ĐỪNG ĐỌC MÀ CHƯA NGẪM, ĐỪNG A DUA THEO SỐ ĐÔNG.
-------------------------------
BÀN VỀ SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 1
Những ngày vừa qua, tự dưng dân tình xôn xao những bất cập của Sách giáo khoa lớp 1. 9 người 10 ý. Tựu chung lại vẫn là chê. Cá nhân mình là một trong số những giáo viên có may mắn được tập huấn online với chủ biên sách Cánh diều Tiếng Việt Mình sẽ chia sẻ những ý tưởng của tác giả bộ sách và giải đáp các thắc mắc của bố mẹ trên sự hiểu biết của mình về bộ Tiếng Việt Cánh diều 1
1. “Tại sao năm nay sách Cánh diều học quá nhanh, 1 ngày 2 âm hoặc 2 vần, làm sao con nhớ được”
Trả lời: Sách cũ thì vẫn 1 ngày học 2 âm mới hoặc 2 vần mới thôi ạ. Ko tin, bố mẹ giở lại sách cũ ra xem
Chỉ có điểm KHÁC NHAU:
- Năm nay, chủ trương của những người viết sách, muốn đẩy mạnh việc rèn kĩ năng đọc của HS. Nên năm trước, 1 bài chỉ có vài từ mới; 1,2 câu mới. Còn năm nay vốn từ trong sách đã nhiều hơn.
- Năm trước, học kì 2 mới học các đoạn là Tập đọc. Năm nay tuần 4,5 đã học Tập đọc với các đoạn dài. Vẫn là tiêu chí cũ: đẩy mạnh việc rèn kĩ năng Đọc trong 4 kĩ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.
- Năm trước, cứ sau 2 âm/ vần sẽ có 1 bài tập viết. Năm nay sau 4 âm/ vần mới thì mới viết 1 bài. Các con luyện đọc nhiều hơn nhưng đỡ vất khoản cô trò cùng chạy các bài tập viết trên lớp.
2. “Tại sao sách lại toàn dùng từ ngữ khó hiểu?”
Trả lời: Theo nguyên tắc môn TV, bài sau chỉ được có các tiếng chứa vần bài đã học.
- Ví dụ sao lại dùng từ “chả” thay cho từ “không”. Vì lúc đó HS chưa học vần “ông” nên không dùng được từ “không” thôi.
”Thế tại sao các ông bà viết sách không nghĩ ra từ nào hay hơn, toàn đưa các từ nhạy cảm vào cho HS kiểu tranh vẽ “nhà nghỉ”?
Ôi đọc đến đây thì mình nghe quá đáng thật
Bố mẹ biết không, để nghĩ được các tiếng, từ có âm/ vần của bài trước, lại không được chứa âm/ vần chưa học, nó khó cực kì luôn ấy chưa kể là còn muốn đưa hẳn 1 bài tập đọc phải chứa toàn các tiếng, từ đạt yêu cầu như vậy Thật sự không đơn giản chút nào. Vì khi các cô giáo ngồi nghĩ các từ để đưa vào bài cho HS đọc thêm, đã phải suy nghĩ rất lâu, vì chữ này chưa học, chữ kia cũng chưa học, không được đưa vào.
Mình muốn bố mẹ hiểu việc đưa bài Tập đọc vào, nhất là những tuần học kì 1, nó ko dễ như tập làm văn. Mà nó phải lựa theo đúng nguyên tắc khi viết sách, là chưa học thì chưa được xuất hiện âm/ vần đó. Nên nhiều khi bí từ cực kì ạ
Chứ các giáo sư thì làm văn giỏi gấp vạn lần dân thường chúng ta. Không phải họ ko biết viết văn cho hay đâu ạ
Mà chủ biên đã nói những bài Tập đọc để tham khảo. Thế nên bố mẹ khi tự dạy con buổi tối, nếu không thích thì không cần cho con đọc Tập đọc trong sách. Các bố mẹ cứ thoải mái linh động bằng các mẩu chuyện khác, miễn sao rèn được kĩ năng đọc cho con
Còn về độ nhạy cảm của các từ sao nhiều anh chị lại áp đặt suy nghĩ của người lớn vào trẻ con nhỉ. Anh chị nhìn chữ “nhà nghỉ”, cho nó là nhạy cảm, vì trong tiềm thức của anh chị đó là nơi nhạy cảm. Còn trong đầu trẻ con, đã làm gì có khái niệm đó. Tôi dạy trẻ con “Nhà nghỉ” là ngôi nhà dùng để nghỉ lại khi ta đi xa hoặc là điểm dừng chân nghỉ ngơi dọc đường xa. Đơn giản vậy thôi đó Các anh chị suy diễn cũng phải vừa vừa không có các con bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi chính bố mẹ đó
3. Tại sao lại xuất hiện các bài học Tập đọc với nội dung “lươn lẹo, dối trá,...”. Sao lại dạy con dối trá như vậy?
Trả lời: Các bố mẹ có thể phân biệt được việc “đưa ra thông tin” và “ đưa ra lời khuyên” nó khác nhau thế nào không?
Thế hàng ngày bố mẹ xem thời sự, có cả mấy tin cướp của, trộm cắp. Chẳng nhẽ mai người lớn cũng hấp thụ hết những cái tiêu cực từ chương trình thời sự đó sao?!
❣Đó chỉ là “đưa ra thông tin”. Người nghe tiếp nhận thông tin và chắt lọc, phân tích đúng sai, nếu là cái đúng thì học tập, ca ngợi. Nếu là cái sai thì lên án, bài trừ.
Giống như đứa trẻ cũng vậy. Độ tuổi này non nớt nên mới cần có thầy cô, bố mẹ phân tích thông tin, nhận định đúng sai để con nhận ra cái sai, lên án cái sai và học tập theo cái đúng.
Hãy nhớ đây là sách giáo khoa, người ta không sản xuất để trẻ con đọc tham khảo, tự học tự hiểu mà sợ trẻ hấp thụ cái xấu.
Đây là bộ sách dùng để giáo viên giảng dạy cho HS. Tức là trước khi HS mở trang sách ra học, thầy cô đã phải soạn trước những kế hoạch bài giảng; Xác định mục tiêu bài học, kĩ năng cần đạt, nội dung cần giáo dục cho mỗi phần trong bài.
Thậm chí ai kĩ lưỡng hơn, còn luyện giảng bài nhiều lần để truyền đạt tốt nhất nhất những kiến thức đúng đắn nhất cho HS.
Tức là bên cạnh cuốn sách mà một vài anh chị đang hiểu “nửa vời”, vẫn còn cả một ekip các thầy cô miệt mài biên soạn, điều chỉnh các bài giảng hợp lí và hấp dẫn nhất, cho 1 năm đầu thử nghiệm thành công nhất. Nên bố mẹ đừng lo lắng quá vậy
❣Chưa kể sách mới với giao diện mới, gây hứng thú cho HS rất nhiều so với sách cũ in 2,3 màu nhạt nhoà, người lớn nhìn đã thấy chán
Mình không bênh sách, bênh người viết sách. Mình đang nói lên quan điểm cá nhân của một người đã đi tập huấn sách mới, có vài điều chia sẻ với các phụ huynh.
Nếu bạn thực sự là người tìm hiểu và nghiên cứu sách, bạn thấy bất hợp lí, hãy viết mail gửi về cho chủ biên sách Cánh Diều
Để phản hồi ý kiến, khắc phục những điểm chưa hợp lí của bộ sách này.
Mong bạn không phải một thành viên “Chê sách theo trào lưu”. Hãy chê một cách sáng suốt nhé