xích lại đi tiếp, đi mãi về phía bắc, cho đến lúc Wladek hoàn toàn không còn khái niệm gì về thời gian nữa, chỉ còn biết tay mình vẫn bị khoá vào xích. Chú cũng không còn nhớ là mình đã đào hố vào trong tuyết đề ngủ đêm và sáng hôm sau tỉnh dậy như thế nào nữa. Những ai không còn biết được như vậy coi như đã sắp đào mồ để chôn chính mình rồi. Sau một chặng dài chín trăm dặm, những người nào còn sống sót thì được dân ostyak đem xe trượt do hươu kéo ra đón. Ostyak là dân du mục trên thảo nguyên Nga. Bây giờ tù nhân lại bị xích vào những xe trượt ấy và được dẫn đi tiếp. Gặp một trận bão tuyết lớn đoàn tù phải dừng lại mất gần hai ngày. Wladek tranh thủ nói chuyện được với một tay ostyak trẻ trên chiếc xe trượt mà chú đang bị xích vào đó. Chú dùng thứ tiếng Nga cổ với giọng Ba lan để nói lõm bõm với anh ta được ít câu. Chú phát hiện ra một điều là dân ostyak cũng rất ghét những người Nga ở phía nam, vì họ đối đãi với dân này tồi tệ chẳng khác gì với các tù nhân. Dân ostyak do đó cũng có phần nàó cảm tình với những người tù tội nghiệp không có tương lai này. Họ gọi tù nhân ìà những người bất hạnh.

Chín ngày sau, trong ánh sáng mờ mờ của đêm mùa đông Bắc cực, họ đến được Trại 201. Wladek không thể nào ngờ được rằng mình còn có cái may mà trông thấy chỗ này. Trước mắt chú là một dãy những căn lều bằng gỗ và một khoảng không gian mênh mông trống rỗng. Những căn lều cũng đánh số như tù nhân vậy. Lều của Wladek số 33. Giữa căn lều có một chiếc lò nhỏ đen sì. Chung quanh là những dãy giường ván có đệm rơm ở trên với chiếc chăn mỏng.

Trong đêm đầu không có mấy tù nhân ngủ được. Tiếng gào tiếng khóc trong Lều 33 có khi còn to hơn cả tiếng gầm rú của chó sói ở bên ngoài.

Sáng hôm sau, ngay từ lúc mặt trời chưa mọc, họ đã bị tiếng gõ vào thanh sắt tam giác đánh thức dậy.
 
Sương giá đóng đầy cả hai mặt cửa sổ khiến Wladek nghĩ thế nào mình cũng chết rét. ăn sáng chỉ được kéo dài mười phút trong một gian chung lạnh buốt với một bát cháo kê hơi âm ấm trong có vài miếng cá mòi và một cọng rau cải nổi lềnh bềnh. Những người mới đến bỏ xương cá lên bàn, nhưng những tù nhân đã quen với cảnh ở đây rồi thì ăn hết xương và cả mắt cá nữa.

ăn sáng xong, họ được giao nhiệm vụ. Wladek trở thành anh chặt củi. Anh được dẫn đi bảy dặm đến một khu rừng hoang và được lệnh mỗi ngày phải chặt được một số cây nhất định. Tên lính gác bỏ anh lại đó với nhóm sáu người và suất ăn của họ gồm có một ít cháo kê vàng nhạt nhẽo và bánh mì. Bọn lính gác không sợ có tù nhân nào dám trốn, vì đến được thị trấn gần đó nhất cũng phải một nghìn dặm và dù có biết hướng đi cũng không đi nổi.

Đến cuối ngày tên lính gác sẽ quay lại đếm số củi đã chặt được. Anh ta cũng đã nói trước với tù nhân là nếu chặt không đủ số củi quy định thì anh ta sẽ giữ thức ăn lại đến hôm sau mới phát. Nhưng lúc anh ta quay lại thì đã bảy giờ tối, chỉ còn thu thập được cho đầy đủ tù nhân thôi, chứ không nhìn được xem họ đã chặt bao nhiêu củi. Wladek bày cho những người trong nhóm biết cách để một phần thời gian buổi chiều quét dọn tuyết trên đống củi đã chặt hôm trước và xếp vào cùng với củi chặt hôm sau. Cách đó của anh rất có hiệu quả, vì vậy nhóm của Wladek không ngày nào bị cắt suất ăn cả. Đôi khi họ cố gắng đem theo một ít củi về trại bằng cách buộc nó vào chân ở trong quần, để đến đêm có thể cho vào lò mà sưởi.

Nhưng họ cũng phải rất cẩn thận vì mỗi lần ra vào đều bị khám xét kỹ lưỡng. Nếu chẳng may bị bắt mang theo gì trong người, họ có thể bị phạt ba ngày không được ăn.

Wa mấy tuần nữa, cái chân của. Wladek bị cứng ra và rất đau. Anh mong cho có những ngày cực rét, vì khi nào thời tiết xuống tới 40 độ dưới không thì họ không phải đi làm ở ngoài trại, mặc dầu ngày ở nhà ấy sẽ phải thế bằng một ngày chủ nhật khác, mà chủ nhật thì họ thường được phép nằm nghỉ cả ngày trên giường Một buổi tối trong khi Wladek đang vác củi, anh bỗng thấy chân mình đau nhức không thể chịu nổi. Nhìn xuống vết sẹo do tên Smolenski gây ra, anh thấy nó sưng vù lên và bóng đỏ. Đêm đó anh giơ vết thương cho tên lính gác xem. Hắn bảo anh đến sáng mai sớm phải báo cho bác sĩ của trại biết. Wladek ngồi suốt đêm áp chân vào gần lò. Chung quanh lò toàn những ủng ướt. Lửa trong lò quá yếu nên không làm cho anh bớt đau tí nào.

Hôm sau Wladek dạy sớm hơn bình thường một giờ vì anh nghĩ nếu không gặp được bác sĩ trước giờ làm việc thì sẽ lại phải để đến hôm sau nữa. Nếu để qua một ngày nữa thì Wladek không thể chịu đau nổi.

Anh đến báo cáo với bác sĩ, ghi tên và số tù của anh. Pierre Dubien hóa ra là một ông già dễ tính. Ông ta hói đầu, hơi gù lưng. Wladek nghĩ có lẽ ông ta còn già hơn cả Nam tước trước khi qua đời. Bác sĩ khám chân Wladek và không nói gì.

- Vết thương có việc gì không, thưa bác sĩ? - Wladek hỏi.

Anh nói tiếng Nga được à?

- Thưa được.

- Mặc dầu, anh sẽ bị thọt, nhưng chân anh rồi sẽ khỏi. Nhưng khỏi để làm gì? Để suốt đời đi chặt củi ư?

- Không, thưa bác sĩ, cháu có ý muốn trốn và trở về Ba- lan, Wladek nói.

Bác sĩ chằm chằm nhìn anh.

Nói khẽ chứ, ngốc ở đâụ... Đến bây giờ thì anh biết là không trốn được chứ. Chính tôi đã bị bắt ở đây mười lăm năm nay rồi, và không một ngày nào là tôi không nghĩ đến trốn. Nhưng không có cách nào được. Chưa hề có ai trốn mà lại sống được, mà chỉ nói đến chuyện trốn không thôi cũng đã bị phạt giam mười ngày dưới xà- lim, mà ở đó thì ba ngày người - Ta mới cho anh ăn một lần, còn lò thì đốt chỉ đủ để tan giá ở trên tường thôi. Wa được cái đoạn trừng phạt ấy mà anh còn sống là may lắm rồi đấy.

- Cháu sẽ trốn, nhất định trốn, - Wladek nhìn ông già nói.

Bác sĩ nhìn vào mắt Wladek và mỉm cười.

- Này anh bạn ơi, chớ có nhắc đến chuyện trốn nữa, kẻo họ có thể giết anh đấy. Anh trở về làm việc đi, cố giữ cho cái chân tiếp tục vận động, rồi mỗi sáng đến đây cho tôi xem.

Wladek trở về rừng chặt củi, nhưng anh thấy bây giờ mình chỉ kéo được gỗ đi mấy bước thôi. Chân đau đến mức anh tưởng như nó sắp rụng ra. Sáng hôm sau trở lại chỗ bác sĩ, ông ta khám chân anh cẩn thận hơn.

- Chà, gay go đây, - Bác sĩ nói. - Anh bao nhiêu tuổi rồi?

- Có lẽ cháu mười ba rồi, - Wladek nói. Năm nay là năm bao nhiêu ạ?

Một nghìn chín trăm mười chín, - Bác sĩ đáp.

Vâng, mười ba. Còn ông bao nhiêu? - Wladek hỏi. Ông ta nhìn xuống đôi mắt xanh của cậu thanh niên, hơi lấy làm ngạc nhiên về câu hỏi.

- Ba mươi tám, - Ông khẽ nói. - Ôi lạy Chúa, - Wladek nói.

- Nếu anh bị tù mười lăm năm thì cũng sẽ già như tôi thôi, - Bác sĩ nói với một giọng bình thản.

Nhưng tại sao ông lại ở đây chứ? - Wladek nói. Tại sao đã bao nhiêu lâu thế mà họ không để cho ông đi?

Tôi bị bắt ở Moscoqu năm 1904, ngay sau khi, tôi có danh nghĩa bác sĩ. Tôi làm việc cho sứ quán Pháp ở đó Họ bảo tôi là gián điệp, nên bỏ tôi vào tù ở Moscoqu. Tôi nghĩ cho đến sau cách mạng cũng vậy.

Họ tống tôi vào cái địa ngục này đây. Ngay cả đến những người Pháp cũng quên rằng tôi còn sống. Cả thế giới chả ai tin được là có một chỗ như thế này. Ở cái Trại Hai- Không- Một này chưa từng có ai ở cho đến hết hạn được, vì vậy tôi sẽ chết ở đây như một người khác mà thôi. Có điều chưa chết ngay được đâu.

- Không, ông không nên mất hy vọng, Bác sĩ ạ.

- Hy vọng ? Tôi đã mất hết hy vọng từ lâu rồi. Có lẽ anh thì không, nhưng anh nên nhớ là đừng có nhắc đến hy vọng ấy với bất cứ ai. Ở đây có những tù nhân họ chỉ nghe nói thế là đi báo cáo ngay, để nhận về một phần thưởng hoặc đó là thêm một miếng bánh hoặc một chiếc khăn mà thôi. Bây giờ thế này nhé. Wladek, tôi sẽ cho anh làm việc phụ bếp trong một tháng, và suốt thời gian đó sáng nào anh cũng phải đến báo cáo. Đó là cơ hội duy nhất để anh khỏi mất cái chân kia, mà tôi có cưa chân của anh đi thì cũng chẳng sung sướng gì. Ở đây chúng tôi không có những dụng cụ giải phẫu tốt lắm đâu, - Ông vừa nói vừa nhìn lên một con dao to.

Wladek rùng mình sợ hãi.

Bác sĩ Dubien viết tên Wladek lên một mẩu giấy. Sáng hôm sau Wladek xuống trình diện dưới nhà bếp.

Anh được giao việc rửa bát đĩa trong nước lạnh cóng và chuẩn bị thức ăn không cần phải ướp lạnh. Sau một thời gian phải chặt củi suốt ngày, anh thấy đây là một sự thay đổi đáng mừng. Được ăn thêm súp cá, thêm bánh mì đen, và nhất là được ở trong nhà ấm áp. Có hôm anh được nhà bếp chia cho một nửa quả trứng mà không ai biết rằng đó là trứng con gì. Chân anh đã dần dần khỏi, tuy phải hơi chịu thọt một chút. Bác sĩ Dubien không thể có được thứ thuốc gì tử tế mà chữa cho anh, chỉ biết theo dõi từng ngày vậy thôi.

Ngày giờ trôi qua, bác sĩ trở thành người bạn của Wladek, thậm chí còn tin ở hy vọng của tuổi trẻ đối với tương lai. Mỗi sáng hai người thường nói chuyện với nhau bằng các thứ ngôn ngữ, nhưng người bạn mới kia thích nhất là được nói tiếng Pháp vì đó là tiếng mẹ đẻ.

- Trong bảy ngày nữa, Wladek, anh sẽ phải trở lại với nhiệm vụ Ở trong rừng. Bọn lính gác sẽ khám phá cái chân của anh, và tôi sẽ không thể giữ anh ở lại trong bếp nữa. Vậy anh nghe kỹ tôi nói đây nhé, vì tôi đã có một kế hoạch cho anh trốn đi.

Cùng trốn, bác sĩ. - Wladek. - Chúng ta cùng trốn.

- Không, chỉ mình anh thôi. Tôi nhiều tuổi rồi, không đi được xa như thế, mặc dầu hơn mười lăm năm nay lúc nào tôi cũng mơ đến chuyện trốn. Tôi sẽ chỉ làm vướng chân anh thôi. Biết có ai trốn đi được là tôi đủ hài lòng rồi, và anh là con người đầu tiên tôi gặp khiến tôi tin rằng anh có thể thành công được.

Wladek yên lặng ngồi trên sàn nghe bác sĩ nói kế hoạch của ông.

- Trong mười lăm năm qua, tôi đã dành dụm được hai trăm rúp. Đây là tiền làm "ngoàì giờ" nhưng không phải như một tù nhân Nga đâu. - Wladek nhăn nhó cười. - Tôi giấu tiền trong một chai thuốc. Có bốn tờ mỗi tờ năm mươi rúp. Khi nào anh đi thì phải khâu tiền đó vào trong áo. Tôi sẽ làm việc đó cho anh.

- áo nào? - Wladek hỏi.

Tôi có một bộ quần áo và một sơ mi trước đây mười hai năm đã mua lại được của một tên lính gác, và hồi đó tôi còn tin ở chuyện trốn được. Bộ quần áo không mới lắm, nhưng có thể phục vụ cho mục đích của anh được.

