Bloomberg: GE và Honeywell nên dừng cung cấp phụ tùng máy bay cho COMAC
Sau khi Trung Quốc chỉ thị các hãng hàng không dừng tiếp nhận Boeing và các phụ tùng từ Boeing, các chuyên gia hối thúc Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu các nhà sản xuất máy bay Hoa Kỳ dừng việc hỗ trợ Comac phát triển ngàng hàng không vũ trụ.
Vào thứ Ba, Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các hãng hàng không nước này ngừng việc tiếp nhận máy bay Boeing của Mỹ cũng như ngừng việc mua các thiết bị, phụ tùng liên quan đến máy bay của Hoa Kỳ, theo Bloomberg dẫn một nguồn tin ẩn danh.
Đây là động thái trả đũa thuế quan của Hoa Kỳ đã áp lên nước này lên tới 245%.
Với tình hình của Boeing hiện tại, hãng này gần như không thiệt hại gì trước lệnh cấm của Trung Quốc. Hãng này gần như không theo kịp danh sách đơn đặt hàng sẵn có. Boeing đang củng cố các tiêu chuẩn sản xuất và tăng cường sản xuất máy bay 737 Max đang bán rất chạy của mình. Bất kỳ máy bay nào Trung Quốc không nhận sẽ được các nhà khai thác mua ngay vì họ đang rất sốt ruột chờ đợi máy nay phản lực.
Tuy nhiên, tác động dài hạn là đáng kể vì Trung Quốc chiếm 1/5 nhu cầu máy bay chở khách toàn cầu trong 20 năm tới và đang chiếm 1/4 sản lượng của Boeing năm 2018. Tổng công ty máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đang rất tích cực đi chào bán các máy bay thương mại (C909 và C919) nhằm cạnh tranh với Boeing và Airbus.
Vừa qua, trong chuyến đi sang Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Comac cũng ký được hợp đồng bán máy bay cho Hãng hàng không giá rẻ Vietjet.
Trên website của mình, Vietjet đã chào bán các chặng bay thực hiện bởi máy bay Trung Quốc Comac 909 trên chặng bay Hà Nội – Côn Đảo, Tp.HCM – Côn Đảo với mức giá lần lượt là 4,3 – 5 triệu đồng/vé và 1-2,4 triệu đồng/vé, thấp hơn mức giá của VietnamAirlines trên máy bay ATR – 72 của Liên doanh Pháp Ý.
Tính đến ngày 7/1/2025, COMAC đã cung cấp 160 tàu bay C909 ra thị trường đến 12 hãng hàng không (trong đó 11 hãng hàng không của Trung Quốc và 1 hãng hàng không của Indonesia từ 2022). Từ tháng 4/2025, Việt Nam là quốc gia thứ ba khai thác COMAC trên đường bay nội địa.
Chiếc C919, máy bay cỡ lớn 1 lối đi, được Comac giới thiệu nhằm cạnh tranh với 737 Max và Airbus A320, đã được ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc (Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines tiếp nhận. Mỗi hãng có kế hoạch bổ sung thêm 10 đến 12 chiếc trong năm nay, theo FlightGlobal.
Điều thú vị về C919 là các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, đã cung cấp các thành phần chính. Động cơ của máy bay là CFM Leap, được sản xuất bởi liên doanh giữa GE Aerospace và Safran của Pháp. Honeywell International cung cấp hệ thống buồng lái, bánh xe, phanh và các thành phần khác. RTX Corp., Crane Co., Parker Hannifin Corp. và các công ty khác cũng đang giúp chế tạo C919. Nhiều công ty trong số này, bao gồm Honeywell và Parker , đã thành lập các cơ sở sản xuất liên doanh tại Trung Quốc để hỗ trợ C919. Comac cũng đang phát triển một máy bay chở khách thân rộng có tên là C929 .
Chiến lược giúp Trung Quốc thiết kế và sản xuất máy bay thương mại được thực hiện cách đây hơn 1 thập kỷ. Nhưng đại dịch và chiến tranh thương mại đã thay đổi bối cảnh. Hoa Kỳ cần xem xét kỹ lượng xem có nên để các công ty nước mình đi xa tới mức nào trong việc giúp Bắc Kinh theo đuổi tham vọng hàng không vũ trụ.
Nếu Trung Quốc lệnh cho các hãng hàng không Trung Quốc dừng mua máy bay và các phụ tùng của Boeing thì tại sao Chính phủ Hoa Kỳ lại ngồi yên và cho phép các công ty Hoa Kỳ giúp Trung Quốc chế tạo máy bay để phá đi thế độc quyền của Boeing và Airbus?
Không rõ các bộ phận cung cấp cho C919 phải chịu thuế quan là bao nhiêu và bao nhiêu thực sự được sản xuất thông qua liên doanh hoặc nhà máy ở Trung Quốc. Các liên doanh này cũng đặt ra câu hỏi về việc chuyển giao công nghệ ép buộc, cách mà Trung Quốc có được công nghệ để đạt được bước tiến xa hơn trong sản xuất.
Hiện nay, các nhà đầu tư của Boeing không ghi nhận quá nhiều lo ngại, cổ phiếu Boeing giảm chưa đến 2% vào thứ Ba. Vì thực tế, Boeing chỉ có 130 đơn hàng chưa thực hiện từ các hãng hàng không Trung Quốc, 3/4 số đó là đặt hàng máy bay 737Max. Đây là con số quá nhỏ so với 6300 đơn hàng đang tồn đọng của Boeing.
Tuy nhiên, ngắn hạn không phải là cách các quan chức Trung Quốc nghĩ về thế giới. Hoa Kỳ và các đồng minh cần có tầm nhìn dài hạn và tự đặt câu hỏi “Liệu có thông minh không khi giúp Trung Quốc tung ra một đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Boeing và Airbus?”