Những sỹ quan Nhật trong hàng ngũ bộ đội Việt Minh thời đầu chống Pháp
Buổi đầu trứng nước bộ đội Việt Minh (Vệ quốc đoàn) rất thiếu cán bộ chỉ huy. Một trong những nguồn cung cấp cán bộ chỉ huy là các sỹ quan và binh lính Nhật Bản trốn ở lại Đông Dương, không hồi hương về cố quốc sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh (08/1945). Tại sao họ ở lại và tại sao họ tham gia chống Pháp, trên mạng thảo luận nhiều rồi, ở đây không bàn tới. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là với nền tảng được đào tạo cơ bản, với kinh nghiệm trận mạc, họ đã góp phần đáng kể vào việc hình thành lực lượng vũ trang của Việt Minh.
Hồi mới thành lập, Vệ quốc đoàn có thành phần khá phức tạp, bao gồm nhiều nông dân, công nhân, thợ thủ công, học sinh... chưa một ngày cầm súng. Nhiều người còn mù chữ, tập đi đều phải buộc một sợi dây vào một bên chân để hô: “Có chạc! Không chạc! Có chạc! Không chạc...”. Những người sỹ quan Nhật đã giúp đào tạo họ trở thành một lực lượng quy củ, có quân phong quân kỷ, biết xếp đội hình đội ngũ, xử dụng vũ khí và các kỹ chiến thuật cơ bản...
Ví dụ điển hình là Tướng Nguyễn Sơn đã thuyết phục được nhiều sỹ quan Nhật đến giảng dậy ở Trường Lục quân trung cấp Quảng Ngãi (1946-1949). Chẳng hạn Thiếu tá Ishii Takuo (Nguyễn Văn Thống, sau được phong Đại tá Việt Minh) là Hiệu trưởng, các sỹ quan giảng viên Igai Karumasa (Phan Lai), Saitoh (Nguyễn Thinh Tâm), Nakahara Mítumoto (Minh Ngọc)... Thiếu tá Shei Igawa còn là Cố vấn cho Tướng Nguyễn Sơn và sau đó cho Bộ Tổng tham mưu Việt Minh.
Trong trường, các giáo viên Nhật giảng dạy cho các học viên trẻ Việt Nam về cách tổ chức đột kích, phục kích, tấn công ban đêm, chiến thuật, cách liên lạc, thu thập tình báo và chuyển quân... Họ còn tổ chức và chỉ đạo các cuộc tập luyện ở cấp Đại đội và Tiểu đoàn...
Ở miền Bắc, hồi Việt Minh mới giành được chính quyền, đã có một số sỹ quan Nhật Bản giúp tiếp nhận vũ khí từ Quân đội Nhật và quân Pháp bị họ giải giáp tháng 3/1945. Mỗi cây súng, viên đạn lúc ấy đối với Việt Minh là vô giá.
Đại tá Mukayama thuộc ban Tham mưu Tập đoàn quân 38 còn từng làm Cố vấn cho Võ Nguyên Giáp. Khi quân Pháp gây hấn ở Hà Nội, sỹ quan Nhật có tên Ái Việt đã góp ý lập phòng tuyến 3 lớp để bảo vệ Hà Nội, nhưng tướng Vương Thừa Vũ theo phương án khác: “Trùng độc chiến”.
Nhiều chiến binh Nhật Bản trong hàng ngũ Vệ quốc đoàn đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Như Yasuda (Hồ Chí Tâm) đã sử dụng cây Bazoka duy nhất của mặt trận Hà Nội để bắn cháy 2 xe bọc thép Pháp ở Ô Cầu Dền, trước lúc bị hy sinh. Thiếu úy Mátsui là Trung đội phó ở trận chiến phố Nguyễn Du đã bắn trung liên cản bọn Pháp để Đồng đội Việt Nam rút hết rồi mới rút...
Lên Việt Bắc, sỹ quan Mawayoshi Hiro đã tham gia huấn luyện và chỉ huy bộ đội Việt Minh chống cuộc càn của lính dù Pháp ở Băc Kạn. Toshio Komaya (Nguyễn Quang Thục) là cố vấn của e59 từ 1947, rồi sang ban Tham mưu của Liên khu Việt Bắc, đào tạo nhiều cán bộ Tình báo, hoạch định kế hoạch các trận đánh.
Koshio Iwai (Sáu Nhật) là Tiểu đoàn phó d49, rồi Cố vấn cho e174, được kết nạp Đảng. Được kết nạp vào Đảng còn có Yutumi Suchio (Nguyễn Đức Hồng), Suchiyo Tuchita (Nguyễn Văn Đông) và Yoshida Tamio (Phan Tiến Bộ)...
Trong kháng chiến chống Pháp đã có khoảng 300 người Nhật hy sinh khi chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Hơn 20 người đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến. Những chiến sỹ Việt Minh gốc Nhật, cùng hàng ngàn chiến sỹ Việt Minh gốc Đức, Pháp, Tiệp, Maroco, Ba Lan, Hy Lạp... đã được Bác Hồ gọi là những “người Việt Nam mới”.
Tuy nhiên, bắt đầu từ 1950, khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và viện trợ cho Việt Minh, thì những “người Việt nam mới” dần dần bị loại ngũ. Từ 1954-1960 những người Nhật “được” Việt Nam cho hồi hương (lúc đầu ko cho mang theo vợ con người Việt)...
Về tới Nhật, cuộc sống của họ cũng muôn phần khốn khó, vì thời đó họ bị phân biệt đối xử, và phải đối mặt với tội danh “Phản bội Tổ quốc” vì đã từng theo một nước XHCN. Có những người phải hàng chục năm sau mới gặp lại vợ con ở Việt Nam...
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tiếp tục công việc ủng hộ Việt Nam, giúp xây dựng những nhịp cầu kinh tế và văn hóa giữa hai dân tộc Nhật-Việt.../.