Mười lăm năm dành dụm được hai trăm rúp, một chiếc sơ mi và một bộ quần áo, thế mà bác sĩ sẵn sàng chỉ trong chốc lát hy sinh tất cả những cái đó cho quladek. Suốt đời mình, Wladek sẽ chẳng còn bao giờ được thấy một hành động quên mình như thế nữa.

- Thử năm tới sẽ là cơ hội duy nhất của anh, - Bác sĩ nói tiếp. - Tù nhân mới sẽ đến irkutsk bằng xe lửa. Bọn ìính gác bao giờ cũng lấy bốn người của nhà bếp để tổ chức những chuyến xe thức ăn cho bọn người mới đến.

Tôi đã thu xếp với "bếp trưởng" - Ông ta buồn cười với cái từ đó để anh được lên xe thức ăn. Tôi đem một ít thuốc đánh đổi cho anh ta đấy. Không khó khăn gì lắm đâu. Thực ra không ai muốn đi một chuyến đến tận đó rồi lại quay về đây, nhưng anh thì chỉ đi một lượt ra đến đó thôi. Wladek vẫn nghe rất kỹ.

- Ra .đến ga, anh hãy chờ cho đến khi nào tàu chở tù nhân vào ga. Một khi họ đã xuống sân ga cả rồi thì anh chạy qua đường sắt rồi nhảy lên chuyến tàu sẽ đi Moscoqu, mà chỉ sau khi tàu chở tù nhân đến rồi thì tàu đó mới khởi hành được vì bên ngoài ga chỉ có một đường tàu thôi. Anh phải mong làm sao cho đến lúc có hàng trăm tù nhân mới chạy đi chạy lại như thế thì bọn gác mới không để ý đến chuyện anh biến mất được. Từ lúc đó trở đi là tuỳ anh định liệu. Nên nhớ rằng nếu chúng trông thấy anh là chúng bắn liền chứ không cần hỏi han gì hết. Tôi chỉ có thể giúp anh được một điều này nữa. Mười lăm năm từ khi tôi bị đưa đến đây, tôi đã vẽ trong đầu óc một bản đồ con đường đi từ Moscoqu đến Thổ nhĩ kỳ. Có lẽ đến bây giờ nó không còn chính xác nữa nhưng có thể đáp ứng cho mục đích của anh được. Anh phải tìm hiểu cho chắc chắn xem người Nga họ đã chiếm đóng Thổ- nhĩ- kỳ chưa. Có Trời mà biết được cho đến nay họ đã làm những gì. Theo tôi biết thì có thể họ cũng đã kiểm soát được cả nước Pháp nữa.

Bác sĩ bước vào phòng thuốc và lấy ra một cái chai lớn trông như đựng một chất gì đó màu nâu. Ông mở nút và lấy ra một tấm da khô đã cũ. Nét mực đen qua năm tháng đã bị nhạt màu, mang chữ "Tháng mười 1904". Trên mảnh da vẽ con đường từ Moscoqu đến odessa và từ odessa đi Thổ nhĩ 'kỳ, tất cả 1.500 dặm đường đi đến tự do.

Trong tuần này, mỗi sáng anh cứ phải đến đây và chúng ta sẽ lại bàn thêm về kế hoạch này. Nếu như không thành công thì đó không phải là do thiếu chuẩn bị.

Mỗi đêm, Wladek thức giấc nhìn ra ánh sáng mờ mờ ngoài cửa sổ, thử nghĩ trước những tình huống bất ngờ xem mình sẽ đối phô như thế nào. Đến sáng, anh lại đem bàn thêm với bác sĩ. Vào tối thứ tư trước ngày WTladek định trốn, bác sĩ gấp mảnh bản đồ đó làm tám, cùng để với bốn tờ bạc 50 rúp vào một gói nhỏ và ghim nó vào bên trong tay áo của bộ đồ. Wladek cởi bỏ quần áo cũ, mặc chiếc sơ mi vào người rồi lại mặc quần áo tù ra ngoài. Lúc anh mặc lại thì cặp mắt của bác sĩ bỗng trông thấy chiếc vòng bạc của Nam tước Từ khi mặc áo tù, anh vẫn luôn luôn đeo nó lên trên khuỷu tay vì sợ bọn lính gác trông thấy sẽ cướp mất của quý duy nhất còn lại đó của anh.

Cái gì thế? - Bác sĩ hỏi. - Trông rất đẹp đấy - Đây là quà tặng của cha tôi, - Wladek nói. Tôi có thể tặng lại ông để tỏ lòng cảm tạ của tôi được không? Anh trút chiếc vòng xuống cổ tay và đưa cho bác sĩ.

Bác sĩ nhìn chiếc vòng bạc một lúc lâu rồi cúi đầu nói:

Không nên. Thứ này chỉ có thể thuộc về một người thôi. - Ông im lặng nhìn anh. - Hẳn cha anh là một người cao quý lắm.

Bác sĩ đeo trả lại chiếc vòng bạc vào cổ tay Wladek, rồi bắt tay anh nồng nhiệt.

- Chúc anh may mắn, Wladek. Có lẽ chúng ta không bao giờ còn gặp nhau nữa.

Họ Ôm chầm lấy nhau và bước ra ngoài. Anh cầu cho đây là đêm cuối cùng của mình ở trong lều trại giam. Anh không sao ngủ được suốt đêm đó, chỉ sợ một trong những tên lính gác phát hiện ra bộ quần áo dưới áo tù Tiếng chuông buổi sáng vừa vang lên, anh đã mặc xong quần áo và xuống bếp sớm. Tù nhân bếp trưởng đẩy Wladek đi lên trước khi bọn lính gác đến kiểm soát xe thức ăn. Tổ phục vụ chọn ra có bốn người tất cả. Wladek là trẻ nhất trong đám.

Tại sao lại thằng này? - Một tên gác chỉ tay vào Wladek hỏi:

Wladek như chết đứng và khắp người lạnh run. Kế hoạch của bác sĩ thế là hỏng, và phải ba tháng nữa mới lại có một đợt tù nhân nữa đến trại. Đến lúc đó thì anh sẽ không còn ở bếp nữa.

Nó nấu bếp rất giỏi, - Tù nhân bếp trưởng nói. - Nó được rèn luyện trong lâu đài của một Nam tước đấy Chỉ có nó mới nấu ăn được ngon lành cho lính gác thôi.

À thế đấy, - Tên lính gác nói, nghi ngờ không bằng tham ăn. Vậy thì nhanh lên.

Cả bốn người chạy ra xe, rồi đoàn xe lên đường. Cuộc hành trình lại một lần nữa chậm chạp, vất vả, nhưng lần này ít nhất anh không phải đi bộ và cũng không lạnh chết người vì bây giờ đang là mùa hè. Wladek làm việc cật lực đề chuẩn bị thức ăn. Anh không muốn để ai chú ý đến mình. Suốt dọc đường anh chỉ nói vài câu với bếp trưởng là Atanislaqu. Cuối cùng, sau khi họ đã đến được irkutsk tính ra hết gần mười sáu ngày. Chuyến tàu chờ đi Moscoqu đã nằm sẵn ở ga. Nó đã đến đây mấy tiếng đồng hồ rồi nhưng không thể bắt đầu cuộc hành tnnh quay trở về Moscoqu chừng nào chuyến tàu chở tù nhân mới chưa đến được. Wladek cùng với mấy người làm bếp ngồi chờ ở sân ga bên này, ba người không quan tâm đến gì khác chung quanh, còn một người chú ý theo dõi đoàn tàu ở bên kia sân ga. Có nhiều cửa lên tàu, nhưng Wladek đã ngắm trước một cửa để đến lúc là anh sẽ nhảy lên đó.

Anh có định trốn không? Atanislaqu chợt hỏi.

Wladek toát mồ hôi nhưng không trả lời.

- Đúng là anh định trốn rồi - Atanisla chăm chăm nhìn anh.

Wladek vẫn không nói gì.

ông bếp già vẫn nhìn anh thanh niên mười ba tuổi, rồi ông ta gật đầu ra vẻ tán thành. Giá như anh có cái đuôi thì nó đã vẫy ngay rồi.

- Chúc anh may mắn. Tôi sẽ cố làm cho họ không để ý đến chuyện anh vắng mặt, được chừng nào hay chừng đó.

Atanislaqu nắm lấy tay anh. Wladek nhìn thấy đòàn tàu chở tù nhân ở ngoài xa đang từ tử tiến đến chỗ họ ngồi. Anh cảm thấy căng thẳng, tim dồn dập, mắt theo dõi cử chỉ của từng tên lính. Anh chờ cho đến khi đoàn tàu kia dừng hẳn, nhìn theo đám tù nhân trên tàu đổ xuống sân ga. Họ có hàng trăm người, dáng mệt mỏi, không tên không tuổi. Trong lúc sân ga .đang bề bộn một đống người và bọn lính gác bận rộn, Wladek chui xuống dưới gầm đoàn tàu chở tù nhân rồi nhẩy lên đoàn tàu sẽ đi Moscoqu. Không một ai trên tàu để ý đến anh lúc đó vào phòng vệ sinh ở cuối toa. Anh cài cửa lại rồi đứng bên trong chờ, bụng lâm râm cầu nguyện, chỉ sợ có ai gõ cửa. Wladek cứ đứng như thế không biết bao nhiêu lâu rồi mới thấy đoàn tàu bắt đầu lăn bánh ra khỏi ga. Thực ra, chỉ có mười bảy phút.
 
- Thế là xong, thế là xong, - Anh thốt lên. Anh nhìn qua khung cửa sồ con của buồng vệ sinh, thấy nhà ga nhỏ dần và xa dần, đám tù nhân mới đã bị xích tay vào nhau sắp sửa lên đường về Trại 201, và bọn lính gác thì vừa cười vừa xích họ lại. Không biết sẽ có bao nhiêu người sống sót khi về đến trại? Bao nhiêu người sẽ làm mồi cho chó sói? Bao lâu nữa thì họ biết là thấy thiếu anh?

Wladek ngồi trong buồng vệ sinh thêm mấy phút nữa, không dám động đậy và không biết bây giờ mình phải làm gì. Bỗng có tiếng đập cửa. Wladek nghĩ ngay, không biết đó là tên ìính gác hay người soát vé? Bao nhiêu hình ảnh diễn ra trong óc anh, mỗi hình ảnh một ghê sợ hơn. Anh thấy cần phải sử dụng buồng vệ sinh một lần xem sao. Tiếng đập cửa vẫn tiếp tục.

- Nhanh lên, nhanh lên, - Một giọng Nga ồm ồm lên tiếng.

Wladek không chần chừ được nữa. Nếu là một tên lính thì anh sẽ không có lối thoát. Cửa sổ nhỏ thì đến một chú bé tí hon cũng không chui lọt qua được.

Nhưng nếu không phải là một tên lính thì việc anh ở lâu trong này chỉ càng khiến người ta chú ý. Anh cởi bỏ bộ áo tù, cuộn nó lại thành một túm nhỏ rồi vứt ra ngoài cửa sổ. Sau đó lấy ra một chiếc mũ mềm để sẵn trong túi bộ đồ đội lên đầu bị cạo trọc và mở cửa bước ra. Một người đàn ông sốt ruột đẩy cửa bước vào Wladek chưa ra khỏi thì thấy ông ta đã tụt quần ngồi xuống.

Ra đến hành lang rồi, Wladek thấy mình bơ vơ ghê gớm, lại thêm khiếp sợ đối với bộ đồ lạc hậu mình đang mặc trên người, khác nào như một quả táo nằm giữa đống cam. Anh lập tức lại đi tìm ngay một chỗ nào khác có buồng vệ sinh. Tìm được một chỗ không có người, anh chui tọt ngay vào đó, khóa cửa lại, rồi tháo gỡ mấy tờ bạc 50 rúp giấu ở trong tay áo ra. Anh giấu trở lại ba tờ, rồi quay ra hành lang. Anh tìm đến một toa nào đông người nhất rồi rúc vào ngồi trong một góc toa. Mấy người ngồi giữa toa đang đánh súc sắc ăn vài rúp Wladek đã quen chơi trò này với Leon ở lâu đài và lần nào cũng được, nên anh rất muốn nhập vào đám người kia nhưng lại sợ đánh được thì họ chú ý đến mình ngay. Họ vẫn ngồi đánh rất lâu, và Wladek dần dần nhớ lại những thủ thuật của mình. Anh chợt thấy thèm đem 200 rúp của mình ra mà sử dụng lúc này.

Một tay chơi bị thua khá nhiều bỗng rút ra và ngồi xuống bên cạnh Wladek, miệng chửi thề.

- Số ông không may rồi, - Wladek lên tiếng. Anh cũng muốn nói lên xem giọng mình thế nào.

- A, đúng là không may, - Tay kia nói. - Ngày nào tớ cũng đánh được với bọn nông dân ấy, nhưng tớ cạn mất tiền rồi.

- Ông có muốn bán cái áo của ông không? - Wladek hỏi.

Tay chơi này là một trong số ít hành khách trên toa khoác chiếc áo lông cừu dầy đẹp và ấm như vậy.

ông ta nhìn cậu thanh niên.

- Cậu không mua nổi đâu. - Wladek nghe giọng nói của ông ta thì biết là mình sẽ có thể mua được. - Tớ sẽ đòi bảy mươi lăm rúp.

Tôi trả ông bốn chục, - Wladek nói.

- Sáu chục, - Tay chơi kia nói.

Năm chục, - Wladek nói.

- Không. Sáu chục là ít nhất thì tớ mới bán được. Chiếc áo này giá hơn một trăm rúp kia đấy, - Tay chơi nói.

áo cũ rồi, - Wladek nói và nghĩ bụng sẽ lấy tiền trong tay áo ra cho đủ, nhưng rồi anh lại thôi vì sợ làm người ta chú ý đến mình. Anh đành chờ một dịp khác vậy. Wladek không muốn tỏ ra mình có thể mua được chiếc áo. Anh sờ tay vào cái cổ và nói với một giọng khinh khỉnh? - Ông bạn ơi, đắt quá đấy. Thôi, năm chục rúp, không thêm một xu nào nữa. - Wladek đứng dậy làm như sắp bỏ đi chỗ khác.

