Ngày Qúy Tỵ (15) tháng Bảy năm Canh Tuất 1790 khi phái đoàn Tây Sơn dự buối yến ở Thanh Âm các thì Quang Trung đã "xin" Càn Long cho mặc y phục Mãn Thanh vào ngày hôm sau. Càn Long đồng ý, có ghi lại sự kiện này bằng 1 bài thơ với lời dẫn: "Quốc Vương An Nam Nguyễn Quang Bình Xin Được Mặc Mũ Áo Thiên Triều, Khen Ngợi Chấp Thuận Lời Thỉnh Cầu Của Y, Bèn Làm Thơ Ban Cho Y"
Đan thành vạn lý cận chiêm y,
Đôn sử toàn vô ninh cừ hy.
Bất khẳng hữu canh ban phụng chiếu,
Khước hân vô ý khất oanh y.
Thanh lương thủ thích gia ưng duẫn,
Điển lễ như thường thận mạc vi.
Cự viết nhất gia đàm phụ tử,
Hải bang dịch diệp vĩnh trinh ky
Trong bài thơ trên thì câu 4 & 6 có nguyên chú đáng chú ý:
+ Khước hân vô ý khất oanh y. [nguyên chú: Nguyễn Quang Bình đến [Tỵ Thử] sơn trang chiêm cận, cung cẩn rất mực; Ta lấy làm yêu mến, y cảm động trước ơn tình bèn xin được tuân theo phép áo mũ Thiên Triều. [Ta nghe thế] càng thêm vui mừng vì lòng trung thành của y, nhân đó mà ban cho mũ gắn hồng bảo thạch cùng lông công 3 mắt, áo hoàng mã quải để tỏ lòng ưu đãi yêu quý. Mà Ta trước đây cũng chưa từng hạ chỉ bắt y phải thay đổi trang phục bản quốc]
+ Điển lễ như thường thận mạc vi. [nguyên chú: Xuân năm nay gia ơn mà ban cho Nguyễn Quang Bình dây lưng đai ngọc màu vàng (hoàng thinh ngọc đái), [y] lại khẩn khoản tuân theo phép áo mũ Thiên Triều [mặc] vào buổi tiệc tại [Tỵ Thử] sơn trang, nên [Ta] cho mặc y phục mãng bào màu vàng của các Hoàng Tử dùng, ngự ban áo ngắn thêu 4 con rồng hình tròn (tứ đoàn long quái). Đến ngày tiến Kinh chúc mừng, theo điển lễ mà cho mặc áo mũ của nước y để làm rõ thể chế. Lại nghĩ y là Quốc Vương, làm chủ một nước, nhân dân trong nước nhìn vào, mà bắt gọc đầu gióc tóc lại đổi quần áo mũ áo nước mình, vốn không phải bản ý của Ta. Bèn ra lệnh tuyên dụ rõ ràng cho y biết để ơn lẫn lễ đều vẹn toàn.]
(Tờ 14a-14b, quyển 53, Bát Tuần Vạn Thọ Thịnh Điển [八旬萬夀盛典])
Nhìn vào vài chú dẫn nêu trên thì rõ đúng Quang Trung (giả) đã “khẩn khoản” xin Thiên Triều cho mặc y quan Mãn Thanh vì “ngưỡng mộ” như đã nhận định. Nhưng ngọn nguồn câu chuyện có "đơn giản" như những gì sách vở ghi lại?!
3 văn bản ng chép ra sau đây, lấy từ THANH CAO TÔNG THỰC LỤC [淸高宗實錄] sẽ cho ta thấy đâu là nguyên nhân sâu xa, đầu tôm đuôi cá sự việc này.
