Vì sao Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm là đòn đau giáng vào Mỹ?

Một người đàn ông làm việc ở công trường khai thác đất hiếm

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,"Đất hiếm" là nhóm gồm 17 nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau, đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.
  • Tác giả,Ayeshea Perera
  • Vai trò,BBC News
  • 4 giờ trước
Khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung leo thang, sự chú ý đổ dồn vào mức thuế trả đũa ngày càng cao hai quốc gia áp lên hàng hóa của nhau.
Tuy nhiên, đánh thuế không phải đòn đáp trả duy nhất của Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt khoáng sản đất hiếm và nam châm quan trọng, giáng một đòn mạnh vào Mỹ.
Bước đi này phơi bày mức độ Mỹ phụ thuộc vào các khoáng sản này.
Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ đề xuất các phương án nhằm thúc đẩy sản xuất khoáng sản chiến lược ở trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu - một nỗ lực của Washington nhằm giành lại quyền kiểm soát ngành then chốt này.
Nhưng vì sao đất hiếm lại quan trọng đến vậy và có thể làm thay đổi cục diện cuộc thương chiến này ra sao?

"Đất hiếm" là gì và có tác dụng ra sao?​

"Đất hiếm" là nhóm gồm 17 nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau, đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Phần lớn các nguyên tố này khá dồi dào trong tự nhiên, nhưng được gọi là "hiếm" vì rất khó tìm thấy ở dạng tinh khiết và việc khai thác tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Dù có thể không quen thuộc với tên gọi của các nguyên tố đất hiếm như Neodymium, Yttrium và Europium, nhưng chắc chắn bạn sẽ rất quen với những sản phẩm được làm từ các khoáng sản này.
Chẳng hạn, Neodymium được dùng để chế tạo các loại nam châm siêu mạnh trong loa, ổ cứng máy tính, động cơ xe điện (EV) và động cơ phản lực - giúp các thiết bị này nhỏ gọn và hoạt động hiệu quả hơn.
Trong khi đó, Yttrium và Europium được dùng để sản xuất màn hình tivi và màn hình máy tính nhờ khả năng hiển thị màu sắc đặc biệt.
"Mọi thứ bạn có thể bật hoặc tắt được đều có khả năng là đang vận hành nhờ đất hiếm," ông Thomas Kruemmer, giám đốc công ty Ginger International Trade and Investment, giải thích.
Đất hiếm cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc sản xuất công nghệ y tế, ví dụ như phẫu thuật laser và máy chụp cộng hưởng từ (MRI), cũng như trong nhiều công nghệ quốc phòng quan trọng.
Neodymium được sử dụng để tạo ra nam châm mạnh được sử dụng trong loa và ổ cứng máy tính

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Neodymium được sử dụng để tạo ra nam châm mạnh được sử dụng trong loa và ổ cứng máy tính

Mức độ kiểm soát của Trung Quốc​

Trung Quốc gần như nắm thế độc quyền không những trong việc khai thác mà cả việc tinh luyện đất hiếm - quá trình tách đất hiếm ra khỏi các khoáng chất khác.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng Trung Quốc nắm giữ khoảng 61% sản lượng đất hiếm toàn cầu và tới 92% khâu chế biến.
Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc hiện đang thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm và có khả năng quyết định những công ty nào được phép - hoặc không được phép - tiếp cận nguồn cung này.
Cả việc khai thác lẫn công đoạn chế biến đất hiếm đều tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.
Tất cả tài nguyên đất hiếm đều chứa các nguyên tố phóng xạ, đó là lý do nhiều quốc gia khác, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), tỏ ra dè dặt trong việc khai thác.
"Chất thải phóng xạ từ quá trình sản xuất bắt buộc phải được xử lý an toàn, tuân thủ quy định và chôn lấp vĩnh viễn. Hiện tại, tất cả các cơ sở xử lý tại EU mới chỉ là tạm thời," ông Thomas Kruemmer cho biết.
Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm không đến trong một sớm một chiều - mà là kết quả của nhiều thập kỷ với các chiến lược đầu tư và chính sách của nhà nước.
Trong chuyến thăm tới Nội Mông vào năm 1992, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - người khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế - nổi tiếng với câu nói: "Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm."
"Bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đã ưu tiên phát triển năng lực khai thác và chế biến đất hiếm, thường với tiêu chuẩn môi trường và chi phí lao động thấp hơn so với các quốc gia khác," ông Gavin Harper, nhà nghiên cứu về vật liệu chiến lược tại Đại học Birmingham, nhận định.
"Điều đó cho phép họ hạ giá thành thấp hơn so với các đối thủ quốc tế và gầy dựng gần như một thế độc quyền trên toàn chuỗi giá trị, từ khai thác, tinh luyện cho đến sản xuất thành phẩm như nam châm."

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản này như thế nào?​

Để đáp trả các đòn thuế quan của Washington, vào đầu tháng Tư, Trung Quốc đã bắt đầu ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với bảy loại đất hiếm - phần lớn thuộc nhóm đất hiếm "nặng", vốn có vai trò thiết yếu đối với ngành quốc phòng.
Những loại đất hiếm này hiếm hơn và khó chế biến hơn so với đất hiếm "nhẹ", vì thế giá trị kinh tế cũng cao hơn.
Từ ngày 4/4, tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu đất hiếm và nam châm đều phải xin giấy phép xuất khẩu đặc biệt.
Sở dĩ như thế là vì Trung Quốc, với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), có quyền kiểm soát việc thương mại hóa các "sản phẩm lưỡng dụng" - vừa phục vụ dân sự vừa phục vụ quân sự.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), điều này khiến Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương, vì hiện không có cơ sở nào ngoài Trung Quốc có khả năng tinh luyện đất hiếm nặng.
Đất hiếm nặng hiếm hơn và khó chế biến hơn so với đất hiếm nhẹ, vì thế chúng cũng có giá trị kinh tế cao hơn.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Đất hiếm "nặng" hiếm hơn và khó chế biến hơn so với đất hiếm "nhẹ", vì thế chúng cũng có giá trị kinh tế cao hơn.