Khoan, khoan, - Tay chơi kia nói. - Tớ để cho cậu năm chục rúp vậy.

Wladek móc túi lấy ra tờ bạc năm mươi rúp và tay chơi kia cũng cởi tấm áo đổi lấy tờ bạc đỏ đã cũ. Chiếc áo đối với Wladek quá rộng và dài gần chấm đất, nhưng chính anh đang cần như thế để che bộ đồ bên trong hơi lộ liễu. Anh nhìn tay chơi trở lại chỗ đánh bạc và thấy ông ta lại thua nữa. Từ ông thày mới trước đây, anh đã học được hai điều, đó là:

chớ bao giờ đánh bạc trừ phi anh có thủ thuật giỏi và chắc ăn, và khi đã mặc cả đến mức nhất định nào đó thì nên bỏ đi là vừa.

Wladek bỏ sang ngồi toa khác, trong bụng cảm thấy yên tâm hơn với chiếc áo mới mua được. Anh bắt đầu nhìn ngắm toa tàu đề tìm hiểu. Hình như các toa chia làm hai hạng, hạng phổ thông trong đó hành khách chỉ có đứng hoặc ngồi trên những dẫy ghế gỗ, và hạng đặc biệt trong đó anh rất lạ thấy chỉ có một người đàn bà ngồi mà thôi. Bà ta cỡ trung niên và ăn mặc có vẻ sang trọng hơn mọi hành khách khác trên tàu Bà ta mặc chiếc áo xanh thẫm và quàng một tấm khăn trên đầu. Wladek nhìn bà ta ngập ngừng. Bà ta mỉm cười, khiến anh yên tâm bước vào trong toa.

Tôi ngồi được không?

- Xin mời, - Người đàn bà nhìn anh nói.

Wladek không nói gì nữa. Anh đề ý nhìn người đàn bà và những đồ đạc chung quanh. Bà ta có nước da nhợt và hơi nhăn nheo, to béo quá khổ, có lẽ vì ăn nhiều. Mớ tóc ngắn và đen, mắt nâu, có thể như đã từng một thời hấp dẫn. Bà có hai chiếc túi to bằng vải để ở giá trên đầu với một chiếc va- li con để bên cạnh.

Mặc dầu đang trong hoàn cảnh nguy hiểm như vậy, nhưng Wladek thấy mình đã mệt quá không chịu nổi nữa. Anh đang nghĩ không biết mình có dám ngủ đi ở đây không, thì nguời đàn bà lên tiếng.

Anh đi đâu?

Câu hỏi bất chợt làm Wladek giật mình.

Moscoqu, - Anh nói và nín thở.

- Tôi cũng đi Moscoqu, - Bà ta nói.

Wladek bắt đầu cảm thấy toa xe nảy vắng vẻ quá và lấy làm chột dạ về điều mình vừa nói ra, dù chỉ là một câu. Anh nhớ là bác sĩ đã dặn:

"Chớ nói chuyện với ai. Nhớ đấy đừng có tin ai hết.

Nhưng Wladek cũng yên tâm thấy bà ta không hỏi gì thêm nữa. Anh vừa cảm thấy thế thì người soát vé đến. Wladek bắt đầu toát mồ hôi, mặc dầu lúc đó thời tiết là hai mươi độ âm. Người soát vé cầm lấy tấm vé của người đàn bà, xé một đoạn rồi trả lại cho bà ta và quay sang Wladek.

- Vé, anh bạn, - Ông ta nói gọn lỏn, bằng một giọng trầm buồn.

Wladek không biết nói gì, chỉ sờ vào túi áo để tìm ít tiền.

- Nó là con tôi, - Người đàn bà nói ngay.

Người soát vé quay lại nhìn bà ta, rồi lại nhìn Wladek, cúi đầu chào bà ta rồi bỏ đi không nói câu gì.

Wladek ngước nhìn bà ta.

Cảm ơn bà - Anh khẽ nói, và không biết làm gì hơn nữa.

- Tôi đã trông thấy anh chui dưới gầm đoàn xe tù,- Người đàn bà bình thản nói. Wladek cảm thấy rụng rời, - Nhưng tôi không tố cáo anh đâu. Tôi cũng có một người anh em họ Ở trong cái trại khủng khiếp ấy, và tất cả chúng tôi ai cũng biết về những trại ấy đều sợ rằng sẽ có một ngày mình phải vào đấy. Anh mặc đồ gì dưới chiếc áo này?

Wladek định bụng chạy ra ngoài cởi chiếc áo lông, nhưng nếu chạy ra ngoài kia thì trên tàu không còn chỗ nào khác mà trốn được. Anh đành chỉ cời khuy ngoài.

- Thế này cũng không có gì đáng ngại lắm đâu, - Bà ta nói.

- Vậy còn bộ áo tù anh để đâu?

- Tôi vứt ra ngoài cửa sổ.

- Mong rằng họ không tìm thấy nó trước khi anh đến Moscoqu.

- Anh có chỗ nào ở Moscoqu không?

Anh lại nghĩ đến lời dặn eủa bác sĩ là đừng có tin ai, nhưng anh nghĩ tin bà này thôi.

Tôi không có chỗ nào cả.

Vậy anh có thể ở với tôi đến khi nào anh tìm được một chỗ khác. Chồng tôi là trưởng ga ở Moscoqu, và toa xe này chỉ giành cho những quan chức chính phủ thôi - Bà ta giải thích. - Nếu anh lại nhầm một lần như thế nữa thì họ cho anh ngồi xe trở về irkutsk ngay.

Bây giờ tôi có nên đi không? - Wladek hồi hộp.

Không, vì người soát vé đã trông thấy anh rồi. Lúc này anh ở đây với tôi thì được yên. Anh có giấy tờ gì không?

- Không. Giấy tờ như thế nào?

Từ sau cách mạng, mỗi người công dân Nga đều phải có giấy chứng minh để người ta biết mình là ai, ở đâu làm gì, nếu không sẽ phải ngồi tù cho đến khi có được những giấy tờ ấy. Nếu không có được thì sẽ ngồi tù mãi, - Bà ta thủng thẳng nói. - Vậy đến Moscoqu, anh phải đi sát bên tôi, và nhớ là đừng có mở miệng.

- Bà đối với tôi tốt quá, - Wladek nói với vẻ ngờ vực - Bây giờ Nga hoàng đã chết rồi, trong chúng ta đây chẳng có ai yên thân được đâu. Tôi may mắn mà lấy được một người có thế, - Bà ta nói tiếp. - Còn không có người công dân nào ở nước Nga này, kể cả các quan chức chính phủ, mà lại không sống trong nỗi lo sợ là có thể bị bắt và đưa vào trại giam. Tên anh là gì?

- Wladek.

- Tốt. Bây giờ anh ngủ đi, Wladek, vì trông anh mệt mỏi lắm. Đường thì còn rất xa, mà anh thì cũng chưa an toàn được đâu.

Wladek ngủ ngay.

Lúc anh tỉnh dậy thì mấy tiếng đồng hồ đã trôi qua nhưng trời bên ngoài đã tối. Anh nhìn người đàn bà đã che chở cho mình, bà ta mỉm cười nhìn lại.

Wladek thầm mong có thể tin được bà ta, đừng có nói với các quan chức rằng anh là ai. Hay là bà ta đã nói rồi? Bà ta lấy ra ít. thức ăn trong gói đưa cho Wladek. Anh yên lặng ăn. Tàu dến ga sau, hầu hết hành khách bước xuống. Một số xuống hẳn, một số chỉ đề ruỗi chân ruỗi tay, nhưng phần lớn là tìm xem có gì uống được không.

Người đàn bà trung niên đứng dậy nhìn Wladek nói:

- Đi theo tôi.

Anh đứng dậy theo bà ta xuống sân ga. Bà ta đem anh nộp lại chăng? Nhưng không, bà ta giơ tay ra và anh cầm lấy tay bà như bất cứ đứa trẻ mười ba tuổi nào đi theo mẹ vậy. Bà đi đến một nhà vệ sinh có chữ để dành cho phụ nữ. Wladek ngập ngừng đứng lại. Bà cứ bảo anh vào. Vào đến bên trong rồi, bà bảo Wladek cời bỏ quần áo ra. Anh ngoan ngoãn nghe theo. Từ sau khi Nam tước qua đời, anh chưa nghe theo ai như vậy. Trong khi anh cởi quần áo, bà mở vòi nước gần đó Một làn nước vừa lạnh vừa đục chầm chậm chảy ra. Bà thấy kinh tởm, nhưng với Wladek thì nước này còn khá hơn nhiều so với nước trong trại giam. Người đàn bà bắt đầu lấy mảnh giẻ ướt lau những vết xây xát trên người anh. Bà nhăn mặt khi trông thấy vết thương xù xì ở chân. Wladek đau nhưng không xuýt xoa tí nào, và bà lau rất nhẹ.

- Về đến nhà, tôi sẽ chữa chạy cho anh tử tế, - Bà nói. - Còn ở đây hãy tạm thế này đã.

Bà trông thấy chiếc vòng bạc ở tay anh. Bà đọc những chữ trên đó rồi nhìn kỹ Wladek, và hỏi:

- Cái này có phải của anh không? Anh lấy nó của ai thế ?

Wladek hơi giận.

- Tôi không lấy của ai. Bố tôi cho tôi trước khi ông chết.

Bà ta lại chăm chăm nhìn anh, nhưng cái nhìn lần này khác. Không biết đó là sợ hay tôn kính? Bà ta cúi đầu nói :

- Anh phải cẩn thận đấy, Wladek. Người ta có thể giết anh vì cái của quý này đấy.

Anh gật đầu và bắt đầu mặc vội quần áo vào. Họ quay trở lại toa xe. Tàu chậm lại ở ga một giờ đồng hồ là chuyện thường. Đến khi đoàn tàu lại bắt đầu lăn bánh, Wladek cảm thấy mừng lại được nghe tiếng bánh xe lạch cạch ở dưới. Tàu đi mất mười hai ngày rưỡi thì đến Moscoqu. Khi người soát vé mới xuất hiện, Wladek và người đàn bà lại diễn lại những động tác như cũ Wladek thì tỏ ra còn nhỏ dại và người đàn bà thì tỏ ra một người mẹ. Người soát vé cúi chào người đàn bà trung niên ấy, và Wladek bắt đầu nghĩ rằng ở nước Nga thì những trưởng ga hẳn phải là những người rất quan trọng.

Sau khi đã hoàn thành chuyến đi một ngàn dặm đến Moscoqu, Wladek coi như đã tin hẳn ở người đàn bà và mong chóng được trông thấy ngôi nhà của bà ta.

Tàu đến ga vào đầu buổi chiều. Mặc dầu đã trải qua một đoạn đường dài như thế. Wladek vẫn thấy khiếp sợ không hiều rồi tình hình sẽ ra sao. Anh chưa được thấy một thành phố lớn nào bao giờ, nói gì đến thủ đô của toàn nước Nga. Anh cũng chưa được thấy nhiều người như thế bao giờ, và ai cũng đi lại vội vã Người đàn bà hiểu được tâm trạng anh lúc này.

Đi theo tôi, đừng nói gì và đừng có bỏ mũ ra.

Wladek lấy hai cái túi của bà ở trên giá xuống, kéo chặt cái mũ lên đầu lúc này đã lởm chởm ít tóc đen, rồi bước theo bà xuống sân ga. Một đống người đang nối nhau ở trước thang chắn để chờ ra khỏi một cánh cửa rất nhỏ.

Họ ùn lại vì mỗi người phải xuất trình giấy tờ cho lính gác. Bước đến gần cái thang chắn ấy, Wladek thấy tim mình đập thình thình như trống trận.

Nhưng đến lượt họ thì nỗi sợ lại tan bỉến đi rất nhanh. Người lính gác chỉ liếc nhìn vào giấy tờ của người đàn bà.

- Đồng chí, - Anh ta nói và giơ tay chào. Rồi nhìn Wladek.

Con tôi, - Bà nói.

À vâng, mời đồng chí. - Anh ta lại chào.

Thế là Wladek đã ở Moscoqu.

Mặc dầu đã đặt hết lòng tin vào người đồng hành mới này, linh tính đầu tiên của Wladek là muốn bỏ chạy. Nhưag với 150 rúp thì không thể sống được nên anh quyết định hãy chờ đã, để khi nào có dịp sẽ chạy.

Một chiếc xe ngựa đã chờ sẵn ở ngoài ga để đưa người đàn bà với đứa con mới của bà ta về nhà. Ông trưởng ga không có đấy, nên bà đã tranh thủ xếp ngay một cái giường cho Wladek nằm. Rồi bà đun nước đổ vào một chiếc thùng kẽm lớn và bảo anh ngồi vào đó. Đây là lần tắm đầu tiên của anh sau hơn bốn năm, trừ lần hụp xuống sông trước đây. Bà lại đun thêm nước nóng nữa và bảo anh tắm với xà phòng. Bà cọ lưng cho anh.

Nước tắm dần dần đục ngầu. Wladek lau khô người rồi, bà bôi thuốc lên chân tay cho anh và băng bó vào những chỗ bị nặng. Bà nhìn vào bộ ngực chỉ có một bên vú và lấy làm lạ. Anh mặc vội quần áo và theo bà vào bếp. Bà đã chuẩn bị một bát súp nóng với đậu. Wladek háo hức ăn như ăn tiệc. Hai người không ai nói gì. Anh ăn xong rồi, bà khuyên anh tốt nhất là lên giường ngủ một giấc..

- Tôi không muốn cho ông nhà.tôi trông thấy anh trước khi tôi cho ông ấy biết tại sao anh ở đây - Bà giải thích. - Anh có muốn ở đây với chúng tôi không, Wladek, nếu chồng tôi đồng ý?

