Hữu ái phát sanh kết hợp với thường kiến cho rằng dục lạc là bất khả hoại vì lẽ linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại vĩnh hằng. Phần vật chất của thể xác có thể bị hủy hoại, nhưng phần tinh thần của nó sẽ di chuyển từ thân này đến thân khác, làm phát sanh một kiếp sống mới. Vũ trụ này có thể bị hủy hoại, nhưng linh hồn sẽ tiếp tục sống. Linh hồn là thường hằng, là bất diệt. Quan niệm này được xem là phổ biến nhất ngoài giáo pháp của Đức Phật. Một số người chủ trương quan niệm này cho rằng khi một người chết, họ được đưa lên thiên đàng và ở đây họ sống vĩnh hằng, hay phải xuống địa ngục đời đời, theo ý Chúa. Một số khác thì tin rằng linh hồn sẽ di chuyển từ thân này sang thân khác và tự làm mới lại theo sự vận hành của nghiệp họ đã làm. Số khác nữa thì tin rằng sự sống được tiền định và cố định không thể thay đổi được, nó sẽ tiếp tục vĩnh hằng như vậy theo sự tiền định. Nói tóm lại, tin vào sự thường hằng của linh hồn là thường kiến (sassasa diṭṭhi). Theo quan niệm này, sự sống được ví giống như một con chim nhảy từ cây này sang cây khác khi cái cây già thứ nhất nó đậu mục nát. Cũng vậy, khi thân này chết, linh hồn đi ra khỏi nó để đến một thân mới khác.
Dưới ảnh hưởng của Hữu Ái (bhava taṅhā) được hỗ trợ bởi ý niệm về sự vĩnh hằng, con người lấy làm hài lòng với ý nghĩ cho rằng cái tôi hay cái ngã (atta) thường xuyên đi theo mình. Họ cảm thấy như cái đang hiện hữu đây chính là họ, và tin rằng những gì họ đang được hưởng họ cũng sẽ được hưởng trong các kiếp sống tương lai. Chính vì vậy sự dính mắc của họ vào những gì họ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong suốt cuộc luân hồi này.
Họ không chỉ thích thú trong các dục trần họ hưởng thụtrong kiếp hiện tại mà còn thích thú trong cả những cái mà họ hy vọng sẽ được hưởng trong kiếp sau. Họ muốn hưởng thụ cuộc sống hiện tại và họ cũng mong muốn được tiếp tục hưởng nó trong những kiếp lai sanh. Sau khi đã được sống một kiếp sống hạnh phúc như một con người, họ thậm chí còn đi xa hơn thế nữa, đó là hy vọng được hưởng các lạc thú của cõi trời như một vị chư thiên. Lòng tham cứ tăng trưởng mãi như vậy. Có những người thích kiếp nào sinh ra cũng được làm người nam trong khi những người khác lại nguyện được làm người nữ. Tất cả những khao khát này là công việc của hữu ái (bhava taṅḥā). Con người không biết rằng sự mong mỏi những dục trần mà họ đã từng được hưởng thụ và chấp đắm vào chúng ấy có nghĩa là họ đã chấp nhận mang cái gánh nặng của năm uẩn. Do đó, Hữu Ái chính là sự khát khao các dục lạc cộng với niềm tin cho