Các diễn giả trong clip này "diễn" xoàng quá, có lẽ họ có ý giật tít để câu view thôi. Hiểu biết của mình về nền giáo dục hiện-tại của Việt Nam rất hạn chế, nhưng cũng như đa số các ông bố bà mẹ khác có con đang đi học, mình cũng rất băn khoăn về việc dạy-và-học (đến bậc đại học). Thôi thì biết gì chia sẻ nấy, các bạn góp thêm vào nhé vì với giáo dục mình là người ngoại đạo. Ngoài công việc chính ở sở có đi dạy thêm, đúng hơn là đi "trình bày" một số vấn đề về hoạt động thực tế của ngân hàng thương mại cho một vài nơi mà người nghe là sinh viên ĐH năm cuối hoặc một vài khóa MBA trong môn học về quản lý tài chính, kế toán của doanh nghiệp non-bank vì các học viên có nhiều người background không phải là ngành kinh tế, thế nên bàn về dân-trí hay trí-thức thật sự là quá tầm. Cũng xin phép thi thoảng được dùng ít từ tiếng Anh cho nó ngắn, chứ không phải thích tỏ vẻ gì cả đâu.
Theo mình hiểu, một nền giáo dục cần có triết lý; đại loại nước thì phải có quốc pháp, nhà phải có gia phong. Triết lý của nền giáo dục nước CHXHCN Việt Nam là gì, chưa thấy ai nói. Đã là triết lý giáo dục thì phải ngắn gọn, ví dụ như triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa chỉ giản dị là: Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng. Leo cầu thang mà không có lan can, tay vịn thì quá rủi ro; đúng không các bạn?
Một điều thật sự khó hiểu (với mình, đến tận bây giờ, năm 2021) là các nhà quản lý nhà nước vẫn còn nhầm lẫn khái niệm "học vấn" với "văn hóa". Anh, chị có thể có học vấn rất cao, sau tiến sỹ (Post Doc) nhưng chưa chắc đã biết hành xử sao cho có văn-hóa. Vì điều nhầm lẫn này nên (có thể chăng) đa số người Việt Nam háo danh, bằng mọi cách (kể cả là lưu manh) để có được tấm bằng học-vấn bét nhất cũng Cử nhân, rồi đang phổ cập Thạc sĩ và với quan chức đầu tỉnh, ngành thì là Tiến sĩ. Ngoài cái háo danh có từ thời thâm căn cố đế các cụ đồ nho (cố mà học tầm-chương-trích-cú, thi cho đỗ để rồi được bổ làm quan và thôi từ đấy không học nữa, coi như học đủ mấy bồ chữ rồi) còn cái trò đánh giá con người qua bằng cấp chứ không khách quan trên cơ sở năng lực. Nói đúng hơn là không xây dựng được các tiêu chí và phương pháp tiến hành đánh giá khách quan khả năng, năng lực con người. Cái lối suy nghĩ ông trạng Quỳnh nhúng 2 bàn tay vào nghiên mực vẽ được những hẳn 10 con giun TÀI hơn gã thợ trong 1 tiếng trống thêu xong 1 con chim truyền từ đời nọ đến đời kia và được biên hẳn vào các câu chuyện cổ tích Việt Nam thì dạy sao được con-cháu các đời sau không "ngạo-nghễ-Việt Nam".
Người Việt Nam có thông minh hơn dân các nước khác không? Tôi thấy chả kém hơn, nhưng cũng không thông minh hơn như cái kiểu tự-sướng với lô huy chương vàng/bạc/đồng mang về từ các cuộc thi Olympic Toán Lý Hóa... và bảng xếp hạng toàn đoàn. Nói ngắn gọn, chúng ta vào lớp Một cũng ở điểm xuất phát như học sinh các nước khác thôi. Nguyên vật liệu là như nhau, vậy tại sao thành phẩm (học xong Trung học, tốt nghiệp Đại học) lại dở ông, dở thằng đến thế? Phương pháp dạy, hướng dẫn học trò có vấn đề rồi, chắc chắn là như thế. Bọn nhóc nhà mình ơn giời bố chúng nó khá hơn bố mình nên được học trường tư, tử tế; mình thấy ổn nhưng bà Nội bà Ngoại bọn nó không vui, đại để nói các-cháu-không-ngoan, hay-cãi-người-trên. Mình thì thường nhịn các cụ, gió làm sao thành bão nếu không vướng phải tường chắn; nhưng một đôi lần không nhịn được cũng phải vặc lại "các cháu ngoan như bà muốn thì chắc Việt-nam lại phải bàn về chuyện ở-bên-Tây-đèn-dầu-treo-ngược". Hồi mới đi làm, làm ở SGN ấy mình thích bọn nhóc trong đấy lắm, đi học về, vào nhà, thấy khách là khoanh tay "con-chào-chú" nhưng rất tự tin chứ không phải kiểu im lặng chịu trận "không-được-cãi-người lớn" như ngoài HAN. Cô bạn gái mình hồi đấy thi thoảng giỡn chơi "sao lại yêu em", mình nói rất thật lòng "anh thích cái cách người SGN dạy trẻ con, như người Pháp".