Wladek gật đầu cảm ơn.

- Vậy anh đi ngủ ngay đi, - Bà nói.
 
Hai Số Phận - Chương 09
Wladek nghe lời bà, trong bụng thầm mong ông chồng bà sẽ cho phép anh được ở lại đây. Anh chậm chạp cởi quần áo và trèo lên giường. Người anh đã sạch sẽ lắm rồi, khăn trải giường cũng rất sạch, đệm rất mềm. Anh bỏ chiếc gối lên sàn nhà. Tất cả những tiện nghi đó đều rất mới lạ nhưng anh đã quá mệt rồi nên nằm ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết. Mấy tiếng đồng hồ sau, anh bỗng tỉnh dậy vì nghe có tiếng nói to ở trong bếp. Anh không biết là mình đã ngủ được bao lâu. Bên ngoài trời đã tối. Anh bò ra khỏi giường bước đến mở hé cửa và nghe rõ hai người đang nói chuyện trong bếp.

- Bà thật ngốc, - Wladek nghe một giọng hơi gắt. - Bà không hiểu là nếu họ bắt được thì sẽ rắc rối như thế nào ư Có thể là bà bị người ta tống vào trại giam đấy - Nhưng, Poitr, ông không biết là nó như một con thú bị săn đuổi ấy.

- Thế là bà muốn bản thân chúng ta sẽ như những con thú bị săn đuổi chứ gì, - Người đàn ông nói. - Có ai trông thấy nó không?

- Không, không có ai đâu, - Người đàn bà nói.

- Thế thì cảm ơn Chúa. Phải cho nó đi ngay trước khi có ai biết là nó ở đây. Chỉ còn cách đó thôi.

- Nhưag đi đâu, Poitr? Nó lạc lõng và không quen biết một ai, - Người đàn bà che chở cho Wladek nói. - Mà tôi thì vẫn mong có đứa con trai.

- Tôi không cần biết bà muốn gì hay là nó đi đâu. Nó không phải là trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta phải tống nó đi cho nhanh chóng.

- Nhưng, Poitr, tôi nghĩ nó là dòng dõi quý tộc. Hình như bố nó là một Nam tước. Nó có đeo một chiếc vòng bạc ở cổ tay, trên đó có những chữ....

- Như thế lại càng rắc rối. Bà không biết là các nhà lãnh đạo mới đã ra lệnh như thế nào ư? Không Nga hoàng, không vua chúa, không đặc quyền đặc lợi gì hết. Mà chúng ta cũng chẳng cần phải đến trại giam nữa cơ, các nhà cầm quyền có thể bắn chết mình luôn chưa biết chừng.

Chúng ta vẫn mong có đứa con trai, Poitr. Chẳng lẽ chúng ta không dám mạo hiểm chuyện này được ư?

- Bà mạo hiểm được, nhưng tôi thì không. Tôi bảo nó phải đi và đi ngay.

Wadek không cần nghe họ nói gì thêm nữa. Anh nghĩ cách duy nhất để đỡ cho bà ta là người đã có ơn với anh là iến hẳn vào đêm tối. Anh vội mặc quần áo vào và nhìn lại chiếc giường, chỉ mong không phải chờ thêm bốn năm nữa mới lại được nằm một chiếc giường như thế Anh đang tìm cách.mở cứa sổ thì cửa ra vào phòng bỗng bật tung và ông trưởng ga bước vào Người ông ta nhỏ bé, không cao hơn Wladek nhưng có cái bụng to và cái đầu hói chung quanh chỉ còn ít sợi bạc chải qua loa tưởng như một bộ tóc giả.

ông ta đeo đôi mắt kính không có gọng khiến dưới mỗi con mắt có nét hằn đỏ trũng xuống. Tay ông ta cầm chiếc đèn nến. Ông ta đứng nhìn Wladek. Wladek nhìn lại như thách thức.

- Đi xuống dưới này, - Ông ta ra lệnh. Wladek miễn cưỡng theo ông ta xuống bếp. Người đàn bà đang ngồi khóc bên bàn.

- Bây giờ chú bé nghe đây nhé - Ông ta nói.

- Tên nó là Wladek, - Người đàn bà chen vào.

- Bây giờ chú bé nghe đây, - Ông ta nhắc lại. - Anh sẽ gây ra chuyện rắc rối ở đây, vì vậy tôi muốn anh phải đi khỏi chỗ này và đi càng xa càng tốt.

Tôi cho anh biết là tôi sẽ làm như thế này để giúp anh nhé.

Giúp ư? Wladek nhìn ông ta không nói.

- Tôi sẽ cho anh một cái vé tàu. Anh muốn đi đâu?

- Odessa, - Wladek nói. Anh không biết nơi đó là ở đâu và đây đến đó hết bao nhiêu tiền. Anh chỉ biết đó là thành phố thứ hai bác sĩ vẽ trên bản đồ để từ đó mà đi đến tự do.

- Odessa, hừ, nơi sản sinh ra tội ác, thật là một địa chỉ thích hơp đấy, - Ông trưởng ga cười khẩy. - Đến đó thì anh chỉ gặp toàn những người như anh và rắc rối thêm mà thôi.

- Thế thì đề nó ở lại đây, Piotr. Tôi sẽ chăm nom cho nó, tôi sẽ....

- Không, không bao giờ. Tôi thà mất tiền cho nó còn hơn.

Nhưng làm sao nó đi lọt được? - Người đàn bà van nài.

- Tôi sẽ cho nó tấm vé và một giấy thông hành đi làm việc ở odessa. - Ông ta quay sang Wladek. - Anh lên tàu đó đi rồi, nếu tôi còn trông thấy anh hay nghe nói đến anh ở Moscoqu, tôi sẽ báo cho người ta bắt và giam anh ở một nhà tù nào gần đây nhất. Rồi người ta sẽ tống anh trở lại cái trại đó ngay, nếu không thì họ cũng bắn anh luôn.

ông ta nhìn lên chiếc đồng hồ trên bếp:

đã mười một giờ năm phút. Ông ta quay sang phía vợ.

- Có chuyến tàu đi odessa vào mười hai giờ đêm. Tôi sẽ tự đưa nó ra ga. Tôi muốn biết chắc chắn là nó đã rời Moscoqu rồi. Anh có hành lý gì không?

Wladek vửa sắp trả lời không thì người đàn bà đã nói ngay:

- Có để tôi đi lấy cho nó.

Wladek với ông trưởng ga nhìn nhau hằn học. Người đàn bà đi một lúc lâu. Chuông đồng hồ đánh lên một tiếng. Hai người vẫn không ai nói gì. Mắt ông trưởng ga không rời khỏi Wlađek. Bà vợ Ông ta quay lại tay cầm một gói giấy màu nâu có buộc dây cẩn thận Wladek nhìn gói giấy, định lên tiếng từ chối nhưng thấy trong ánh mắt của bà có cái gì như sợ hãi, nên anh chỉ biết nói:

- Cảm ơn bà.

- Hãy ăn cái này đi đã, - Bà ta nói và đẩy bát súp nguội đến chỗ anh.

Anh nghe theo. Mặc dầu bụng anh lúc này vẫn còn đang rất no, nhưng anh cũng ăn bát súp thật nhanh để bà ta khỏi phiền lòng.

Súc vật - Người đàn ông nói.

Wladek ngước nhìn ông ta, mắt đầy căm giận. Anh lấy làm tội nghiệp cho người đàn bà phải sống với một ông chồng như vậy suốt đời.

- Đi thôi, chú bé, - Ông trưởng ga nói. - Mau kẻo lỡ tàu thì phiền lắm.

Wìadek theo người đàn ông ra khỏi bếp. Anh ngập ngừng một chút khi đi qua chỗ người đàn bà đứng. Anh giơ tay ra và bà ta khẽ nắm lấy tay anh. Không ai nói gì, nhưng có nói cũng không nói được gì. Ông trưởng ga với con người tị nạn ấy vừa đi vừa nấp qua mấy phố tối của Moscoqu và đến ga. Ông ta lấy một chiếc vé đi một lượt đến odessa và đưa cho Wladek.

Còn giấy thông hành của tôi đâu? - Wladek hỏi. Ông ta rút ở túi trong ra một tấm giấy, ký vội vào đó rồi kín đáo đưa cho Wladek. Ông ta để ý nhìn quanh xem có thể có gì nguy hiểm không. Trong bốn năm qua, Wladek đã từng trông thấy những đôi mắt giống như của ông trưởng ga này nhiều lần rồi. Đó là đôi mắt của một anh hèn.

- Đừng để tôi trông thấy anh hay nghe nói đến anh nữa nhé, .- Ông trưởng ga nói. Giọng nói thì ra vẻ hách dịch. Trong bốn năm qua,Wladek cũng đã được nghe những giọng nói như thế nhiều lần.

Anh nhìn lên ông ta, định nói lại, nhưng ông ta đã đi vào bóng đêm mất rồi. Wladek nhìn vào những người đi qua trước mặt anh. Cũng những đôi mắt sợ sệt như nhau cả. Trên đời này không ai được tự do cả sao? Wladek cắp cái gói giấy nâu vào nách, sửa lại mũ trên đầu rồi bước ra chỗ thang chắn. Lần này, anh cảm thấy tự tin hơn. Anh xuất trình giấy thông hành cho người gác và đi qua không có chuyện gì. Anh trèo lên toa tàu. Thế là anh chỉ được thấy Moscoqu có một lúc ngắn ngủi, Và trong đời anh sẽ chẳng còn bao giờ thấy lại thành phố này nữa. Anh sẽ nhớ mãi lòng tốt của người đàn bà vợ Ông trưởng ga ấy. Đồng chí gì nhỉ.... Anh cũng không biết đến cả tên bà ta nữa.quladek ngồi ở toa thường. Odessa gần Moscoqu hơn nhiều so với irkutsk. Trên bản đồ của bác sĩ, khoảng cách chỉ bằng ngón tay, vậy mà trên thực tế những 800 dặm. Wladek đang nhìn vào chiếc bản đồ sơ sài ấy thì ở đầu toa cũng đang diễn ra một vụ cờ bạc. Anh giấu bản đồ vào trong áo rồi bắt đầu để ý đến chỗ đánh bạc ấy. Anh thấy một người dù chơi thế nào cũng vẫn thắng, không lần nào bị thua cả. Wladek nhìn kỹ một lúc thì hiểu ra anh chàng kia là một tên bịp bợm.

Anh chuyển sang đứng phía bên kia, đối diện với tên bạc bịp để xem hắn làm ăn thế nào. Nhưng đứng chỗ này khó nhìn nên anh cố chen vào ngồi được bên trong. Anh thi hành một cái mẹo là chờ cho tên bạc bịp giả vờ thua thi anh bỏ tiền vào đó gấp đôi lên cho đến lượt hắn được. Tên bạc bịp không thấy ngay được thủ thuật ấy của anh nên không để ý. Chỉ mãi đến lúc tàu đỗ ở ga sau hắn mới hiểu ra. Wladek đánh được mười bốn rúp. Anh bỏ ra hai rúp mua quả táo và một chén súp nóng. Anh đã kiếm được đủ tiền cho cả chuyến đi xuống đến odessa. Anh thầm nghĩ nếu cứ tiếp tục chơi kiểu này thì sẽ kiếm thêm được ít tiền nữa. Nghĩ thế, anh quay trở lại sòng bạc và sẵn sàng theo đuổi cál mẹo cũ của mình. Nhưng vừa bước vào đến trong toa, anh đã bị đánh một nhát ngã dúi vào góc. Tay bị bẻ quặt ra sau lưng và đầu bi đập vào thành toa. Máu mũi anh chảy ra. Một mũi dao kề vào sau gáy.

- Mày nghe tao nói không, thằng nhóc?

- Dạ, - Wladek hoảng sợ đáp.

- Mày còn quay lại toa này nữa, tao sẽ cắt cái tai này đi, biết chưa? Tao mà cắt tai thì mày không còn nghe được nữa, biết chưa?

- Vâng ạ, - Wladek nói.

Wladek cảm thấy mũi dao ấn vào sau mang tai rồi máu bắt đầu chảy xuống cổ.

- Tao cảnh cáo cho mày biết thế.

Một cái đầu gối bỗng thúc mạnh vào bụng anh. Wladek nằm lăn ra sàn tàu. Một bàn tay sục vào mấy túi áo của anh, lấy đi mấy rúp anh vừa kiếm được.

- Tiền của tao, - Hắn nói.

Máu vẫn còn chảy ở mũi và ở cổ Wladek. Lúc anh mở mắt ra nhìn lên thì không thấy tên bạc bịp đâu nữa. Anh cố đứng dậy nhưng không đứng được, đành cứ ngồi lại trong góc toa một lúc. Đứng dậy được rồi, anh lê bước ra đầu toa đằng kia, tránh xa chỗ tên bạc bịp chừng nào hay chừng đó. Anh chui vào một toa chỉ có đàn bà trẻ con rồi ngủ thiếp đi. Đến ga sau, Wladek không dám xuống tàu. Anh mở gói giấy xem trong đó đựng gì. Hóa ra trong đó có đủ thứ táo bánh mì, lạc, một chiếc sơ mi, một chiếc quần và có cả một đôi giầy nữa. Thật là cả một kho báu. Anh bèn thay ngay những quần áo mới vào người. Ôi, người đàn bà quý hóa quá. Còn ông chồng, sao mà quá đáng thế.

Anh ăn rồi lại ngủ, lại mơ. Cuối cùng, sau năm đêm bốn ngày, đoàn tàu lừ đừ lăn bánh vào ga odessa. Ở cửa chắn vẫn kiểm soát vé và giấy tờ như cũ Giấy tờ của anh hợp lệ nên tên lính gác không để ý gì hết. Từ lúc này trở đi, anh phải tự do lấy hết.

Anh vẫn còn 150 rúp giấu trong tay áo. Anh chưa dám tiêu đi đồng nào vào lúc này.