--------------------
Đạo dụ văn của Càn Long ngày Mậu Dần (27) tháng 02 năm Giáp Tuất [11/04/1790] chép:
"Dụ các đại thần ở Quân Cơ Xứ: Theo tờ tâu Phúc Khang An gửi đến về nhật kỳ đến cửa quan của Nguyễn Quang Bình, nguyên văn tờ bẩm cùng bản thảo văn thư gửi đến, [Phúc Khang An] xử lý công việc thỏa hợp. [Phúc Khang An] xưng rằng: “Bọn Nguyễn Quang Hiển lúc về nước đi qua tỉnh Việt từng nói yêu mến MÃNG BÀO của Nội Địa đẹp đẽ hoa mỹ, cả đời chưa từng thấy, tại Kinh đô có mua mấy bộ, sau ở Hán Khẩu Hồ Bắc lại mua thêm mang về. Nay Quốc Vương [Nguyễn Quang Bình] gửi trình lên kiểu mẫu, xin cho dệt MÃNG BÀO làm lễ phục mặc lúc dự yến tiệc. Việc Ngoại phiên yêu mến ngưỡng mộ lễ phục Trung Hoa, dùng lời nói khéo thỉnh cầu, tự thấy nên thuận theo mà ban cho, xử lý gấp gáp gửi cho [Nguyễn Quang Bình]. Nguyễn Quang Bình từ khi nhận phong Vương làm phiên thuộc càng thêm cung thuận, xin chiêm cận chúc mừng, xem như là nội thần. Nhân việc người cháu là Nguyễn Quang Hiển về nước, thấy MÃNG BÀO Nội Địa đẹp đẽ hoa mỹ, bẩm xin được chế tạo làm lễ phục dự buổi triều yến để thêm vẻ vang tấm thân. Tuy nhiên MÃNG BÀO Nội Địa không thể chỉnh sửa thành kiểu áo cổ tròn [VIÊN LĨNH] thể thức Hán. Nếu Quốc Vương có lòng ngưỡng mộ phong tục Trung Nguyên, muốn noi theo chế độ Thiên Triều, ấy là việc tốt. Tuy nhiên xem qua tờ bẩm của [Nguyễn Quang Bình] tuy có lời rất ngưỡng mộ hoa văn y phục Trung Châu, giả sử cho phép thay đổi mũ áo thì [Nguyễn Quang Bình] cũng lấy làm vui mà noi theo, nhưng lời nói vốn không rõ ràng cũng không thể miễn cưỡng. Nếu Quốc Vương quả thật có ý đó, Trẫm gia ơn vượt mức thường mà ban cho chương phục, không chỉ chiếu theo phẩm trật hàng Thân Vương ban cho mũ có gắn hồng bảo thạch trên đỉnh, áo mã quái thêu 4 rồng hình tròn; cho hợp với sắc phục của các A Ca ban cho MÃNG BÀO màu kim hoàng, để tỏ sự ưu đãi khác thường, Quốc Vương nghe được ắt càng thêm vui mừng hăng hái. Trẫm xét thấy quốc tục nước kia noi theo thể chế nhà Hán, y phục lẫn đầu tóc quyết không thể đổi được, nếu tuân theo 2 cách thật cũng không tổn hại hại gì. Nay lệnh Phúc Khang An chước lượng tình hình mà dâng lên kiểu mẫu MÃNG BÀO muốn dệt có giống như chế độ Thiên Triều hay không? Nếu Quốc Vương kia không có ý thay đổi chương phục thì MÃNG BÀO Nội Địa Nguyễn Quang Hiển từng mua đem về khó mà thay đổi được, bất quá cũng chỉ là sự ngưỡng mộ y phục Trung Hoa mà thôi.