Dân trí cao nôm-na là nói về nhóm được học/nghiên cứu nhiều hơn số đông; tạm tính từ số người học Master trở lên đi. Mình học theo hệ của Pháp, thấy họ tách ra 2 nhóm rất rõ ràng: hệ ứng dụng, và hệ nghiên cứu/hàn lâm. Chương trình học thiết kế cho 2 hệ này khác nhau rất rõ rệt, từ tuyển sinh đầu vào, cho đến nội dung học, phương pháp dạy/học và cách thức đánh giá/chấm điểm. Đã học Ms thì người học như mình thấy đều có nhu cầu học thực-sự, thôi thúc thì đúng hơn chứ không như (mình chứng kiến) người học MBA ở trong nước. Đã bỏ tiền ra học thì sao lại xin-xỏ thầy dạy ít thôi, sao lại chả bao giờ đọc textbook, sao lúc thi lại bằng mọi cách gian lận, kể cả là những trò ti tiện. Nhiều bạn miệt thị các ông thầy, mình nhìn góc khác chút: anh không mua thì sao có người đi bán???
Với các tiến sĩ làm ở Việt Nam, mình không có ý kiến gì dù dư luận có bao nhiêu chuyện nọ, điều kia. Chỉ băn-khoăn sao tiến sĩ lại có thể phản biện tiến sĩ được nhỉ, lấy tiến sĩ xong mà không tiếp tục nghiên cứu thì chỉ dăm năm thôi là lạc hậu rồi? Mình có đăng ký thẻ đọc trả phí ở thư viện trên Tràng Thi, có dạo cũng tò mò xem một số luận án thì thấy chưa cần nghiền-ngẫm, chỉ cần nhìn hình thức luận văn và cách đặt vấn đề cũng thấy.... các bản luận án này KHÔNG giống chuẩn, ngay từ cách trích dẫn cũng đâu có theo Harvard style referencing đâu. Đến cái khái niệm cơ bản: luận văn tiến sĩ (mảng Kinh tế ngành) đề cập đến Tri-thức, hay chỉ đưa ra Thông-tin dựa trên việc xử lý mớ dữ liệu mơ hồ, số liệu không đạt chuẩn còn lẫn lộn, nói gì.
Giáo sư đại học (thời Pháp thuộc và trước 4/1975 ở Việt Nam Cộng hòa chỉ cần đi dạy Trung học là đã được gọi là giáo sư) theo như mình hiểu là những bậc thầy của thầy dạy đại học rồi: viết sách chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các dự án nghiên cứu, làm tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các Giáo sư đại học gần như không còn thời gian để dạy bậc đại học, và danh tiếng của các thầy thể hiện qua 2 việc mà ai cũng có thể kiểm chứng được: thầy làm Giáo sư ở trường nào; các nghiên cứu của thầy được công bố trên những tạp chí nào, có bao nhiêu người trích dẫn (cited) các nghiên cứu ấy. Nếu cứ chiếu theo cái hiểu biết (chắc là chưa đầy đủ, nhưng không sai) này với các vị được phong học hàm Gs, PGs ở trong nước thì có lẽ...
Theo mình thì tiêu đề Clip này nên sửa lại là "tại sao Việt Nam có nhiều tiến sĩ thế mà vẫn là một nước lạc hậu thuộc tốp nhất nhì thế giới" thì đỡ sỉ-nhục khái niệm Dân-trí-cao hơn. Đã mang cái tiếng trong trời đất là-trí-thức thì cần có liêm-sỉ, phải không các bạn?
Sắp rằm tháng Tám rồi, Hàng Mã năm nay có bán "cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai / Cũng gọi ông nghè có kém ai" không, nhỉ?