Wladek đi lang thang cả ngày trong thành phố để làm quen với đường xá ở đây, nhưng có nhiều cảnh lạ mắt quá nên anh không nhớ được chỗ nào với chỗ nào.

Toàn những nhà to, cửa hàng lớn, rất nhiều những người đi bán rong trên đường phố, thậm chí có cả một con khỉ ngồi trên đầu gậy của người bán hàng rong nữa. Wladek cứ đi mãi đến lúc anh ra tới bến cảng và trông thấy biển. À ra đây rồi, đúng cái mà Nam tước gọi là biển đây. Wladek đứng lặng nhìn khoảng mênh mông xanh ngắt. Nơi xa kia là tự do, là trốn thoát khỏi nước Nga. Thành phố này hẳn là vừa trải qua trận chiến ghê gớm, vì còn những căn nhà cháy trụi và nhiều chỗ nhếch nhác, rất không hơp với làn gió biển thơm mát đang thổi vào đây. Wladek không biết trong thành phố còn đánh nhau không. Anh không biết hỏi ai được. Mặt trời đã lặn xuống sau những ngôi nhà cao tầng. Anh phải bắt đầu đi tìm một chỗ nào để ngủ đêm. Wladek đi vào một ngõ bên đường cái Khoác chiếc áo lông dài chấm đất và cắp một gói giấy nâu trong tay, trông anh thật lạc lõng giữa khung cảnh ở đây. Anh không tìm thấy một chỗ nào an toàn được. Lát sau anh ra đến khu đường sắt, thấy có một toa tàu nằm đơn độc một chỗ. Anh ngó nhìn vào bên trong, chỉ thấy tối và yên lặng. Trong toa không có người. Anh quẳng gói giấy lên đó, trèo vào bên trong và chui vào một góc nằm ngủ. Anh vừa đặt mình xuống thì một thân hình đè lên người anh và hai tay ghì chặt lấy cổ họng. Anh hầu như không thở được - Mày là ai? - Giọng một đứa bé gầm lên. Trong bóng tối, anh đoán tên kia không lớn tuổi hơn mình được - Wladek Khôngskiequicz.

- Mày ở đâu đến?

- Moscoqu. - Lúc đó Wladek đã định nói là Slonim.

- Mày không được ngủ trong toa của tao, dù là mày ở Moscoqu đến, - Tên kia nói.

Xin lỗi, - Wladek nói. - Tôi không biết.- Mày có tiền không? - Hai ngón tay cái của tên .kia ấn chặt xuống cổ họng anh.

ít thôi, - Wladek nói.

- Bao nhiêu?

Bẩy rúp.

- Đưa đây.

Wladek thọc tay vào túi áo. Tên kia cũng bỏ một tay ra mò vào túi áo khác. Còn một tay hắn bỏ lỏng. Wladek chợt dồn hết sức vào đầu gối thúc lên hạ bộ của nó một nhát. Tên kia ôm lấy dái lăn ra. Wladek chồm dậy đánh liên hồi. Tự nhiên tình hình thay đổi hẳn. Tên kia không thể địch lại Wladek. Thế là nằm ngủ trong một toa tàu bỏ hoang chẳng khác nào như một khách sạn năm sao so với những căn hầm và trại giam mà anh vừa trải qua.

Wladek chỉ ngừng tay khi tên kia đã chịu nằm bẹp xuống sàn tàu, cựa quậy gì được nữa. Hắn phải van xin Wladek.

- Mày ra tít đầu toa kia mà nằm và cứ ở yên đấy,- Wladek nói. - Mày mà động đậy nữa tao giết.

- Vâng, vâng, - Tên kia cố bò di.

Wladek theo dõi thấy hắn đã bò đến đầu toa. Anh ngồi nghe động tĩnh một lúc không thấy gì mới từ từ đặt mình xuống sàn toa và lát sau ngủ thiếp đi.

Lúc anh tỉnh dậy đã thấy mặt trời chiếu qua khe ván của toa tàu. Anh quay người lại và bây giờ mới nhìn thấy rõ tên địch thủ đêm qua. Hắn vẫn nằm co rúm và còn ngủ ở đầu toa đằng kia.

- Lại đây, - Wladek ra lệnh. Tên kia từ từ thức dậy.

- Lại đây, - Wladek nhắc lại, giọng to hơn trước. Tên kia vâng lời ngay. Lần đầu tiên Wladek mới nhìn kỹ được hắn. Hai người chạc tuổi nhau nhưng rõ ràng tên kia cao lớn hơn Wladek một chút, mặt mũi trông trẻ hơn và mớ tóc hắn bù xù.

- Việc đầu tiên là kiếm cái gì ăn đã, - Wladek nói.

- Anh theo tôi, - Tên kia nói và nhảy luôn ra ngoài toa. Wladek thất thểu đi theo hắn lên đồi và vào trong thành phố lúc đó đang họp chợ sáng.

Kể từ sau những bữa ăn tuyệt vời ở chỗ Nam tước đến giờ, anh chưa từng thấy ở đâu có nhiều thức ăn như thế. Các thứ hoa quả, rau cỏ, kể cả thứ lạc mà anh thích, chất đầy trên các ngăn hàng. Tên kia cũng có thể thấy Wladek bị ngợp trước cảnh này.

- Bây giờ chúng mình làm thế này nhé, - Tên kia nói bằng một giọng tin tưởng. - Tôi sẽ đi vào một góc ngăn hàng ăn cắp một quả cam rồi bỏ chạy. Anh sẽ đứng đó và hét thật to:

Bắt lấy thằng ăn cắp? Người trông hàng sẽ đuổi theo tôi, thế là lúc đó anh nhặt ngay lấy mấy quả nhét vào túi. Đừng có lấy nhiều, chỉ đủ ăn một bữa thôi. Xong rồi, anh quay lại chỗ này, hiểu chưa nào?

- Có lẽ thế, - Wladek nói.

- Để xem dân Moscoqu như anh có làm được chuyện đó không. - Hắn nhìn anh cười khẩy một cái rồi bước ra. Wladek nhìn theo hắn với một vẻ khâm phục. Hắn đàng hoàng đi vào góc một sạp chợ nhấc lấy một quả trên cả một đống cam cao ngất, nói câu gì đó với người bán hàng rồi thủng thẳng bước đi. Hắn nhìn lại Wladek lúc đó đã hoàn toàn quên cả câu nói "Bắt lấy thằng ăn cắp", nhưng người bán hàng ngửng lên trông thấy vội chạy ra đuổi. Mọi người đang chú ý nhìn theo tên kia thì Wladek vơ quàng lấy ba quả cam, một quả táo và một củ khoai nhét cả vào túi áo ngoài. Lúc người bán hàng đã sắp đến gần tên kia thì hắn ném quả cam trả lại cho ông ta. Người đó đứng lại vừa nhặt quả cam vừa chửi rủa, giơ nắm đấm lên dọa rồi quay lại quầy hàng phàn nàn với những người khách quanh đó.

Wladek đang có vẻ khoái trá với cảnh vừa rồi thì một bàn tay đã đặt mạnh lên vai. Anh hoảng sợ quay lại tưởng mình bị bắt.

- Anh có vớ được gì không, anh Moscoqu, hay chỉ đứng đó xem thôi?.

quladek cười và đưa ra ba quả cam, quả táo với củ khoai. Tên kia cũng cười theo.

- Tên cậu là gì? - Wladek hỏi.

- Stephan.

Stephan này, mình lại làm một lần nữa đi.
 
- Thôi đi anh Moscoqu, anh đừng tưởng thế là khôn nhé Nếu muốn làm nữa thì phải ra đầu chợ đằng kia và phải chờ ít ra một giờ nữa. Tôi đã chuyên làm ở đây rồi, nhưng anh đừng tưởng là thỉnh thoảng không bị bắt đâu.

Hai anh chàng lặng lẽ đi ra đầu chợ đằng kia. Stephan đi với một vẻ rất đàng hoàng khiến Wladek nghĩ bụng giá mình không biết thì đã mất hết với hắn rồi. Họ trà trộn vào chỗ những người mua hàng buổi sáng, và khi Stephan cho rằng đã đến lúc thì họ tái diễn hai lần cảnh đã làm lúc trước. Cả hai người đều rất thỏa mãn, quay trở về toa xe bỏ hoang để hưởng những gì đã ăn cắp được:

sáu quả cam, năm quả táo, ba củ khoai, một quả - lê, rất nhiều loại lạc với một phần thưởng đặc biệt là quả dưa to. Trước kia Stephan không bao giờ có túi đủ to để cho quả dưa vào đó được Chiếc áo ngoài của Wladek bây giờ mới làm được chuyện ấy.

- ăn được, - Wladek cắn vào củ khoai và nói.

- Cậu ăn cả vỏ ư? - Stephan ngạc nhiên nói.

- Mình đã ở những chỗ được ăn vỏ khoai đã là sang lắm rồi, - Wladek nói.

Stephan nhìn anh bằng con mắt khâm phục.

- Vấn đề nữa ìà chúng ta làm thế nào có. tiền đây?- Wladek nói.

- Trong một ngày mà cậu muốn có đủ thứ thế ư, hả ông chủ? - Stephan nói. - Nếu cậu định làm ăn to thì phải nhập bọn với đám ở ngoài bến kia, ông Moscoqu ạ.

- Cậu chỉ cho tớ xem. - Wladek nói.

Họ ăn hết nửa số quả và giấu chỗ còn lại xuống dưới đống rơm ở góc toa xe, rồi Stephan dẫn Wladek xuống bến chỉ cho anh xem rất nhiều tàu đậu dưới đó. Wladek không tin ở mắt mình nữa. Anh đã được nghe Nam tước kể cho biết về những tàu to chạy xuyên qua các biển lớn đem hàng đến cho nước ngoài, nhưng những chiếc tàu anh được thấy tận mắt đây còn to hơn nhiều so với điều anh tưởng tượng, và chúng đậu thành một hàng dài không thể nhìn thấy hết được.

Stephan nói làm anh sực tỉnh.

- Cậu trông thấy chiếc tàu to tướng màu xanh kia không? Nếu muốn làm thì cậu chỉ việc xuống dưới gầm cái ván cầu, nhặt một cái rổ, chất đầy thóc vào đó rồi trèo lên thang và đổ xuống khoang tàu. Cứ bốn chuyến như thế thì cậu được một rúp. Cậu phải đếm cho đúng, không thì cái thằng cầm đầu ấy sẽ bịp và ăn chặn tiền của cậu đấy.

Cả buổi chiều, Stephan và Wladek làm cái việc vác thóc lên thang. Hai người kiếm được hai mươi sáu rúp. Sau một bữa ăn no nê với số lạc, bánh và hàng ăn cắp được, hai người lăn ra ngủ trong cái toa xe lúc trước.

Sáng hôm sau Wladek dậy trước và Stephan thấy anh ngồi xem bản đồ.

- Cái gì thế? - Stephan hỏi.

- Đây là bản vẽ con đường để tớ chạy ra khỏi nước Nga.

- Cậu có thể ở đây và nhập bọn với tớ thì việc gì phải bỏ nước Nga? - Stephan nói. - Chúng mình cùng làm ăn với nhau được chứ! - Không, tớ phải đi đến Thổ nhĩ kỳ. Đến đó tớ sẽ được là người tự do lần đầu tiên trong đời. Sao cậu không cùng đi với tớ, hả Stephan?

- Tớ chả bao giờ có thể bỏ odessa được. Đây là nhà tớ Đường sắt là nơi tớ sống, những người ở đây tớ đã quen biết từ bé đến giờ rồi. Ở đây chẳng hay gì lắm, nhưng có khi ở Thổ nhĩ kỳ còn tệ hơn. Nhưng nếu cậu muốn đi thì tớ sẽ giúp.

- Tớ làm sao biết được tàu nào đi Thổ nhĩ kỳ? - Wladek hỏi.

- Dễ thôi, tớ có thể biết tất cả những tàu nào sắp đi đâu Tụi mình sẽ hỏi ông Joe Một Răng ở cuối cầu tàu là biết ngay. Nhưng cậu phải trả ông ấy một rúp.

- Chắc hai người lại chia nhau chứ gì?

- Mỗi người một nửa. - Stephan nói. - Cậu học được nhanh đấy, cậu Moscoqu ạ. - Nói đến đây, hắn liền nhảy ngay ra ngoài toa.

Wladek chạy theo hắn len lỏi giữa những toa tàu. Anh càng thấy bọn chúng đứa nào cũng nhanh nhẹn, chỉ có mình là phải đi cà nhắc thôi. Đến cuối cầu tàu, Stephan dẫn anh vào một căn lều nhỏ có những đống sách phủ đầy bụi và những bảng giờ tàu đã cũ. Wladek không nhìn thấy ai, nhưng bỗng có tiếng nói từ đằng sau đống sách:

Chúng mày muốn gì thế? Tao không có thì giờ đâu nhé.

- Hỏi một tí cho anh bạn tôi đây, Joe. Chuyến tàu sang sắp tới đi Thổ nhĩ kỳ là bao giờ đấy?

- Bỏ tiền ra đã, - Một ông già thò đầu từ phía sau đống sách nói. Mặt mũi ông rõ ra một người đã trải qua nhiều nắng gió. Đầu đội mũ lính thủy. Đôi mắt đen nhìn xoáy vào Wladek.

- Ông ấy là người đi biển giỏi lắm nhé, - Stephan nói thầm với Wladek nhưng đủ để Joe nghe thấy.

- Đừng nói lôi thôi, mày. Rúp đâu?

- Ông bạn tôi cầm tiền, - Stephan nói. - Wladek, - cậu đưa đồng rúp cho ông ấy.

Wladek lấy ra đồng tiền. Joe cắn thử vào đồng tiền xem có thật không, rồi đi ra tủ sách rút lấy một bảng giờ tàu màu xanh rất to. Bụi bay tứ tung. Ông ta vừa ho vừa lật mấy trang trong đó, đưa ngón tay sần sùi dò tìm các tên tàu.