[tờ 32a – 33b, quyển 1349, Thanh Cao Tông Thực Lục]
NHƯNG, theo tờ dụ của Càn Long ngày Mậu Thân (27) tháng 03 năm Giáp Tuất [11/05/1790] thì mọi chuyện chỉ là “HIỂU LẦM”:
" Dụ các đại thần ở Quân Cơ xứ: Cứ theo như lời tâu gần đây của Phúc Khang An cho hay, kiểu mẫu MÃNG BÀO Nguyễn Quang Bình gửi đến chỉ là VIÊN LĨNH (áo cổ tròn) theo thể thức nhà Hán, nay mới hiểu ra mấy lời tâu trước kia là NHẦM LẪN. Tóm lại cũng bởi trong tấu chiệp của Phúc Khang An khi trước nói “Quốc Vương ngưỡng mộ lễ phục Trung Hoa, Nguyễn Quang Hiển ở Hán Khẩu Hồ Bắc có mua MÃNG BÀO mang về nước...” [Trẫm] xem qua tấu chiệp mới hiểu ra ý tứ, nhất thời nghĩ rằng [Quang Hiển] ở Hán Khẩu Hồ Bắc mua MÃNG BÀO thì quyết không thể chỉnh sửa thành VIÊN LĨNH (áo cổ tròn) được nên cho rằng viên Quốc Vương ngưỡng mộ phong tục Trung nguyên, đợi sau khi đến Nhiệt Hà noi theo mọi người mà đổi mặc y phục Trung Quốc. Thấy [Quốc vương] có ý cung kính nên giáng chỉ hỏi han, KHÔNG BIẾT LỜI BẨM CỦA NƯỚC NÀY VỐN KHÔNG PHẢI NHƯ THẾ, CÓ THỂ GÂY RA HIỂU LẦM [BÊN TA] MUỐN ÉP BUỘC HỌ THAY ĐỔI [Y PHỤC]. ẤY LÀ SAI LẦM VẬY!...
[tờ 34b – 35a, quyển 1351, Cao Tông Thực Lục]
-----------------
Cũng chính trong dụ văn trên, còn 1 đoạn cuối thuật lại sự phẫn nộ không hề nhẹ của Càn Long trước lỗi lầm ngây ngô của Phúc Khang An và mấy anh thư lại cấp dưới, mà từ đó có thể gây ra sự hiểu nhầm Thanh triều "muốn cưỡng bách [Tây Sơn] cải hoán y phục":
"...Nay xem kỹ tấu chiệp của Phúc Khang An, có câu “Lúc này chưa thuận tiện thông tri việc này” tức [Khang An] đã biết mọi chuyện là NHẦM LẪN nhưng không dám nói rõ. Phúc Khang An nhận ơn sâu nặng của Trẫm, được giao phó nhiệm vụ quan trọng nơi biên quan, xử lý công việc [giao thiệp với] An Nam. [Khang An] thấy Nguyễn Quang Bình cầu xin nhập cận, nơi biên quan yên tĩnh không khỏi trong tâm chất chứa sự cao hứng, mỗi lúc tâu bày lại “thêm mắm dặm muối” [phu diễn nhàn văn], khiến sai nhầm bản ý [ý ban đầu]. Như tấu chiệp trước nói: “[An Nam] ngưỡng mộ lễ phục Trung Hoa ở Hán Khẩu có mua Mãng Bào”, thử nghĩ xem đấy là áo mũ theo thể chế nhà Hán, không phải theo chế độ của bản triều [nhà Thanh], chỉ có thể gọi là VIÊN LĨNH [áo cổ tròn], sao có thể gọi là MÃNG BÀO được? lại càng không thể gọi là lễ phục Trung Hoa. Đây chắc do mấy tên văn thư (thư lại) ngu hèn, lúc biên chép bản sao các tấu chiệp tùy tiện chắp nhặt câu văn, Phúc Khang An đã không am tường văn nghĩa lại thêm không kiểm tra cẩn thận, vội vàng đem chuyện tâu lên, gây ra sai lầm đến thế này. [Trẫm] nghĩ đến lại thêm phiền muộn! Mấy tay văn thư (thư lại) ngu kém này thật không thể dung thứ chút nào được. Nay nhanh chóng truyền dụ cho Phúc Khang An nhất thiết không hé lộ lời lẽ trong tờ chỉ này cũng như tờ dụ trước [cho phía An Nam nghe biết], cứ vờ như không có chuyện này là tốt. Nếu Nguyễn Quang Bình đã đến cửa quan, Phúc Khang An trong lúc trò chuyện cứ tình thực mà nhanh chóng tâu bày, không nên lừa dối bưng bít."