Mỹ sẽ chịu tác động gì?​

Một báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết từ năm 2020 đến 2023, 70% lượng nhập khẩu các hợp chất và kim loại đất hiếm của Mỹ là từ Trung Quốc.
Do đó, các biện pháp hạn chế mới của Trung Quốc có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào Mỹ.
Đất hiếm nặng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực quân sự như tên lửa, radar và nam châm vĩnh cửu.
Theo một báo cáo của CSIS, các công nghệ quốc phòng như tiêm kích F-35, tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay không người lái Predator đều phụ thuộc vào những khoáng sản này.
Báo cáo này cũng nêu rằng Trung Quốc "đang mở rộng sản xuất vũ khí và mua sắm các hệ thống vũ khí, trang thiết bị hiện đại với tốc độ nhanh gấp 5-6 lần Mỹ".
"Tác động đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ rất lớn," ông Kruemmer nhận định.
Và cả trong những lĩnh vực khác.
Ngành sản xuất của Mỹ - lĩnh vực mà ông Trump từng tuyên bố muốn hồi sinh thông qua việc áp thuế - cũng đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề.
"Các nhà sản xuất, đặc biệt trong ngành quốc phòng và công nghệ cao, có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và trễ nải sản xuất do các lô hàng bị ngưng trệ và hàng tồn kho hạn chế," tiến sĩ Gavin Harper nêu.
"Giá nguyên liệu đất hiếm thiết yếu dự kiến sẽ tăng vọt, đẩy chi phí linh kiện trong hàng loạt dây chuyền sản phẩm - từ điện thoại thông minh cho tới khí tài quân sự - lên cao," ông nói thêm, đồng thời cảnh báo điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ bị chậm tiến độ sản xuất.
Nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc kéo dài, Mỹ có thể buộc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đầu tư mở rộng năng lực khai thác, chế biến nội địa, dù điều này sẽ đòi hỏi "nguồn vốn đầu tư lớn, liên tục, cùng những tiến bộ công nghệ đáng kể - và chi phí tổng thể cũng sẽ cao hơn nhiều so với trước đây khi phụ thuộc vào Trung Quốc".
Đây rõ ràng cũng là điều mà ông Trump đã lưu tâm. Trong tuần này, ông đã ra một sắc lệnh yêu cầu một cuộc điều tra về các rủi ro an ninh quốc gia do Mỹ quá phụ thuộc vào các khoáng sản chiến lược như vậy.
"Tổng thống Trump nhận thấy việc quá phụ thuộc vào khoáng sản chiến lược và các sản phẩm phái sinh từ nước ngoài có thể đe dọa năng lực quốc phòng, phát triển hạ tầng và đổi mới công nghệ của Mỹ," sắc lệnh nêu rõ.
"Các khoáng sản chiến lược, bao gồm đất hiếm, là thiết yếu đối với an ninh quốc gia và khả năng phục hồi kinh tế."

Mỹ không thể tự sản xuất đất hiếm sao?​

Mỹ có một mỏ đất hiếm đang hoạt động, nhưng không có khả năng tách các nguyên tố đất hiếm nặng và phải đưa quặng đến Trung Quốc để chế biến.
Đã từng có các công ty Mỹ sản xuất nam châm đất hiếm - cho đến thập niên 80, Mỹ thực ra đã là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất.
Nhưng các công ty này đã rời bỏ thị trường khi Trung Quốc bắt đầu vượt trội về quy mô và chi phí.
Nhiều người cho rằng đó là một phần lý do khiến ông Trump rất muốn ký một thỏa thuận khoáng sản với Ukraine – Mỹ muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Một địa điểm khác mà ông Trump để mắt tới là Greenland - nơi có trữ lượng nguyên tố đất hiếm lớn thứ tám thế giới.
Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến việc giành quyền kiểm soát lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch này và đã không loại trừ việc sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc quân sự để chiếm quyền kiểm soát.
Đây có lẽ là những nơi có thể là nguồn cung đất hiếm tiềm năng của Mỹ, nhưng giọng điệu đối đầu mà ông Trump sử dụng có lẽ chỉ ra rằng Mỹ còn rất ít lựa chọn thay thế cho nhà cung cấp.
"Mỹ đang phải đối mặt với thách thức lớn, một mặt họ đã xa lánh Trung Quốc, quốc gia cung cấp độc quyền đất hiếm, và mặt khác họ cũng đang gây hấn với nhiều quốc gia trước đây là đối tác thân thiện thông qua thuế quan và các hành động thù địch khác," Tiến sĩ Harper nhận xét.
"Liệu những quốc gia đó có còn ưu tiên hợp tác với Mỹ hay không vẫn còn phải xem xét trong môi trường chính sách đầy biến động của chính quyền mới này."
 

Có thể bạn quan tâm

Top