- Thứ năm sau tàu Renaska sẽ đến lấy than, rồi có lẽ đi vào thứ bảy. Nếu nó lấy được nhanh thì có thể đi vào đêm thứ sáu để đỡ tiền thuê cảng. Nó sẽ đậu ở cảng mười bảy.

Cảm ơn ông Một Răng nhé, - Stephan nói. - Để tôi xem có thể dẫn vài ông bạn giàu đến đây được không.

Joe Một Răng giơ nắm đấm lên chửi, còn Stephan với Wladek kéo nhau chạy ra ngoài.

Trong ba ngày sau đó, hai anh chàng lại tiếp tục đi ăn cắp lương thực, khuân vác thuê và lăn ra ngủ. Đến hôm thứ năm tuần sau đó, chiếc tàu Thổ' nhĩ. kỳ đến cảng thì Stephan hầu như đã thuyết phục được Wladek ở lại odessa. Nhưng cuối cùng vì nỗi sợ hãi đối với người Nga ám ảnh Wladek nên anh thấy cuộc sống mới với Stephan dù sao cũng không thể hấp dẫn anh hơn được nữa.

Họ đứng trên cầu tàu nhìn con tàu mới đến đậu ở cảng mười bảy.

- Mình làm thế nào lên tàu được? - Wladek hỏi.

- Dễ thôi, - Stephan nói, - Sáng mai mình sẽ nhập bọn với đám người khuân vác. Tớ sẽ đi sát ngay sau cậu. Chờ lúc nào than đổ gần đầy thì cậu nhảy ùm ngay xuống đó, tìm chỗ trốn, còn tớ thì nhặt cái giỏ của cậu và quay ra phía bên kia.

- Rồi cậu lĩnh luôn cả phần tiền của tớ chứ gì, - Wladek nói.

- Tất nhiên, - Stephan đáp. - Tớ có sáng kiến thế thì phải được thưởng tiền chứ, nếu không thì ai người ta còn tin ở chuyện làm ăn tự do được nữa?

Sáng hôm sau, họ nhập hội với đám khuân vác than. Họ lên lên xuống xuống trên chiếc ván cầu đồ than, nhưng than đổ xuống mãi chỉ thấy lọt thỏm. Cho đến tận chiều tối mà vẫn chưa được nửa khoang. Đêm đó, hai người ngủ thật say. Rồi lại đến sáng hôm sau nữa, họ tiếp tục khuân vác cho đến giữa buổi chiều thì khoang tàu chở than mới gần đầy. Stephan đá vào gót chân Wladek làm hiệu.

- Lần sau nhé, cậu Moscoqu, - Hắn nói. Lên đến đầu ván cầu, Wladek đổ thúng than của mình xuống, bỏ lại cái thúng trên cầu tàu, vịn vào lan can và nhẩy xuống đống than. Stephan nhặt cái thúng của Wladek lên rồi tiếp tục đi sang phía bên kia, vừa đi vừa huýt sáo.

- Tạm biệt anh bạn nhé, - Stephan nói. - Và chúc cậu may mắn với bọn Thổ vô đạo nhé.

Wlađek ép người vào góc khoang tàu và nhìn đống than tiếp tục đổ xuống bên cạnh mình. Bụi than bay mù lên, vào cả mũi mồm, chui cả vào phổi và vào mắt anh. Anh cố gắng chịu đau không dám ho lên, sợ thủy thủ trên tàu nghe thấy. Đúng đến lúc anh thấy không thể nào chịu được cái không khí ngột ngạt, đã định quay lên với Stephan để rồi sau này tìm cách khác mà trốn thì người ta đóng cửa khoang lại. Wladek được thể, ho ran một hồi.

Một lúc sau, anh thấy có cái gì như cắn vào gót chân. Anh rùng mình nhìn xuống xem là cái gì, hóa ra đó là chuột rất to. Anh cầm cục than nén vào con vật khủng khiếp ấy, nhưng nó vừa chạy đi thì con khác, rồi lại con khác nữa kéo đến. Con sau còn mạnh bạo hơn, leo cả lên chân anh. Không biết nó ở đâu ra.

Vừa to, vừa đen sì và rất đang đói ăn. Anh cúi xuống nhìn kỹ. Lần đầu tiên trong đời Wladek thấy chuột có mắt đỏ. Anh vội trèo lên đống than và cố mở cái nắp trên cửa khoang. ánh nắng rọi vào và lũ chuột chui tọt xuống hầm dưới. Anh định trèo ra ngoài, nhưng con tàu vừa ra khỏi bến cảng. Anh hoảng sợ, lại rút vào trong khoang. Nếu như con tàu này buộc phải quay lại và giao Wladek cho nhà cầm quyền thì anh biết chắc mười mươi là sẽ phải trở về trại giam 201 bọn Bạch Nga mà vĩnh viễn không bao giờ ra khỏi được nữa. Anh đành ở lại với lũ chuột. Anh vừa đậy cái nắp vào là chúng lại kéo đến. Anh phải nhặt than ném liên tiếp vào chúng, nhưng con này vừa đi thì con khác lại xuất hiện. Chốc chốc anh phải hé mở cái nắpcho ánh sáng lọt vào, vì chỉ có ánh sáng mới là đồng minh duy nhất giúp cho anh có thể xua lũ chuột đi được Suốt hai ngày ba đêm Wladek phải vật lộn chiến đấu với lũ chuột, không được một lúc nào ngủ yên với chúng. Cuối cùng khi con tàu đến cảng Constantinople và người ta mở nắp khoang ra thì Wladek đen kịt suốt từ đầu đến chân, còn từ đầu gối xuống đến ngón chân thì đầy những máu, Thủy thủ trên tàu kéo anh ra khỏi đống than. Wladek cố đứng dậy, nhưng rồi lại ngã gục xuống trên boong tàu.

Lúc Wladek tỉnh lại - Anh không biết mình ở đâu và sau đó bao lâu - Thấy mình nằm trên chiếc giường trong một căn phòng nhỏ, có ba người mặc áo dài trắng đứng chung quanh đang nhìn anh rất kỹ, và họ nói một thứ tiếng gì đó anh chưa từng nghe thấy bao giờ Trên thế giới này có bao nhiêu thứ ngôn ngữ nhỉ?

Anh nhìn lại mình, vẫn còn đen kịt và đầy những máu me. Anh định ngồi dậy thì một trong ba người mặc áo trắng, nhiều tuổi nhất và có bộ râu dê trên khuôn mặt gầy nhỏ, lại đẩy anh nằm xuống. Ông ta nói với Wladek bằng một thứ tiếng gì lạ lắm. Wladek lắc đầu ông ta lại nói tiếng Nga. Anh vẫn lắc đầu. Anh biết là nếu mình trả lời bằng tiếng đó thì lập tức bị đưa về chỗ cũ ngay. Thứ tiếng sau đó ông bác sĩ thử nói là tiếng Đức. Wladek biết rằng mình còn giỏi hơn ông ta về tiếng này.

- Anh nói được tiếng Đức?

- Vâng.

A, thế ra anh không phải người Nga?

- Không.

- Vậy anh làm gì ở Nga?

- Tôi trốn.

- À ra thế. - Ông ta quay lại nói với những người kia bằng thứ tiếng của mình, rồi ba ngliời đi ra ngoài.

Một cô y tá bước vào lau sạch người cho Wladek, mặc cho anh kêu đau. Cô ta buộc thuốc vào chân cho anh, rồi bỏ anh nằm đó ngủ tiếp. Lần thứ hai Wladek tỉnh dậy thấy chỉ có mỗi mình anh trong phòng. Anh nhìn lên trần nhà trắng toát, suy nghĩ xem sẽ làm gì.

Anh vẫn không biết được mình đang ở xứ nào. Anh trèo lên bệ cửa sổ nhìn ra ngoài. Anh thấy có một cái chợ, không khác gì lắm với chợ Ở odessa, chỉ trừ có những nguời ở đây mặc áo dài trắng và da dẻ họ thẫm hơn. Họ cũng đội những chiếc mũ có nhiều màu, trông những chậu hoa con ở trên đầu, còn chân thì đi dép.

Đàn bà thì mặc toàn đồ đen, cả đến mặt họ cũng che kín chỉ chừa hai con mắt cũng đen. Wladek nhìn họ đi lại tấp nập trong chợ, nhìn các bà mua bán, và anh cảm thấy có lẽ ở xứ nào thì cũng chỉ là như vậy thôi.

Lát sau anh nhìn thấy bên cạnh cửa sổ có chiếc thang đỏ bằng sắt gắn vào tường và xuống đến tận đất Anh bước xuống và khẽ ra mở cửa, ngó nhìn hành lang bên ngoài. Mọi người đi đi lại lại nhưng không ai để ý gì đến anh. Anh lại khẽ đóng cửa vào, tìm ra mấy thứ đồ vật của anh trong ngăn tủ ở góc phòng rồi vội mặc quần áo vào. Wần áo của anh vẫn còn bám đầy than, cọ sát vào da thịt anh lúc này đã được rửa ráy sạch sẽ. Anh quay trở ra cửa sổ. Cánh cửa sổ mở rất dễ. Anh bám lấy thang vịn chữa cháy nhảy ra ngoài cửa sổ rồi theo cái thang sắt xuống đến đất.

Điều đầu tiên là anh thấy nóng, nóng hết sức. Anh chỉ muốn mình đừng khoác cái áo lông nặng nề này nữa.

Xuống đến đất, Wladek đã định chạy ngay, nhưng đôi chân anh còn yếu và rất đau nên chỉ có thể đi được chậm. Anh ước gì mình thoát được cái cảnh cà nhắc này. Anh không quay lại nhìn bệnh viện nữa mà đi lẫn vào đám đông trong chợ.

quladek nhìn vào những thứ bầy trên quầy hàng mà thèm. Anh định mua một quả cam và ít lạc. Anh lần tìm trong áo, nhớ là tiền còn giấu ở trong tay áo.

Nhưng anh không thấy gì, và cả đến chiếc vòng bạc cũng không còn nữa. Ra những người mặc áo trắng trong bệnh viện đã lấy mất của anh rồi. Anh định quay lại bệnh viện đòi cái di sản ấy những nghĩ bụng phải ăn một cái gì đã, rồi có đi đâu mới đi được. Có lẽ trong túi còn tiền. Anh sục tay vào các túi bỗng thấy cả ba tờ bạc và một ít tiền đồng. Cả tấm bản đồ của bác sĩ và chiếc vòng bạc cũng còn trong đó.

Wladek vui mừng hết sức. Anh đeo lại chiếc vòng bạc vào tay và kéo nó lên tận trên khuỷu tay. Wladek chọn lấy một quả cam to nhất với một gói lạc Người bán hàng nói cái gì đó anh không hiểu.

Wladek nghĩ cách dễ dàng nhất để ông ta hiểu được ìà đưa ra tờ bạc 50 rúp. Người bán hàng nhìn vào tờ giấy bạc, cười và giơ hai tay lên trời.

- Lạy Thánh Allah? - Ông ta kêu lên, giằng lấy gói lạc và cam trong tay Wladek rồi giơ ngón tay trỏ xua anh đi. Wladek buồn rầu bước ra ngoài. Anh nghĩ là có lẽ tiếng nói khác thì phải dùng thứ tiền khác. Ở Nga thì nghèo, còn ở đây thì anh không có một xu nào. Có lẽ anh phải ăn cắp một quả cam thôi, Nếu sắp bị bắt thì vứt trả lại cho người bán hàng. Wladek đi ra đầu chợ đằng kia như kiểu Staphan đã làm, nhưng anh không bắt chước được kiểu đi đàng hoàng và tin tưởng như Stephan. Anh chọn quầy hàng cuối cùng, và liếc nhìn thấy không có ai trông hàng, anh vội nhặt một quả cam rồi bỏ chạy. Bỗng có tiếng ồn ào phía sau. Anh tưởng như có đến nửa thành phố này đang đuổi theo mình.

Một người to lớn nhẩy đến túm lấy Wladek vật xuống đất. Sáu bảy người nữa nắm lấy anh kéo trở lại quầy hàng. Một đám đông xúm lại chung quanh. Một viên cảnh sát đứng đó chờ. Người ta làm biên bản. Người bán hàng với viên cảnh sát to tiếng với nhau. Viên cảnh sát quay sang quát tháo với Wladek, nhưng anh chẳng hiểu ông ta nói gì. Viên cảnh sát nhún vai rồi lấy tai Wladek dẫn đi. Những người chung quanh đó nhìn anh quát mắng. Một số người còn nhổ vào mặt anh. Về đến trạm cảnh sát, Wladek bị tống xuống một gian xà lim chật hẹp trong đó đã có sẵn vài ba chục những tên lưu manh ăn cắp mà anh không biết ai vào ai nữa. Wladek không nói năng gì với chúng, và bọn chúng cũng có vẻ không muốn nói gì với anh.

Anh ngồi dựa lưng vào tường, co rúm người lại, im lặng và khiếp sợ. Họ để anh ngồi đó một ngày một đêm không cho ăn uống gì. Ngửi mùi hôi thối trong xà lim khiến anh nôn mửa hết không còn gì trong bụng.