[tờ 35a – 36a, quyển 1351, Cao Tông Thực Lục]
-----------------
Chẳng những khó chịu về cách làm việc cẩu thả của Phúc Khang An, đến ngày Giáp Tuất (24) tháng 04 [06/06/1790] Càn Long ban ra 1 dụ văn “chửi” luôn cả mấy anh quan đại thần làm việc ở Quân Cơ xứ; cũng như nhấn mạnh 1 lần nữa phái đoàn Tây Sơn chỉ gửi mẫu VIÊN LĨNH (áo cổ tròn kiểu Hán) chứ không phải MÃNG BÀO người Mãn; cũng như tha thứ cho sự "cao hứng" rồi "thêm thắt" của bọn Phúc Khang An:
"Lại dụ rằng: Phúc Khang An tâu nói: “Lời tâu trước có nói Nguyễn Quang Bình mua VIÊN LĨNH (áo cổ tròn), ngôn từ nghĩa lý hỗn tạp, quả là xằng bậy sai lầm, xin giao Bộ nghiêm nghị. Lần trước có nhận được chỉ, chưa đem ra thông tri cho biết, khi Nguyễn Quang Bình đến cửa quan tuân theo chỉ dụ không để lộ chuyện này”.
Kiểu mẫu MÃNG BÀO Nguyễn Quang Bình gửi đến chỉ là VIÊN LĨNH (áo cổ tròn) theo thể thức nhà Hán. Lời lẽ trong tờ chiệp Phúc Khang An tâu bày không rõ ràng, Trẫm mới HIỂU NHẦM ý [phía An Nam]. Các đại thần ở Quân Cơ xứ nhận được tờ dụ cũng không thấy được [sai lầm này] mà trực tiếp tâu bày để đến nỗi gây ra nhầm lẫn lầm khiến [An Nam] nghĩ bên ta có ý ép buộc họ thay đổi mẫu thức y phục. Nay Phúc Khang An tâu lên vẫn chưa thông tri [cho phía An Nam hay biết] mà chỉ dụ cứ liên tiếp nhận được, không đến nỗi gây nguy hại đến toàn cục. Cái lỗi trong lời tấu trước kia của Tổng đốc [Phúc Khang An], vốn là lỗi chung cả bọn các ngươi có thể tha thứ, cho nên gia ơn không giao cho Bộ nghị xử. Phúc Khang An từ rày về sau có tấu bày điều chi phải lưu tâm kiểm tra cẩn thận, cứ thật tình trình bày, chớ vì một phút cao hứng mà “thêm mắm dặm muối” [đồ vụ nhàn văn], gây nhầm lần bản ý (cái ý ban đầu vốn có).
(tờ 32b – 33b, quyển 1353, Cao Tông Thực Lục)
----------------------
Túm cái váy lại, ban đầu bên TS chỉ gửi mẫu, xin dệt áo bào cổ tròn (Viên Lĩnh) thể thức nhà Hán, nhưng do sự bất cẩn của Phúc Khang An trong câu chữ làm Càn Long ngộ nhận Quang Trung "ngưỡng mộ Mãng phục" Thiên Triều rồi "xin xỏ".
Mãi về sau, có lẽ vì muốn chiều lòng Thiên tử, Phúc Khang An đã mớm lời để từ đó phía Tây Sơn "xin xỏ" Càn Long cho mặc y phục Thiên Triều. Có mấy anh phái đoàn Triều Tiên thấy vua xứ ta được ban y phục THÂN VƯƠNG, trong khi ngó lại vua xứ Triều chỉ dám xưng VƯƠNG, mặc áo bào đỏ thì GATO là điều dễ hiểu
----------------------
Thấy "hiện tượng" mà không hiểu rõ "bản chất", chú trọng "kết quả" mà không xem xét "quá trình". Đó là cách học của kẻ ngu đần!
Ảnh A0D454C0 3240 4FC4 B03C A1738D6AC61A lưu trữ tại UpAnh.tv
upanh.tv
Ảnh 5C3C1972 6980 49FB 81AB D41B5980E7F8 lưu trữ tại UpAnh.tv
upanh.tv