Anh không thể ngờ rằng lại có một ngày mà ngay cả đến những căn hầm ở Slonim cũng còn yên ấm dễ chịu hơn.

sáng hôm sau có hai người hnh gác đến kéo Wladek ra khỏi nhà hầm để ra bên ngoài cùng xếp hàng với nhiều tù nhân khác. Họ bị buộc vào với nhau bằng một sợi dây thừng vòng quanh ngực rồi đưa ra phố. Một đám đông người đã đứng chờ sẵn ở đây. Họ reo hò khi thấy tù nhân được dẫn ra. Rồi họ kéo theo đoàn tù ra chợ, vừa vỗ tay vừa hét. Wladek không hiểu tại sao họ làm như vậy. Ra đến chợ, tất cả dừng lại Tên tù đầu tiên được cởi trói? và dẫn ra giữa chợ:
 
ở đây đã có hàng trăm người đứng chung quanh, và ai cũng hò hét rầm trời Wladek nhìn quang cảnh mà không thể tưởng tượng được. Khi tên tù đầu tiên ra đến quảng trường, hắn bị tên lính gác đánh cho quỳ xuống rồi bàn tay phải của hắn bị buộc lên một cục gỗ to. Một người khác to lớn giơ cao lưỡi kiếm lên khỏi đầu và chặt xuống cổ tay tên tù đó. Người kia chỉ chặt vào đúng mấy đầu ngón tay. Tên tù hét lên đau đớn. Người kia lại giơ cao lưỡi kiếm lên. Lần này chặt vào đúng cổ tay, nhưng bàn tay chưa đứt hẳn, còn lủng lẳng ở cánh tay tên tù và. máu tuôn xuống mặt đất. Lưỡi kiếm lại giơ lên lần thứ ba và lần này thì bàn tay của tên tù rụng hẳn xuống đất. Đám người chung quanh rồ lên tán thưởng. Tên tù được cởi dây trói và lăn ra đó, ngất đi. Một tên lính gác đến kéo hắn ra ngoài, vứt dưới chân đám người đứng đó. Một người đàn bà khóc lóc, - Wladek đoán đó là vợ anh ta - Và vội lấy một mảnh vải ra buộc cho cầm máu. Tên tù thứ hai đã chết luôn sau nhát kiếm thứ tư. Tên đao phủ to lớn kia không quan tâm đến chuyện ai sống ai chết.

Hắn chỉ vội vã làm nhiệm vụ của hắn. Hắn được trả lương để chuyên chặt tay những người khác.

Wladek nhìn ra chung quanh mà khiếp sợ đến nghẹt thở. Giá như còn cái gì trong bụng thì anh cũng đến nôn ra hết. Anh quay ra các phía xem có ai cứu giúp hoặc có cách gì trốn được. Không ai nói cho anh biết là theo luật của Hồi giáo, nếu định chạy trốn thì sẽ bị chặt chân. Trong các khuôn mặt đứng trong đám đông, anh nhìn ra một người ăn mặc bộ đồ sẫm như kiểu Châu âu. Người đó đứng cách Wladek chỉ độ vài chục mét và rõ ràng là ông ta nhìn cảnh này với một thái độ kinh tởm. Nhưng ông ta không nhìn về phía Wladek, cũng không nghe tiếng anh gào lên kêu cứu mỗi khi có nhát kiếm hạ xuống. Không biết ông ta là người Pháp, hay Đức, hay Anh, hoặc có thể là Ba- lan nữa? Wladek không biết ông ta là người nước nào nhưng hẳn phải có lý do gì mới đứng xem cái cảnh rùng rợn này. Wladek vẫn cứ nhìn về phía ông ta, chỉ mong ông ta quay ra nhìn về phía mình. Nhưng không, ông ta vẫn nhìn đi chỗ khác. Wladek còn một bên tay không bị trói giơ lên vẫy nhưag ông ta không để ý Họ cởi trói người thứ hai đứng trước Wladek và kéo anh ta đi. Lưỡi kiếm lại vung ìên đám đông lại reo hò. Người đàn ông mặc bộ đồ sẫm quay mặt đi không dám nhìn. Wladek lại giơ tay vẫy ông ta lần nữa. Ông ta nhìn Wladek rồi quay sang nói với người bên cạnh mà Wladek từ nãy không để ý thấy. Lúc này tên lính gác đang giằng co với một tù nhân đứng trước Wladek. Anh ta đặt bàn tay tù nhân xuống dưới sạp. Lưỡi kiếm vung lên và chỉ một nhát là bàn tay đó rụng. Đám đông thấy thế thất vọng. Wladek lại quay lại nhìn mấy người châu âu kia. Lúc này cả hai người đó đều nhìn anh. Anh muốn họ bườc đến, nhưng họ chỉ đứng đó nhìn.

Tên lính gác bước đến, vứt chiếc áo 50 rúp của Wladek xuống đất, mở khóa và xắn tay áo của anh lên. Hắn lôi Wladek đi nhưng anh cố giẫy giụa. Anh không đủ sức cưỡng lại tên lính. Ra đến gần cục gỗ, hắn đá vào khoeo chân cho anh quỳ xuống đất. Sợi dây da lại được quấn vào cổ tay anh. Anh không còn biết làm gì nữa, chỉ nhắm mắt lại trong khi tên đao phủ giơ cao lưỡi kiếm lên trên đầu hắn. Anh hồi hộp chờ đợi nhát kiếm hạ xuống, nhưag tự nhiên thấy trong đám đông im lặng hẳn đi, và chiếc vòng bạc của Nam tước từ trên khuỷu tay anh rơi tụt xuống lăn trên cục gỗ. Đám người chung quanh im lặng nhìn chiếc vòng bạc di sản kia óng ánh dưới nắng. Tên đao phủ ngừng lại, bỏ kiếm xuống và ngắm nghía chiếc vòng bạc. Wladek mở mắt ra. Tên lính đứng đó định lồng chiếc vòng bạc trở lại cổ tay Wladek, nhưng còn vướng sợi dây da nên không kéo lên được. Một người mặc quân phục ở đâu vội chạy đến bên tên đao phủ. Anh ta cũng nhìn vào chiếc vòng bạc với nhưng chữ viết trên đó rồi chạy đến một người khác, có lẽ là cấp chỉ huy, vì người đó cũng đang chầm chậm bước đến chỗ Wladek. Thanh kiếm vẫn nằm trên mặt đất. Đám đông lại bắt đầu gào hét. Tên lính thứ hai cũng định kéo chiếc vòng bạc lên nhưng không được vì muốn thế thì hắn phải cởi sợi dây da mới được. Hắn quát mấy tiếng vào mặt Wladek, nhưng anh không hiểu gì và chỉ đáp lại bằng tiếng Ba- lan:

- Tôi không nói được tiếng của ông.

Tên sĩ quan tỏ vẻ ngạc nhiên, giơ hai tay lên trời và hét ìên một tiếng:

- Allah?

Wladek nghĩ có lẽ đó cũng giống như câu "Lạy Chúa". Tên sĩ quan bước đến chỗ hai người mặc bộ đồ Châu âu đứng trong đám đông và hoa tay múa chân một lúc. Wladek thầm cầu nguyện. Trong hoàn cảnh này, người ta cầu nguyện bất cứ thần linh nào, dù đó là thánh Allah hay là Đức mẹ đồng trinh. Hai người Châu âu nhìn về phía Wladek và Wladek cũng gật đầu rối rít. Một trong hai người đó bước theo tên sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ đến chỗ anh. Người đó quỳ một chân xuống bên cạnh Wladek, nhìn chiếc vòng bạc rồi nhìn anh rất kỹ. Wladek chờ đợi. Anh có thể nói chuyện được bằng năm thứ tiếng, và anh thầm mong ông ta sẽ nói một trong năm thứ tiếng ấy. Khi nghe thấy người âu Châu đó quay sang nói với tên sĩ quan kia bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thì anh thất vọng. Đám đông lúc này đang rít lên và ném những quả thối vào phía trong. Tên sĩ quan kia gật đầu rồi người âu Châu quay sang nhìn Wladek.

- Anh nói được tiếng Anh không?

Wladek thở dài nhẹ người.

Thưa ông có. Tôi nói được. Tôi là công dân Ba- lan.

- Tại sao anh có được chiếc vòng bạc ấy?

Nó là của cha tôi, thưa ông. Cha tôi chết trong nhà tù của người Đức ở Ba lan, còn tôi thì bị bắt và tống giam vào một trại tù ở Nga. Tôi đã trốn được và đến đây bằng tàu thủy. Đã nhiều ngày nay tôi không được ăn uống gì. Khi người bán hàng không chịu bán cho tôi quả cam bằng tiền rúp, tôi phải lấy một quả vì tôi đói quá rồi.

Người Anh từ từ đứng dậy, quay sang phía tên sĩ quan và nói với một giọng cứng rắn. Tên sĩ quan lại nói với tên đao phủ. Tên đao phủ ngập ngừng một chút, nhưng tên sĩ quan gắt lên hắn mới cúi xuống miễn cưỡng tháo sợi dây da. Wladek lại nôn ọe.

- Đi theo tôi, - Người Anh nói, - Đi mau lên, kẻo họ thay đổi ý kiến. quladek vẫn còn hoang mang chưa hiểu, vội vớ lấy chiếc áo rồi đi theo ông ta. Đám đông đứng ngoài la ó kêu hét và ném theo các thứ họ có sẵn trong tay. Tên đao phủ nhanh chóng đặt bàn tay một tù nhân khác lên cục gỗ, rồi bằng nhát kiếm đầu hắn chỉ chặt đi một ngón tay cái thôi. Hình như chỉ có cách đó mới làm yên được đám đông.

Người Anh lách qua được đám đông nhốn nháo ra đến ngoài quảng trường, và người bạn cùng đi với ông ta cũng ra theo.

Chuyện gì thế, Edquard?

Chú bé này này nó là người Ba- lan và trốn khỏi nước Nga. Tôi nói với tên sĩ quan trong kia bảo nó là người Anh, vì vậy nó thuộc thẩm quyền của chúng ta.

Bây giờ hãy đưa nó về sứ quán rồi tìm hiểu xem nó có nói thật hay không.

Wladek chạy theo giữa hai người rảo bước qua chợ và đi vào phố Bẩy ông Vua. Anh vẫn còn nghe loáng thoáng tiếng người trong đám đông mỗi khi lưỡi kiếm của tên đao phủ hạ xuống lại reo hò tán thưởng.

Hai người Anh đi qua một cái cổng cuốn vào một mảnh sân rải sỏi và đến trước một ngôi nhà lớn quét sơn màu xám. Họ bảo Wladek đi theo. Trên cửa có tấm biển đề ĐẠi SỨ QUÁN ANH. Bước vào trong nhà rồi, Wladek mới cảm thấy an toàn. Anh đi theo sau hai người qua một dãy hành lang dài trên tường có treo những bức tranh vẽ lính và thủy thủ ăn mặc rất lạ Ở cuối hành lang là bức chân dung một người già trong bộ quân phục màu xanh của Hải quân và trên ngực đeo rất nhiều huân chương. Bộ râu của nglrời đó khiến Wladek nhớ đến Nam tước. Một người lính ở đâu bước ra chào.

- Ông cai Smithers, ông nhận lấy chú bé này, cho nó đi tắm. Rồi cho nó ăn ở trong bếp. Bao giờ nó ăn xong và đỡ cái mùi hôi thối thì ông kiếm cho nó vài cái quần áo mới rồi dẫn nó lên chỗ tôi nhé.

- Thưa vâng, - Ông cai nói và lại giơ tay chào.

- Cậu bé, đi theo tôi. - Ông ta bước đi và Wladek ngoan ngoãn theo sau. Anh phải chạy mới theo kịp bước chân ông ta được. Ông ta đưa anh xuống tầng hầm sứ quán và dẫn vào một căn phòng nhỏ, có cửa sổ bé tí. Ông ta bảo anh cởi quần áo ra rồi chờ đó. Lát sau ông ta quay lại với mấy chiếc quần áo mới, nhưng thấy Wladek vẫn mặc nguyên quần áo và ngồi ở cạnh giường xoay xoay chiếc vòng bạc quanh cổ tay.

- Nhanh lên cậu bé. Đây không phải chỗ dưỡng bệnh nhé.

- Xin lỗi ngài ạ. - Wladek nói.

- Đừng gọi tôi là ngài. Tôi là ông Cai Smithers. Gọi tôi là Cai thôi. _ - Dạ, tôi là Wladek Khônggkiequicz. Ông gọi tôi là Wladek - - Này, đừng có đùa. Trong quân đội Anh đã có khối người đùa rồi, không cần phải có thêm cậu vào đấy nữa.

Wladek không hiều ông ta nói gì. Anh vội cởi quần áo.

- Theo tôi nhanh lên. Wladek lại được tắm một lần tắm tuyệt vời với xà phòng và nước nóng. Wladek nghĩ đến người đàn bà Nga đã che chở cho anh. Suýt nữa thì anh đã trở thành con trai bà ta, nếu như không có chồng bà ta.

Và lại một bộ quần áo mới nữa. Lạ, nhưng sạch sẽ thơm tho. Không biết nó là của con ai thế nhỉ. Nhưng kia, ông ấy đã đến rồi kìa.

ông cai Smithers dẫn Wladek vào bếp và giao anh cho một bà làm bếp to béo có bộ mặt hồng hào, một bộ mặt dễ thương nhất kể từ khi anh rời đất Ba lan đến giờ. Bà ta khiến anh nhớ đến mẹ nuôi nhưng không biết bây giờ bà đã ra sao ở Trại 201 rồi.

- Chào chú, - Bà ta tươi cười nói, - Tên chú là gì nào?.

Wladek xưng tên.

- Này chú, tôi sẽ cho chú ăn một bữa đàng hoàng của người Anh, chứ những cái món Thồ Nhĩ Kỳ ở đây là không ăn được đâu. Bắt đầu bằng súp nóng với thịt bò. Trước khi đi gặp ông Prendergast, thì chú phải chén cho đã vào chứ. - bà ta cười " Chú nhớ là đừng có sợ Ông ấy nghe không. Mặc dầu ông ấy là người Anh, nhưng ông ấy cũng khá tốt bụng đấy.

- Thế bà không phải người Anh ư? - Wladek ngạc nhiên hỏi.

- Trời ơi, không đâu chú ạ. Tôi là người Xcốt- len. Khác lắm chứ. Người Xcốt- len chúng tôi ghét người Anh hơn cả bọn Đức ghét người Anh nữa kia, - Bà ta vừa nói vừa cười. Bà ta đặt xuống trước mặt Wladek một đĩa súp nóng có rất nhiều thịt và rau trong đó.

Anh đã hoàn toàn quên mất rằng thức ăn có thể thơm và ngon như vậy. Anh ăn từ từ, trong bụng chỉ sợ rằng có thể còn rất lâu nữa mới lại được ăn như thế này.

ông Cai lại? xuất hiện.

- Cậu bé ăn no chưa?

- Dạ, no rồi, cảm ơn ông lắm.

ông Cai nhìn Wladek với vẻ nghi hoặc, nhưng thấy Wladek không có vẻ đùa, bèn nói:

- Tốt. Thôi, Bây giờ đi thôi. Phải lên trình diện với ông Prendergast cho sớm.

ông Cai đã đi khuất sau cửa bếp nhưng Wladek còn nán lại nhìn bà bếp. Anh rất không thích chia tay với người nào mới gặp, nhất là người đó lại tốt với mình.

Thôi chú đi đi, chúc chú gặp may nhé. - Cảm ơn bà, - Wladek nói. Thức ăn của bà là ngon nhất. Tôi sẽ nhớ mãi.

Bà bếp nhìn anh mỉm cười. Anh lại phải nhẩy cà nhắc để chạy theo ông cai có những bước đi rất dài.

ông ta dừng lại bất ngờ trước một khung cửa khiến Wladek suýt đâm sầm vào. Này, cậu bé cẩn thận đấy, phải nhìn chứ. Ông ta đưa tay lên gại vào cửa.
 
- Vào - Một giọng nói bên trong vẳng ra. Ông cai mở cửa và chào.

- Cậu bé Ba lan, thưa ngài. Đã tắm rửa ăn uống tử tế rồi.

- Cảm ơn ông Cai. Có lẽ nhờ ông nói giùm với ông Grant bảo ông cùng đến đây cho.

Eđquart Prendergast ngồi phía sau bàn giấy nhìn lên. Ông ta ra hiệu cho Wladek ngồi xuống. Ông không nói gì và lại tiếp tục xem giấy tờ. Wladek ngồi nhìn ông ta rồi lại nhìn lên nhữag bức chân dung trên tường. Lại thấy những ông tướng và đô đốc và cả ông có râu anh đã thấy lúc trước, nhưng trong tranh này ông ta mặc quần áo ka- ki của quân đội. Vài phút sau, một người Anh khác mà anh nhớ là đã thấy ở ngoài chợ bước vào phòng.

Cảm ơn anh cùng đến, Harry. Mời anh ngồi. - Ông Prendergast quay sang Wladek. - Nào, chú bé, bây giờ chú nói lại từ đầu đi xem nào. Chú phải nói đúng sự thật, không được nói quá, hiểu không?

- Thưa ông vâng.

Wladek bắt đầu câu chuyện từ những ngày sống ở Ba lan. Anh phải dừng lại một đôi chỗ để tìm cho đúng những từ tiếng Anh. Cứ xem nét mặt hai người Anh này, Wladek cũng thấy là lúc đầu họ tỏ ra không tin. Thỉnh thoảng họ ngắt lời và hỏi anh vài câu hỏi, rồi nhìn nhau gật đầu sau khi anh trả lời. Sau một giờ nói chuyện, những điều Wladek kể mới đi đến chỗ lúc này anh đang ngồi trong cơ quan lãnh sự của Nữ hoàng Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

- Harry ạ, - Ông phó lãnh sự nói, - Tôi nghĩ bổn phận chúng ta là phải báo ngay cho đoàn Ba- lan biết rồi trao chú Khôngskiequicz này lại cho họ. Tôi thấy trong trường hợp này thì dứt khoát đó là trách nhiệm của họ.

- Đồng ý, - Người có tên là Harry nói. - Chú bé này, hôm nay chỉ một suýt nữa là chú chết ở ngoài chợ. Cái luật Hồi giáo đã cũ này, người ta gọi là Sher, quy định hễ ai ăn cắp là phải chặt một tay, về lý thuyết mà nói, đã bị chính thức bãi bỏ từ lâu rồi. Thực ra, trong bộ luật hình ottoman thì xử như thế là phạm tội ác rồi. Tuy nhiên, trên thực tế thì bọn man rợ vẫn tiếp tục thực hiện điều đó. - Ông ta nhún vai.

Tại sao họ không chặt tay tôi? - Wladek hỏi và ôm lấy cổ tay.

- Tôi bảo họ là muốn chặt tay tất cả những người Hồi giáo thì tuỳ, nhưng không được chặt tay người Anh, - Edquard Prendergast nói.

- Ôi tạ Ơn Chúa, - Wladek nói.

- Tạ Ơn Edquard Prendergast chứ, ông phó lãnh sự nói và bây giờ ông ta mới mỉm cười. - Đêm nay chú có thể nghỉ lại đây, rồi mai chúng tôi sẽ đưa sang đoàn đại diện bên đó. Người Ba lan không có sứ quán ở Constantinople, - Ông ta nói bằng một giọng hơi khinh thường, - Nhưng ông bạn đồng sự của tôi bên đó là một người tốt, vì là người ngoại quốc. - Ông ta bấm chuông gọi, và ông cai xuất hiện ngay.

- Ngài gọi gì ạ.

- Ông Cai, ông đưa chú bé Khôngskiequicz này về phòng. Sáng mai cho chú ấy ăn sáng rồi chín giờ đúng đưa đến chỗ tôi.

- Vâng. Đi lối này, cậu bé, mau lên.

Wladek đi theo ông cai. Anh không kịp cảm ơn hai người Anh đã cứu cho bàn tay của anh, có lẽ cứu cả mạng sống của anh nữa. Trở về căn phòng nhỏ có chiếc giường sạch sẽ chẳng khác gì như anh là khách danh dự Ở đây, anh cởi quần áo ra, vứt chiếc gối xuống sàn rồi lăn ra ngủ một mạch cho đến tận sáng hôm sau khi mặt trời chiếu vào qua khung cửa sổ nhỏ tí.

Dậy rửa mặt, cậu bé, rnau lên.

Đó là ông cai, mặc bộ quân phục trắng bong và là thẳng tắp, như ông ta không nằm giường bao giờ.

Trong khoảnh khắc bừng tỉnh dậy, Wladek tưởng như mình đang còn trong Trại 201, vì tiếng đập bằng chiếc gậy của ông cai vào khung giường sắt giống như tiếng gõ của thanh sắt tam giác mà Wladek vẫn nghe quen trong trại. Anh trườn ra khỏi giường và vơ lấy quần áo.

- Đi rửa đã, cậu bé, đi rửa đã. Chúng ta không nên đề cho ông Prendergast sáng sớm ra phải ngửi cái mùi của cậu, phải thế không nào?

Wladek không biết là mình phải rửa ráy như thế nào nữa, vì anh thấy đã sạch lắm rồi. Ông cai chăm chú nhìn anh.

- Chân cậu làm sao thế?

- Không sao, không sao, - Wladek nói và quay mặt đi chỗ khác.

- Thôi được, ba phút sau tôi trở lại. Ba phút đấy, nghe không? Phải sửa soạn cho xong đấy. Wlađek rửa tay rửa mặt thật nhanh rồi mặc quần áo Anh ngồi ở đầu giường ôm chiếc áo lông cừu chờ ông cai đến đưa anh đi gặp ông phó lãnh sự. Ông Prendergast tỏ vẻ ôn hòa hơn hôm qua rất nhiều.

- Chào chú Khôngskiequicz.

- Dạ thưa chào ông.

Chú ăn sáng ngon không - Dạ tôi không ăn sáng,. thưa ông?

- Tại sao không? - Ông phó lãnh sự nói, và quay sang nhìn ông cai.

Ngủ quá giờ, thưa ngài. Nếu ăn sẽ đến muộn.

- Ồ thế thì phải làm thế nào chứ nhỉ. Ông cai, nhờ ông nói với bà Henderson đem cho một quả táo hay cái gì đó - Vâng, thưa ngài.

Wladek cùng ông phó lãnh sự chậm chạp bước theo hành lang đi ra phía cửa sứ quán, rồi đi tiếp qua sân rải sỏi ra một chiếc xe đỗ bên ngoài. Đó là chiếc xe Austin, một trong những xe hiếm có ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là lần đầu tiên Wladek được ngồi trên một chiếc xe riêng. Anh lấy làm tiếc phải rời sứ quán Anh. Đây là nơi an toàn đầu tiên mà từ bao nhiên năm nay anh mới cảm thấy được. Anh không biết là suốt đời mình còn có dịp nào được ngủ một đêm nữa trên chiếc giường như ở đó nữa không. Ông cai chạy xuống ngồi vào tay lái. Ông đưa cho Wladek một quả táo với vài tấm bánh còn nóng.

- Cậu ăn đi và đừng để vãi trong xe nhé. Bà bếp gởi lời chào cậu đấy.

Chiếc xe từ từ chạy qua những phố đông đúc và nóng nực. Tốc độ như người đi bộ. Người Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn cho rằng chẳng có gì có thể đi nhanh hơn một con lạc đà, vì vậy họ cũng không tránh đường cho chiếc xe Austin đi lên làm gì. Xe mở tất cả các cửa kính mà Wladek vẫn thấy nóng đến ngạt thở, nhưng ông Prendergast thì vẫn cứ tỉnh như không, không hề tỏ ra khó chịu gì. Wlađek chúi người vào sau xe, sợ có ai đã chứng kiến sự việc hôm trước và nhận ra anh trong xe có thể lại hô hoán lên chăng. Chiếc xe Austin nhỏ và sơn đen đỗ lại trước một ngôi nhà nhỏ đã cũ có biển đề LÃNH SỰ QUÁN BA- LAN. Wladek cảm thấy xúc động pha lẫn với thất vọng.

Cả ba người bước xuống xe.

- Hạt táo đâu, cậu bé, - Ông cai hỏi.

- Tôi ăn rồi.

ông cai cười rồi gõ cửa. Một người đàn ông nhỏ bé, tóc đen, cằm vuông và có vẻ thân mật ra mở cửa. Ông ta mặc áo sơ- mi ngắn tay, người sạm đen, rõ ràng là do cái nắng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta nói tiếng Ba Lan.

Đây là những tiếng mẹ đẻ đầu tiên Wladek được nghe thấy kể từ hôm rời trại giam đến nay. Wladek nhanh chóng trả lời ngay và giải thích tại sao anh đến đây. Ông ta quay sang ông phó lãnh sự Anh.

- Xin mời ông đi lối này, ông Prendergast , - Ông ta nói tiếng Anh rất thạo. - Ông đích thân đưa cậu bé đến đây, thật là quý hóa quá.

Họ trao đổi với nhau vài câu ngoại ngữ lịch sự rồi ông Prendergast và ông cai ra về. Wladek nhìn theo họ, cố nghĩ ra xem có câu tiếng Anh nào nói đầy đủ hơn chữ "Cảm ơn" không. Ông Prendergast thân mật xoa lên đầu Wladek. Ông ra theo ông Cai rồi nháy mắt nói với Wladek.

- Chúc chú may mắn nhé. Chúa phù hộ cho chú được hưởng may mắn đấy.

ông lãnh sự Ba lan tự giới thiệu mình với Wladek là Paquel Zaleski. Wladek lại một lần nữa kể lại câu chuyện của mình và anh thấy mô tả bằng tiếng Ba Lan dễ hơn tiếng Anh nhiều. Paquel Zaleski yên lặng nghe anh nói, và lắc đầu buồn bã.

- Tội nghiệp chú quá, - Ông- Khẽ nói. - Chú còn trẻ thế mà đã phải chịu đựng quá nhiều cái đau khổ của đất nước ta. Bây giờ phải làm gì cho chú đây?

- Tôi phải trở về Ba lan để đòi lại cái lâu đài của tôi - Wladek nói.

- Ba Lan ư - Paquel Zaleski nói. - Đó là đâu? - Mảnh đất chú đã sống ấy hiện nay còn đang tranh chấp, và chiến sự còn đang nổ ra giữa người Ba Lan với người Nga. Tướng Pilsudski còn đang làm mọi cách để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc chúng ta. Nhưng nếu chúng ta lạc quan thì sẽ là điên rồ. Ở Ba Lan bây giờ chẳng còn mấy chút gì cho chú đâu.

Không, điều tốt nhất cho chú bây giờ là bắt đầu một cuộc sống mới hoặc ở Anh hoặc ở Mỹ.

Nhưng tôi không muốn đi sang Anh hay sang Mỹ. Tôi là người Ba lan.

- Chú vẫn cứ là Ba lah, Wladek ạ. Dù chú quyết định sống ở đâu thì cũng chẳng ai lấy đi được cái danh nghĩa đó của chú. Nhưng chú phải thực tế đối với cuộc sống của mình, mà cuộc sống ấy bây giờ mới chỉ là bắt đầu thôi.

Wladek cúi đầu thất vọng. Anh đã phải trải qua tất cả những điều trên đây để rồi bây giờ được nghe nói là sẽ chẳng bao giờ trở lại với quê cha đất tổ nữa hay sao? Anh cố nín không khóc.

Paquel Zaleski quàng tay ôm lấy vai anh. Chú đừng bao giờ quên rằng chú là một trong những người may mắn đã có thể trốn thoát và sống sót được Chú chỉ cần nhớ đến ông bạn bác sĩ Dubien để thấy rằng cuộc sống có thể như thế nào.

Wladek không nói gì.

- Bây giờ chú phải gạt bỏ tất cả những chuyện quá khứ lại phía sau, vả chỉ nên nghĩ đến tương lai thôi. Có thể, trong đời chú, một ngày kia lại trông thấy đất nước Ba Lan đứng dậy, mà điều đó thì ai cũng mong muốn lắm.

Wladek vẫn im lặng, không nói gì.

- Nhưng thôi, chú không cần phải có ngay một quyết định gì, - Ông lãnh sự thân mật nói. - Chú có thể ở lại đây muốn bao lâu cũng được, rồi sẽ tính đến tương lai của chú sau.
 

Có thể bạn quan tâm

Top